intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:188

107
lượt xem
14
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên bao gồm những nội dung về văn hóa và sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên, đặc điểm cấu tạo cốt truyện, cấu tạo nhân vật, ngôn ngữ sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên. Mời các bạn tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ___________________________ Nguyễn Đặng Hải Dương ĐẶC ĐIỂM SỬ THI DÂN TỘC CHĂM Ở PHÚ YÊN Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. HỒ QUỐC HÙNG Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
  2. LỜI CẢM ƠN Chúng tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với Tiến sĩ Hồ Quốc Hùng đã tận tình hướng dẫn, cung cấp và truyền thụ cho chúng tôi những kiến thức quý báu trong nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Phòng đào tạo sau đại học, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành chương trình đào tạo và luận văn thạc sỹ.  
  3. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài: Phú Yên là là vùng đất được khai sinh trong hành trình lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, nằm ở duyên hải Nam Trung bộ. Đây là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người như: Ê đê, Chăm, Ba na, Hoa, Tày, Nùng, Dao... trong đó phần lớn là người Kinh. Từ cơ cấu đa dạng về tộc người như vậy dẫn đến sự đa dạng, phong phú của văn học dân gian. Trong đó, sử thi là một thể loại văn học dân gian độc đáo, đã xuất hiện và lưu truyền khá lâu đời ở tỉnh Phú Yên. Cùng với số lượng lớn tác phẩm sử thi ở Tây Nguyên, một số sử thi cũng được tìm thấy ở Phú Yên. Nó góp phần tạo nên diện mạo đa dạng, khá phong phú cho thể loại. Sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên chứa đựng giá trị nhiều mặt. Nó phản ánh sâu sắc đời sống lịch sử xã hội người Chăm ở một vùng đất cao nguyên thuộc PhúYên. Nó cho thấy con người, những tập tục, những khao khát cùng quan niệm sống của họ. Tìm hiểu sử thi dân tộc Chăm còn giúp ta tìm hiểu những giá trị về văn hoá, văn học của một tộc người đã có sự biến đổi theo địa bàn cư trú trong quá trình lịch sử phía Nam đất nước. Sự thay đổi về văn hóa trong quá trình cộng cư giữa các tộc người đã thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm sử thi dân tộc Chăm - Phú Yên. Trong quá trình cộng cư ấy, người Chăm ở Phú Yên đã có sự tiếp thu những nét văn hoá, nếp sống của đồng bào dân tộc bản địa như Ba na, Ê đê ở khu vực này, tạo nên một tộc người Chăm ít nhiều có sự khác biệt với tộc người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận. Điều đó lý giải vì sao sử thi Chăm Phú Yên có nhiều nét tương đồng với sử thi Tây Nguyên trong nhiều mặt mà không thấy có ở các nhóm Chăm vùng khác. Vì vậy, tìm hiểu đặc điểm sử thi Chăm ở Phú Yên ta sẽ thấy nét đặc trưng riêng, vừa có nét ảnh hưởng của sử thi Tây Nguyên qua nếp sống, nếp nghĩ của tư duy người Chăm. Đó là sự hài hoà, pha trộn tư duy Chăm nguyên thuỷ và tư duy của cộng đồng cư dân trong cuộc sống hoà nhập trên địa bàn sinh sống. Đề tài “Đặc điểm sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên” góp phần vào việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số. Hiện nay, vấn đề giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá của các dân tộc Việt Nam không chỉ là công việc của riêng dân tộc đó mà đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của xã hội và nhất là đối với các nhà khoa học. 2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn: Việc sưu tầm, nghiên cứu sử thi của các dân tộc thiểu số đang được tiến hành từ nhiều năm nay và đã được viện Văn hoá cho in 16 tác phẩm hay tập sử thi hoàn chỉnh trong kho tàng sử thi Tây
