intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện pháp luật về siêu thị dưới góc độ cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

14
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Hoàn thiện pháp luật về siêu thị dưới góc độ cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối tập trung nghiên cứu những tồn tại, hạn chế trong các quy định hiện hành về hoạt động kinh doanh siêu thị, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho việc thay đổi, điều chỉnh pháp luật đối với cơ sở kinh doanh này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện pháp luật về siêu thị dưới góc độ cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối

  1. 354 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ SIÊU THỊ DƯỚI GÓC ĐỘ CƠ SỞ KINH DOANH HOẠT ĐỘNG PHÂN PHỐI ThS. Nguyễn Lê Lý Khoa Kinh tế - Trường Đại học Bạc Liêu Email: nguyenlely@blu.edu.vn Tóm tắt: Để thực hiện hoạt động phân phối, các chủ thể kinh doanh sử dụng những phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh cũng như tạo lập các cơ sở kinh doanh khác nhau để tổ chức chuyển giao hàng hoá trong nền kinh tế. Trong số các cơ sở kinh doanh, siêu thị là một loại hình phân phối hiện đại với những ưu thế nổi bật trong việc đưa hàng hoá từ khu vực sản xuất đến với người tiêu dùng. Các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh siêu thị được ban hành trong thời gian qua đã phát huy tác dụng nhất định trong việc tạo lập cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển các siêu thị trong hơn hai thập niên qua, từ đó hoàn thành vai trò của một mắt xích trung gian trong hoạt động phân phối. Tuy vậy, các quy định pháp luật này qua thực tiễn thi hành cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ để điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn trong điều kiện hiện nay. Từ khoá: siêu thị, kinh doanh siêu thị, cơ sở kinh doanh hiện đại, cơ sở phân phối hiện đại. IMPROVING LAWS ON SUPERMARKETS FROM THE VIEW OF BUSINESS ESTABLISHMENTS OF DISTRIBUTION ACTIVITIES Abstract: To carry out distribution activities, business owners can use the methods and forms of business organization as well as create different business establishments to organize the delivery of goods in the economy. Among business establishments, supermarkets are the modern type of distribution with outstanding priorities in bringing goods from production areas to consumers. The legal provisions adjusting the supermarket business have been promulgated in recent years, promoting the most specific effect in creating a legal basis for the establishment and development of supermarkets for more than two decades, thereby fulfilling the role of an intermediary chain in distribution. However, these legal provisions through practical implementation also reveal questions and inadequacies that need to be eliminated to adjust appropriately and more effectively in the current conditions. Keywords: supermarket, supermarket business, modern business establishments, modern distribution facilities.
  2. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 355 1. Đặt vấn đề Siêu thị là một trong những cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối theo phương thức hiện đại với những đặc điểm, tính năng và hiệu quả nổi bật so với chợ truyền thống. Với ưu thế cơ sở vật chất và phương thức kinh doanh kiểu mới, siêu thị là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối liên kết dọc giúp tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch và đảm bảo hiệu quả kinh doanh, từ đó cung cấp lượng hàng hoá đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu và bổ sung lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, hoạt động kinh doanh siêu thị phát sinh những vấn đề dưới góc độ pháp lý về tiêu chuẩn, quy chế hoạt động của siêu thị, trách nhiệm của thương nhân kinh doanh siêu thị, vấn đề đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng hàng hoá tại siêu thị v.v. Do đó, cần nghiên cứu những quy định pháp luật có liên quan điều chỉnh hoạt động kinh doanh siêu thị để chỉ ra những bất cập, vướng mắc và đề xuất các giải pháp hoàn thiện để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Từ đó có thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về vấn đề tập trung phát triển ngành và lực lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động phân phối, hoàn thiện cơ chế quản lý, phát triển các phương thức và hình thức kinh doanh đa dạng đối với hoạt động phân phối trong thời kỳ mới cũng được đặt ra mạnh mẽ. Bài viết tập trung nghiên cứu những tồn tại, hạn chế trong các quy định hiện hành về hoạt động kinh doanh siêu thị, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho việc thay đổi, điều chỉnh pháp luật đối với cơ sở kinh doanh này. Để thực hiện mục tiêu này, tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như phương pháp phân tích để luận giải, làm rõ các vấn đề liên quan hoạt động phân phối và cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối hoặc để phân tích các quy định pháp luật có liên quan; phương pháp tổng hợp để liên kết, sắp xếp các yếu tố đã phân tích nhằm đề xuất những phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật. 2. Cơ sở lý thuyết về hoạt động phân phối và cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối Về bản chất và vị trí, phân phối dưới góc độ kinh tế chính trị Mác-Lênin là một mặt của quan hệ sản xuất và là một khâu của quá trình tái sản xuất xã hội (Phạm Quang Phan, 2008). Dưới góc độ marketing, hoạt động phân phối giải quyết vấn đề hàng hóa dịch vụ được đưa như thế nào đến người tiêu dùng. Kênh phân phối thực hiện công việc chuyển hàng hoá từ người sản xuất đến với người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một số chức năng của các thành viên kênh (Philip Kotler , 2003). Theo cách xác định của quản trị doanh nghiệp, kênh phân phối được định nghĩa là một tổ chức hệ thống các quan hệ với các doanh nghiệp và cá nhân bên ngoài để quản lý các hoạt động phân phối tiêu thụ sản phẩm nhằm thực hiện các mục tiêu trên thị trường của doanh nghiệp (Trương Đình Chiến, 2008). Khi xem xét phân phối dưới tư cách là một ngành dịch vụ dưới góc độ thương mại quốc tế, theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ WTO (GATS), dịch vụ phân phối về cơ bản bao gồm việc bán hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng hoặc bán cho người bán lại khác. Trong ghi chú của Ban thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về dịch vụ phân phối, ngành dịch vụ này được định nghĩa bao gồm các hoạt động khác nhau liên quan đến việc kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng với nhau, giải quyết cả với các giao dịch giữa các doanh nghiệp và giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cuối cùng. Dịch vụ phân phối thực hiện vai trò trung gian và kết nối chặt chẽ với các dịch vụ khác như vận chuyển, đóng gói, kho bãi, dịch vụ tài chính và phát triển bất động sản thương mại (UNCTAD, 2005). Từ những góc độ tiếp cận khác nhau có thể nhận thấy về bản chất, hoạt động phân phối là
  3. 356 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 thuật ngữ để chỉ quá trình lưu thông hàng hóa bao gồm vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và chuyển giao hàng hóa từ kết quả sản xuất đến tay người tiêu dùng, từ đó giúp cho quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục, thông suốt và hiệu quả. Hoạt động phân phối có chức năng đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế vì nó là sự kết nối sống còn và mang tính quyết định giữa sản xuất và tiêu dùng. Đây là ngành kinh tế với quy mô lớn, chiếm phần đóng góp to lớn vào GDP các nước cũng như có vai trò đáng kể đối với thương mại trong nước và thương mại quốc tế. Hoạt động phân phối cũng có tác động ngược trở lại đối với sản xuất vì các nhà sản xuất có thể chọn lựa thông tin được cung cấp từ hoạt động phân phối để điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Do vậy, phân phối trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, từ đó nâng cao mức thụ hưởng của người tiêu dùng trong đời sống xã hội. Tại Việt Nam, bên cạnh những chức năng và vai trò chung, trong điều kiện kinh tế xã hội của mình, hoạt động phân phối mang những đặc trưng và xu hướng riêng, đặt ra những vấn đề trong quản lý nhà nước và điều chỉnh pháp luật. Đó là (i) ngành phân phối là ngành kinh tế vừa mang tính truyền thống vừa rất hiện đại với các loại hình thương mại tương ứng, tồn tại song song, đa dạng, phong phú, có tốc độ tăng trưởng nhanh, tiếp cận công nghệ cao, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn; (ii) khi mở cửa thị