intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

35
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đổi mới, hiện đại hóa giáo dục phổ thông mà trước hết là đổi mới, hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa (SGK) là nhu cầu cấp thiết của thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển bền vững. Hiện nay, chương trình và SGK các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ đang có sự chuyển biến theo tiếp cận năng lực.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0051 Social Science, 2018, Vol. 63, Iss. 2A, pp. 259-269 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA ĐỊA LÍ THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA HOA KỲ Nguyễn Thu Hà Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Đổi mới, hiện đại hóa giáo dục phổ thông mà trước hết là đổi mới, hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa (SGK) là nhu cầu cấp thiết của thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển bền vững. Hiện nay, chương trình và SGK các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ đang có sự chuyển biến theo tiếp cận năng lực. Nghiên cứu về chương trình và SGK Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ nhằm chỉ ra các đặc trưng về chương trình và SGK theo định hướng phát triển năng lực của quốc gia này, trên cơ sở so sánh với một số đặc trưng của chương trình và SGK Địa lí Việt Nam hiện hành, từ đó đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình và SGK Địa lí trung học phổ thông (THPT) ở nước ta theo định hướng phát triển năng lực sau 2018. Từ khóa: Chương trình, sách giáo khoa, sách giáo khoa Địa lí, định hướng phát triển năng lực, Hoa Kỳ. 1. Mở đầu Đổi mới, hiện đại hóa giáo dục phổ thông mà trước hết là đổi mới chương trình và SGK là nhu cầu cấp thiết của thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển bền vững. Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam với nội dung cốt lõi của nó là đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2018 theo định hướng phát triển năng lực cho tất cả các bộ môn trong đó có môn Địa lí. Đây là một vấn đề mới và phức tạp mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Việc nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến trong việc đổi mới chương trình, SGK theo định hướng phát triển năng lực là việc làm quan trọng và có ý nghĩa đối với những người nghiên cứu chương trình và SGK ở Việt Nam. Địa lí là môn học quan trọng trong nhà trường ở Hoa Kỳ. Hội đồng quốc gia về Giáo dục Địa lí ở Hoa Kỳ đã công bố Chuẩn quốc gia môn Địa lí (National Geography Standards) vào năm 1994 và 2012 [1]. Chương trình Địa lí Hoa Kỳ gọi là “Geography for life” (Địa lí vì cuộc sống), cho thấy rõ tính định hướng trong xây dựng chương trình và các chuẩn đầu ra. Chuẩn Địa lí quốc gia Mỹ làm rõ một người “có văn hoá địa lí” – “năng lực địa lí” biết gì và có thể làm gì với ba Ngày nhận bài: 9/2/2018. Ngày sửa bài: 9/3/2018. Ngày nhận đăng: 16/3/2018. Liên hệ: Nguyễn Thu Hà, e-mail: nguyenthuha.hnue@gmail.com 259
  2. Nguyễn Thu Hà thành phần được xác định đó là “Quan điểm/góc nhìn địa lí”; tri thức địa lí và kĩ năng địa lí. SGK Địa lí của Hoa Kỳ là tấm gương phản chiếu chuẩn quốc gia môn Địa lí theo định hướng phát triển năng lực ở Hoa Kỳ với các đặc điểm về chức năng, cấu trúc và cách trình bày. Như vậy, việc nghiên cứu, phân tích chương trình và SGK Địa lí bậc trung học của Hoa Kỳ theo định hướng phát triển năng lực, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để vận dụng cho việc xây dựng chương trình và SGK Địa lí sau 2018 ở Việt Nam là hết sức cần thiết. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực Chương trình giáo dục tiếp cận năng lực (định hướng năng lực) nay còn gọi là dạy học định hướng kết quả đầu ra được bàn đến nhiều từ những năm 90 của thế kỉ XX và ngày nay đã trở thành xu hướng giáo dục quốc tế. Giáo dục định hướng năng lực nhằm mục tiêu phát triển năng lực người học. Trong xu hướng đổi mới và cải cách giáo dục được nhiều quốc gia hướng tới là đổi mới chương trình, SGK theo hướng tiếp cận năng lực. Từ định hướng chương trình phát triển năng lực, việc chuyển từ chương trình khung định hướng phát triển năng lực sang chương trình bộ môn và SGK theo định hướng phát triển năng lực đã được thực hiện ở một số nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ từ những năm 1982 [2]. Trên thế giới, SGK là một đối tượng nghiên cứu quan trọng của khoa học giáo dục. Là một trong những yếu tố quyết định nhất đến chất lượng giáo dục của một quốc gia bên cạnh yếu tố giáo viên (GV), hệ thống tổ chức giáo dục và hệ thống chương trình giáo dục, SGK luôn được coi “là một trong những đầu vào quan trọng nhất của giáo dục. Nội dung SGK phản ánh các tư tưởng cơ bản về văn hoá của các dân tộc và thường là điểm khởi đầu cho các cuộc tranh luận