  4. Nguyên. Trong quá trình sưu khảo, có nhiều công trình nghiên cứu về sử thi Tây Nguyên, nhưng chưa có công trình cụ thể nào nghiên cứu riêng về sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên. Luận văn này nhằm tìm hiểu thể loại với mong muốn tìm ra nét đặc trưng của nó tồn tại trong tộc người Chăm vốn sống lâu đời ở vùng đất Phú Yên. Với những nỗ lực và kết quả của việc nghiên cứu, chúng tôi mong muốn góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá tộc người Chăm ở Phú Yên đang có nguy cơ bị mai một dần. Đây cũng là đóng góp nhỏ thiết thực trong quá trình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. 3. Lịch sử vấn đề: Sử thi là tài sản quí báu của văn học việt Nam và của mọi dân tộc trên thế giới. Đó là tiếng nói khẳng định những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc. Với những giá trị quí báu ấy, sử thi đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu. Sử thi ở Việt Nam được biết đến khi L.Sabatier công bố bản sưu tầm sử thi “Đăm San” vào thập niên 30 của thế kỉ XX. Đây là bản sử thi đầu tiên mở đầu cho quá trình sưu tầm sử thi cho đến thời điểm hiện tại. Đến năm 1963, tập Trường ca Tây Nguyên, do Y Điêng, Y Yung, Kơxo Blêu, Ngọc Anh sưu tầm đã được xuất bản. Trong đó, các sử thi được sưu tầm là: “Xing Nhã”, “Đăm Di”, “Đăm Đroăn”, “Khinh Dú”, “Y Prao”. Đây là những sử thi Ê đê. Sau năm 1975, công việc sưu tầm sử thi được chú ý hơn và nhiều sử thi khác đã được phát hiện: “Giông Tư”, “Đăm Noi”, “Xing Chi Ôn”, “Đăm Di đi săn”, “Xing Chơ Niếp”, “Chi Lơ Kok”,…Đến nay các nhà sưu tầm đã sưu tầm được hơn 800 tác phẩm sử thi, trong đó có 173 tác phẩm đã phiên âm và dịch nghĩa, 75 tác phẩm đã được xuất bản. Trong hơn 800 tác phẩm sử thi đã sưu tầm, Mnông có gần 300 tác phẩm, Ê đê có 54 tác phẩm, Xơ đăng có 105 tác phẩm, Ba na và Gia rai có 238 tác phẩm, Raglai có 33 tác phẩm. Trong đó, đặc biệt dân tộc Chăm Hroi có hai tác phẩm đã được xuất bản là: “Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đă” và “Chi Bri - Chi Brit”. Từ khi bản sưu tầm sử thi Đăm San xuất hiện, công việc nghiên cứu sử thi đã được tiến hành. Luận án “Về thể loại sử thi anh hùng của các dân tộc ở Tây Nguyên” của tác giả Võ Quang Nhơn đã xác định đặc điểm của thể loại sử thi anh hùng về nội dung và thi pháp. Ông đưa ra những khuynh hướng mới trong việc nghiên cứu sử thi. Và sau đó, có nhiều công trình khác ra đời như: “Sử thi thần thoại H’Mông” của Đỗ Hồng Kỳ, “Đặc điểm nhóm sử thi dân tộc Ba na (Kon Tum)” của Phan Thị Hồng, “Văn hoá mẫu hệ trong sử thi Ê đê” của Krông Buôn Tuyết Nhung. “Hệ thống nghệ thuật của sử thi anh hùng Tây Nguyên” của Phan Nhân Thành. Nhà nghiên cứu văn học dân gian Phan Đăng Nhật đã có nhiều công trình nghiên cứu về sử thi Tây Nguyên như: “Vùng sử thi Tây