trường đối với ngành dịch vụ liên quan đến hoạt động phân phối, Việt Nam vẫn có khuynh hướng bảo hộ đối với ngành kinh tế phổ biến và nhạy cảm này; (iii) cơ cấu ngành phân phối tại Việt Nam có sự thay đổi ở xu hướng tập trung với các biểu hiện liên kết và biến chuyển trong vai trò của các nhà phân phối; (iv) nền tảng công nghệ kỹ thuật số và chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi phương thức kinh doanh của ngành phân phối; cuối cùng là (v) hoạt động phân phối tại Việt Nam tồn tại dưới rất nhiều hình thức với các phương thức kinh doanh và cơ sở kinh doanh đa dạng, phong phú (dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, có thể là vị trí của nó trong chuỗi phân phối, hoặc những định dạng cơ sở kinh doanh hay loại sản phẩm mà nó cung ứng) (UNCTAD, 2005). Để thực hiện hoạt động phân phối, các chủ thể tham gia sử dụng những phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh cũng như tạo lập các cơ sở kinh doanh khác nhau trên cơ sở tuân thủ những quy định của pháp luật có liên quan để tổ chức chuyển giao hàng hoá và thực hiện các dịch vụ liên quan mang tính hỗ trợ từ khu vực sản xuất đến với người tiêu dùng nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế. Nếu căn cứ theo loại hình cơ sở kinh doanh có cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối truyền thống (mua bán hàng rong, các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa với phương thức bán hàng thủ công, trực tiếp) và cơ sở kinh doanh dịch vụ phân phối hiện đại (các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm thương mại sở hữu những tiện ích và cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại). Căn cứ theo phương thức kinh doanh, có các loại hình phân phối trực tiếp và phân phối trực tuyến để tiến hành các hoạt động phân phối, đáng chú ý là kinh doanh hoạt động phân phối theo phương thức đa cấp và phương thức bán lẻ trực tuyến. Sự tồn tại song song của các loại hình kinh doanh hoạt động phân phối mang tính chất truyền thống và hiện đại đặt ra những yêu cầu hoàn thiện của pháp luật về quản lý và phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... phù hợp với đặc tính của mỗi loại cơ sở kinh doanh, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hoá từ nơi sản xuất đến với người tiêu dùng, đạt được mục tiêu quản lý, đảm bảo cạnh tranh và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối, thông thường đây là nơi để thực hiện, xác lập các giao dịch bán buôn, bán lẻ bán hàng trực tiếp. Cơ sở bán lẻ vì thế trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài
  4. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 357 khi tham gia thị trường kinh doanh hoạt động phân phối vì đây là điểm cuối của quá trình lưu thông, bao gồm tất cả những hoạt động bán hàng hoá và dịch vụ đi kèm trực tiếp cho người tiêu thụ cuối cùng. Do vậy, việc thiết lập các cơ sở bán lẻ là vấn đề pháp lý quan trọng khi các chủ thể kinh doanh hoạt động phân phối tham gia lĩnh vực này. Căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành [1], cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ với một số loại như sau: - Trung tâm thương mại: là địa điểm bao gồm nhiều cơ sở bán lẻ và cung cấp dịch vụ được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề. - Siêu thị: là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng. Siêu thị mini là cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 và thuộc loại hình siêu thị tổng hợp theo quy định pháp luật. - Cửa hàng tiện lợi: là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày. - Chợ (truyền thống): loại chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư. - Sở giao dịch hàng hoá: Là nơi các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai. Tuy nhiên về bản chất, hoạt động mua bán hàng hoá trên sở giao dịch hàng hoá có thể không dẫn đến việc giao hàng hoá trên thực tế vì đây có thể được coi là một công cụ đầu tư tài chính, thực hiện hoạt động đầu tư vào giá của một loại hàng hoá nhất định (Trường ĐH Luật TP.HCM, 2019). 