intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện kỹ năng viết bài biện hộ cho sinh viên Luật - kinh nghiệm từ cuộc thi Vmoot và một số gợi mở

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

34
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết sẽ chia sẻ những kinh nghiệm để hoàn thiện kỹ năng khi viết bài biện hộ được rút ra từ cuộc thi trên. Qua đó, giúp các bạn sinh viên Luật xây dựng được kiến thức nền tảng, nâng cao kỹ năng viết bài đồng thời khơi gợi niềm cảm hứng cho các bạn sinh viên Luật thêm tự tin đứng trước những sân chơi chuyên nghiệp.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện kỹ năng viết bài biện hộ cho sinh viên Luật - kinh nghiệm từ cuộc thi Vmoot và một số gợi mở

  1. HOÀN THIỆN KỸ NĂNG VIẾT BÀI BIỆN HỘ CHO SINH VIÊN LUẬT - KINH NGHIỆM TỪ CUỘC THI VMOOT VÀ MỘT SỐ GỢI MỞ Trần Tú Uyên Phạm Thị Thiện Ân Nguyễn Thị Thắm TÓM TẮT Bài biện hộ là văn bản chứa đựng các lập luận để giải quyết các vấn đề pháp lý cho tranh tụng tại phiên xử, đồng thời là sự chuẩn bị của luật sư trong quá trình tranh tụng, là kết quả của quá trình nghiên cứu hồ sơ. Chính vì vậy, hoàn thiện kỹ năng viết bài biện hộ cho sinh viên Luật là điều vô cùng cần thiết. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân từng tham gia cuộc thi Phiên tòa giả định Vmoot do trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Bài viết sẽ chia sẻ những kinh nghiệm để hoàn thiện kỹ năng khi viết bài biện hộ được rút ra từ cuộc thi trên. Qua đó, giúp các bạn sinh viên Luật xây dựng được kiến thức nền tảng, nâng cao kỹ năng viết bài đồng thời khơi gợi niềm cảm hứng cho các bạn sinh viên Luật thêm tự tin đứng trước những sân chơi chuyên nghiệp. Từ khóa: Bài biện hộ, kỹ năng viết bài biện hộ, cuộc thi Vmoot. 1. Đặt vấn đề Trên thực tế, có thể nhận thấy rằng, một số sinh viên sau khi ra trường còn khá bị động trong kiến thức của chính mình, học chưa đi đôi với hành, không phải ai cũng có thể hiểu và vận dụng một cách tốt nhất những nền tảng lý thuyết học thuật vì đa phần các bạn ít được thực hành, làm quen với từng lĩnh vực cụ thể, khó khăn nhất phải kể đến là việc tiếp cận hồ sơ, xử lý vụ án. Một phần xuất phát từ nền tảng kiến thức chuyên ngành chưa có sự linh hoạt, một phần đến từ các kỹ năng giải quyết hồ sơ vụ án còn khá yếu, đặc biệt là kỹ năng viết bài biện hộ. Theo Luật sư Kiều Anh Vũ: “Bài biện hộ là văn bản chứa đựng các lập luận để giải quyết các vấn đề pháp lý cho tranh tụng tại phiên xử, đồng thời là sự chuẩn bị của luật sư trong quá trình tranh  Sinh viên, Lớp Luật kinh tế k42A. Email: tuuyen2400@gmail.com  Sinh viên, Lớp Luật kinh tế k42A. Email: 3105phamthithienan2k@gmail.com  Sinh viên, Lớp Luật kinh tế K42B. Email: nguyentham1501@gmail.com 35