  5. Nguyên”, “Nghiên cứu sử thi Việt Nam”. Trong giáo trình “Văn học dân gian Việt Nam”, các tác giả Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn đã dành chương 6 để nghiên cứu về sử thi anh hùng. Tuy nhiên, về sử thi Chăm ở Phú Yên, hầu như chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu vào nghiên cứu cụ thể và hệ thống. Một vài bài viết mang tính chất nhận định, giới thiệu về sử thi ở nơi này xuất hiện rải rác như lời giới thiệu của tác giả Phan Đăng Nhật ở hai cuốn sách: “Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đă” và “Chi Bri - Chi Brit”. Nói chung, các bài viết chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu tác phẩm mà chưa đi sâu vào từng vấn đề cụ thể. Do vậy, cần có một cái nhìn hệ thống và đầy đủ hơn về sử thi Chăm ở Phú Yên. Đây là nhiệm vụ khoa học mà luận văn của chúng tôi hướng đến khi nghiên cứu về sử thi Chăm ở Phú Yên. 4. Phạm vi nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là 5 tác phẩm sử thi của dân tộc Chăm. Chúng tôi cố gắng làm rõ đặc điểm về cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ của nó. Từ những yếu tố này, có thể so sánh với những tác phẩm sử thi cùng loại ở Tây Nguyên để xem mối quan hệ và những tương đồng về tư duy nghệ thuật giữa các tộc người có quá trình lịch sử khác nhau. Những tác phẩm khảo sát gồm: - Trường ca Chi Liêu - Trường ca Tiếng cồng ông bà Hơ Bia Lơ Đă - Trường ca Anh em Chi Blơng - Chi Bri, Chi Brit - Trường ca Hbia Tà Lúi Ka Li Pu 5. Phương pháp nghiên cứu: - Phương pháp điền dã: Ngoài văn bản đã có, chúng tôi đặt nhiệm vụ đi điền dã để trực tiếp kiểm tra sự tồn tại hiện hữu của các sử thi. Phương pháp này cần thiết cho luận văn nhằm tìm hiểu về vùng đất, phong tục, lối sống của tộc người Chăm Hroi trên tỉnh Phú Yên và sự lưu truyền sử thi Chăm - Phú Yên. Chúng tôi đã đi điền dã ở vùng núi huyện Sơn Hoà, trung tâm của sử thi Chăm - Phú Yên và tìm hiểu kiến thức thực tế về đời sống người Chăm Hroi nơi đây. Bên cạnh đó, chúng tôi tìm đến người sưu tầm sử thi Chăm - Phú Yên là ông Ka Sô Liễng, người dân tộc Chăm sưu tầm và biên dịch sử
  6. thi Chăm - Phú Yên để tìm hiểu thêm về trình thức truyền miệng (oral- formulaic theory), không gian diễn xướng của sử thi. - Phương pháp phân tích tổng hợp: Từ việc nghiên cứu những đặc điểm cụ thể của sử thi Chăm - Phú Yên, chúng tôi có cơ sở để khái quát thành những đặc điểm mang tính chất đặc thù của đối tượng nghiên cứu - Phương pháp thống kê: Thao tác chủ yếu trong luận văn này là thống kê những chi tiết, tần số xuất hiện của các môtip, biện pháp nghệ thuật trong các tác phẩm để hình thành những đặc điểm có tính qui luật của sử thi. - Phương pháp so sánh, đối chiếu: Phương pháp so sánh đối chiếu nhằm tìm ra những nét tương đồng và khác biệt của sử thi Chăm - Phú Yên với sử thi Tây Nguyên, từ đó nhận diện đặc điểm riêng của sử thi Chăm - Phú Yên. - Phương pháp văn hóa học: Dựa trên những kiến thức về văn hoá dân tộc Chăm và sự biến đổi của văn hoá dân tộc Chăm trên vùng đất Phú Yên và sự giao thoa với các dân tộc sống gần gũi nơi đây, chúng tôi có cơ sở để tìm hiểu những diễn biến, sự hình thành về đặc điểm sử thi dân tộc Chăm - Phú Yên. 6. Những đóng góp mới của luận văn: Trong luận văn này, chúng tôi cố gắng bước đầu xác định đặc điểm cơ bản của sử thi Chăm - Phú Yên trong sự đối sánh với sử thi Tây Nguyên. 7. Cấu trúc của luận văn: Phần mở đầu Phần nội dung Chương I: Tổng quan về văn hóa và sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên 1.1. Những đặc điểm cơ bản của dân tộc Chăm ở Phú Yên 1.1.1. Đặc điểm địa lý, kinh tế các tỉnh miền núi Phú Yên
