intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa nhân dân tệ và các đồng tiền của các quốc gia ASEAN

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

41
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày cái nhìn của tác giả về tính khả thi của việc xác định cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa các quốc tra kể trên. Có những điều kiện cần để tiến tới cơ chế đó. Tuy nhiên những rào càn, nhất là chương trình phối hợp chính sách quốc tế của các quốc gia liên quan là những điều không dễ xử lý trong ngắn hạn.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa nhân dân tệ và các đồng tiền của các quốc gia ASEAN

  1. CƠ CHẾ HÌNH THÀNH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI GIỮA NHÂN DÂN TỆ VÀ CÁC ĐỒNG TIỀN CỦA CÁC QUỐC GIA ASEAN TS. Lương Thái Bảo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc với các đồng tiền của các quốc gia ASEAN trở thành mối quan tâm mới của giới nghiên cứu và những người làm thực tế nhất là trong viễn cảnh TPP đã được ký kết và đồng Nhân dân tệ được chấp nhận vào giỏ tiền tệ quốc tế đứng sau Quyền rút vốn đặc biệt của IMF. Bài viết trình bày cái nhìn của tác giả về tính khả thi của việc xác định cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa các quốc tra kể trên. Có những điều kiện cần để tiến tới cơ chế đó. Tuy nhiên những rào càn, nhất là chương trình phối hợp chính sách quốc tế của các quốc gia liên quan là những điều không dễ xử lý trong ngắn hạn. 1. Giới thiệu Năm 2015 thế giới chứng kiến hai sự kiện mang tính lịch sử liên quan đến thương mại, đầu tư và tiền tệ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Thứ nhất, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước thành viên APEC đã được thông qua.1 Thứ hai, đồng Nhân dân tệ của của Trung Quốc được IMF chấp nhận đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế bên cạnh bốn đồng tiền khác là Đô la Mỹ, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật. Cả hai sự kiện này, bên cạnh những tác động dự kiến ở phạm vi toàn cầu, còn có ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia Đông và Đông nam Á trong đó có Trung Quốc và các quốc gia thuộc nhóm ASEAN. Như vậy tại vùng này, bên cạnh sự giao thoa tác động hiện có của liên kết vùng gồm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đang đàm phán giữa ASEAN với các nước và khu vực khác 1 TPP bao gồm 12 thành viên là Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt nam, Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh đó Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP. Trung Quốc và một số quốc gia khác thuộc nhóm ASEAN chưa có nhiều thông tin cụ thể. 135
  2. (ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - EU…) thì TPP và vai trò mới của đồng Nhân dân tệ là những yếu tố cần được cân nhắc trong thời gian tới liên quan đến sự phát triển của thương mại và đầu tư của các nước liên quan. Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng trong vòng hơn 20 qua và trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á, hiển nhiên Trung Quốc có mong muốn thấy đồng tiền quốc gia của mình có vai trò ảnh hưởng lớn hơn đối với thương mại và đầu tư quốc tế. Trung Quốc đã và đang chuẩn bị các bước đi theo hướng này thông qua một loạt hành động bao gồm cho phép tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ thay đổi linh hoạt hơn với Đô la Mỹ, cán cân vốn của đồng Nhân dân tệ mở hơn, phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng Nhân dân tệ trên thị trường Luân đôn và đề nghị chấp nhận đồng Nhân dân tệ vào giỏ ngoại tệ mạnh của IMF… Bên cạnh đó Trung Quốc cũng đang tìm cách có được sự ủng hộ từ các quốc gia trong khu vực đặc biệt là các quốc gia ASEAN cho việc “hội nhập tiền tệ” lớn hơn giữa