  2. tụng, là kết quả của quá trình nghiên cứu hồ sơ”.21 Như vậy có thể nói rằng, bài biện hộ là một tài liệu không thể thiếu và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi phiên tòa, là kết tinh công sức của các luật sư, không ngừng nghiên cứu khai thác để tìm ra những tình tiết, chứng cứ cần thiết phục vụ cho mục đích biện hộ, làm căn cứ phát biểu trong phần tranh tụng, bảo vệ thân chủ của mình. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân từng tham gia cuộc thi Phiên tòa giả định Vmoot do trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Bài viết sẽ chia sẻ những kinh nghiệm để hoàn thiện kỹ năng khi viết bài biện hộ được rút ra từ cuộc thi trên. Qua đó, giúp các bạn sinh viên Luật xây dựng được kiến thức nền tảng, nâng cao kỹ năng viết bài đồng thời khơi gợi niềm cảm hứng cho các bạn sinh viên Luật thêm tự tin đứng trước những sân chơi chuyên nghiệp. 2. Đôi nét về cuộc thi Vmoot Cuộc thi Moot Court Competition từ lâu đã là một hoạt động được tổ chức rộng rãi trên thế giới nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Luật thực hành, trải nghiệm vai trò luật sư tranh tụng trước Tòa án “giả định”, rèn kỹ năng nghề nghiệp ngay từ trên giảng đường đại học. Bắt đầu từ năm 2009, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã đăng cai tổ chức vòng chung kết của các cuộc thi Phiên toà giả định cấp Quốc tế và quốc gia bằng Tiếng Anh như: Moot Competiton do Law Asia và Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế tổ chức. Hàng năm thông qua các cuộc thi này sẽ tuyển chọn đội tuyển vô địch tham gia các cuộc thi quốc tế với các trường trong khu vực. Phiên tòa giả định Vmoot - được biết đến như là một cuộc thi Việt hóa hoàn toàn của mô hình phiên tòa giả định Moot Court. Cuộc thi do trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu vào năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Luật trên cả nước thực hành, trải nghiệm vai trò luật sư tranh tụng trước Tòa án “giả định”.22 21 Luật sư Kiều Anh Vũ - Kav lawyers - Hướng dẫn kỹ năng nghề luật cho sinh viên luật UEF. https://www.kavlawyers.com/vi/luat-su-kieu-anh-vu-kav-lawyers-huong-dan-ky-nang-nghe-luat-cho-sinh- vien-luat-uef/?fbclid=IwAR35HiO-CsmFVjlFRmFY2SAVYX8UlEvB0Ip8dJhzOjOnU5Lv3QmFihhxmRQ. Truy cập ngày 12/10/2020. 22 Quỳnh Chi, Diệu Thảo, An Nguyễn. VMOOT - Nơi thể hiện bản lĩnh của sinh viên ngành Luật. https://www.hcmulaw.edu.vn/vi/tieu-diem/vmoot-noi-the-hien-ban-linh-cua-sinh-vien-nganh- luat?fbclid=IwAR0CQdR9m0p_Ko3lH8Hg_7M-A3S-i5t6GE6JUFEuxFr9spqvLvlhka2drEQ. Truy cập ngày 24/10/2021. 36
  3. Trong cuộc thi, các đội tham gia sẽ gửi hai bài biện hộ của nguyên đơn và bị đơn cho hội đồng xét xử của phiên tòa giả định. Để chuẩn bị cho một phiên tòa giả định, “thẩm phán” có trách nhiệm nghiên cứu bài biện hộ của các bên. Chính vì vậy, trong các phiên tòa giả định, “luật sư” phải chuẩn bị thật tốt các chứng cứ và xây dựng lập luận vững chắc cho quan điểm của mình thông qua bài biện hộ. Qua đó đảm bảo cho quá trình tranh tụng tiến hành thuận lợi nhằm thuyết phục “Hội đồng xét xử”. Về hình thức: Cuộc thi diễn ra với các vòng sơ loại, bán kết và chung kết. Tùy vào mỗi năm sẽ được quy định cụ thể thông qua thể lệ. Nhưng đa phần vòng sơ loại sẽ chiếm nhiều thời gian nhất vì các đội phải gửi cả hai bài biện hộ của nguyên đơn và bị đơn cho Ban tổ chức. Và đó cũng là căn cứ để quyết định các đội sẽ tiếp tục vào các vòng tranh đấu hay dừng lại. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích các đội thi, giải thưởng trong cuộc thi cũng rất hấp dẫn và đa dạng. Ngoài các giải xếp hạng (giải nhất, giải nhì) thì còn có các giải khác như giải bài biện hộ xuất sắc nhất, giải người biện hộ xuất sắc nhất, đội chơi được yêu thích nhất,… Có thể nói rằng, từ nhiều tình huống đa dạng, dưới các lĩnh vực học thuật khác nhau cuộc thi đã truyền tải nhiều kiến thức bổ ích cũng như các kỹ năng pháp lý cần thiết. Vmoot không chỉ là cuộc thi dành cho các bạn đam mê tranh tụng mà qua đây cuộc thi còn rèn luyện nhiều kỹ năng đa dạng cho các bạn sinh viên Luật như làm việc nhóm, ghi chép, lắng nghe,… đặc biệt là kỹ năng viết bài biện hộ - đây là một trong những kỹ năng mềm rất cần thiết đối với những luật sư tương lai, đặc biệt là luật sư mảng tranh tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. 3. Kinh nghiệm viết bài biện hộ từ cuộc thi Vmoot Để có một bài biện hộ chất lượng, ngoài nắm chắc kiến thức, hiểu kỹ về nội dung vụ việc thì vấn đề về hình thức trình bày, sắp xếp bố cục, thống nhất tên gọi, độ dài ngắn của nội dung… cũng là một trong những điểm cần lưu ý. Là một trong những sinh viên từng tham gia cuộc thi Vmoot 2020 và cũng từng có cơ hội được nghiên cứu và tìm hiểu một số bài biện hộ từ những năm trước. Thấu hiểu được những khó khăn đối với sinh viên lần đầu tham gia một cuộc thi lớn, nhóm tác giả sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình viết bài biện hộ để từ đó giúp các bạn có góc nhìn cụ thể, tích lũy thêm kinh nghiệm để sẵn sàng cho các cuộc thi kế tiếp. 37
  4. Thứ nhất, sắp xếp bố cục. Với một bài biện hộ, các bạn không cần thiết phải theo một nguyên tắc nhất định. Chúng ta cần dựa vào tình huống đưa ra là gì, thuộc lĩnh vực nào, các bên tham gia là ai,… để sắp xếp bố cục cho phù hợp. Tuy nhiên, để các bạn dễ hình dung việc sắp xếp bố cục như thế nào là hợp lý, đặc biệt là các bạn lần đầu tham gia, nhóm tác giả sẽ đưa ra bố cục phổ biến nhất trong các bài biện hộ như sau, bao gồm: a. Phần mở đầu: Những nội dung cần phải thể hiện ở phần này thường bao gồm các nội dung: (1) Thông tin người gửi (tên của luật sư viết bài biện hộ); (2) Thông tin người nhận (trong phiên tòa giả định, cơ quan giải quyết tranh chấp giả định - tòa án/trọng tài sẽ xem xét vụ việc); (3) Thời gian gửi bài biện hộ; (4) Tên vụ việc: Phần này phải thể hiện tên đầy đủ của các bên tranh chấp (bao gồm bên nguyên đơn với bên bị đơn hoặc viện kiểm sát với bị cáo) và vấn đề tranh chấp của vụ việc hoặc đối tượng tranh chấp. Trong thực tế có một số cách mở đầu cho bài biện hộ như sau: “Kính thưa Hội đồng xét xử! Thưa vị đại diện Viện kiểm sát! Thưa vị luật sư đồng nghiệp! Tôi là Nguyễn Văn X là luật sư thuộc văn phòng Luật sư A và cộng sự - Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn - Công ty TNHH