  7. 1.1.2. Sự phân bố dân cư các dân tộc thiểu số ở Phú Yên 1.1.3. Nguồn gốc người Chăm ở tỉnh Phú Yên 1.1.4. Một số đặc điểm văn hoá người Chăm - Phú Yên 1.1.5. So sánh người Chăm ở Phú Yên và người Chăm ở vùng lân cận .. 1.2. Khảo sát tư liệu sử thi Chăm - Phú Yên 1.2.1.Tên gọi 1.2.2. Số lượng thống kê 1.2.3. Tình hình tư liệu 1.2.4.Trình thức kể và không gian diễn xướng sử thi Chăm - PhúYên 1.2.5. Các sử thi được khảo sát Chương II. Đặc điểm cấu tạo cốt truyện sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên 2.1. Đề tài 2.2. Kết cấu cốt truyện 2.2.1. Tính hoàn chỉnh trong kết cấu sử thi Chăm - Phú Yên 2.2.2. Kết cấu đa sự kiện của sử thi Chăm - Phú Yên 2.3. Một số môtip trong cốt truyện sử thi Chăm - Phú Yên 2.3.1. Môtip “Sự cản trở trên đường đi” 2.3.2. Môtip “Băng rừng vượt núi” 2.3.3. Môtip “Sự giúp đỡ thần kì” 2.3.4. Môtip “Rèn luyện trước khi chiến đấu” 2.3.5. Môtip “Thuyết phục kẻ thù giảng hoà” 2.3.6. Môtip “Không thu nhận của cải, buôn làng kẻ đối địch khi thắng trận” Chương III. Đặc điểm cấu tạo nhân vật sử thi dân tộc Chăm ở Phú Yên
  8. 3.1. Nhân vật anh hùng 3.1.1. Đặc điểm về xuất thân, lai lịch 3.1.2. Đặc điểm về vẻ đẹp ngoại hình và sức mạnh 3.1.3. Đặc điểm về tâm lý, tính cách 3.1.4. Đặc điểm về hành động 3.1.4.1. Nhân vật anh hùng trong làm lụng 3.1.4.2. Nhân vật anh hùng trong hôn nhân 3.1.4.3. Nhân vật anh hùng trong chiến đấu 3.2. Các nhân vật khác 3.2.1. Nhóm nhân vật đối địch 3.2.2. Nhóm nhân vật người đẹp 3.2.3. Nhóm nhân vật dân làng 3.3.4. Nhóm nhân vật thần linh Chương IV. Ngôn ngữ sử thi dân tộc Chăm ở PhúYên 4.1. Tính giàu hình tượng trong ngôn ngữ sử thi Chăm - Phú Yên 4.1.1. Biện pháp so sánh 4.1.2. Biện pháp mô phỏng 4.1.3. Biện pháp sử dụng con số trong sử thi 4.1.4. Biện pháp lặp cấu trúc 4.2. Tính thần kì và hào hùng trong ngôn ngữ sử thi Chăm - Phú Yên 4.3. Tính nhạc điệu trong sử thi Chăm - Phú Yên
  9. Phần kết luận Tài liệu tham khảo Phụ lục      
  10. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ VĂN HOÁ VÀ SỬ THI DÂN TỘC CHĂM Ở PHÚ YÊN 1.1. Những đặc điểm cơ bản của dân tộc Chăm ở Phú Yên: 1.1.1. Đặc điểm địa lý, kinh tế các tỉnh miền núi Phú Yên: Phú Yên là tỉnh ở khu vực duyên hải miền Trung, phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc, phía Đông giáp biển Đông. Các huyện miền núi Phú Yên đều nằm ở sườn phía Đông của dãy Trường Sơn nên khí hậu có đặc điểm chung là vừa chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng Tây Nguyên, vừa chịu ảnh hưởng khí hậu vùng duyên hải với hai mùa mưa và nắng. Cũng như các tỉnh nằm dọc ven biển miền Trung, Phú Yên là địa bàn có nhiều sông suối, hầu hết đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và chảy qua địa hình đồi núi. Về đất đai, các huyện miền núi có các loại đất như đất xám với đặc điểm là tầng đất mỏng, lẫn nhiều đá, nghèo chất hữu cơ và đạm. Đất đen, đất đỏ, vàng có lợi thế về trồng trọt và chăn nuôi. Điều đó cho thấy vùng núi Phú Yên có nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp với hai nghề chính là trồng trọt và chăn nuôi. Rừng núi Phú Yên là nơi tập trung nhiều loại gỗ quí và nhiều loại thổ sản hiếm với nhiều loại dược thảo là những nguyên liệu quí. Rừng còn là nơi trú ngụ của nhiều động vật lớn như bò, cọp, gấu, hươu, nai, thỉnh thoảng còn có tê giác. Như vậy, vùng núi Phú Yên nơi địa bàn người Chăm và các tộc người khác sinh sống, địa hình thường bị chia cắt bởi sông suối và núi đồi. Đất đai tuy rộng lớn nhưng hầu hết nằm ở địa bàn đất kém màu mỡ, khả năng khai thác hạn chế. Tuy vậy, trong quá trình sinh sống, lao động và sản xuất, các dân tộc đã biết cách