và bàn cãi về văn hoá” (UNESCO) [2]. Nghiên cứu về SGK theo định hướng phát triển năng lực mới được chú ý trong thời gian gần đây ở Việt Nam. Khái niệm “SGK theo định hướng phát triển năng lực - SGK theo định hướng đổi mới” được đề cập đến trong các bài viết của các tác giả Đinh Quang Báo [3], Hoàng Thị Tuyết [4], Hoàng Thanh Tú [5] trên các khía cạnh về tầm quan trọng, mối quan hệ, cấu trúc của SGK và tiêu chí đánh giá SGK, tuy nhiên lại chưa được bàn luận sâu sắc và chưa có một định nghĩa chung nhất được đưa ra về SGK theo định hướng phát triển năng lực. Trong nghiên cứu gần đây của Trần Đức Tuấn và các cộng sự (2015) [2], một hệ thống các tiêu chí và điều kiện để một cuốn sách được coi là phát triển năng lực đã được đưa ra. Ba điều kiện cần thoả mãn đó là: Thứ nhất, cuốn sách thể hiện rõ và nhất quán mục tiêu của giáo dục phổ thông phát triển năng lực và giá trị - lối sống bền vững trong chức năng, cấu trúc, nội dung và hình thức thể hiện của cuốn sách; Thứ hai, cuốn sách định vị và thể hiện rõ, đầy đủ, cân đối và hài hòa các thành phần cốt lõi của năng lực kiến thức, kĩ năng và tư duy, phương pháp, giá trị và hành động trong SGK; Thứ ba, cuốn sách thể hiện rõ các con đường và các mô hình tối ưu để hình thành năng lực HS theo quan điểm của giáo dục hiện đại. Dựa trên các điều kiện trên, 5 tiêu chuẩn và 10 tiêu chí cơ bản của một cuốn SGK nói chung và SGK theo định hướng phát triển năng lực đã được xác lập. Theo tác giả Trần Đức Tuấn, 05 tiêu chuẩn là: Tính sư phạm (giáo dục); Tính hiện đại và tính khoa học; Tính thực tiễn và Tính bền vững. 10 tiêu chí cơ bản của một cuốn SGK theo định hướng phát triển năng lực đó là: (1) Tăng cường các hoạt động học; (2) Phù hợp với HS; (3) Tạo động cơ và lợi ích; (4) Chuẩn hoá; (5) Quy trình hoá; (6) Điện tử hoá; (7) Phát triển năng lực hành động; (8) Gắn liền với thực tiễn cuộc sống; (9) Tăng cường tích hợp và kết nối; và (10) Khuyến khích tự học và học suốt đời [2]. 260
  3. Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ SGK là sự cụ thể hóa của chương trình. Còn chương trình phản ánh rõ những mục tiêu giáo dục và cách thức để đạt tới các mục tiêu giáo dục của một đất nước. Địa lí là môn học bắt buộc với nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để biên soạn được SGK Địa lí mới theo cách tiếp cận trên, cần có chương trình môn học mới được thiết kế theo quan điểm định hướng đầu ra, hướng tới việc hình thành năng lực HS. Mục tiêu mà môn Địa lí trong nhà trường phổ thông hiện hành đặt ra là “giúp HS có được những hiểu biết cơ bản, hệ thống về Trái Đất - Môi trường sống của con người, về thiên nhiên và những hoạt động kinh tế của con người trên phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới đồng thời rèn luyện cho HS những kĩ năng hành động, ứng xử thích hợp với môi trường tự nhiên, xã hội” và yêu cầu “HS có được những hiểu biết cơ bản, hệ thống về Trái Đất” [6]. Như vậy, trước những yêu cầu của đổi mới chương trình và SGK theo định hướng phát triển năng lực, việc nghiên cứu so sánh chương trình và SGK các nước nói chung và SGK Địa lí nói riêng có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở tìm hiểu về chương trình và SGK Địa lí theo tiếp cận năng lực bậc trung học của Hoa Kỳ, bài báo rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng chương trình và SGK Địa lí theo định hướng phát triển năng lực ở Việt Nam sau 2018. 2.2. Chương trình Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ Trong số các quốc gia có chương trình định hướng phát triển năng lực, Hoa Kỳ được xem là quốc gia đi đầu trong việc chuyển từ chương trình khung định hướng phát triển năng lực sang chương trình bộ môn và SGK theo định hướng phát triển năng lực. Địa lí là một môn học quan trọng bắt buộc trong nhà trường trung học ở Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, Hội đồng Quốc gia về Giáo dục Địa lí công bố chuẩn quốc gia môn Địa lí, chương trình này được gọi là “Geography for life” (Địa lí vì cuộc sống), có phiên bản gần đây nhất là năm 2012 [1]. Ba thành phần chính trong chuẩn quốc gia Địa lí Hoa Kỳ bao gồm: quan điểm địa lí; tri thức địa lí và kĩ năng địa lí. Ba thành phần này được xác định cụ thể là: * Quan điểm địa lí hay góc nhìn địa lí là sự kết hợp giữa quan điểm không gian và quan điểm sinh thái. Quan điểm không gian quan tâm đến việc trả lời các câu hỏi: Cái gì ở đâu? Tại sao lại ở đó? Và đặc biệt là quan tâm đến các hình mẫu không gian của các hiện tượng tự nhiên và nhân văn. Trong điều kiện hiện đại, quan điểm sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt. Quan điểm sinh thái xem thế giới như một mạng lưới của các mối quan hệ giữa các thành phần “sống” và “không sống”. Quan điểm sinh thái quan tâm đến các mối liên hệ và quan hệ này ở bên trong và giữa các hệ thống phức tạp như xã hội loài người và các hệ sinh