intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cấp phép sử dụng tài nguyên giáo dục mở - Tiếp cận từ pháp luật về quyền tác giả

Chia sẻ: Huyết Thiên Thần | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:18

28
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc đưa tri thức KH&CN vào trường học với tiêu chí để người học tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện là việc làm cần thiết, từ đó hình thành nhu cầu về “tài nguyên giáo dục mở” (Open Educational Resources - OER). Bài viết "Cấp phép sử dụng tài nguyên giáo dục mở - Tiếp cận từ pháp luật về quyền tác giả" nêu một số quy định quốc tế về OER có liên quan đến quyền tác giả. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cấp phép sử dụng tài nguyên giáo dục mở - Tiếp cận từ pháp luật về quyền tác giả

  1. CẤP PHÉP SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ - TIẾP CẬN TỪ PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN TÁC GIẢ Trần Văn Hải1, Hoàng Lan Phương1 1. MỞ ĐẦU Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) Thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO), tài sản trí tuệ (Intellectual Property) là khái niệm được dùng để chỉ những sáng tạo trí tuệ của con người như sáng chế, tác phẩm văn học và nghệ thuật, các biểu tượng, tên, hình ảnh và kiểu dáng công nghiệp được sử dụng trong thương mại [1]. Điều 2. viii Công ước Stockholm thành lập WIPO (14.7.1967) định nghĩa: “Quyền SHTT bao gồm các quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; các quyền liên quan đến hoạt động của các nghệ sĩ biểu diễn, sản xuất bản ghi âm, chương trình phát sóng; quyền đối với sáng chế ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, phát minh khoa học; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu và nhãn hiệu dịch vụ; tên thương mại; quyền chống cạnh tranh không lành mạnh; các quyền khác liên quan đến hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật”[2]. Kể từ thời điểm Công ước Stockholm được ký kết cho đến nay, các đối tượng của quyền SHTT đã được mở rộng bao gồm: quyền đối với mạch tích hợp bán dẫn, thông tin bí mật, giống cây trồng. Điều 4.1 Luật SHTT Việt Nam quy định: “Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”. 1 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 239 Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works), Điều 14 Luật SHTT không định nghĩa tác phẩm được bảo hộ mà chỉ liệt kê các loại hình tác phẩm được bảo hộ, việc liệt kê có thể đủ tại thời điểm liệt kê. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), một số loại hình tác phẩm ra đời mà không nằm trong danh mục các tác phẩm đã được liệt kê. Ví dụ: - Công ước Berne không bàn đến việc bảo hộ chương trình máy tính; - Điều 22 Luật SHTT Việt Nam quy định chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Trong thực tế, chương trình máy tính còn có thể được bảo hộ như một sáng chế, Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế do Cục SHTT Việt Nam ban hành quy định: “Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế”.[3] Như vậy, có thể thấy rằng rất cần một văn bản do cơ quan quản lý nhà nước ban hành để khắc phục những bất cập do một văn bản quy phạm pháp luật ban hành – ít nhất là cần thiết tại thời điểm hiện hành để quản lý một vấn đề trong khi chưa thể sửa đổi/bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế do Cục SHTT Việt Nam ban hành nhằm khắc phục quy định tại Điều 22 Luật SHTT như đã nêu trên là một ví dụ. Internet ra đời có thể giúp tác giả đưa tác phẩm của mình tới công chúng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Nhưng internet cũng tạo điều kiện dễ dàng thực hiện các hành vi sao chép, phát tán trái phép tác phẩm, xâm phạm quyền công bố và quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm, quyền của tác giả về bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Sự phát triển nhanh chóng của KH&CN thúc đẩy nhu cầu trao đổi, phổ biến, truyền bá, kế thừa kết quả nghiên cứu để tránh nghiên cứu lặp