hoà nhập với thiên nhiên, tạo ra những giá trị văn hoá phong phú và đa dạng, còn lưu lại đến ngày nay. 1.1.2. Sự phân bố dân cư các dân tộc thiểu số ở Phú Yên: Phú Yên có 3 huyện miền núi là Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân. Đây là các huyện có người Chăm và các dân tộc thiểu số khác sinh sống. Huyện Sông Hinh nằm ở phía Tây Nam tỉnh, tiếp giáp với huyện Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hoà), phía Bắc giáp huyện Sơn Hoà , phía Tây giáp huyện Krôngpa (tỉnh Gia Lai). Nơi này tập trung người Chăm, Ê đê, Ba na, Tày, Nùng. Người Ê đê là dân tộc thiểu số cư trú đông nhất. Số dân cư Chăm ở đây khoảng 1270 người. Huyện Sơn Hoà nằm ở
  11. phía Tây tỉnh Phú Yên, phía Nam giáp huyện Sông Hinh, phía Bắc giáp huyện Đồng Xuân, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp huyện Phú Hoà. Huyện này tập trung dân tộc Chăm, Ê đê, Ba na là chính. Ở huyện Sơn Hoà, người Chăm cư trú khoảng 9403 người và là tộc người cư trú đông nhất. Huyện Đồng Xuân nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Phú Yên, phía Nam giáp huyện Sơn Hoà, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp huyện Tuy An và Sông Cầu. Huyện này rải rác là cư dân Chăm và Ba na. Số dân cư Chăm ở đây khoảng 6842 người. Như vậy, tổng số người Chăm ở tỉnh Phú Yên khoảng 17.515 người sống tập trung ở ba huyện miền núi: Sơn Hoà, Sông Hinh và Đồng Xuân. (Số liệu thống kê năm 2000 của Sở văn hoá thông tin tỉnh Phú Yên) 1.1.3. Nguồn gốc người Chăm ở tỉnh Phú Yên: Về nguồn gốc của người Chăm ở Phú Yên có nhiều ý kiến: Sogny trong bài viết năm 1937 “Một vài hiểu biết trên một đảo nhỏ của dân tộc Chăm sống ở các huyện Đồng Xuân và Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên”, cho rằng: “Người Chăm ở hai huyện Đồng Xuân và Sơn Hoà chính là hậu duệ của cư dân đất Chăm Pa. Ở thời kì này (1377-1388), nước Chăm pa đầu hàng trước kẻ thù và cư dân đã có sự phân tán, sống chung lẫn lộn với người Ba na và Ê đê. Sau nhiều thế hệ, họ đã chung sống và chan hoà nhau. Hiện nay, họ vẫn hồi tưởng lại một cách tội nghiệp về gốc gác của mình và về phương diện ngôn ngữ họ vẫn còn nói tiếng nói của đất nước Chăm pa” [125, tr.2] Theo các tài liệu lịch sử cho biết, sau khi Chế Bồng Nga chết, Chiêm Thành bước vào thời kì suy tàn và trở thành một phiên thuộc của nhà nước phong kiến Đại Việt. Năm 1457, chúa Nguyễn cử Lương Văn Chánh vào đánh thành Hồ và mở đầu cuộc khẩn hoang lập ấp, người Chăm lui về sống trên vùng núi. Nhà nghiên cứu Phan Khoang trong “Việt sử xứ Đàng Trong” viết: “Sau khi đất Phú Yên ngày nay trở vào Nam bị các chúa Nguyễn đánh chiếm thì một số người Chăm lên sinh sống với người Mọi” [125, tr.3]. Theo đó, người Chăm Hroi trước kia là thần dân của vương quốc Chiêm Thành cũ di tản lên vùng núi tránh loạn rồi định cư luôn tại đây, họ vẫn còn giữ ngôn ngữ và một số phong tục tập quán của người Chăm đồng bằng. Người Chăm ở Phú Yên có cùng hệ Chăm với Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, trong những sinh hoạt thường nhật nhiều yếu tố đã bị ảnh hưởng, lai tạp. Có thể lý giải là do một bộ phận người Chăm do cách ly với cộng đồng khá lâu nên không còn giữ được một số yếu tố truyền thống văn hoá nhưng lại tiếp thu văn hoá của các dân tộc bản địa. Chẳng hạn như người Chăm ở đây có thể nói được tiếng Ê đê. Thậm chí một số bộ phận sống trong rừng già tự nhận là dân tộc Chăm nhưng sinh hoạt của họ mang nặng bản sắc Ê đê hơn.