đồng Nhân dân tệ với các đồng tiền của các quốc gia này, bắt đầu từ một cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái. Bài phân tích này lập luận rằng để tạo cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, chúng ta cần phải tính đến các yếu tố sau: (i) phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế của các quốc gia liên quan, (ii) phối hợp chính sách tỷ giá hối đoái của các quốc gia liên quan, và (iii) quy trình lựa chọn đơn vị tiền tệ giữa các quốc gia liên quan. 2. Vị thế kinh tế và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong vùng Kể từ khi chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường vào cuối những năm 1970, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh trở thành đối tác quan trọng không thể thiếu được ở châu Á, giúp thúc đẩy sự thịnh vượng không chỉ của chính quốc gia này mà còn của các nền kinh tế trong vùng và khu vực. Nền kinh tế này, tích lũy dần dần sức mạnh thông qua việc tiếp nhận FDI với tư cách là nguồn tài trợ chính cho tăng trưởng, được đánh giá bởi cả giới làm chính sách và nghiên cứu là một trong những ví dụ điển hình về chính sách kinh tế hướng ra bên ngoài tác động thế nào đến nền kinh tế quốc gia. Kết quả là Trung Quốc được ví là “công xưởng của thế giới” trong gần hai thập kỷ đến nay. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Trung Quốc đạt mức hơn 10% trong suốt những năm 1990 và 2000 nhờ mức đầu tư cao và mở rộng xuất khẩu liên tục giúp quốc gia này có được sức ảnh hưởng quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới trên các thị trường hàng hóa, vốn và cả công nghệ. 136
  3. Không ngạc nhiên rằng qua các năm do mức thặng dư cao trong thương mại Trung Quốc đã có thể xây dựng sức mạnh kinh tế quốc tế của mình thông qua lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ, lên đến gần 3.850 tỷ Đô la Mỹ vào cuối năm 2014. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, việc kinh tế thế giới bị rơi vào suy thoái và tiềm ẩn nhiều bất trắc đã cho Trung Quốc các cơ hội tuyệt vời để mở rộng sự hiện diện kinh tế của mình đến tất cả các khu vực trên thế giới bao gồm toàn châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Quốc gia này đã tích cực và chủ động tăng cường vài trò của mình trong lĩnh vực tài chính quốc tế mà nổi bật nhất là sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) vào tháng 11 năm 2014. Có vai trò tích cực trong việc tạo ra chiến lược hoạt động, đóng góp vốn, thuyết phục các quốc gia trong và ngoài vùng tham gia Ngân hàng này, Trung Quốc đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng quốc gia này có thể trở thành người thay đổi cuộc chơi trong hệ thống tài chính quốc tế trong tương lai. Ở cấp độ vùng, có bằng chứng rõ ràng rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mang lại lợi ích cho các nền kinh tế phát triển hơn của các quốc gia lân cận về địa lý ở châu Á bao gồm một số quốc gia ASEAN trong khi các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn trong nhóm thì sự tăng trưởng này có tác động hỗn hợp (Eichengreen et al., 2007).2 Tuy nhiên có một thực tế là sự phụ thuộc về thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc nhóm ASEAN không cao như mong đợi nhất là sau khi FTA giữa các quốc gia này có hiệu lực vào năm 2010. Theo số liệu của ADB (2014), vào tháng 5 năm 2014 Trung Quốc chỉ chiếm 10,3% tỷ trọng thương mại của các quốc gia ASEAN trong khi chỉ đóng góp 3,8% FDI vào các quốc gia này vào năm 2012. Bên cạnh đó con số liên quan đến việc nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu giữa Trung Quốc và các quốc gia này (chủ yếu là chiều đi vào Trung Quốc) năm 2013 cũng lần lượt chỉ là 11,1% và 1,5%.3 Những thực tế phát triển liên quan đến hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN ở trên có một số ngụ ý quan trọng. Thứ nhất, Trung Quốc thành công trong việc sử dụng lợi thế của thị trường nội địa khổng lồ và chính sách quản lý khu vực ngoại biên thận trọng của mình. Một trong những đóng góp chính cho sự thành công về kinh tế của Trung Quốc, như được chỉ ra bởi giới 2 Eichengreen chỉ ra rằng các quốc gia trong nhóm ASEAN như Singapore, Malaysia… được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong khi các quốc gia như Việt Nam, Philippines thì lợi ích thu được rất hạn chế. 3 Cũng theo ADB thì cấu trúc thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản với các quốc gia ASEAN có sự khác biệt căn bản với cái của Trung Quốc thể hiện ở mức FDI lớn của Nhật Bản đi vào các quốc gia này. 137
  4. nghiên cứu và người làm thực tế, là quốc gia này đã có thể quản lý chế độ tỷ giá và kiểm soát vốn qua các năm giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao trong khi vẫn giữ hệ thống tài chính ổn định và ít chịu tác động từ các cú sốc bên ngoài. Thứ hai, sự phát triển của Trung Quốc thời gian qua mang đầy đủ đặc tính của mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của các nước châu Á. Quốc gia này, như các quốc gia khác trong vùng, bắt đầu bằng việc nhập khẩu tư bản và công nghệ phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu, sau đó khi nền kinh tế mở rộng và phát triển ở cấp độ cao hơn thì họ bắt đầu cân nhắc việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới thông qua đầu tư ra bên ngoài do có thặng dư cả trên cán cân vãng lai và vốn. Thứ ba, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc có mức độ và cấu trúc hội nhập kinh tế với các quốc gia ASEAN khác với Nhật Bản, quốc gia này do các tính toán chiến lược về vị thế của mình luôn theo đuổi sự cạnh tranh với Nhật Bản trong việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các quốc gia ASEAN là lĩnh vực rõ ràng Trung Quốc đang đi sau. Đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản là quốc gia sẽ có lợi hơn khi ra nhập TPP trong khi Trung Quốc là quốc gia chịu tác động tiêu cực vì đứng ngoài hiệp định kinh tế này như được chỉ ra trong nghiên cứu ban đầu của Li và Whalley (2012) thì việc tìm ra các kênh tạo lợi thế trong quan kệ kinh tế với các quốc gia ASEAN là một mục tiêu quan trọng với Trung Quốc. Hệ quả tự nhiên của ba ý trên đối với Trung Quốc là quốc gia này, với trạng thái kinh tế hiện tại, phải thực hiện các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa việc hội nhập kinh tế với các quốc gia ASEAN, không chỉ trong thương mại và đầu tư mà còn trong các vấn đề liên quan đến tiền tệ. Khi Trung Quốc hiện chỉ cho phép đồng Nhân dân tệ tự do chuyển đổi trong cán cân vãng lai, quốc gia này cần tính đến các vấn đề liên quan đến năng lực chuyển đổi hạn chế của đồng tiền quốc gia trong cán cân vốn nhằm hỗ trợ sự mở rộng về thương mại và đầu tư lên cấp độ cao hơn. Và các quốc gia ASEAN cùng với đồng tiền của họ có thể đóng vai trò trở thành đầu mối kiểm định tốt nhất cho Trung Quốc trong chiến lược mới của quốc gia này đưa ra nhằm nâng vai trò quốc tế của đồng Nhân dân tệ cũng như hội nhập tiền tệ với các quốc gia trong vùng. Vì vậy, một tiếp cận liên quan đến việc tìm kiếm cơ chế hình hành tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng tiền của các quốc gia ASEAN là nhu cầu hiện hữu của các bên liên quan. Tuy nhiên, mục tiêu này cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Một trong những lo ngại chính liên quan đến việc hình thành cơ chế tỷ giá hối đoái này là sự khác biệt về chế độ tỷ giá hối đoái giữa các quốc gia liên quan. Với việc nới lỏng gần đây của Trung Quốc liên quan đến tỷ giá hối đoái trên thị trường giao ngay, cho phép tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và Đô la Mỹ được quyết 138