thái. * Tri thức địa lí bao gồm 18 chuẩn kiến thức địa lí gộp lại thành 6 nhóm và được tóm tắt ở bảng dưới đây. Các chuẩn tri thức Địa lí trong Chuẩn quốc gia Địa lí Hoa Kỳ năm 2012 1- Sử dụng các phương tiện phân tích không gian: 1. Cách sử dụng bản đồ, các phương tiện trình diễn địa lí khác, công nghệ để thu thập, xử lí và báo cáo thông tin theo quan điểm Địa lí; 2. Cách sử dụng bản đồ trí nhớ để tổ chức thông tin về con người, địa điểm và môi trường trong bối cảnh không gian; 3. Cách phân tích tổ chức không gian về dân cư, địa điểm và môi trường trên bề mặt Trái Đất. 2- Địa điểm (nơi chốn) và vùng: 4. Đặc trưng tự nhiên và nhân văn của các địa điểm; 5. Chính con người sáng tạo ra các vùng, để giải thích sự đa tạp của Trái Đất; 6. Văn hoá và sự trải nghiệm ảnh hưởng như thế nào đến cảm nhận của con người về các địa điểm và các vùng. 261
  4. Nguyễn Thu Hà 3- Các hệ thống tự nhiên: 7. Các quá trình tự nhiên làm định hình các mẫu của bề mặt Trái Đất; 8. Đặc trưng và sự phân bố không gian của các hệ sinh thái trên bề mặt Trái Đất. 4. Các hệ thống nhân văn: 9. Đặc trưng sự phân bố, sự di cư của con người trên bề mặt Trái Đất; 10. Đặc trưng, sự phân bố và sự đa tạp của các thể khảm văn hoá trên Trái Đất. 11. Các hình mẫu và các mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trên bề mặt Trái đất. 12. Các quá trình, các hình mẫu và các chức năng của quần cư; 13. Sức mạnh hợp tác và xung đột của con người có ảnh hưởng như thế nào đến sự phân chia và kiểm soát bề mặt Trái Đất. 5. Môi trường và xã hội: 14. Các hành động của con người làm biến đổi hành động của môi trường tự nhiên như thế nào. 15. Các hệ thống tự nhiên tác động lên các hệ thống nhân văn như thế nào. 16. Những thay đổi xảy ra trong sử dụng, phân bố và tầm quan trọng của tài nguyên. 6. Sử dụng Địa lí trong cuộc sống: 17. Ứng dụng địa lí để giải thích quá khứ như thế nào. 18. Ứng dụng địa lí cắt nghĩa hiện tại và đặt kế hoạch cho tương lai. Sáu nhóm tri thức địa lí trong chuẩn kiến thức địa lí của Hoa kỳ bao gồm: (1) Sử dụng các phương tiện phân tích không gian; (2) Địa điểm (nơi chốn) và vùng; (3) Các hệ thống tự nhiên; (4) Các hệ thống nhân văn; (5) Môi trường và xã hội; và (6) Sử dụng Địa lí trong cuộc sống. Việc sắp xếp sáu nhóm tri thức địa lí này là phù hợp với quy luật nhận thức địa lí của HS trung học ở Hoa Kỳ. * Kĩ năng địa lí. Có 5 kỹ năng giúp HS thực hiện khảo cứu địa lí một cách có hệ thống. Khi thực hiện các kĩ năng này, HS từng bước học cách “làm địa lí”. Đó là: 1. Đặt câu hỏi địa lí; 2. Thu thập thông tin địa lí; 3. Tổ chức thông tin địa lí; 4. Phân tích thông tin địa lí và 5. Trả lời các câu hỏi địa lí. Các thành phần này không được xem xét trong sự cô lập. Nếu HS học chỉ có nội dung địa lí, họ có thể đạt điểm cao trong bài kiểm tra dựa trên thực tế, nhưng sẽ không thể để lí do địa lí trong các tình huống mới và khác biệt. Nếu HS tập trung vào các kĩ năng một mình mà không hiểu quan điểm địa lí, họ có thể không có khả năng xây dựng đúng một câu hỏi về địa lí để điều tra. Có thể thấy, chương trình Địa lí của Hoa Kỳ là chương trình có tính định hướng rõ ràng trong việc xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra. 3 thành phần chính: quan điểm (góc nhìn) địa lí, tri thức địa lí và kĩ năng địa lí hợp lại với nhau thể hiện quan niệm mới nhất của các nhà xây dựng chương trình địa lí Hoa Kỳ, đó là học địa lí trước tiên là trở thành một con người có “văn hoá địa lí”. Do đó, trong 3 hợp phần của chuẩn Địa lí Quốc gia Hoa Kỳ, hợp phần về “Quan điểm (góc nhìn) địa lí” được đặt ở vị trí đầu tiên. Để làm rõ một con người “có văn hoá địa lí” có thể biết gì và có thể làm gì, hợp phần “Tri thức địa lí” và “Kĩ năng địa lí” đã đưa ra câu trả lời. Một người có “văn hoá địa lí” với tri thức địa lí của mình sẽ nhìn thấy ý nghĩa của sự sắp xếp các sự vật trong không gian và áp dụng được các quan điểm không gian, các kĩ năng địa lí vào trong các tình huống của cuộc sống, để “giải thích quá khứ”, “cắt nghĩa hiện tại” và “đặt kế hoạch cho tương lai” [1]. Điều đặc biệt trong chuẩn Địa lí quốc gia Hoa Kỳ, các kỹ năng địa lí này không giống như cách quan niệm về kĩ năng của nhiều nhà giáo dục nước ta. Theo chương trình Địa lí mới của Bộ Giáo dục đang xây dựng, năng lực chuyên biệt môn Địa lí của HS trung học cũng bao gồm: các kiến thức địa lí, kỹ năng địa lí và thái độ với môn học, được cụ thể hoá thành 5 năng lực chuyên biệt, với 5 mức độ khác nhau, đó là: (1) Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ; (2) Học tập tại thực địa; (3) Sử dụng bản đồ; (4) Sử dụng số liệu thống kê; và (5) Sử dụng hình vẽ, tranh ảnh, mô hình, video clip. Trong khung năng lực chuyên biệt Địa lí này, dường như các nhà xây dựng chương trình của Việt Nam nhấn mạnh nhiều hơn vào kĩ năng địa lí với 4 năng lực chuyên biệt trong tổng số 5 năng lực được đưa ra. Năng lực “Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ” mặc dù đã thể hiện được phần nào về 262