  12. Tóm lại, người Chăm đang cư trú tại Phú Yên hiện nay thật sự là con cháu của cư dân Chăm pa, đã lên miền núi sinh sống qua nhiều thế hệ. Do cách ly với cộng đồng lâu ngày nên trong đời sống, kinh tế, xã hội và văn hoá có những khác biệt so với cộng đồng người Chăm đang sống tại Ninh Thuận, Bình Thuận và các nơi khác. Tuy nhiên, họ vẫn tự nhận mình là người Chăm. Điều đó phản ánh khá rõ trong tên gọi, nguồn gốc dân tộc, và trong một số đặc trưng về văn hoá. Người Chăm - Phú Yên có nhiều tên gọi dân tộc gắn với địa danh nơi họ sống hoặc đặc điểm nơi họ sống. Chẳng hạn như người Chăm sống ở suối Hà Đang, huyện Đồng Xuân tự nhận mình là người Chăm Hà Đang. Người Chăm tại Thuận Hải gọi những cư dân gốc Chăm sinh sống tại các tỉnh Phú Yên và Bình Định là H’roi hay Hờ Roi. Nói chung, Chăm Hroi là tên gọi tộc người Chăm sống ở vùng núi phía Tây Bình Định và Phú Yên. Nguồn gốc của tên Chăm Hroi này được Ka Sô Liễng, nhà sưu tầm văn học dân gian giải thích: “Đây là tên gọi chung chỉ người Chăm sống ở vùng thấp gần người Kinh nhằm phân biệt một bộ phận người Chăm sống ở rừng già, thường gọi là Chăm Dlay Yưa”. Tên gọi này đã phân biệt cộng đồng Chăm sống ở vùng núi Bình Định, Phú Yên và cộng đồng Chăm sống tại đồng bằng của Ninh Thuận, Bình Thuận, và các tỉnh Nam Bộ. Như vậy, có thể gọi người Chăm sống tách biệt với cộng đồng Chăm gốc ở Ninh Thuận, Bình Thuận và hiện tại đang sống ở Bình Định, Phú Yên là Chăm Hroi. Tên gọi người Chăm ở Phú Yên nhằm xác định rõ địa danh và nơi sinh sống của cộng đồng người Chăm Hroi là ở Phú Yên để phân biệt với người Chăm Hroi sinh sống ở Bình Định. 1.1.4. Một số đặc điểm văn hoá người Chăm - Phú Yên: Dân tộc Chăm cũng giống như các dân tộc ít người khác sinh sống ở Phú Yên, họ sống dọc theo dãy Trường Sơn từ Sông Hinh đến huyện Vân Canh tỉnh Bình Định. Người Chăm Hroi tìm nơi hiểm hóc như đỉnh núi cao, thung lũng có núi non bao bọc xung quanh để sinh sống. Do cư trú trong những vùng đất có điều kiện tự nhiên và địa hình không thuận lợi, trong hoạt động kinh tế, người Chăm - Phú Yên tồn tại nhiều loại hình như săn bắt, hái lượm, làm ruộng, các nghề thủ công, trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Làm rẫy là loại hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu của những người Chăm - Phú Yên. Họ chọn đất làm rẫy ở rừng thưa vì rừng già là nơi Yàng ngự trị, không ai được xâm phạm. Trước khi phát rẫy, họ phải làm gà cúng Yàng đất cầu mong cho được mạnh tay khoẻ chân. Người Chăm - Phú Yên có nhiều điều cấm kị liên quan đến Yàng.Trong chăn nuôi, người Chăm - Phú Yên ít chú ý chăm sóc gia súc, gia cầm mà hầu như phó mặc cho thiên nhiên, may rủi. Khi gặp dịch bệnh, họ đập bò, giết trâu, mổ heo cúng Yàng, cầu xin sự giúp đỡ của thần linh. Săn bắt, hái lượm là một phương