ABC trong vụ tranh chấp có bị đơn là Công ty TNHH XYZ. Sau đây tôi xin trình bày một số quan điểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.” Ngay từ lời mở đầu của bài biện hộ cho thân chủ, luật sư phải thể hiện lời tự giới thiệu về bản thân và khẳng định tư cách tham gia tố tụng tại phiên toà. Tuỳ từng bối cảnh của mỗi phiên toà mà luật sư có thể đưa ra những lời mở đầu khác nhau. Nó hoàn toàn không bị ràng buộc bởi sự rập khuôn, mà thể hiện sự thích ứng, linh hoạt của luật sư đối với mỗi vụ án khác nhau. b. Phần nội dung: Đây là phần trọng tâm chủ yếu của bài biện hộ gồm: Tóm tắt: Là phần giới thiệu tóm lược nội dung của bài biện hộ, đồng thời nhấn mạnh lập luận của người viết. Thông thường, tóm tắt không vượt quá 10 dòng, trong 38
  5. đó nêu ngắn gọn vị trí tố tụng, bản chất vụ kiện, mô tả yêu cầu và các biện pháp khắc phục thông qua yêu cầu. Báo cáo về tình tiết của vụ việc: Khả năng nắm bắt toàn diện và chặt chẽ các tình tiết của vụ việc liên quan đến mục đích biện hộ trong phần này chính là điểm thuyết phục đầu tiên của luật sư biện hộ trước thẩm phán. Điều này giúp thẩm phán có thể hiểu được những chứng cứ liên quan trực tiếp đến việc yêu cầu tòa ra phán quyết, đồng thời thể hiện được quan điểm có lợi cho mình qua cách trình bày các sự kiện đó. Phần lập luận: Đây là phần trọng tâm và khó khăn nhất của bài biện hộ vì nó tạo cơ sở cho hoạt động tranh tụng diễn ra hiệu quả tại phiên tòa. Người viết cần được trang bị tốt khả năng tổng hợp và phân tích các vấn đề pháp lý bên cạnh kỹ năng tìm kiếm và xử lý nguồn luật sẽ được áp dụng. c. Phần kết luận: Việc chốt lại vấn đề và khẳng định lại mục đích của bài biện hộ được thể hiện ngắn gọn ở phần kết luận. Thông thường, phần này chỉ cần diễn đạt trong khoảng 3 - 4 câu, chia ra làm hai phần, gồm: (1) Yêu cầu giải quyết: Phần này thể hiện những mong muốn về quyền/lợi ích của phía thân chủ. (2) Lời cảm ơn: Ví dụ “Chúng tôi chân thành cảm ơn Hội đồng xét xử/trọng tài đã lắng nghe và rất mong Hội đồng xét xử/ trọng tài xem xét, chấp thuận giải quyết. Trân trọng!” Điều này sẽ thể hiện sự tôn trọng của luật sư biện hộ đối với Hội đồng xét xử. Thứ hai, chứng cứ và luận điểm pháp lý. Khi trình bày chứng cứ cần bám sát vào từng luận điểm, làm căn cứ để chứng minh cho các luận điểm pháp lý. Việc trình bày chứng cứ phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính trung thực, không được sai lệch với những gì đã xảy ra, dù là thiếu sót hay dư thừa. Để việc trình bày chứng cứ biện hộ có tính thuyết phục cao cần nắm vững những nguyên tắc sau: (1) Chứng cứ phải liên quan trực tiếp đến luận điểm cần giải thích, không có những chi tiết thừa, chi tiết không quan trọng. (2) Chứng cứ phải thể hiện được quan điểm biện hộ của mình và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc lý giải từng luận điểm pháp lý. 39