  5. định theo cung và cầu, cơ chế tỷ giá hối đoái của Trung Quốc dường như đã gần với cái của hầu hết các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn trong nhóm ASEAN. Tuy nhiên việc này cần được nhìn nhận một cách thận trọng và nên được coi như là một trong những điều kiện cần cho việc thảo luận liên quan đến một cơ chế hình thành tỷ giá của các quốc gia này. Tương tự cũng nên nhìn nhận rằng việc đồng Nhân dân tệ sẽ chính thức được đưa vào tính toán giỏ tiền tệ của IMF từ tháng 10 năm 2016 sẽ mang lại uy tín và lợi thế cho đồng tiền này nhưng đối với một cơ chế tỷ giá đa phương với các quốc gia ASEAN thì luôn có những trở ngại không thể bỏ qua. 3. Các trở ngại cho cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa Nhân dân tệ và các đồng tiền của ASEAN Hiện tại có rất ít bằng chứng liên quan đến việc có sự tồn tại của một cơ chế giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN cho việc hình thành tỷ giá hối đoái giữa các quốc gia này. Về lý thuyết một cơ chế tỷ giá hối đoái ổn định và cân bằng được hình thành bởi sự hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN sẽ trở thành một trong những trụ cột trung tâm để thúc đẩy thương mại và đầu tư tạo ra sự thịnh vượng của vùng. Tuy nhiên vì hầu hết đồng tiền của các quốc gia này đã được neo với đồng Đô la Mỹ trong quá khứ nên có thể phát biểu rằng phần lớn thời gian giới nghiên cứu và làm thực tế đã chỉ dành cho việc nghiên cứu về sự đánh giá không đúng giá trị của các đồng tiền với đồng Đô la Mỹ cũng như cơ chế hợp tác trong vùng để xử lý các vấn đề liên quan đến sự đánh giá không đúng giá trị này. Bên cạnh đó, sau khi khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, đã có cố gắng giữa các quốc gia Đông và Đông Nam Á để đạt được cơ chế hợp tác vùng theo hai hướng cụ thể gồm hình thành đồng tiền chung và xây dựng cơ chế ổn định tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền trong vùng. Cố gắng thứ hai dường như thành công hơn cái thứ nhất nếu xét theo kết quả thực tế đạt được. Các quốc gia thuộc nhóm ASEAN + 3 (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) theo khuôn khổ Sáng kiến Chiang-Mai đã tạo được một quỹ ứng phó với khủng hoảng có giá trị 120 tỷ Đô la Mỹ (Rana et al., 2013). Theo trật tự sự việc, trong vùng khi đó đã phát sinh kỳ vọng rằng các quốc gia liên quan có thể tiến gần hơn đến hội nhập tiền tệ bằng việc cho phép hợp tác sâu hơn về tỷ giá hối đoái trong đó Đơn vị tiền tệ vùng (RMU) cần được hình thành với tư cách là giỏ đồng tiền vùng. Nhưng không có gì xảy ra tiếp theo kỳ vọng này mà một phần là do không nhận được sự ủng hộ về chính trị từ các quốc gia này. 139
  6. Ý tưởng liên quan đến RMU càng trở nên hấp dẫn hơn theo sau sự bùng phát của khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Một trong những lợi ích của nó mà những người ủng hộ đưa ra là nó có thể trở thành một công cụ cấp vùng để giám sát tỷ giá hối đoái của các quốc gia liên quan và tạo điều kiện cho hợp tác vùng về tài chính. Một lợi ích khác là nó có thể được sử dụng để giảm thiểu biến động của cán cân thương mại nội vùng cũng như của vùng với bên ngoài. Trung Quốc và các quốc gia ASEAN do đó cần cân nhắc một cơ chế mà theo đó giúp cùng lúc ổn định tỷ giá hối đoái và thúc đẩy hơn hoạt động thương mại không chỉ nội vùng mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Với ý tưởng này trong đầu, chúng ta có thể chỉ ra rằng yếu tố cốt lõi cho việc thực hiện các bước tiếp theo tiến tới RMU là sự đồng thuận giữa các quốc gia liên quan. Vì đồng tiền của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã và vẫn được xác định theo chuẩn Đô la Mỹ nên sẽ hợp lý nếu đặt câu hỏi rằng các quốc gia này đã sẵn sàng cho