  5. Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ “góc nhìn địa lí” của HS về mối quan hệ giữa các hiện tượng địa lí nhưng còn mang tính hàn lâm, lí thuyết, do vậy việc vận dụng các kĩ năng địa lí của HS vào giải thích các vấn đề của cuộc sống còn hạn chế. 2.3. SGK theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ 2.3.1. Một số đặc trưng của cuốn sách giáo khoa Địa lí thế giới của Hoa Kỳ Giới thiệu chung về cuốn sách: - Tên cuốn sách: World Geography. - Nhà xuất bản: Mc Dougal Littell. - Năm xuất bản: 2009. - Mã số: ISBN-13: 978-0-547-0374-4. Sách dày 734 trang phần chính, Phần phụ lục dày 66 trang (sổ tay hình thành kĩ năng, giải thích thuật ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha). Về mặt cấu trúc. Cấu trúc của cuốn sách gồm 3 phần chính: Phần mở đầu, phần thân và phần cuối (phụ lục) của SGK. Ở mỗi phần lại bao gồm một số hợp phần. Dưới đây là đặc trưng nổi trội trong SGK của Hoa Kỳ [10]. Đặc trưng về kênh hình và kênh chữ cuốn sách: * Kênh hình SGK Địa lí của Hoa Kỳ đã sử dụng các loại kênh hình khác nhau để tạo ra động cơ và hứng thú học tập địa lí cho HS và làm cho các thông tin Địa lí dễ tiếp cận và hấp dẫn. Kênh hình với nhiều hình thức thể hiện khác nhau bao gồm các bản đồ tỉ lệ khác nhau, các loại sơ đồ, biểu đồ và những ảnh chụp sinh động và hấp dẫn, cụ thể là: - Atlat: Bằng các bản đồ hiện trạng, các biểu đồ và đồ thị được xây dựng với số liệu cập nhật mục Atlat giới thiệu một cách tổng quát bằng màu sắc các đơn vị học tập được thể hiện trong SGK (tương đương với mỗi phần trong SGK của Việt Nam). Mỗi Unit Atlas bao gồm một bản đồ tự nhiên, một bản đồ chính trị rộng cả trang sách và một số bản đồ chuyên đề. - Đồ họa thông tin: Rất nhiều đồ họa thông tin sẽ giúp HS hiểu được các khái niệm cơ bản của Địa lí. Các đồ họa thông tin giúp cho HS thấy rõ các quá trình và công nghệ quan trọng của địa lí. - Đồ họa minh họa: Các đồ họa này xuất hiện ở phần đầu giới thiệu các chương, cung cấp cho HS một sự trợ giúp dưới dạng hình ảnh để ghi chép và tổ chức thông tin quan trọng mà các em cần học trong các chương của SGK. - Chủ điểm về thiên tai: SGK thể hiện các thảm họa tự nhiên trong các phần khác nhau của cuốn sách với các tác động toàn cầu rất đáng sợ của các thảm họa lên đời sống con người. Chủ điểm này bao gồm động đất, lũ lụt cuồng phong và cả thảm họa hạt nhân ở Checnôbun. - Tóm tắt bằng hình ảnh: Tóm tắt ở cuối mỗi chương khái quát các ý chính của mỗi chương. Các ý tưởng được trình bày theo chủ đề giúp cho HS hiểu được ý nghĩa của những thông tin mà các em đã học được. - Các mô hình Địa lí: Theo suốt cuốn sách địa lí thế giới, HS được đòi hỏi để xây dựng các mối liên hệ giữa địa lí tư nhiên và địa lí nhân văn để so sánh và đối chiếu thông tin và để tạo nên các mối liên hệ giữa các vùng và các nền văn hóa khác nhau. Để giúp cho HS làm được điều này, trong SGK có các thành tố sau đây: 263
  6. Nguyễn Thu Hà + Tập hợp các dữ liệu về các vùng: Mỗi phần của cuốn SGK Địa lí Thế giới đều có dữ liệu về vùng. Đây là một thành tố của Hợp phần Atlat. Các biểu đồ tổng hợp, dễ đọc chứa đựng các dữ liệu về nhân khẩu học giúp cho HS so sánh các nước với nhau. Dữ liệu được cập nhật thường xuyên trên Class zone, một website đồng hành với SGK địa lí Thế giới. + Biểu đồ và sơ đồ: Rất nhiều biểu đồ và sơ đồ màu giúp cho HS so sánh các dữ liệu và thấy rõ các mô hình địa lí. Ở tất cả các biểu đồ và sơ đồ, HS tạo nên những so sánh bằng cách trả lời các câu hỏi ở mục hình thành kĩ năng. Các so sánh với Hoa Kỳ được nhấn mạnh, cung cấp cho HS các điểm so sánh tương tự. + Lớn lên trong cuộc sống: Tính năng của hợp phần này là phát triển và nâng cao các dạng so sánh muôn mặt đời sống của giới trẻ trên thế giới. Trong hợp phần hấp dẫn này, HS có cơ hội được làm quen các hoạt động chung của giới trẻ ở các nước khác cũng như sự kiện quan trọng diễn ra trong cuộc sống. + So sánh về văn hóa: So sánh nền văn hóa khác nhau sẽ giúp HS khám phá ra những điểm tương đồng và khác biệt của các văn hóa khác nhau và tạo điều kiện để HS kết nối với kinh nghiệm của những con người và những nơi khác với cuộc sống riêng tư của họ. Thành tố chức năng này sẽ tạo ra một cái nhìn toàn diện về các hoạt động văn hóa trên toàn thế giới bao gồm cả nhảy múa, ẩm thực, âm nhạc và nghệ thuật. . . * Kênh chữ Kênh chữ của cuốn sách tập trung vào các vấn đề của địa lí hiện đại với 3 vấn đề trong mỗi phần (đơn vị) của cuốn sách. HS sẽ khám phá ra những vấn đề này thông qua nghiên cứu tình huống (Casestudy), nghiên cứu các nguồn tài liệu gốc, học tập dự án và nghiên cứu dựa vào công nghệ. - Bài học nghiên cứu tình huống: Bài học dự án; Kết nối với các vấn đề hiện đại; Kết nối với Internet. - Nghiên cứu tình huống: Các bài