  6. (3) Việc sử dụng từ ngữ phải sống động, tạo ấn tượng mạnh gây sự thu hút đối với người đọc nhưng không được thể hiện tính suy luận chủ quan của người viết. Bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc, để đánh giá hiệu quả của việc triển khai các chứng cứ trong bài biện hộ, sinh viên cần xác định những vấn đề sau: Một là, xác định những vấn đề pháp lý về vụ việc cần giải quyết. Để nắm bắt được đầy đủ chứng cứ phục vụ cho quá trình phân tích, lập luận và đánh giá, sinh viên cần phải đọc tài liệu về vụ việc một cách thấu đáo. Hai là, các tình tiết phải được sắp xếp theo một thứ tự mạch lạc. Sinh viên cần hệ thống chứng cứ theo từng luận điểm biện hộ, sau đó đặt tên các luận điểm thành các tiêu đề phù hợp. Ba là, các tình tiết, chứng cứ được trình bày phải thể hiện được phần nào lý lẽ và phản ánh được lý luận của sinh viên. Việc trình bày chứng cứ giúp người đọc hiểu được chúng ta đang bảo vệ cho ai, thể hiện lập luận có lợi cho ai thì như vậy chứng cứ mới có sức thuyết phục. Cuối cùng, những tình tiết được đưa vào cần nhấn mạnh được phương án biện hộ và bảo vệ quyền lợi của thân chủ. Chính vì vậy, trong quá trình viết bài biện hộ, cần ưu tiên nhấn mạnh những tình tiết có lợi cho thân chủ của mình. Thứ ba, dự phòng các yêu cầu giải quyết. Đối với một phiên tòa/phiên họp (giả định), trong quá trình diễn ra tranh tụng sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra và không phải lúc nào cũng theo hướng có lợi cho mình. Để phòng tránh rủi ro trong những tình huống xấu, tránh rơi vào thế bị động, lúng túng trong quá trình tranh tụng thì trong quá trình làm bài biện hộ sinh viên nên bổ sung các phương án dự phòng khác đối với phần yêu cầu giải quyết. Có thể các phương án đó không đưa vào bài biện hộ nhưng sẽ giúp ích trong các giai đoạn sau đó. Thông thường, chúng ta sẽ đưa ra các yêu cầu buộc bên kia phải theo hướng có lợi nhất cho thân chủ. Tuy nhiên, thay vì theo hướng có lợi nhất chúng ta có thể đưa thêm các phương án khác như nhượng bộ một phần, đề nghị hòa giải hoặc rút đơn khởi kiện và làm đơn kiện lại theo đúng quy định về quyền lợi của các bên. Thứ tư, sử dụng từ ngữ đơn giản, mạnh mẽ, dứt khoát. Ví dụ: “Tôi khẳng định rằng”, “tôi xin nhấn mạnh”, “tôi không đồng ý”,… những từ ngữ này sẽ làm tăng cảm 40
  7. xúc trong câu viết, thu hút người đọc cũng như thấy rõ được nội hàm mà người viết muốn truyền tải. Thứ năm, sử dụng footnote, danh mục viết tắt. Nếu cần dẫn chứng các điều luật, các nguồn tham khảo, làm rõ các khái niệm,… thì hãy dùng footnote. Footnote sẽ không tính số từ trong trang, hơn nữa, nếu trình bày kèm footnote sẽ khiến bài biết trở nên khoa học, dễ nhìn hơn rất nhiều. Ngoài ra, sử dụng từ tóm tắt cũng là một trong những cách để rút ngắn số từ trong bài. Chúng ta có thể lập danh mục từ tóm tắt riêng hoặc để các từ tóm tắt trong footnote. Như vậy sẽ tiết kiệm được số từ, tăng không gian viết cho những nội dung quan trọng khác. Cụ thể, các bạn có thể tham khảo qua cách trích dẫn như sau: (i) Đánh chú dẫn theo số thứ tự của từng bài. (ii) Tài liệu tham khảo là sách, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, báo cáo,… phải ghi đầy đủ các