một chuẩn tiền tệ mới song song với Đô la Mỹ hay chưa? Câu trả lời chắc chắn là không thể rõ ràng tại thời điểm này. Cụ thể theo Click (2009) tỷ giá hối đoái của các quốc gia ASEAN, hiện đang chịu ảnh hưởng của của nhiều yếu tố khác nhau cả trong ngắn hạn và dài hạn; và các quốc gia này xét theo tổng thể có thể chưa sẵn sàng cho một chuẩn tiền tệ quốc tế mới. Tuy nhiên tại thời điểm này chúng ta có thể biện luận một cách an toàn rằng, Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang có trong tay một số yếu tố hỗ trợ cho việc hình thành một chuẩn tiền tệ quốc tế mới như thế. Thứ nhất, các quốc gia này đang tiếp tục logic của hội nhập, tức là hội nhập thương mại, hội nhập tài chính và hội nhập tiền tệ. Ngay cả khi hội nhập tài chính giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN chưa sâu rộng và có sự khác biệt về mức độ hội nhập giữa nội bộ các quốc gia ASEAN cũng như giữa họ với Trung Quốc thì hội nhập tiền tệ với mức độ hạn chế (tức là RMU) có thể trở thành nhân tố tạo điều kiện cho hội nhập thương mại và tài chính sâu rộng hơn. Thứ hai, chế độ tỷ giá hối đoái hiện hành khác nhau giữa các quốc gia thành viên ASEAN đi kèm với sự phụ thuộc thương mại của các quốc gia này với Trung Quốc đòi hỏi các nước phải nghĩ tới một cơ chế tỷ giá với Trung Quốc để xử lý những biến động của thương mại nội vùng cũng như liên vùng. Thứ ba, có một thực tế là Trung Quốc đã cho phép sự tự do chuyển đổi của đồng Nhân dân tệ trong cán cân vãng lai và rất có thể quốc gia này đang có ý định tiến xa hơn nữa với ưu tiên vùng được đặt lên trên khi nó liên quan đến đầu tư. Khi vấn đề tự do chuyển đổi của đồng Nhân dân tệ trong tài khoản vốn được đặt lên bàn cân, Trung Quốc cần và được đòi hỏi phải có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn vì lợi ích của xuất khẩu và đầu tư ra bên ngoài mà 140
  7. quốc gia này có thể đạt được cũng như vì chiến lược của họ trong việc tạo vị thế quốc tế cho đồng Nhân dân tệ ít nhất là trong thanh toán và dự trữ. Từ góc nhìn bên trong cũng như bên ngoài, đã đến lúc Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, bất kể chế độ và cơ chế tỷ giá hối đoại hiện tại của từng quốc gia, cần phải nghiêm túc đánh giá về một cơ chế hình thành các mức giá của tỷ giá hối đoái giữa các quốc gia này. Chúng có thể là mức tỷ giá hối đoái song phương hoặc đa phương nhưng như đã thảo luận ở trên tuy nhiên sẽ thuận lợi hơn cho các quốc gia này nếu ưu tiên mức tỷ giá đa phương vì nó không khác hơn một sự tái khởi động từ những gì đã được bàn luận từ đầu những năm 2000 về RMU. Hiểu và thực thi theo cách tiếp cận này có một số lợi điểm. Thứ nhất, kinh nghiệm và bài học từ trường hợp của các quốc gia châu Âu có được phân tích và học để áp dụng vào vấn đề của vùng. Thứ hai, đã có một số lượng đủ lớn các nghiên cứu về vấn đề này như của Watanabe và Ogura (2006), Pontines (2015), Click (2009)… trong đó các vấn đề kĩ thuật liên quan đến hội nhập tiền tệ ở Đông và Đông Nam Á được đưa ra tính toán và đánh giá cụ thể trên nhiều khía cạnh khác nhau. Kết quả của chúng có thể được sử dụng như thông tin đầu vào cho các phân tích đi sau để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi có nên có một cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái trong vùng hay không. Bên cạnh những sự quan tâm chung tạo ra các động lực cho cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, chúng ta không thể bỏ qua các trở ngại mà các quốc gia này phải cân nhắc cũng như hợp tác để vượt qua. Một cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái liên quan đến các quốc gia với các tập hợp lợi ích và mục tiêu khác nhau có thể rất khó để xây dựng vì nó cần thời gian và phải xử lý quan hệ chi phí - lợi ích tại mỗi quốc gia. Do đó một số khía