học về nghiên cứu điển hình trong SGK sử dụng các nguồn tài liệu gốc để phân tích sâu các vấn đề hiện đại mà SGK muốn nhấn mạnh. Trong các nghiên cứu tình huống có các nguồn tư liệu gốc - bài nói, lá thư, chứng cứ và tranh biếm họa về chính trị. . . - Dự án theo nhóm và các hoạt động: Mỗi nghiên cứu tình huống điển hình chứa đựng một dự án học tập. Dự án học tập tạo cho HS cơ hội để làm việc nhóm, sử dụng các nguồn tư liệu gốc, tiến hành nghiên cứu sâu và trình bày kết quả học tập. Mục “Liên kết với nghiên cứu” giúp HS tiến hành nghiên cứu với sự trợ giúp của các website. - Kết nối với các vấn đề hiện đại: Thông qua hợp phần “Kết nối với các vấn đề hiện đại”, HS được tiếp cận và học về 3 loại vấn đề địa lí. Các vấn đề này được trình bày kĩ và nhấn mạnh các bài học của SGK. Thành tố này giúp HS xây dựng nền tảng cho việc nghiên cứu tình huống được thể hiện ở cuối SGK. - Kết nối internet (classzone): Đây là một website đồng hành với cuốn SGK Địa lí thế giới. Nó cung cấp các kết nối phù hợp với nội dung của SGK. Thông qua kết nối với internet HS tiếp cận với với các dữ liệu được cập nhật và các đường link về nghiên cứu với các thông tin phong phú về các vấn đề hiện đại đã được tình bày ở mức độ nhất định trong các phần của SGK. - Dữ liệu địa lí: Các biểu đồ và sơ đồ với các dữ liệu được cập nhật thường xuyên nhằm cung cấp cho HS nhưng thông tin cơ bản để khám phá ra những vấn đề địa lí hiện đại. * Hệ thống các công cụ kiểm tra - đánh giá 264
  7. Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ SGK cũng dành nhiều trang để giới thiệu cho HS thấy rõ các phương pháp đánh giá như: các loại trắc nghiệm khách quan khác nhau (nhiều lựa chọn, trả lời dựa vào tài liệu gốc và thứ cấp, sử dụng tranh biếm họa, sử dụng biểu đồ, đồ thị, bản đồ, sơ đồ. . . ), câu hỏi mở rộng, câu hỏi dựa vào tài liệu. Bên cạnh các công cụ đánh giá được giới thiệu trong SGK, còn có khá nhiều công cụ đánh giá bổ trợ cho SGK, cụ thể là: - Đánh giá chính thức: cung cấp các câu đố và các bài kiểm tra với ba mức độ khác nhau. - Đánh giá tích hợp: các rubrics để đánh giá thay thế, bao gồm hồ sơ, các hoạt động hợp tác, thảo luận nhóm và thuyết trình. - Chiến lược chuẩn bị cho các kì kiểm tra: Các chiến lược và bài tập trong cuốn sách này sẽ giúp HS chuẩn bị tham dự các kì kiểm tra khác nhau. - Chuẩn bị kiểm tra trên online: công cụ chức năng có tính thực tiện trên online này có thể tiếp cận thông qua Website Classzone. Hình thức kiểm tra thực tế bao gồm lời khuyên khi tham gia kiểm tra, đề kiểm tra để dự báo, huấn luyện kĩ năng cùng với trợ giúp về kĩ năng và phương pháp. - Minh chứng về thực tiễn kiểm tra: cung cấp những minh chứng cụ thể cho mỗi phần của cuốn SGK mà nó bao quát cả nội dung và giúp HS làm quen với với rất nhiều đề kiểm tra khác nhau. - CD-ROM công cụ để xây dựng các đề kiểm tra: được hỗ trợ bởi Bộ công cụ đánh giá ExamView: bài viết, tuy biến, chỉnh sửa và các đề chuẩn bị cho kiểm tra, bao gồm cả câu đố cho các phần của SGK và các đề kiểm tra cho từng chương bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha phù hợp với chuẩn của từng bang. - Hệ thống kiểm tra của McDougal Little: là một chương trình linh hoạt dựa vào các web cho phép giáo viên sử dụng đánh giá như một công cụ dạy học. Việc kiểm tra liên tục và hệ thống xử lí khắc phục hậu quả là cách nhanh và dễ để kiểm tra, cho điểm, báo cáo và dạy lại cho HS. 2.4. Vận dụng một số bài học kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho việc xây dựng chương trình và SGK Địa lí trung học theo định hướng phát triển năng lực ở Việt Nam Khi tiến hành phân tích chương trình và SGK Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ, chúng tôi rút ra được một số bài học cho việc xây dựng chương trình và SGK theo định hướng phát triển năng lực của Việt Nam sau 2018 dưới đây. 2.4.1. Bài học trong việc biên soạn chương trình Địa lí theo định hướng phát triển năng lực ở Việt Nam Chương trình Địa lí của Hoa Kỳ là chương trình theo định hướng phát triển năng lực, coi trọng vấn đề HS có thể làm gì để trở thành một người có “văn hoá địa lí”, nhấn mạnh vào việc trang bị các kĩ năng HS cần biết và cần làm được để trở thành người có “văn hoá địa lí”. Ở Việt Nam, các nhà xây dựng chương trình cũng đã tiếp thu điều này để đưa ra các năng lực chuyên biệt địa lí theo định hướng phát triển năng lực, làm tiền đề cho việc biên soạn SGK Địa lí. Gần đây, GS. Nguyễn Viết Thịnh và các cộng sự trong ban soạn thảo chương trình Địa lí Quốc gia [7], tiếp thu được quan điểm xây dựng chương trình địa lí theo định hướng phát triển năng lực của các nước đã đưa ra 4 năng lực chuyên biệt địa lí cho HS đó là: (1) Năng lực nhận thức thế giới theo quan điểm không gian: Trước hết, việc nhận thức thế giới theo quan điểm không gian 265