  3. 240 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ lại gây lãng phí tài nguyên trí tuệ và các tài nguyên khác, từ đó hình thành nhu cầu “truy cập mở” (Open Access). Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc đưa tri thức KH&CN vào trường học với tiêu chí để người học tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện là việc làm cần thiết, từ đó hình thành nhu cầu về “tài nguyên giáo dục mở” (Open Educational Resources - OER). Trong Hội thảo “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở”, nhiều học giả đã bàn đến khái niệm OER, do đó bài viết xin phép không phân tích khái niệm OER, mà chỉ nêu một số quy định quốc tế về OER có liên quan đến quyền tác giả. 2. QUY ĐỊNH QUỐC TẾ VỀ TRUY CẬP MỞ 2.1. Sáng kiến Budapest Thuật ngữ “truy cập mở” (Open Access) lần đầu tiên được công bố trong Sáng kiến truy cập mở Budapest (Budapest Open Access Initiative) vào tháng 2.2002. Sáng kiến này cho phép người sử dụng quyền truy cập miễn phí trên internet công cộng, có thể đọc, tải xuống, sao chép, phân phối, in ấn tài liệu, chuyển chúng sang phần mềm hoặc sử dụng chúng cho bất kỳ mục đích hợp pháp mà không có các rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật, với điều kiện người truy cập phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả, trong đó nhấn mạnh đến quyền đứng tên đối với tác phẩm, quyền đặt tên cho tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Luật SHTT Việt Nam quy định phù hợp Sáng kiến truy cập mở Budapest, ví dụ Điều 19.1 về quyền đứng tên đối với tác phẩm, Điều 19.2 về quyền đặt tên cho tác phẩm và Điều 19.4 về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Sáng kiến Budapest là chưa đề cập đến việc bảo hộ quyền tài sản đối với tác phẩm, trong đó có các quyền công bố tác phẩm, quyền sao chép tác phẩm, kể cả quyền công bố và sao chép tác phẩm khi được số hóa và chia sẻ trên internet. Xin lưu ý,
  4. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 241 2 quyền vừa nêu chỉ thuộc về chủ sở hữu tác phẩm, nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì các quyền này không thuộc tác giả. Nói cách khác, Sáng kiến truy cập mở Budapest đã “bất lực” đối với trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm. Ví dụ: Công ty X dùng kinh phí của mình ký hợp đồng với giảng viên A nghiên cứu giải pháp kỹ thuật K. Mặc dù giải pháp kỹ thuật K rất cần cho sinh viên nghiên cứu (không nhằm mục đích thương mại), nhưng giảng viên A không có quyền công bố trên OER, quyền này thuộc Công ty X. 2.2. Tuyên bố Bethesda Tuyên bố Bethesda về xuất bản truy cập mở (Bethesda Statement on Open Access Publishing). Ngày 11.4.2003, Viện Y khoa Howard Hughes đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về quyền tiếp cận các tài liệu học thuật, cuộc họp đã đưa ra định nghĩa về “Tạp chí truy cập mở” (Open Access Journal - OAJ), đề cập đến việc cấp quyền truy cập, quyền sao chép, sử dụng, phân phối, truyền tải và hiển thị tác phẩm khoa học – là kết quả nghiên cứu một cách công khai, miễn phí trên phạm vi toàn cầu. Cần phải thấy rằng, theo nguyên tắc bảo hộ tự động đối với tác phẩm nói chung, trong đó có tác phẩm khoa học theo quy định của Công ước Berne 1886, tại thời điểm một tác phẩm khoa học được công bố tại một quốc gia thành viên, thì ngay lập tức và vô điều kiện, nó phải được tất cả các quốc gia thành viên còn lại bảo hộ. Một trong những nội dung bảo hộ là bảo hộ quyền sao chép tác phẩm khoa học, như vậy cụm từ “miễn phí trên phạm vi toàn cầu” nêu trên được xem là một chi tiết rất mạnh của Tuyên bố Bethesda. Trong khi Sáng kiến Budapest chưa đề cập đến việc thực hiện và phân phối các tác phẩm phái sinh, thì OAJ đã cho phép thực hiện tác phẩm phái sinh từ các tác phẩm gốc thông qua công cụ truy cập mở, có nghĩa rằng người truy cập mở có quyền dịch tác phẩm gốc sang một ngôn ngữ khác, có quyền đưa tác phẩm gốc vào bộ sưu tập… phục vụ mục đích nghiên cứu. Tuyên bố Bethesda còn đảm bảo cho phép người truy cập mở có quyền tái sử dụng kết quả nghiên cứu (a license granting rights for reuse). Như vậy, với Tuyên bố Bethesda, người truy cập có
  5. 242 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ quyền tiếp cận các kết quả nghiên cứu đã công bố, sử dụng chúng vào mục đích nghiên cứu của mình. Tuy nhiên Tuyên bố Bethesda có các hạn chế sau đây: - Không nêu nghĩa vụ tài sản của người nghiên cứu khi sử dụng kết quả nghiên cứu đã công bố thông qua truy cập mở, phải chia sẻ thu nhập (nếu có) từ kết quả nghiên cứu của mình cho tác giả của các kết quả nghiên cứu đã công bố, mà chỉ quy định nghĩa vụ phải đảm bảo quyền nhân thân đối với tác giả của các kết quả nghiên cứu đã công bố, bao gồm quyền đứng tên đối với tác phẩm, quyền đặt tên cho tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. - Không phân biệt tác phẩm khoa học là kết quả nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng. 2.3. Tuyên