cạnh cản trở chính cần được đánh giá sâu hơn ở đây. Thứ nhất, cần phải có sự phối hợp chính sách quốc tế giữa các quốc gia này. Vì nền kinh tế Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã hội nhập ở cấp độ vùng nên có thể thấy rằng các quốc gia này đã có sự phối hợp chính sách liên quan đến thương mại và đầu tư trong khi vẫn đang tiếp tục làm việc cùng nhau để làm sâu rộng hơn tiến trình hội nhập. Đối với hội nhập tiền tệ, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã đóng vai trò chính trong việc đề xuất, nghiên cứu cơ chế cho RMU. Ngay cả khi RMU vẫn chỉ dừng lại ở những nghiên cứu học thuật và thảo luận chính sách nó vẫn có thể được dùng như là một thước đo cho việc đánh giá mức độ không đúng với giá trị của tỷ giá hối đoái của các quốc gia riêng lẻ. Đối với Trung Quốc, quốc gia này có thể có lợi từ việc có một cơ chế tỷ giá hối đoái cho 141
  8. phép đồng Nhân dân tệ có vai trò lớn hơn với tư cách là đồng tiền quốc tế trong giỏ tiền của IMF cũng như cho phép họ chịu chi phí thấp hơn trong quản lý ngoại hối. Đối với các quốc gia ASEAN, rõ ràng rằng họ có thể được hưởng lợi từ việc ít phụ thuộc vào chuẩn tiền tệ theo Đô la Mỹ. Và điều này cũng có nghĩa là các quốc gia này ít chịu rủi ro của các cú sốc từ bên ngoài liên quan đến tỷ giá hối đoái hơn. Tuy vậy, chúng ta có thể thấy sự không dễ dàng mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt để đạt được một chương trình phối hợp tốt giữa họ cho việc tiến tới RMU khi tiến trình đàm phán có thể đòi hỏi các bên phải theo “các quy tắc của cuộc chơi” với những giới hạn kèm theo như mục tiêu, công cụ, thời gian và các bên thứ ba liên quan. Rõ ràng đồng Đô la Mỹ hiện đang và vẫn còn đóng vai trò chủ chốt trong vùng. Ngay cả khi khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra đã có những cuộc tranh luận rằng Đơn vị tiền tệ châu Á - cách gọi khác của RMU - có thể trở thành đồng tiền thay thế cho đồng Đô la Mỹ trong vùng. Tuy nhiên, một khảo sát cấp vùng thực hiện bởi Rana et al. (2012) đã chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo của ASEAN + 3 bao gồm 218 quan chức Chính phủ, nhà nghiên cứu và người làm thực tế trong khu vưc tài chính tư nhân phần lớn đồng ý rằng các cố gắng của vùng nên được tập trung vào việc cho ra đời RMU. Ngụ ý của kết quả này là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cần được xem như là một bên liên quan trong khuôn khổ của RMU. Khảo sát cũng đề cập đến Quỹ tiền tệ châu Á (AMF) là cái chỉ được người được khảo sát thấy cần thiết ở dài hạn, và quan trọng hơn là những người trả lời cho rằng AMF chỉ nên được xem như là một hệ thống tiền tệ bổ sung cho IMF nơi mà Đô la Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Vì vậy, các cố gắng để tạo lập cơ chế tỷ giá hối đoái vùng giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN có thể phải đối mặt với những tranh luận tương tự nêu trên, nhất là khi mức độ phối hợp chính sách trong vùng chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của thỏa thuận Chiang-Mai. Thứ hai, ngay cả lời kêu gọi cho sự hội nhập tiền tệ lớn hơn trong vùng đã được truyền đi trong nhiều năm, đã không có cố gắng thực sự từ tất cả các bên để tìm câu trả lời cho hai câu hỏi quan trọng. Câu hỏi thứ nhất là ai sẽ được hưởng lợi và ai sẽ bị thiệt hại từ việc tồn tại của một đơn vị tiền tệ vùng? Nhìn từ khuôn khổ lý thuyết hiện tại, chúng ta có thể chỉ ra rằng một cơ chế tỷ giá chung cho Đông và Đông Nam Á là tốt cho tất cả các quốc gia liên quan về mặt ổn định của đồng tiền nhưng các quốc gia này cũng quan tâm đến sự mất cân đối thương mại và theo đó là phúc lợi quốc gia. Nếu cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN được thiết kế ra thì nó cần phải tính toán đến việc 142