  8. Nguyễn Thu Hà đòi hỏi HS khi tiếp nhận một thông tin về một sự vật, hiện tượng hay một quá trình tự nhiên/kinh tế - xã hội nào đó đều có thói quen đặt câu hỏi: Cái gì? Ở đâu? Nó như thế nào? Nó có quan hệ gì với các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác? Từ đó, HS có thể đánh giá được tầm ảnh hưởng của một hiện tượng hay quá trình địa lí (tự nhiên hay kinh tế xã hội) và thậm chí có thể có những suy nghĩ hay thái độ đối với các hiện tượng/quá trình đó; (2) Năng lực giải thích các hiện tượng địa lí tự nhiên, kinh tế xã hội: Đây là một năng lực rất quan trọng. Bởi vì trước khi ta cải tạo thế giới, ta cần giải thích được thế giới. Việc giải thích hiện tượng địa lí đòi hỏi HS phải phát huy nhiều kiến thức và kĩ năng, đặc biệt phải có tư duy phân tích, tổng hợp, suy lí như thể sẽ từng bước hình thành tư duy phê phán, tư duy độc lập. Điều này hết sức quan trọng đối với HS sống trong một thế giới đang biến đổi nhanh; (3) Năng lực sử dụng các công cụ địa lí học: giúp HS có thể từng bước có năng lực nghiên cứu. Càng ngày, các công cụ mà HS có thể sử dụng trong học và khám phá địa lí càng dễ dàng được tiếp cận. Các công cụ truyền thống trong học tập và nghiên cứu địa lí bao gồm bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu và hình ảnh địa lí, các thiết bị định vị toàn cầu,. . . hiện nay ngày càng hiện đại với sự số hoá của Internet; và (4) Năng lực vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào các tình huống thực tiễn. Đây có thể coi là đỉnh cao trong thang đánh giá nhận thức của Bloom, bởi vì nó không giới hạn ở việc vận dụng trong các tình huống bài tập, mà đã có tính sáng tạo. Trong quá trình dạy học, GV cần có những gợi mở để HS phát hiện những tình huống thực tiễn và khả năng vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học kể cả tự học các kiến thức, kĩ năng mới để đưa ra giải pháp cho các tình huống thực tiễn đó. Những hoạt động nhóm, khêu gợi sáng kiến, tư duy sáng tạo rất hiệu quả để nâng cao năng lực này. Các năng lực này cũng được hình thành ở các mức độ từ thấp đến cao, tuỳ theo từng HS. Có thể nói, quan điểm này đã gần tiệm cận được với quan điểm trong xây dựng chương trình theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Nếu như chương trình được xây dựng theo hướng này thì đây thực sự là một đổi mới rõ nét của chương trình Địa lí nước ta sau 2018. 2.4.2. Bài học trong việc biên soạn SGK Địa lí trung học theo định hướng phát triển năng lực ở Việt Nam SGK Địa lí Việt Nam hiện hành mặc dù đã đáp ứng được khá đầy đủ mục tiêu và chương trình giáo dục hiện hành theo chuẩn chương trình môn học như: bám sát mục tiêu, đảm bảo tính chính xác, khoa học; cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kĩ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp, đảm bảo tính chính xác, khoa học; Các khái niệm được trình bày ngắn gọn, súc tích; Bắt đầu chú ý đến việc tạo cơ hội để HS tự học qua các hoạt động như giới thiệu mục đích bài học, trả lời câu hỏi và làm bài tập tại lớp, yêu cầu tìm hiểu, so sánh thực tiễn địa phương,... Một số chủ đề về dân số, bảo vệ môi trường,. . . được lồng ghép trong nội dung, tạo cơ hội để HS hội nhập với cộng đồng, xã hội; Bước đầu SGK Địa lí tạo điều kiện để GV vận dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS; sử dụng hợp lí phương tiện, thiết bị dạy học, rèn luyện kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS và giúp HS tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện của hệ thống giáo dục của nước ta, SGK Địa lí THPT cần phải được đổi mới và hiện đại hóa về chức năng, cấu trúc, nội dung và hình thức thể hiện. SGK Địa lí của Hoa Kỳ với các đặc điểm về chức năng, cấu trúc và cách trình bày đã nêu trên cho ta 4 bài học đối với việc biên soạn chương trình và SGK Địa lí của Việt Nam: Một là: Cấu trúc và nội dung SGK phải phản ánh tư tưởng chung của cuốn sách; Hai là: SGK là một công trình sáng tạo dựa trên chương trình; Ba là: SGK của Hoa kỳ rất coi trọng việc trang bị các kĩ năng địa 266
  9. Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ lí; và Bốn là: Các cách tích hợp trong SGK Địa lí của Hoa Kỳ rất sáng tạo. Hệ thống các bài học của SGK Địa lí Hoa Kỳ được biên soạn theo từng chủ đề, mỗi chủ đề được chia làm nhiều dạng bài học: Bài học dự án, Bài học nghiên cứu tình huống; Bài học kết nối kiến thức Internet; Bài kiểm tra đánh giá. Bài học này đặc biệt được thiết kế rất công phu với hệ thống bài tập kiểm tra đánh giá trên sách và online qua website và CD ROM xây dựng các đề kiểm tra. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đổi mới kiểm tra, đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực hiện nay. Như vậy, cấu trúc và nội dung SGK phản ánh được tư tưởng chung của cuốn sách. Các nhà biên soạn SGK Địa lí của nước ta có thể khắc phục những nhược điểm trong SGK Địa lí hiện hành đó là: vẫn có những bài học chưa thể hiện rõ định hướng về phương pháp dạy học, chưa thực sự giúp HS rèn kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, chưa tạo được điều kiện tốt nhất để HS tự học độc lập, chưa tận dụng được môi trường thông tin phong phú (sách, báo, tạp chí, Internet) và môi trường tự nhiên, xã hội đa dạng xung quanh HS; việc phân tiết theo đơn vị bài học cứng nhắc đã dẫn tới dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học và hạn chế sự linh hoạt sáng tạo của GV, đồng thời tiếp thu được những bài học của Hoa Kỳ để có những cuốn SGK Địa lí chất lượng. Hệ thống kênh hình, kênh chữ của cuốn sách công phu với hệ thống Átlat, đồ họa thông tin, đồ họa minh họa, tích hợp các chủ điểm thiên tai, tóm tắt về hình ảnh; các mô hình về địa lí, các biểu đồ, sơ đồ và các so sánh về văn hoá. Mặt khác, mỗi một chủ đề địa lí, đều có các bài học nghiên cứu tình huống, dự án, kết nối Internet, kết nối với các vấn đề hiện đại điều đó chứng tỏ rằng, cuốn sách này có sự tích hợp đa dạng với các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, giúp HS được biết nhiều hơn về thực tiễn. Điều đó khẳng định rằng, đây là một cuốn SGK có tính tích hợp cao, một sự sáng tạo dựa trên chương trình khung. Trong quá trình biên soạn SGK Địa lí của nước ta cần đảm bảo sự cân đối giữa yêu cầu khoa học và yêu cầu sư phạm với hệ thống thuật ngữ tương đối trừu tượng khiến nội dung có phần nặng với đa số HS. Kênh hình và kênh chữ trong sách còn mang tính mô tả sự kiện, thống kê, minh họa, tính khái quát và phân tích chưa cao. Các cách tích hợp trong SGK Địa lí của Hoa Kỳ rất sáng tạo, đó là sự tích hợp về văn hoá qua mục “Lớn lên trong cuộc sống” - HS có cơ hội được làm quen các hoạt động chung của giới trẻ ở các nước khác cũng như sự kiện quan trọng diễn ra trong cuộc sống. “So sánh về văn hóa” - so sánh nền văn hóa khác nhau sẽ giúp HS khám phá ra những điểm tương đồng và khác biệt của các văn hóa khác nhau và tạo điều kiện để HS kết nối với kinh nghiệm của những con người và những nơi khác với cuộc sống riêng tư của họ. “Kết nối với các vấn đề hiện đại”: Thông qua hợp phần “Kết nối với các vấn đề hiện đại”, HS được tiếp cận và học về 3 loại vấn đề địa lí. Các vấn đề này được trình bày kĩ và nhấn mạnh các bài học của SGK. Thành tố này giúp HS xây dựng nền tảng cho việc nghiên cứu tình huống được thể hiện ở cuối SGK. “Kết nối internet (classzone)”: Đây là một website đồng hành với cuốn SGK Địa lí thế giới. Nó cung cấp các kết nối phù hợp với nội dung của SGK. Thông qua kết nối với internet HS tiếp cận với với các dữ liệu được cập nhật và các đường link về nghiên cứu với các thông tin phong phú về các vấn đề hiện đại đã được tình bày ở mức độ nhất định trong các phần của SGK. Trong khi, các SGK Địa lí hiện hành của Việt Nam thực tiễn cuộc sống mới chỉ được phản ánh qua hoạt động liên hệ với địa phương, cộng đồng; Có những tình huống thực tiễn gượng ép; những sự kiện, số liệu, thuật ngữ còn thiếu nhất quán giữa các lớp HS chưa được đưa vào những tình huống thực của cuộc sống, đặc biệt những vấn đề xã hội đang quan tâm như ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xây dựng nhà máy thủy điện với bảo vệ môi trường ở vùng núi Việt Nam; chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có hiệu quả cao. . . SGK của Hoa Kỳ rất coi trọng việc trang bị các kĩ năng địa lí: Điều này được thể hiện qua 267
  10. Nguyễn Thu Hà việc thể hiện ở các kênh hình, kênh chữ của cuốn sách với các Átlat, đồ hoạ, sơ đồ, biểu đồ và mô hình hoá thông tin không chỉ có chức năng minh họa cho các kiến thức, thông tin địa lí mà còn yêu cầu HS khai thác thông tin từ kênh hình đa dạng của cuốn sách. Bên cạnh đó, hệ thống các công cụ kiểm tra đánh giá được SGK đề cao, giúp HS trải nghiệm các phương pháp đánh giá như: các loại trắc nghiệm khách quan khác nhau (nhiều lựa chọn, trả lời dựa vào tài liệu gốc và thứ cấp, sử dụng tranh biếm họa, sử dụng biểu đồ, đồ thị, bản đồ, sơ đồ. . . ), câu hỏi mở rộng, câu hỏi dựa vào tài liệu. Bên cạnh các công cụ đánh giá được giới thiệu trong SGK, còn có khá nhiều công cụ đánh giá bổ trợ cho SGK, cụ thể là: đánh giá chính thức, đánh giá tích hợp, chiến lược chuẩn bị cho các kì kiểm tra và chuẩn bị kiểm tra trên online, đặc biệt hệ thống kiểm tra online với CD ROM xây dựng các đề kiểm tra cho thấy được việc coi trọng trang bị các kĩ năng địa lí và kĩ năng làm bài kiểm tra đánh giá địa lí của HS. Trong khi các SGK Địa lí của nước ta hiện nay chưa chú ý thoả đáng đến việc tạo cơ hội phát triển ý tưởng khoa học và học cách học, chưa tạo được điều kiện tốt nhất để HS học độc lập, để tận dụng tốt môi trường thông tin phong phú (sách, báo, tạp chí, Internet, bảo tàng, di tích lịch sử,. . . ). Vì vậy, để có thể biên soạn được bộ SGK Địa lí đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, các nhà biên soạn SGK Địa lí vừa kế thừa