3. Kinh doanh siêu thị - những vấn đề pháp lý đặt ra 3.1 Những quy định chung về siêu thị Siêu thị được dịch từ thuật ngữ nước ngoài; trong tiếng Anh, siêu thị là “supermarket” với “super” là siêu, “market” mang nghĩa “chợ”; trong tiếng Pháp là “Supermarché”, cũng có cấu trúc tương tự như trên, “super” nghĩa là “siêu” và “marché” nghĩa là chợ (Lê Ngọc Phương Lan, 2002). Trong từ điển kinh tế thị trường, siêu thị được định nghĩa “là cửa hàng tự phục vụ, bày bán nhiều mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, dụng cụ gia đình và các loại vật dụng cần thiết khác” (Nguyễn Hữu Quỳnh, 1998). Theo Kotler P. and G. Armstrong (Kotler, P. & Armstrong G., 2011), “siêu thị là cửa hàng tự phục vụ tương đối lớn có mức chi phí thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao và khối lượng hàng hóa bán ra lớn, đảm bảo thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm, bột giặt, các chất tẩy rửa và những mặt hàng chăm sóc nhà cửa”. Nhìn chung, đây là loại hình cửa hàng bán lẻ áp dụng phương thức tự phục vụ từ hàng hoá được trưng bày với phương thức thanh toán linh hoạt. Siêu thị mang đến những tiện ích to lớn trong mua sắm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà một số loại hình cơ sở bán lẻ truyền thống không có được. Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 1998 đến 2006 (từ sau khi Luật thương mại đầu tiên được ban hành cho đến trước khi gia nhập WTO, đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động
  5. 358 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 phân phối, đặc biệt là cơ sở bán lẻ, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chợ truyền thống [2] phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng. Đối với siêu thị, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng 09 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về quy chế siêu thị, trung tâm thương mại (sau đây gọi là Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM) ) được ban hành nhằm tiêu chuẩn hóa các loại hình tổ chức thương mại hiện đại phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển cũng như quản lý xây dựng và hoạt động kinh doanh. Hai văn bản này đã phát huy những tác động tích cực của nó trong thời kỳ này khi xây dựng tiêu chí phân loại các loại hình cơ sở bán lẻ và hoạt động của nó nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như phục vụ cho việc phát triển và quản lý trong điều kiện mới. Đây có thể nói là sự chuẩn bị mang tính đối trọng cho cả hoạt động bán buôn, bán lẻ truyền thống và hiện đại khi bắt đầu có sự xâm nhập của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này ngay cả trước khi gia nhập WTO [3]. Từ sau 2007 đến nay, văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của chợ được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009; riêng đối với siêu thị, quy định pháp luật điều chỉnh về cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối là siêu thị, trung tâm thương mại về cơ bản không có gì thay đổi so với thời kỳ trước khi gia nhập WTO bởi vẫn thực hiện theo Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM nói trên. Theo văn bản này, siêu thị được xác định là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng. Cơ sở kinh doanh được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị nếu nó có địa điểm kinh đoanh phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại của tỉnh, thành phố và có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của một trong ba hạng siêu thị theo quy định đối với siêu thị kinh doanh tổng hợp hoặc siêu thị chuyên doanh, cụ thể: (1) Điều kiện đối với siêu thị kinh doanh tổng hợp: - Siêu thị hạng I: Có diện tích kinh doanh từ 5.000 m2 trở lên; Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên; Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có tính thẩm mỹ cao, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn và thuận tiện cho mọi đối tượng khách hàng; có bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của Siêu thị; Có hệ thống kho và các thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh tiên tiến, hiện đại; Tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh tóan thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân; có các dịch vụ ăn uống, giải trí, phục vụ người khuyết tật, phục vụ trẻ em, giao hàng tận nhà, bán hàng mạng, qua bưu điện, điện thoại. - Siêu thị hạng II: Có diện tích kinh doanh từ 2.000 m2 trở lên; có danh mục hàng hóa kinh doanh từ 10.000 tên hàng trở lên; công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có tính thẩm mỹ, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn và thuận tiện cho khách hàng; có bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của Siêu thị; có kho và các thiết bị kỹ thuật bảo quản, đóng gói, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh hiện đại; Tổ