bố Berlin Tuyên bố Berlin về truy cập mở đối với kiến thức khoa học và nhân văn (Berlin Declaration on Open Access to Knowledge in the Sciences and Humanities) Tuyên bố Berlin đã cho phép quyền truy cập mở kể cả đối với những kiến thức trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tuyên bố Berlin chỉ đề cập đến việc cho phép truy cập mở đối với các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, như đã biết kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không phải là đối tượng của sáng chế, do đó quyền tài sản đối với kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thường chỉ tập trung chủ yếu vào quyền sao chép, quyền cho làm tác phẩm phái sinh. Điểm hạn chế của Tuyên bố Berlin là mặc dù cho phép người truy cập mở có quyền tạo ra một số lượng nhỏ các bản sao in cho mục đích sử dụng cá nhân của họ (the right to make small numbers of printed copies for their personal use). Tuy nhiên văn bản này cũng không định nghĩa thuật ngữ “một số lượng nhỏ các bản sao in”. Pháp luật Việt Nam về quyền tác giả quy định cá nhân được quyền tự sao chép một bản tác phẩm đã công bố nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận
  6. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 243 bút, thù lao. Xin lưu ý: cụm từ tự sao chép (được gạch chân) có lẽ ẩn ý khi thực hiện quyền này không được sử dụng dịch vụ photocopy, vì cơ quan chức năng vẫn xử phạt dịch vụ photocopy khi sao chép tác phẩm. Hoặc như đã biết có trường đại học đã xử lý khi sinh viên sử dụng bản photocopy giáo trình. Tuy nhiên, pháp luật về quyền tác giả quy định hành vi này lại không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm. Quy định này có mâu thuẫn nội tại, vì nếu mỗi sinh viên có quyền tự sao chép một bản giáo trình đã công bố nhằm mục đích học tập thì nhà xuất bản không thể tiếp tục bán giáo trình đã xuất bản, như vậy đã ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm. 2.4. Quy định của OECD về truy cập mở Tháng 01.2004, Hội nghị Bộ trưởng KH&CN các nước OECD, Trung Quốc, Israel, Nga và Nam Phi đã họp tại Paris để thảo luận nhu cầu quốc tế về tiếp cận dữ liệu nghiên cứu. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về truy cập dữ liệu nghiên cứu từ tài trợ công (Declaration on Access to Research Data from Public Funding), trong đó công nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận các dữ liệu nghiên cứu ở quy mô toàn cầu và đề nghị OECD xây dựng một bộ hướng dẫn nguyên tắc chung để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc truy cập dữ liệu nghiên cứu từ nguồn tài trợ công. Từ tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng KH&CN các nước OECD và các quốc gia trên, OECD (2004) đã ban hành nguyên tắc và hướng dẫn về truy cập dữ liệu nghiên cứu từ tài trợ công (Principles and Guidelines for Access to Research Data from Public Funding). Trong văn bản này, OECD (2004) đã định nghĩa dữ liệu nghiên cứu (Research data) và dữ liệu nghiên cứu từ tài trợ công (Research data from public funding), đồng thời đưa ra các nguyên tắc truy cập dữ liệu nghiên cứu, trong đó nhấn mạnh đến nguyên tắc cởi mở (Openness), linh hoạt (Flexibility), minh bạch (Transparency), phù hợp về luật pháp (Legal conformity), bảo hộ sở hữu trí tuệ (Protection of intellectual property), trách nhiệm chính thức (Formal responsibility), chuyên
  7. 244 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ nghiệp (Professionalism), khả năng tương tác (Interoperability), chất lượng (Quality), an ninh (Security), hiệu quả (Efficiency), giải trình (Accountability), bền vững (Sustainability). OECD cũng nhấn mạnh rằng việc truy cập mở đối với dữ liệu nghiên cứu từ nguồn tài trợ công sẽ thúc đẩy sự phát triển của KH&CN nói chung trên phạm vi toàn cầu, tiết kiệm chi phí trong nghiên cứu và tránh nghiên cứu lặp lại.[4] 3. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ OER Trên thế giới, việc hình thành và phát triển OER, theo Butcher N. and Moore A. (2015) có thể ghi nhận kinh nghiệm: - Tháng 01.1999: Đại học Tubingen thuộc Cộng hòa Liên bang Đức đã xuất bản các video chuyển tải bài giảng của mình trên internet, đây được xem là trường hợp đầu tiên ghi nhận sự ra đời của OER; - Tháng 09.2002: Viện Công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (Massachusetts Institute of Technology - MIT) công bố chương trình Open Courseware[5] trên internet, với 32 khóa học ban đầu, đây được xem là bộ sưu tập chuyên sâu về OER; - Năm 2002, UNESCO triệu tập Diễn đàn về tác động của Open Courseware cho giáo dục đại học ở các nước đang phát triển (Forum on the Impact of Open Courseware for Higher Education in Developing Countries) để thảo luận về tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng OER đối với các trường đại học tại các quốc gia đang phát triển; - Tháng 11.2003: Trung tâm Tài nguyên mở của Trung Quốc (China Open Resources for Education) được thành lập với sự cộng tác của MIT Open Courseware, nhằm cung cấp nguồn OER cho các trường đại học ở Trung Quốc; - Tháng 01.2005: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Đổi mới OECD (OECD’s Centre for Educational Research and Innovation) ra báo cáo “Tạo tri thức miễn phí bằng OER” (Giving Knowledge for free: the Emergence of OER), báo cáo này ghi nhận sự nghiệp giáo dục và đổi mới chỉ có thể phát triển thông qua việc tạo lập kho tri thức OER miễn phí và công khai, nhằm đưa tri thức đến người học một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua truy cập mở trên internet;
  8. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 245 - Tháng 09.2007: Trường Đại học Y khoa Michigan đã xuất bản tất cả các tài liệu giáo khoa tiền lâm sàng là OER, cho phép những người có nhu cầu được tiếp cận thông qua công cụ internet miễn phí; - Tháng 01.2008: Viện Open Society và Quỹ Shuttleworth đã công bố Bản Tuyên bố giáo dục mở Cape Town (Cape Town Open Education Declaration), kêu gọi các chính phủ và nhà xuất bản thế giới cung cấp các tài liệu giáo dục trên internet miễn phí; - Tháng 03.2009: Youtube ra mắt Youtube EDU, một kênh miễn phí cung cấp các tài liệu giáo dục từ các trường đại học trên thế giới và các bài giảng của giáo sư và nhà lãnh đạo nổi tiếng; - Tháng 04.2011: Bangladesh là quốc gia đầu tiên trên thế giới số hóa bộ sách giáo khoa phổ thông hoàn chỉnh trên OER; - Tháng 06.2012, UNESCO ra Tuyên bố Paris về OER (The Paris Open Educational Resources Declaration) với nội dung khuyến khích nâng cao nhận thức và sử dụng OER, thúc đẩy sự phát triển và áp dụng OER giữa các quốc gia với các ngôn ngữ và các nền văn hóa khác nhau, thúc đẩy việc cấp phép OER được tạo ra từ ngân sách nhà nước.[6] Có thể thấy rằng, hạn chế lớn nhất của Tuyên bố Paris về OER là chỉ dừng lại ở việc kêu gọi cấp phép OER đối với các tác phẩm khoa học được tạo ra từ ngân sách nhà nước, trong khi đó thực tế nhiều trường đại học không được vận hành bởi ngân sách nhà nước. 4. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ TRUY CẬP MỞ VÀ OER Pháp luật Việt Nam về quyền tác giả không quy định về truy cập mở và OER. Nhưng cần phân tích Luật SHTT và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật về quyền tác giả để thấy rõ hơn những quy định cản trở đến truy cập mở và OER. Luật SHTT quy định: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Định nghĩa này có 2 cụm từ đáng lưu ý: “sáng tạo” và “sở hữu”, trong đó “sáng tạo” gắn với tác giả, còn “sở hữu” gắn với chủ sở hữu tác phẩm. Trong nội dung quyền tác giả, tác giả có thể đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, trong trường hợp này tác giả có các quyền nhân thân
  9. 246 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ và quyền tài sản đối với tác phẩm. Nhưng trong thực tế, tác giả có thể không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, ví dụ có tổ chức/cá nhân khác đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho tác giả sáng tạo nên tác phẩm, trường hợp này xuất hiện mối quan hệ giữa tác giả (người sáng tạo nên tác phẩm) và chủ sở hữu tác phẩm (tổ chức/cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho tác giả sáng tạo nên tác phẩm). Truy cập mở và OER gắn với quyền công bố tác phẩm và quyền sao chép tác phẩm, cả 2 quyền này đều thuộc về chủ sở hữu tác phẩm, mà không thuộc về tác giả (nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm). Trong đó: - Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào; - Điều 23.2. Nghị định 85/2011/NĐ-CP quy định: Quyền sao chép tác phẩm là một trong các quyền tài sản độc quyền thuộc quyền tác giả, do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử. - Rào cản lớn nhất trong truy cập mở và OER là quy định tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP và gần đây nhất là tại Điều 22.2 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP: sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Quy định trên đây được hiểu là pháp luật không cho phép thư viện thực hiện hành vi, ngay cả trong trường hợp chỉ phân phối 01 bản sao tác phẩm cho 01 độc giả, mặc dù Điều 25.1.a Luật SHTT quy định mỗi người có quyền “tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” mà không bị coi là xâm phạm quyền sao chép tác phẩm của chủ sở hữu tác phẩm. Truy cập mở và OER phải gắn với môi trường kỹ thuật số, được hiểu là môi trường truyền thông tích hợp (integrated communications environment), trong đó các thiết bị điện tử hoặc kỹ thuật số là các công cụ giao tiếp và quản lý nội dung. Thành phần chính của môi trường