thông tin sau: [Tên các tác giả hoặc cơ quan ban hành], [tên sách, luận án, luận văn hoặc báo cáo], NXB, nơi xuất bản, năm xuất bản, tr. Ví dụ: Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.485. (iii) Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, bài trong một cuốn sách,… ghi đầy đủ các thông tin theo trình tự sau: Tên các tác giả, “tên bài báo”, tên tạp chí hoặc tên sách, số, năm công bố, các số trang. Ví dụ: Vũ Công Giao, “Luật Nhân đạo quốc tế và việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6/2001, tr.65. (iv) Nếu tài liệu được trích từ các website: nên copy toàn bộ đường dẫn trang web có tài liệu đó và ghi ngày tham khảo. Ví dụ: Trường Giang. Còn vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. https://baotainguyenmoitruong.vn/con-vuong-mac-trong-viec-boi-thuong-ho- tro-tai-dinh-cu-324831.html. Truy cập ngày 25/10/2021. (v) Nếu tài liệu là văn bản pháp luật: ghi đúng ký hiệu văn bản pháp luật. Ví dụ: Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 quy định chi tiết thi hành luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. (vi) Nếu tài liệu là bản án: ghi đúng ký hiệu bản án và trích yếu. 41
  8. Ví dụ: Bản án số: 09/2005/KDTM-ST "V/v tranh chấp về hợp đồng thuê mua tài chính” của Tòa án nhân dân tỉnh X. (vii) Ngoài ra, tác giả có thể sử dụng các footnote để giải nghĩa từ ngữ, làm rõ thêm một nội dung nào đó. Lưu ý: Nếu từ ngữ được chú giải nằm trước dấu phẩy hoặc dấu chấm thì số thứ tự footnote sẽ đặt trước dấu23. Như vậy, đứng dưới góc độ của một sinh viên nghiên cứu đã từng có kinh nghiệm thực hành, nhóm tác giả muốn đưa đến cho các bạn sinh viên Luật thêm những góc nhìn cụ thể và gần gũi nhằm giúp các bạn cải thiện và nâng cao kỹ năng viết bài biện hộ trong cuộc thi Vmoot nói riêng và cuộc thi học thuật khác nói chung. 4. Một số định hướng về rèn luyện kỹ năng viết cho sinh viên Luật thông qua các cuộc thi học thuật. Trong quá trình học tại trường, việc tham gia một cuộc thi có tính pháp lý chuyên sâu như Vmoot nói riêng hay các cuộc thi học thuật khác nói chung sẽ đem đến cho các bạn sinh viên thêm được nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm áp dụng cho cuộc sống sau này. Khi có một bài biện hộ tốt sẽ giúp các bạn tự tin, giữ được tâm lý chủ động trong quá trình tranh tụng. Dựa vào kinh nghiệm đã chia sẻ, nhóm tác giả sẽ đưa đến một số định hướng về rèn luyện kỹ năng viết cho sinh viên Luật thông qua các cuộc thi học thuật như sau: Thứ nhất, trước khi viết bài biện hộ, các bạn cần phải nghiên cứu kỹ các tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật liên quan, xác định rõ vấn đề pháp lý và hướng xử lý, định hướng được nội dung cần trình bày. Thứ hai, mỗi sinh viên Luật cần tạo cho mình thói quen viết nháp ra giấy. Các bạn không nên viết theo bản năng, khi trình bày ra giấy nháp, bản nháp sẽ giúp bạn sắp xếp ý tưởng của mình thành lời và là cách tốt nhất để khắc phục tình trạng viết cẩu thả, dẫn đến thiếu sót những tình tiết, luận điểm. Khi trình bày ra giấy nháp bạn 23 ThS. Trần Thị Bích Hà & PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương. Hướng dẫn qui cách viết bài cho Tạp chí KHPL và giáo trình. https://ptckh.hcmulaw.edu.vn/vi/thong-tin-chung/huong-dan-qui-cach-viet-bai-cho-tap- chi-khpl-va-giao-trinh?fbclid=IwAR3OMiUMMH7nzRWv5QwNwhYq- DpLrpN7exjd1XZqlcUvdn63DaTIfy7NS_U. Truy cập ngày 25/10/2021. 42