  6. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 359 chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân; có các dịch vụ ăn uống, giải trí, phục vụ người khuyết tật, phục vụ trẻ em, giao hàng tận nhà, bán hàng qua bưu điện, điện thoại. - Siêu thị hạng III: Có diện tích kinh doanh từ 500 rn2 trở lên; danh mục hàng hóa kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên; công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng; có bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của Siêu thị; có kho và các thiết bị kỹ thuật bảo quản, đóng gói, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh hiện đại; tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân, có các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, giao hàng tận nhà. (2) Điều kiện đối với siêu thị chuyên doanh: - Siêu thị hạng I: diện tích kinh doanh từ 1.000m2 trở lên; danh mục hàng hoá kinh doanh từ 2.000 tên hàng trở lên; các tiêu chuẩn khác như Siêu thị kinh doanh tổng hợp hạng I. - Siêu thị hạng II: diện tích kinh doanh từ 500 m2 trở lên; danh mục hàng hoá kinh doanh từ 1.000 tên hàng trở lên; các tiêu chuẩn khác như Siêu thị kinh doanh tổng hợp hạng II. - Siêu thị hạng III: diện tích kinh doanh từ 250 m2 trở lên; danh mục hàng hoá kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên; các tiêu chuẩn khác như Siêu thị kinh doanh tổng hợp hạng III. Bên cạnh đó, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM còn có các nội dung về phân hạng, tên gọi và biển hiệu siêu thị; xây dựng siêu thị; hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả hàng hoá trong kinh doanh siêu thị; vấn đề quản lý hoạt động siêu thị bao gồm trách nhiệm của thương nhân kinh doanh siêu thị, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý hoạt động kinh doanh siêu thị v.v. Những quy định này là hành lang pháp lý cơ bản cho các hoạt động kinh doanh siêu thị được hình thành và phát triển trong gần hai thập niên qua. Theo số liệu thống kê [4], tính đến cuối năm 2021 cả nước có khoảng 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại khi năm 2008 con số này chỉ là 386 siêu thị (Xuân Bách, 2016) và 72 trung tâm thương mại. Siêu thị ra đời nhằm thực hiện các chức năng kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành phân phối nói riêng và nền kinh tế nói riêng. Bên cạnh chợ là cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối truyền thống, sự xuất hiện các siêu thị trong thời gian qua có ý nghĩa của một kênh phân phối hiện đại đưa hàng hoá từ khu vực sản xuất đến với người tiêu dùng bằng một phương thức mới với những tiện nghi nổi bật. Có thể nhận thấy, siêu thị đóng vai trò là trung gian cuối cùng trong hoạt động phân phối hàng hoá. Siêu thị đóng vai trò là đầu ra lớn của nhà sản xuất và là nhà cung cấp hàng hoá, sản phẩm nhằm thoả mãn nhu cầu mua sắm của khách hàng (Mai Thanh Hải, 2008). Siêu thị trở thành loại hình kinh doanh bán lẻ phổ biến và phát triển mạnh ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. 3.2 Một số vấn đề vướng mắc, bất cập trong điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động kinh doanh siêu thị Bên cạnh những thành tựu về hiệu quả điều chỉnh pháp luật của quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động kinh doanh siêu thị, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM đã bộc lộ những bất cập cần được tháo gỡ, cụ thể như sau: Một là, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM được ban hành và tồn tại hơn 18 năm qua để