  13. thức lao động của người Chăm - Phú Yên. Họ thường cầm dao, ná, rựa, dây đi săn với hai hình thức săn tập thể và săn cá nhân. Người Chăm - Phú Yên theo chu kì vào rừng để hái lượm các sản phẩm của rừng như măng, nấm, mật ong, cánh kiến, hoa quả, thuốc chữa bệnh, các loại lá, rễ, cây có thể ăn được. Các nghề thủ công truyền thống là những nghề dệt vải và nghề đan. Người Chăm - Phú Yên có tính cộng đồng cao. Khi người ở địa phương khác hoặc dân tộc khác xâm phạm quyền lợi, danh dự của người dân trong cộng đồng, trước tiên người Chăm - Phú Yên tập hợp lại khuyên bảo. Nếu những người này không nghe cộng đồng mới xử phạt. Trong cộng đồng, người dân sẵn sàng chia nhau những món ăn, thịt săn được cho nhau. Họ quan niệm con vật chết là của chung, con vật sống là của riêng. Những tập tục, lối sống trên đây đã phản ánh đúng hình thái xã hội đặc trưng của thời đại sử thi phát triển. Và trong đời sống văn hoá của người Chăm - Phú Yên, đáng chú ý nhất là đời sống tâm linh. Người Chăm - Phú Yên có quan niệm và hệ thống thần linh của người mình như sau: Bà tạo hoá sinh ra mọi vật trên trái đất (gọi là Mó Pinh). Mó Pinh và Yàng là đấng tối cao trong tự nhiên. Mó Pinh giao cho Yàng cai quản mọi vật trên trái đất. Trong hệ thống thần linh, có nhiều Yàng như Yàng đất, Yàng trời thấp, Yàng trời cao, Yàng núi, Yàng rừng, Yàng sông, Yàng suối, Yàng cây đa...Thân hình Yàng cũng giống như người nhưng mặt giống khỉ, râu giống dê, sừng giống sừng bò, chân giống chân cá sấu, tóc đỏ giống lông gà trống, mắt giống mắt cú, miệng giống mỏ diều hâu. Yàng cũng có Yàng tốt và Yàng xấu, Yàng ác. Do vậy làm việc gì người Chăm - Phú Yên cũng phải khấn xin, hỏi ý kiến Yàng mới được thực hiện. Khi gặp hoạn nạn khó khăn trong cuộc sống, dân chúng khấn Yàng trời. Khi tai qua nạn khỏi, họ đâm trâu cúng Yàng trời, gọi là “đâm trâu xoay cột”. Ngoài ra, họ còn cúng ông bà, Yàng Lơ geh, Yàng Tơdrê, Yàng Mơ Pó, Yàng Mơ Lăm (cúng Ma ác), Yàng Núi, Yàng Rừng, Yàng Anh em. Trong lễ hội, tín ngưỡng, người Chăm - Phú Yên có nhiều lễ hội. Lễ hội tín ngưỡng theo vòng đời người là lễ hội được xoay theo những bước quan trọng trong đời một con người như sinh đẻ, trưởng thành, hôn nhân, tang ma. Một số lễ như: lễ cưa răng là một lễ quan trọng để đánh dấu sự trưởng thành của một người đến tuổi trưởng thành, lễ mừng sức khoẻ, lễ bỏ mả. Một số lễ hội theo vòng cây trồng như: lễ tìm đất, cầu mưa, cúng xin cây, cúng đầu mùa, lễ cúng cơm mới, lễ đưa lúa vào kho. Ngoài ra, người Chăm - Phú Yên còn có một số lễ tục khác trong đời sống thường nhật như: lễ cúng đầu phục (cúng cổng làng), cúng bến nước, cúng đất, lễ đổ đầu, cúng rửa xả xui, cúng trừ ma lai. Những biểu hiện trong sinh hoạt văn hóa trên đây cho thấy, người Chăm - Phú Yên có ảnh hưởng sâu nặng với các dân tộc thiểu số nơi đây như dân tộc Ba na, Ê đê. Bởi lẽ, cùng sống và sinh