  10. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 247 kỹ thuật số bao gồm sự hiện diện trên Internet, trong đó có trang web, máy chủ đám mây (cloud servers), công cụ tìm kiếm, truyền thông xã hội (social media outlets), ứng dụng di động (mobile apps), âm thanh và video, cùng các tài nguyên dựa trên web khác (other web-based resources).[7] Trong môi trường truyền thống, việc công bố tác phẩm có thể không kèm theo việc sao chép tác phẩm. Nhưng trong môi trường kỹ thuật số, việc công bố tác phẩm có thể gắn với việc sao chép tác phẩm. Bởi vậy, không thể công bố một tác phẩm trên mạng internet rồi một vài giây sau đó lại xóa/thu hồi chính tác phẩm đó. Cần phải nêu sự khác biệt này vì công bố tác phẩm là một quyền thuộc nhóm quyền nhân thân, nhưng việc công bố tác phẩm trên internet lại gắn với việc sao chép tác phẩm, mà sao chép tác phẩm lại là một quyền thuộc nhóm quyền tài sản. Hay nói cách khác, do tốc độ lan truyền của internet, người công bố tác phẩm trên inernet có thể không muốn thực hiện quyền sao chép tác phẩm, nhưng thực tế trong nhiều trường hợp việc sao chép tác phẩm vẫn diễn ra, nằm ngoài khả năng kiểm soát của người công bố tác phẩm. Có lẽ, đây là một trong những lý do mà cơ quan ban hành pháp luật phải quy định như Điều 22.2 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP. 5. THỰC TIỄN VỀ TRUY CẬP MỞ VÀ OER Trong mục này, bài viết chỉ khảo sát 5 tạp chí nghiên cứu pháp luật, một lĩnh vực khoa học mà có lẽ cần truy cập mở và OER hơn bất kỳ những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khi tra cứu trên internet đã ghi nhận thông tin: - Tạp chí Luật học (Trường Đại học Luật Hà Nội): cho phép truy cập mở đối với nội dung tác phẩm.[8] - Tạp chí Khoa học pháp lý (Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh): cho phép truy cập mở đối với nội dung tác phẩm, tuy nhiên bài mới nhất được truy cập là thuộc số 6/2017 [9]. - Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam): chỉ cho phép truy cập mở đối với mục lục tạp chí [10].
  11. 248 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ - Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp: không có thông tin [11] - Tạp chí Dân chủ và Pháp luật: không có thông tin [12] Như vậy, trong 05 tạp chí nghiên cứu pháp luật thì chỉ có 02 tạp chí cho phép truy cập mở nội dung, 01 tạp chí cho phép tra cứu mục lục, 02 tạp chí không có bất kỳ thông tin nào trên mạng Internet. 6. GIẢI PHÁP CẤP PHÉP SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ [13] Như đã phân tích, Công ước Berne không thể có các quy định về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Nhằm khắc phục hạn chế này, vào năm 1996 WIPO đã ban hành Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty - WCT), Hiệp ước WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WIPO Performances and Phonograms Treaty - WPPT) để điều chỉnh việc bảo hộ và thực thi quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, hai Hiệp ước này đã đưa ra những quy tắc quốc tế mới để tạo ra những giải pháp thoả đáng đối với những vấn đề do sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và kỹ thuật đặt ra, để điều chỉnh việc bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, quyền của người biểu diễn và bản ghi âm trong kỷ nguyên kỹ thuật số, trong đó ghi nhận ảnh hưởng sâu rộng của sự phát triển và thành tựu của công nghệ tin học và truyền thông, ghi nhận nhu cầu duy trì sự cân bằng giữa các quyền của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất của bản ghi âm và lợi ích của đông đảo công chúng, đặc biệt là giáo dục, nghiên cứu và truy cập thông tin. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn chưa tham gia cả 2 hiệp ước này. [14] Bởi vậy, có thể nhận định các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan tại thời điểm này chưa thể tương thích với pháp luật quốc tế, từ đó rất khó điều chỉnh được việc bảo hộ quyền tác giả với thư viện trong môi trường kỹ thuật số, trong đó có OER. Nhưng vẫn có thể cấp phép sử dụng OER theo quy định của WIPO (2016)[15]. Để không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả như đã phân tích ở trên, việc cấp phép sử dụng OER được thực hiện theo các nguyên tắc:
  12. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 249 - Chủ sở hữu tác phẩm (chứ không phải tác giả) cho phép công bố tác phẩm theo quy định tại Điều 19.3 Luật SHTT và/hoặc cho phép sao chép tác phẩm (hạn chế hoặc không hạn chế) theo quy định tại Điều 20.1.c Luật SHTT; - Đối với các tác phẩm đăng trên tạp chí khoa học, thì thực hiện nguyên tắc tạp chí có quyền tái công bố tác phẩm trên các phương tiện khác, trong đó có phương tiện kỹ thuật số, có thể quy định ngay trong quy chế gửi bài đăng tạp chí. Việc này có thể tham khảo kinh nghiệm của Harvard University, theo Eric Priest (2012)[16], ngay từ năm 2008 Khoa Khoa học và Nghệ thuật Đại học Harvard (Harvard University Faculty of Arts and Sciences) đã yêu cầu tác giả của tác phẩm khoa học được tạp chí của Khoa công bố, phải dành cho Khoa quyền tái công bố (republication) tác phẩm trên OER. Kinh nghiệm này có thể áp dụng tại Việt Nam mà không vi phạm pháp luật về quyền tác gia; - Có thể cấp phép không hạn chế việc sử dụng OER đối với tác phẩm khoa học là kết quả nghiên cứu cơ bản thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học; - Có thể cấp phép không hạn chế việc sử dụng OER đối với tác phẩm khoa học là kết quả nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; - Ngoại lệ, việc cấp phép sử dụng OER đối với tác phẩm khoa học là kết quả nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là điểm cần cân nhắc để đưa ra các hạn chế cần thiết vì các kết quả nghiên cứu dạng này có thể thương mại hóa về nội dung, mặc dù người sử dụng OER không nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên, khá nhiều quốc gia, trong đó có Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office - USPTO) đã đăng toàn văn tất cả các bản mô tả sáng chế trên mạng internet, việc đăng tải này chi tiết đến mức một người có trình độ trung bình trong cùng lĩnh vực có thể đọc và thực hiện được sáng chế, ưu điểm của việc này là: - Tránh cho tất cả mọi cá nhân trên thế giới không nghiên cứu lặp lại như quan điểm của OECD (2004) về xây dựng OER;
  13. 250 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ - Tất cả mọi cá nhân trên thế giới đều có quyền tiếp cận thông tin sáng chế, cải tiến sáng chế và là chủ sở hữu phần cải tiến (xin tiếp tục ý này tại mục Attribution 3.0 IGO). Nhưng nhược điểm của việc này là rất nhiều sáng chế trong số các sáng chế được đăng toàn văn thông tin lại không được bảo hộ tại nước ngoài, bởi vậy nhiều cá nhân/doanh nghiệp nước ngoài đã dễ dàng sử dụng sáng chế của Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp vì mục đích thương mại. Chủ đề này khá thú vị, nhưng lại không thuộc nội dung cần phân tích của bài tham luận này, tác giả xin phép được đề cập tại diễn đàn khác. Bộ giấy phép quyền sử dụng OER theo quy định của WIPO (2016) bao gồm 6 dạng, từng giấy phép có các điều kiện khác nhau theo hướng giảm dần quyền từ dạng 1 đến dạng 6, cụ thể như sau: 6.1. Giấy phép Creative Commons/Attribution 3.0 IGO Giấy phép này cho phép người sử dụng OER quyền sao chép, phân phối, chỉnh sửa, dịch các ấn phẩm OER, kể cả sử dụng OER với mục đích thương mại, với điều kiện tôn trọng quyền đặt tên và quyền đứng tên của tác giả tác phẩm gốc. Trong mục này có thể cho phép quyền dịch theo quy định tại Điều 20.1.a Luật SHTT (quyền dịch là một trong những quyền cho phép làm tác phẩm phái sinh thuộc nhóm quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm), tuy nhiên Attribution 3.0 IGO chỉ cho phép dịch vì mục đích phi thương mại/mục đích nghiên cứu. Việc chỉnh sửa tác phẩm không áp dụng đối với các tác phẩm là kết quả nghiên cứu cơ bản, mà chỉ có thể áp dụng đối với tác phẩm khoa học là kết quả nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Như đã biết người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học không được phép sửa chữa tác phẩm theo quy định tại Điều 19.4 Luật SHTT, nhưng người sử dụng sáng chế/tác phẩm chuyển tải nội dung sáng chế (ví dụ bản mô tả sáng chế) lại có quyền cải tiến/chỉnh sửa sáng chế, vì pháp luật không quy định tác giả sáng chế có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của sáng chế.