  7. 360 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 điều chỉnh một loại cơ sở kinh doanh nói chung và hoạt động phân phối nói riêng trong điều kiện thay đổi kinh tế-xã hội từ trước và sau khi gia nhập WTO đến nay mà chưa được điều chỉnh, cập nhật phù hợp về giá trị pháp lý cũng như thực tiễn phát triển trong tình hình mới. Về mặt hình thức, văn bản này chỉ được ban hành bởi Bộ Thương mại dưới hình thức quyết định mà không phải một văn bản quy phạm pháp luật cao hơn như Nghị định như đối với điều chỉnh cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối là chợ. Để hiểu và áp dụng được các quy định chung của Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM về quản lý hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hoá kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại cần viện dẫn đến rất nhiều quy định khác từ Bộ luật Dân sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Giá v.v. và các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản luật này. Hai là, việc quản lý hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại theo Quyết định 1371/2004/ QĐ-BTM được giao cho Sở Thương mại (Sở Công thương) phối hợp với các cơ quan hữu quan giúp UBND tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Chẳng hạn, với quy định về nội quy siêu thị, trung tâm thương mại chứa đựng các điều kiện bán hàng thì thẩm quyền phê duyệt nội quy siêu thị, trung tâm thương mại là của Sở Công thương các tỉnh, thành phố. Điều này có thể dẫn đến sự áp dụng không thống nhất giữa các địa phương khi đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các nội dung liên quan đến hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại từ Quyết định này. Ba là, trong lĩnh vực phân phối, một số quy định về chủ thể kinh doanh hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại đã không còn phù hợp với thực tiễn như yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại trong khi có chủ thể khác ngoài doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng đáp ứng điều kiện kinh doanh và thực hiện kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại hiệu quả, đảm bảo chức năng phân phối lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế [5]. Khi đã đưa ra điều kiện chỉ có doanh nghiệp mới có thể kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại nhưng trong văn bản lại sử dụng từ “thương nhân kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại” ở nhiều lần ở các nội dung khác là không chính xác. Bốn là, các tiêu chí xác định và phân loại siêu thị, trung tâm thương mại mang tính chất như điều kiện kinh doanh bất hợp lý; cơ sở kinh doanh khác bị cấm đặt tên là siêu thị, trung tâm thương mại hay đặt tên bằng tiếng nước ngoài như supermarket, hypermarket, big mart, big store, shopping center, trade center, plaza... khi chưa đủ tiêu chuẩn theo Quy chế mà không có giải thích rõ ràng trong khi những tên gọi đó là các loại hình khác của cơ sở bán lẻ không hoàn toàn trùng lắp khái niệm siêu thị, trung tâm thương mại theo cách hiểu của Quy chế. Nhìn chung, những nội dung trên cho thấy Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM còn nhiều bất cập cần được cải thiện để đáp ứng được yêu cầu quản lý cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Năm là, Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối [6] đang được dự thảo, lấy ý kiến của các bên liên quan trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù mục đích nhằm khắc phục những vướng mắc của các quy định hiện hành về cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối nhưng bản dự thảo với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh siêu thịn đã bộc lộ nhiều vấn đề không thoả đáng, chưa phù hợp thực tiễn.
  8. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 361 Thực chất, mục đích của bản dự thảo ban đầu là rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ để trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung [7]. Tuy nhiên, khi thực hiện, mục tiêu này đã được mở rộng thể hiện trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách và Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định. Theo đó, Bộ Công thương có đề cập đến việc “văn bản quy phạm pháp luật về phân phối chưa được hoàn thiện theo hướng thống nhất, một số lĩnh vực được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật riêng rẽ, nhưng cũng có một số lĩnh vực chưa được pháp lý hóa” và xác định “bên cạnh lĩnh vực chợ, các lĩnh vực khác như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm cũng rất cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý”. Do vậy, mục tiêu xây dựng nghị định mới là để “phát triển và quản lý ngành phân phối với sự đa dạng về loại hình và cấp độ theo hướng văn minh, hiện đại có kết cấu và được phân bố hợp lý trên cơ sở phát huy nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của Nhà nước”, trong đó có đổi mới