  9. tạo ra sự cân bằng thương mại giữa các quốc gia trong vùng hội nhập. Một số quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn như Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines và Việt Nam có thể muốn ưu tiên xử lý trước tiên sự mất cân bằng về thương mại với các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn trong nhóm và Trung Quốc. Với tư cách là quốc gia thành viên của ASEAN các quốc gia kém phát triển hơn này vẫn có quyền yêu cầu bất cứ cơ chế tỷ giá hối đoái vùng nào phải giúp họ giảm mất cân bằng thương mại. Câu hỏi thứ hai là mức độ cam kết mà chúng ta có thể mong đợi từ mỗi quốc gia liên quan để thực hiện chương trình phối hợp đến đâu? Có vẻ như ở đây sẽ phát sinh vấn đề không tương thích về thời gian. Trong quá khứ, các quốc gia trong ASEAN như Thailand và Malaysia cùng với Hàn Quốc được dẫn đầu bởi Nhật Bản đã thể hiện sự hăng hái cao hơn với ý tưởng cho RMU trong khi Trung Quốc thì không thể hiện nhiều sự quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí ngay cả khi các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn đã có thể thực hiện điều gì đó theo sau thỏa thuận Chiang-Mai, vẫn tồn tại sự không rõ ràng liên quan đến việc các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn có sẵn sàng cam kết với một thứ có thể không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự phát triển của họ. Điều này gợi ý rằng một cơ chế tỷ giá hối đoái giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN có thể sẽ khả thi và mang lại lợi ích cho tất cả các bên khi và chỉ khi Trung Quốc là quốc gia khởi xướng cho sự hình thành của nó cùng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn trong nhóm cộng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Như thế các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn trong nhóm có thể là những người ra nhập sau vì họ cần nhiều thời gian hơn để điều chỉnh chính sách tăng trưởng và thị trường nội địa. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, có hai vấn đề kĩ thuật cần được tính đến liên quan đến mối quan hệ giữa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng tiền của các quốc gia ASEAN. Vấn đề thứ nhất liên quan đến tình trạng hiện tại của đồng Nhân dân tệ so với Đô la Mỹ và Yên Nhật. Hai đồng tiền đứng sau đã được tự do chuyển đổi hoàn toàn và có thể thực hiện đầy đủ chức năng của đồng tiền quốc tế gồm thanh toán, dự trữ và xuất hóa đơn theo hợp đồng. Có thể hợp lý khi kỳ vọng đồng Nhân dân tệ sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ của các đồng tiền mạnh quốc tế nhưng đó nên là một tiến trình tự thúc đẩy từ phía Trung Quốc. Điều này có nghĩa là vùng đang mong đợi nhìn thấy đồng Nhân dân tệ sẽ linh hoạt hơn và tuân theo cơ chế định giá dựa trên cung cầu thị trường. Sự quan trọng của việc này nằm ở chỗ nó sẽ giúp đồng Nhân dân tệ nhận được sự công nhận quốc tế rộng rãi như đồng Đô la Mỹ và đồng Yên Nhật. Hệ quả là các quốc gia trong ASEAN có niềm tin lớn hơn vào đồng Nhân dân tệ như hai đồng tiền kia. 143
  10. Vấn đề thứ hai liên quan đến cơ chế tỷ giá song phương hiện hành giữa đồng Nhân dân tệ với các đồng tiền khác của các quốc gia ASEAN. Hiện tại phần lớn tỷ giá giữa các đồng tiền với đồng Nhân dân tệ được xác định thông qua tỷ giá chéo với đồng Đô la Mỹ. Như vậy sẽ có hai cấp độ tạo ra sự không đúng giá trị giữa đồng tiền của các quốc gia này với đồng Nhân dân tệ, tức là có thể tồn tại mức độ chênh lệch giá trị giữa Nhân dân tệ và đồng Đô la Mỹ và tồn tại mức độ chênh lệch giá trị giữa đồng Đô la Mỹ với các đồng tiền của các quốc gia ASEAN, nhất là các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn trong nhóm như đã đề cập ở trên. Điều này có thể được giải thích do sự khác biệt về cấu trúc thương mại cũng như cơ chế tỷ giá hối đoái mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang có.4 Sẽ logic hơn nếu chúng ta cho rằng để xác định cơ chế hình thành tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với đồng tiền của các quốc gia ASEAN thì trước tiên cơ chế tỷ giá song phương của Trung Quốc với từng quốc gia này cần được xem xét và tính toán trước. 