  9. sẽ hình dung được rõ hơn nội dung mà mình muốn truyền tải, theo dõi được tiến trình hình thành bố cục một bài biện hộ hoàn chỉnh. Thứ ba, xây dựng các chiến thuật dự phòng. Như đã phân tích trên, không phải cuộc tranh tụng nào cũng theo hướng có lợi tuyệt đối. Chính vì thế, trong quá trình giải quyết, hãy đưa thêm một số chiến thuật dự phòng như yêu cầu bồi thường một phần, yêu cầu hòa giải, rút đơn khởi kiện hoặc làm đơn kiện lại,… trong phạm vi mà phát luật cho phép. Thứ tư, trong khi viết, cần phải xác định hình thức, bố cục một cách rõ ràng, hợp lý, chuyên nghiệp. Nội dung bài cần chú ý đến cấu trúc, bố cục văn bản, viết đúng, chặt chẽ, logic, mạch lạc nhưng ngắn gọn, xúc tích. Thứ năm, trong bài biện hộ cần tuân thủ các nguyên tắc tố tụng, gọi tên đúng theo quy định của pháp luật, không gọi tên bừa bãi. Bài viết phải phân rõ ai là nguyên đơn, bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để tránh trường hợp nhầm lẫn trong bài biện hộ. Ví dụ viết bài biện hộ cho nguyên đơn. Chúng ta phải gọi thống nhất là nguyên đơn chứ không thể lúc thì gọi là nguyên đơn, lúc thì gọi tên doanh nghiệp, hoặc tên ông A, bà B. Điều đó sẽ gây sự khó chịu không chỉ cho người đọc mà lúc viết bài chúng ta cũng rất dễ bị nhầm lẫn. Thứ sáu, lưu ý các luận điểm, tình tiết gây tranh cãi. Khi đưa ra đề thi, người ra đề đã kiểm tra kỹ các thông tin có trong đề. Nên khi phát hiện các tình tiết, “lỗ hổng” trong đề, các bạn hãy ghi ra nháp bởi rất có thể đó là “bẫy” của người ra đề. Có thể lấy một ví dụ trong đề thi Vmoot 2020 về vấn đề kiện gộp. Trong đề trọng tài viên là người đã ra quyết định kiện gộp vụ tranh chấp giữa Công ty Malmart và Công ty Master Developer về vấn đề tranh chấp hợp đồng liên quan đến thuê đất. Người ra đề rất biết cách đánh lạc hướng các đội thi khi chi tiết này được đưa vào cuối đề thi và chỉ thể hiện qua hai dòng rất ngắn ngọn. Nếu không có sự tìm hiểu kỹ đề, đọc kỹ luật thì rất nhiều người sẽ bỏ qua và đồng ý với quyết định đó của trọng tài. Dù có tìm ra bao nhiêu luận điểm chứng minh các bên sai nhưng mọi người lại rất ít để ý phía Trọng tài cũng có thể sai thì bài biện hộ của chúng ta cũng sẽ không được trọn vẹn. Cho nên, các bạn khi tham gia cần phải tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề thông suốt nhất để tránh rơi vào các “bẫy”. 43