nội dung và phương thức quản lý phù hợp với từng loại hình cơ sở phân phối-bán lẻ. Tuy nhiên, vì mục tiêu ban đầu nên báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP chỉ ghi nhận các hạn chế và kiến nghị các vấn đề liên quan đến chợ mà hoàn toàn không đề cập đến hoạt động siêu thị. Chính việc đánh giá chưa đầy đủ và toàn diện này mà khi bản dự thảo Nghị định về quản lý và phát triển ngành phân phối được đưa ra đã vấp phải những ý kiến không đồng thuận từ công chúng. Chẳng hạn Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng dự thảo Nghị định muốn xây dựng chính sách cho toàn bộ hệ thống phân phối ở Việt Nam nhưng chưa có khái niệm rõ ràng thống nhất về “ngành phân phối”, nội dung về siêu thị, trung tâm thương mại chung chung, không thực tế, không rõ ràng, gây khó khăn, can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh và giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ, mâu thuẫn với quy định pháp luật lao động, không phù hợp với cam kết trong một số hiệp định thương mại tự do [8]. Hay ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh Dự thảo không nêu được định hướng phát triển của hình thức siêu thị, trung tâm thương mại ra sao, đặt trong mối tương quan với toàn bộ hệ thống phân phối như thế nào; không rõ mục tiêu quản lý là gì khi có nhiều quy định khống chế nhà đầu tư nhà nước, trái với các quy định đang có, một số quy định trong dự thảo về hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại không mang tính thông nhất và tính hợp lý [9]. Ngoài ra, cũng không khó khăn để tìm thấy các bài viết phản ảnh tranh cãi của doanh nghiệp về bản dự thảo này trên báo chí trong thời gian qua. 4. Kết luận và khuyến nghị Từ những vấn đề trên có thể thấy rằng nhu cầu sửa đổi bổ sung các quy định về hạ tầng phân phối-bán lẻ là cần thiết, đặc biệt là một số cơ sở kinh doanh như chợ hay siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với cơ sở bán lẻ hiện đại, để đảm bảo điều kiện pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh siêu thị trong tình hình hiện nay, tác giả đề xuất những khuyến nghị như sau: (1) Hoạt động kinh doanh siêu thị cần được đánh giá đúng mức thông qua văn bản pháp lý điều chỉnh có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM hiện hành nhằm có cơ sở ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết, đầy đủ hơn về những những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh siêu thị để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các quy định này. Văn bản này cần được xây dựng độc lập chứ không bao gồm trong một văn bản về điều chỉnh chung hoạt động phân phối vì tính khác biệt của các cơ sở kinh doanh, chủ thể kinh doanh và điều kiện kinh doanh.
  9. 362 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI” LẦN THỨ 4 NĂM 2023 (2) Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh này cũng như các yêu cầu chặt chẽ, phù hợp về điều kiện kinh doanh, hàng hoá kinh doanh theo hướng xác định rõ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh siêu thị cũng như thương nhân tham gia đưa hàng hoá, dịch vụ vào siêu thị nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là người tiêu dùng. (3) Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh siêu thị dù xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào siêu thị, trung tâm thương mại hay để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam phân phối tại hệ thống cơ sở kinh doanh hiện đại này thì cũng cần dựa trên cơ sở xây dựng những quy định thống nhất, một định hướng phát triển nhất quán và đồng bộ cho hoạt động phân phối tại Việt Nam. Yêu cầu này quay lại với xuất phát điểm là đến nay các quy định của pháp luật thương mại vẫn chưa có những định nghĩa rõ ràng về phân phối, bán buôn, bán lẻ (Nguyễn Lê Lý, 2022) để giải quyết các vấn đề liên quan, và cơ sở kinh doanh hoạt động phân phối là một trong số đó. Do đó, cần có sự thay đổi toàn diện, đầy đủ về các quy định pháp luật này, đặt trong mối quan hệ giữa các loại hình và phương thức kinh doanh hoạt động phân phối nói chung. CÁC GHI CHÚ [1] Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng 09 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại; Nghị định 09/2018/NĐ-CP; Nghị định số 02/2003/ NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009; Nghị định 