4. Kết luận Hội nhập kinh tế vùng của Đông và Đông Nam Á đang được đẩy mạnh hơn khi TPP đã hoàn thành vòng đàm phán vào cuối năm 2015. Cùng thời gian này việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được chấp nhận để cuối năm 2016 chính thức trở thành đồng tiền đứng trong giỏ tiền tệ của IMF làm cho vấn đề tỷ giá hối đoái trở thu hút sự chú ý của các quốc gia liên quan nhất tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của Trung Quốc và đồng tiền của các quốc gia ASEAN. Việc đặt vấn đề xác định cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền này là tự nhiên ở thời điểm này. Kết hợp thông tin quá khứ với các thực trạng hiện tại trên thị trường, chúng ta có thể đưa ra một phân tích mang tính hướng về phía trước để xem xét tính khả thi cho sự ra đời của một cơ chế như thế. Về lý thuyết, một cơ chế hình thành tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với các đồng tiền khác của các quốc gia trong vùng trong bao gồm cả các quốc gia ASEAN là điều đã và đang được mong đợi vì nó giúp ổn định tỷ giá hối đoái nội vùng giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy có những rào cản lớn cho việc hình thành cơ chế này. Rào cản quan trọng nhất là chưa có một cơ chế phối hợp chính sách quốc tế giữa Trung Quốc và các quốc gia trong vùng cũng như chưa có một cơ chế tin cậy trong phối hợp chính sách quốc 4 Xem thêm Aflouk et al. (2010) để biết thêm chi tiết việc không đinh xác định đúng giá trị của đồng Nhân dân tệ với các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. 144
  11. tế song phương và đa phương trong đó vai trò chủ động của Trung Quốc được coi là mấu chốt. Những phân tích ở trên lập luận rằng để đi đến một cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái như mong muốn thì Trung Quốc, các quốc gia ASEAN cũng như các quốc gia liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Mỹ cần tiếp tục làm việc để chỉ rõ lợi ích và chi phí của các bên liên quan. Chỉ có như vậy thì hội nhập mới được thúc đẩy nhằm mang lại tăng trưởng và phúc lợi của các quốc gia này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Aflouk N., S.-E. Jeong, J. Mazier and J. Saadaouiet (2010), Exchange rate misalignments and international imbalances a feer approach for emerging countries, Economie internationale, 2010/4 n° 124 | pages 31 à 74. 2. Click R. W. (2009) The ASEAN dollar standard in the post-crisis era: A reconsideration, Journal of Asian Economics 20, 269-279. 3. Eichengreen B., Rhee Y. and H. Tong (2007) China and the Exports of Other Asian Countries, Review of World Economics, July, Volume 143, Issue 2, pp 201-226. 4. Li C. and J. Whalley (2012), China and the tpp: a numerical simulation assessment of the effects involved, working paper 18090, nber working paper series. 5. Pontines V. (2015), How useful is an Asian Currency Unit (ACU) index for surveillance in East Asia?, Economic Systems 39, 269-287. 6. Rana P. B., Chia W.-M. and Y. Jinjarak (2013), Monetary integration in ASEAN+3: A perception survey of opinion leaders, Journal of Asian Economics 23 (2012) 1-12. 7. Watanabe S. and M. Ogura (2006), How Far Apart Are Two ACUs from Each Other?: Asian Currency Unit and Asian Currency Union, Bank of Japan Working Paper Series, No.06-E-20, November. 8. ADB (2014), Asian Economic Integration Monitor, November. 145
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2