những ưu điểm của bộ SGK Địa lí hiện hành đồng thời cũng nên tiếp thu, vận dung những kinh nghiệm của SGK Địa lí các nước trong đó có Hoa Kỳ. 3. Kết luận Nghiên cứu về chương trình và SGK Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa kỳ là cơ sở để Việt Nam định hướng cho việc xây dựng chương trình và SGK Địa lí theo định hướng phát triển năng lực ở Việt Nam sau 2018, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Các bài học được rút ra trong công tác xây dựng chương trình Địa lí theo định hướng phát triển năng lực đó là nhấn mạnh vào góc nhìn, quan điểm địa lí của mỗi HS, để mỗi HS trở thành những người có văn hoá địa lí với các kiến thức và kĩ năng cần phải biết và phải làm. Đối với công tác biên soạn SGK Địa lí mới, theo tác giả, có 4 điều đã học được từ Hoa Kỳ: Một là: Cấu trúc và nội dung SGK phải phản ánh tư tưởng chung của cuốn sách; Hai là: SGK là một công trình sáng tạo dựa trên chương trình; Ba là: SGK của Hoa kỳ rất coi trọng việc trang bị các kĩ năng địa lí; và Bốn là: Các cách tích hợp trong SGK Địa lí của Hoa Kỳ rất sáng tạo. Những kết luận được rút ra từ việc phân tích đặc trưng của chương trình và SGK Địa lí của Hoa Kỳ, so sánh với Việt Nam sẽ là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình xây dựng mô hình SGK Địa lí Việt Nam sau 2018. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] The National Council Geographic Education. Geography for life: National Geography Standards, second edition, http://www.ncge.org/geography-for-life. [2] Trần Đức Tuấn, 2013. Quan niệm về đổi mới và hiện đại hoá SGK ở Việt Nam sau 2015. Kỉ yếu Hội thảo quốc tế “Đổi mới chương trình và SGK theo định hướng phát triển bền vững”, trang 106-112. Nxb Giáo dục Việt Nam. ISBN: 978-604-0-01837-3. [3] Đinh Quang Báo, 2013. SGK theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015. Kỉ yếu Hội thảo quốc tế “Đổi mới chương trình và SGK theo định hướng phát triển bền vững”, trang 62-69. Nxb Giáo dục Việt Nam. ISBN: 978-604-0-01837-3. [4] Hoàng Văn Tú, 2013. Biên soạn và sử dụng SGK Lịch sử phổ thông theo định hướng phát triển năng lực của HS. Kỉ yếu Hội thảo quốc tế “Đổi mới chương trình và SGK theo định hướng 268
  11. Chương trình và sách giáo khoa Địa lí theo định hướng phát triển năng lực của Hoa Kỳ phát triển bền vững”, trang 370-376. Nxb Giáo dục Việt Nam. ISBN: 978-604-0-01837-3. [5] Hoàng Thị Tuyết, 2013. Làm thế nào để phát triển và sử dụng SGK tương hợp với chương trình lấy người học làm trung tâm và theo định hướng phát triển năng lực?. Kỉ yếu Hội thảo quốc tế “Đổi mới chương trình và SGK theo định hướng phát triển bền vững”, trang 342-351. Nxb Giáo dục Việt Nam. ISBN: 978-604-0-01837-3. [6] Bộ Giáo dục, Đào tạo, 2006. Chuẩn chương trình Địa lí phổ thông. Nxb Giáo dục Việt Nam. [7] Nguyễn Viết Thịnh, Đỗ Thị Minh Đức, 2015. Một số vấn đề tích hợp trong biên soạn SGK và dạy học Địa lí ở trường phổ thông theo hướng phát triển năng lực. Kỷ yếu Hội nghị chuyên đề “Tích hợp trong biên soạn SGK theo định hướng phát triển năng lực”, Môn Tìm hiểu xã hội, Lịch sử, Địa lí. Hà Nội, 27/5/2016. [8] National Council for Geography Standards Overview, www.pdx.edu/geography -education/sites/www.pdx.edu.geography-education/files/7_Standards_overview.pdf. [9] The National Geographic Society Education Foundation, Status of Geography Education in the United States, Carmen P. Brysch 2013-14 Grosvenor Scholar National Geographic Society Washington, D.C. Spring 2014. [10] SGK World Geography của Nxb MacDougual Littell, 2009. [11] http://www.nationalgeographic.org/education/national-geography-standards/ [12] https://netforum.avectra.com/eweb/DynamicPage.aspx?Site=Test%20One&WebCode=Geo- -graphyStandards ABSTRACT Curiculum and textbooks of geography subject towards competence-based development of the united states Nguyen Thu Ha Institutes of Educational Research, Hanoi National University of Education Renovation and modernization of general education, first and foremost, of modernization and modernization of curricula and textbooks are urgent needs to meet in order to improve the quality and effectiveness of the general education in the direction of sustainable development. At present, the national curricula and textbooks, especially the United States, are changing with their capacity approach. The study of geography curriculum and textbooks towards the development of the United States’ competence approach aims at identifying US curriculum-oriented curricula and textbooks, from which some lessons learned in developing high school geography textbooks and curricula in Vietnam in the orientation of competence development after 2018. Keywords: Curiculum, textbook, Geography textbooks, Geography textbooks towards competence-based development, USA. 269
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2