51/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa và Nghị định 51/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 51/2018/NĐ-CP.. [2] Chợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 02/2003/NĐ-CP là “loại chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư”. Luận án sử dụng thuật ngữ chợ truyền thống để chỉ đối tượng này. [3] Thực tế các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đã lần lượt xuất hiện tại Việt Nam từ trước khi cam kết mở cửa thị trường đối với lĩnh vực phân phối được thực thi như năm 1998, tập đoàn Bourbon (Pháp) đã thành lập Công ty Vinde’mia và khai trương đại siêu thị đầu tiên là Cora tại tỉnh Đồng Nai, sau đó năm 2003 hệ thống Cora đổi tên thành Big C; năm 2002 Metro Cash & Carry (Đức) chính thức xuất hiện với mô hình bán sỉ hiện đại đầu tiên vào thời điểm đó; năm 2005, Parkson (Malaysia) mang đến thị trường bán lẻ Việt Nam mô hình TTTM cao cấp, bán lẻ hàng hiệu đầu tiên - Xem Thanh Lâm (2019), Thương hiệu bán lẻ ngoại: Vào - ra, sống - chết, chuyên trang Nhịp sống doanh nghiệp, [https://bizlive.vn/thuong-truong/thuong-hieu-ban-le- ngoai-vao-ra-song-chet-3519898.html]. [4] Số liệu thống kê từ https://www.gso.gov.vn/, truy cập ngày 11/01/2023. [5] Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) là minh chứng cho điều này khi đây là mô hình kinh tế hợp tác xã thành công, hiệu quả tại Việt Nam được thành lập từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới cho đến giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Trong đó, Saigon Co.op đã thành lập các doanh nghiệp trực thuộc là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID), công ty cổ phần Thành Công (SC IMEX) và tham gia thành lập công ty cổ phần Đầu tư Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA), từ đó tập trung nguồn lực vào mảng bán lẻ với hệ thống hơn 100 siêu thị ở khắp các tỉnh thành trên cả nước
  10. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 363 cùng với việc phát triển các mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi, của hàng bách hóa hiện đại, bán lẻ trực tuyến, bán hàng qua truyền hình, trung tâm thương mại, chợ truyền thống kết hợp hiện đại, đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn (Thông tin truy cập tại [http://www.saigonco-op.com.vn/]). [6] Xem tại website Xây dựng pháp luật của VCCI, mục Dự thảo đang lấy ý kiến của Bộ Công thương tại địa chỉ [http://vibonline.com.vn/du_thao/de-nghi-xay-dung-nghi-dinh-ve-phat-trien-va-quan-ly-nganh- phan-phoi]. [7] Xem Công văn 12070/VPCP-KHHT ngày 11 tháng 11 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng thương mại. [8] Xem đầy đủ tại địa chỉ [http://hiephoibanle.com.vn/avr-gop-y-de-nghi-xay-dung-nghi-dinh-cua- chinh-phu-ve-phat-trien-va-quan-ly-nganh-phan-phoi/]. [9] Xem đầy đủ tại địa chỉ [http://vibonline.com.vn/bao_cao/vcci_gop-y-de-nghi-xay-dung-nghi- dinh-cua-chinh-phu-ve-phat-trien-va-quan-ly-nganh-phan-phoi]. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Xuân Bách (2016), Thị trường bán lẻ Việt Nam: Phải chấp nhận cạnh tranh, [https://nhandan.vn/ nhan-dinh/thi-truong-ban-le-viet-nam-phai-chap-nhan-canh-tranh-263307/], truy cập ngày 11/01/2023. 2. Trương Đình Chiến (2008), Quản trị kênh phân phối, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, tr.8. 3. Mai Thanh Hải (2008), Nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty siêu thị Hà Nội trên thị trường bán lẻ Hà Nội, Luận văn thạc sĩ kinh doanh và quản lý, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 4. Lê Ngọc Phương Lan và các tác giả (2002), Từ điển Pháp - Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM. 5. Nguyễn Lê Lý, Khía cạnh pháp lý của các khái niệm dịch vụ phân phối, bán buôn và bán lẻ, Sci. Tech. Dev. J. - Eco. Law. Manag.; 6(3): 3269 - 3276. 6. Phạm Quang Phan và Tô Đức Hạnh (2008), Khái lược Kinh tế chính trị Mác-Lênin, NXB Chính trị quốc gia, tr355. 7. Philip Kotler (2003), Quản trị Marketing, NXB Thống kê, tr.595. 8. Nguyên Hữu Quỳnh (1998), Đại từ điển Kinh tế thị trường, NXB Từ điển Bách Khoa. 9. Trường ĐH Luật TP.HCM (2019), Giáo trình pháp luật về thương mại hàng hóa và dịch vụ, NXB Hồng Đức, tr. 176-177. 10. UN Conference on Trade and Development (2005), Distribution services - Note by the UNCTAD Secretariat, tr3.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2