  14. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 251 6.2. Giấy phép Creative Commons/Attribution-ShareAlike 3.0 IGO Giấy phép này cho phép người sử dụng OER quyền sao chép, phân phối, chỉnh sửa, dịch các ấn phẩm OER, kể cả sử dụng OER với mục đích thương mại, với điều kiện tôn trọng quyền đặt tên và quyền đứng tên của tác giả tác phẩm gốc. Điểm khác biệt so với giấy phép được nêu tại trường hợp Attribution 3.0 IGO là người sử dụng OER có quyền phân phối lại (re-distribution) tác phẩm. Các chi tiết “chỉnh sửa, dịch” cần lưu ý như giấy phép Attribution 3.0 IGO đã nêu. 6.3. Giấy phép Creative Commons/Attribution-NonCommercial 3.0 IGO Giấy phép này cho phép người sử dụng OER quyền sao chép, phân phối, chỉnh sửa, dịch các ấn phẩm OER, với điều kiện tôn trọng quyền đặt tên và quyền đứng tên của tác giả tác phẩm gốc. Đối với việc thực hiện các hành vi khác: phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm. Các chi tiết “chỉnh sửa, dịch” cần lưu ý như giấy phép Attribution 3.0 IGO đã nêu. 6.4. Giấy phép Creative Commons/Attribution-NoDerivs 3.0 IGO Giấy phép này cho phép người sử dụng OER quyền sao chép, phân phối các ấn phẩm OER, kể cả sử dụng OER với mục đích thương mại (không bao gồm quyền dịch vì mục đích thương mại), với điều kiện tôn trọng quyền đặt tên và quyền đứng tên của tác giả tác phẩm gốc. Đối với việc thực hiện các hành vi khác: phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm. 6.5. Giấy phép Creative Commons/Attribution-NonCommercial-ShareAlike 3.0 IGO Giấy phép này cho phép người sử dụng OER quyền sao chép, chỉnh sửa, dịch các ấn phẩm OER, với điều kiện tôn trọng quyền đặt tên và quyền đứng tên của tác giả tác phẩm gốc. Đối với việc thực hiện các hành vi khác: phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm.
  15. 252 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ Các chi tiết “chỉnh sửa, dịch” cần lưu ý như giấy phép Attribution 3.0 IGO đã nêu. 6.6. Giấy phép Creative Commons/Attribution-NonCommercial-NoDerivs 3.0 IGO Dạng giấy phép này được xem là hạn chế nhất. Người sử dụng OER chỉ được phép sao chép các ấn phẩm của OER, với điều kiện tôn trọng quyền đặt tên và quyền đứng tên của tác giả tác phẩm gốc. Đối với việc thực hiện các hành vi khác: phải được sự cho phép bằng văn bản của chủ sở hữu tác phẩm. 7. KẾT LUẬN Mặc dù có những rào cản trong quy định của pháp luật về quyền tác giả đã tác động đến việc cấp phép sử dụng OER, bài tham luận đã đề xuất việc áp dụng Bộ giấy phép quyền sử dụng OER theo quy định của WIPO (2016) trong một “đường biên” rất hẹp như đã nêu. Để xây dựng OER, có nhiều việc phải làm, như theo quy định của CPTPP trong thời hạn 3 năm (kể từ ngày 14/01/2019), các cơ quan hữu quan cần chuẩn bị các điều kiện (đặc biệt là chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số) và ban hành các quy định về quyền tác giả để Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty - WCT), Hiệp ước WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WIPO Performances and Phonograms Treaty - WPPT), chỉnh sửa quy định tại Điều 22.2 Nghị định số 22/2018/NĐ- CP: Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Quy định này được ban hành năm 2006, trong thực tế rất khó thực thi, nhưng vẫn được khẳng định lại bằng cách “tái quy định” vào năm 2018. Để kết thúc bài viết này, có lẽ nên nhắc lại trường hợp Bangladesh xây dựng OER, như đã biết Bangladesh là một quốc gia nghèo, nhưng Bangladesh lại là quốc gia đầu tiên trên thế giới số hóa bộ sách giáo khoa phổ thông hoàn chỉnh trên OER ngay từ năm 2011.
  16. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 253 BẢNG CHÚ GIẢI [1] WIPO (1992), What is Intellectual Property? WIPO Publication No. 450(E). ISBN 978-92-805-1555-0. [2] Article 2.viii (Convention Establishing the World Intellectual Property Organization) definitions: “intellectual property” shall include the rights relating to: literary, artistic and scientific works; performances of performing artists, phonograms, and broadcasts; inventions in all fields of human endeavor; scientific discoveries; industrial designs; trademarks, service marks, and commercial names and designations; protection against unfair competition; and all other rights resulting from intellectual activity in the industrial, scientific, literary or artistic fields. [3] Cục SHTT (2010), Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế (Ban hành kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), Điều 5.8.2.5. [4] Trần Văn Hải (2017), Bảo hộ quyền tác giả trong việc xây dựng “tài nguyên giáo dục mở”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 4/2017. [5] “Courseware” là một thuật ngữ dùng để chỉ giáo trình, bài giảng môn học và các tài liệu khác kèm theo môn học đó, do trường đại học công bố trên website mở, trong đó có thể kèm theo hướng dẫn và cũng có thể ở dạng thô (không kèm theo hướng dẫn), với mục đích dành cho những người tự học và những khác tham khảo, không có phần hỗ trợ hoặc tham gia của giảng viên môn học đó. [6] Butcher N. and Moore A. (2015), Understanding Open Educational Resources, Commonwealth of Learning, British Columbia Canada, ISBN 978-1-894975-72-8. [7] Octavio Kulesz (2017), Culture in the Digital Environment: Assessing impact in Latin America and Spain. Published in 2017 by the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization. [8] http://thuvien.hlu.edu.vn/introduction.aspx?mnuid=164&contentid=111 Ngày truy cập: 08/9/2019. [9] http://101.53.8.174/hcmulaw/index.php?option=com_content&view= article&id=14829:2017-06-16-10-19-32&catid=726:s-6&Itemid=825 Ngày truy cập: 08/9/2019.