  10. Thứ bảy, ngôn ngữ sử dụng cho bài biện hộ. Tránh dùng quá nhiều ngôn từ rườm rà, bay bổng mà hãy dùng những từ ngữ đơn giản, mạnh mẽ, dứt khoát tránh vòng vo. Bên cạnh đó, việc sử dụng các từ in đậm, in nghiêng sẽ giúp nổi bật vấn đề cần nêu. Những từ ngữ này sẽ làm tăng cảm xúc trong câu viết, thu hút người đọc cũng như thấy rõ được nội hàm mà người viết muốn truyền tải. Thứ tám, trong một bài biện hộ hay bất kỳ một bài viết mang tính nghiên cứu học thuật thì việc kết luận lại vấn đề là điều vô cùng quan trọng. Vì khi đó chúng ta khẳng định lại một cách cô đọng và khái quát những luận điểm chính đã trình bày ở các phần của bài biện hộ. Giúp người đọc nắm rõ được vấn đề đã trình bày. Ngoài ra đây cũng là cơ hội để các bạn gây ấn tượng cho người đọc, tạo được giá trị cho bài viết. Thứ chín, khi nộp bài hãy sử dụng định dạng PDF vì file này có thể mở được trên bất kì thiết bị nào, bất kì phần mềm nào mà không lo bể bố cục, mất font hay gặp các vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến việc xem tài liệu. Ngoài ra file PDF có tính bảo mật cao, hạn chế việc chỉnh sửa giúp cho bài biện hộ của các đội thi khi nộp hạn chế được việc đánh cắp hoặc sửa chữa bài của nhóm mình. Cuối cùng, sau khi viết, chúng ta phải chú trọng rà soát thông tin như lỗi chính tả, hiệu lực của luật, nguồn dẫn, các lỗi thường gặp khi soạn thảo các văn bản cụ thể,... Nếu có thể hãy nhờ người tin cậy (thầy/cô, anh/chị có kinh nghiệm,…) kiểm tra lại trước khi gửi bài để có thể sửa chữa kịp thời. 5. Kết luận Cuộc thi Vmoot là một sân chơi bổ ích cho tất cả sinh viên Luật tham gia để thử sức và cọ xát về kiến thức học thuật mà chúng ta đã được học qua các năm. Trong đó viết bài biện hộ là một trong những kỹ năng không thể thiếu đối với các bạn sinh viên Luật. Với mong muốn giúp các bạn hiểu hơn về vai trò, tầm quan trọng của bài biện hộ, nhóm tác giả đã chia sẻ lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc viết bài, những lỗi sai thường gặp,… Qua đó khơi gợi sự yêu thích, tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo của các bạn sinh viên Luật đam mê với lĩnh vực pháp lý, giúp các bạn có thể vận dụng những điều đó không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống sau này. 44
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật sư Kiều Anh Vũ - Kav lawyers - Hướng dẫn kỹ năng nghề luật cho sinh viên luật UEF. https://www.kavlawyers.com/vi/luat-su-kieu-anh-vu-kav-lawyers- huong-dan-ky-nang-nghe-luat-cho-sinh-vien-luat-uef/?fbclid=IwAR35HiO- CsmFVjlFRmFY2SAVYX8UlEvB0Ip8dJhzOjOnU5Lv3QmFihhxmRQ. Truy cập ngày 12/10/2020. 2. Quỳnh Chi, Diệu Thảo, An Nguyễn, VMOOT - Nơi thể hiện bản lĩnh của sinh viên ngành Luật. https://www.hcmulaw.edu.vn/vi/tieu-diem/vmoot-noi-the- hien-ban-linh-cua-sinh-vien-nganh- luat?fbclid=IwAR0CQdR9m0p_Ko3lH8Hg_7M-A3S- i5t6GE6JUFEuxFr9spqvLvlhka2drEQ. Truy cập ngày 24/10/2021. 3. ThS. Trần Thị Bích Hà & PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương. Hướng dẫn qui cách viết bài cho Tạp chí KHPL và giáo trình. https://ptckh.hcmulaw.edu.vn/vi/thong-tin-chung/huong-dan-qui-cach-viet-bai-cho- tap-chi-khpl-va-giao-trinh?fbclid=IwAR3OMiUMMH7nzRWv5QwNwhYq- DpLrpN7exjd1XZqlcUvdn63DaTIfy7NS_U. Truy cập ngày 25/10/2021. 45
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2