  17. 254 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ [10] http://isl.vass.gov.vn/tap-chi/tap-chi-21 Ngày truy cập: 08/9/2019. [11] http://www.nclp.org.vn/ không thể truy cập được bất kỳ thông tin nào tại thời điểm 21h00 ngày 08/9/2019. [12] http://tcdcpl.moj.gov.vn/Pages/home.aspx không thể truy cập được bất kỳ thông tin nào tại thời điểm 21h00 ngày 08/9/2019. [13] Khi viết mục này, tác giả có tham khảo: Lê Trung Nghĩa (2015), Hệ thống giấy phép và khía cạnh công nghệ của OER, và một số bài viết khác đăng trên Phần mềm tự do nguồn mở cho Việt Nam. [14] Theo tài liệu của WIPO (cập nhật ngày 10/6/2019 từ http://www.wipo.int/ treaties/en), hiện có 102 nước/vùng lãnh thổ tham gia Hiệp ước WIPO về quyền tác giả, Hiệp ước WIPO về biểu diễn và bản ghi âm. Tại khu vực ASEAN có 5 nước là Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore tham gia WCT và WPPT. Các nước thành viên CPTPP: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mêxico, New Zealand, Peru, Singapore đã tham gia WCT và WPPT, như vậy chỉ còn duy nhất Việt Nam là thành viên CPTPP chưa tham gia WCT và WPPT. Trong khi đó, Điều 18.7.2. CPTPP quy định: Mỗi Bên phải phê chuẩn (ratify) hoặc tham gia (accede) WCT và WPPT trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực đối với các Bên liên quan. Nhưng để Việt Nam có sự chuẩn bị cho việc bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số, Điều 18.83.4.f. CPTPP cho phép Việt Nam sau 3 năm mới phải tham gia WCT và WPPT. [15] WIPO (2016), Use of the Creative Commons IGO licenses, Under the WIPO Open Access Policy. [16] Priest Eric (2012), Copyright and the Harvard Open Access Mandate, Northwestern Journal of Technology and Intellectual Property, Volume 10, Number 7 (October 2012) TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Butcher N. and Moore A. (2015), Understanding Open Educational Resources, Commonwealth of Learning, British Columbia Canada, ISBN 978-1-894975-72-8. 2. Cục SHTT (2010), Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế (Ban hành kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ).
  18. PHẦN 2. Chính sách và cấp phép mở cho tài nguyên giáo dục mở 255 3. Trần Văn Hải (2017), “Bảo hộ quyền tác giả trong việc xây dựng “tài nguyên giáo dục mở”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 4/2017 4. Trần Văn Hải (2017), Những rào cản trong chính sách bảo hộ quyền tác giả đối với truy cập mở và tài nguyên giáo dục mở, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 33, Số 3 (2017), trang 45-57 5. Trần Văn Hải (2019), “Khắc phục những hạn chế trong quy định về bảo hộ quyền tác giả để xây dựng thư viện trong Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Sách Thư viện thông minh 4.0, công nghệ - dữ liệu - con người, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 166-184 6. Trần Lê (2012), “Chỉ dẫn cơ bản về tài nguyên giáo dục mở”, Tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 10/2012, trang 66-69 7. Lê Trung Nghĩa (2015), Hệ thống giấy phép và khía cạnh công nghệ của OER, Phần mềm tự do nguồn mở cho Việt Nam 8. Octavio Kulesz (2017), Culture in the Digital Environment: Assessing impact in Latin America and Spain. Published in 2017 by the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization 9. Priest E. (2012), Copyright and the Harvard Open Access Mandate, Northwestern Journal of Technology and Intellectual Property, Volume 10, Number 7 (October 2012) 10. WIPO (1992), What is Intellectual Property? WIPO Publication No. 450(E). ISBN 978-92-805-1555-0 11. WIPO (2016), Use of the Creative Commons IGO licenses, Under the WIPO Open Access Policy.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2