  14. hoạt trong một địa bàn không rộng lắm, các dân tộc này ở xen kẽ gần gũi với nhau. Do vậy, ngôn ngữ và văn hoá có sự ảnh hưởng qua lại với nhau một cách mạnh mẽ. Cùng với sự cách ly với cộng đồng người Chăm đã lâu đời và không còn sự tiếp xúc, giao lưu, người Chăm - Phú Yên đã không còn giữ lại được những nét văn hoá truyền thống của người Chăm gốc trong quan niệm, sinh hoạt vật chất và tinh thần. 1.1.5. So sánh người Chăm ở Phú Yên và người Chăm ở vùng lân cận: Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận là một cộng đồng có số dân chiếm đa số trong cộng đồng người Chăm ở Việt Nam, còn lưu giữ nhiều bản sắc và phong tục cổ truyền của nhất của tộc người. Do vậy, so sánh người Chăm ở Phú Yên với người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, nhất là người Chăm theo đạo Bà là môn là cách thức tìm ra những nét văn hoá của cộng đồng mà người Chăm ở Phú Yên còn lưu giữ được hoặc đã thay đổi, tiếp biến trong quá trình lịch sử. Người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận có khoảng trên 60 nghìn người, cư trú tương đối tập trung. Người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận theo hai tôn giáo chính là Bàlamôn và Hồi giáo. Người Chăm Bàlamôn thờ tín ngưỡng đa thần. Thần ở trên trời như thần mặt trời, thần gió, thần mưa, thần sấm sét. Thần ở trên mặt đất như thần núi, thần sông, thần cây, thần rừng, thần ở các động vật, ở các công cụ lao động, ở đền tháp.v.v… Hệ thống lễ nghi nông nghiệp của người Chăm Bàlamôn gồm một số lễ nghi tiêu biểu như: lễ chuyển mùa, đón năm mới, lễ cầu mưa, lễ cúng chặn nguồn nước, lễ tế trâu, lễ cúng thần ruộng, lễ cúng đầu lúa. Hệ thống nghi lễ cộng đồng tôn giáo có lễ Katê là lễ hội lớn nhất. Nghi lễ vòng đời của người Chăm Bàlamôn tập trung chủ yếu ở giai đoạn sinh, cưới và tang, bao gồm: lễ sinh đẻ, lễ cưới, lễ tang ma. Người Chăm theo đạo Hồi giáo cũ (Bà ni) sống quây quần bên thánh đường. Thánh đường là nơi các tu sỹ và các tín đồ Bà ni đến cầu nguyện và dâng lễ. Người Chăm Bà ni có tín ngưỡng nhất thần, chỉ thờ phụng thánh Ala và thiên sứ Môhamet. Tuy nhiên, người Chăm Bà ni ngoài việc cầu nguyện thánh Ala vẫn cầu nguyện các thần linh từ xa xưa như các thần thiên nhiên: thần Mưa, thần Biển, thần Núi, thần Nước, thần Sông và một số nhân thần như Pôklongirai, Pôrômê, Pô Inư Nưgar…Tháng chay Ramưvan là thời gian quan trọng nhất của người Bàni và là mùa lễ hội lớn nhất. Người Chăm Bà ni không tổ chức và tham dự lễ hội Katê. Nghi lễ vòng đời gồm những lễ quan trọng như: lễ Karơh là lễ cấm phòng cho các thiếu nữ và lễ katat là lễ cắt qui đầu cho các nam thiếu niên đến tuổi trưởng thành.
  15. So với những truyền thống trên, người Chăm Hroi ở Phú Yên, do điều kiện lịch sử, địa lý đã có sự thay đổi, tiếp thu những phong tục, lối sống của các dân tộc lân cận. Người Chăm ở Phú Yên có hệ tín ngưỡng và tôn giáo hoàn toàn khác so với Người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận: • Tục thờ Yàng: đây là hệ thống thần linh của những dân tộc Tây Nguyên cũng như những dân tộc khác như Ba na, Gia Rai, Ê đê ở miền núi phía Tây Phú Yên. Tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm - Phú Yên là tín ngưỡng đa thần ở dạng sơ khai. Nét giống nhau của người Chăm ở Phú Yên và Người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận là đều thờ đa thần với thần mưa, thần núi, thần sông… Tuy nhiên, người Chăm - Phú Yên thì gọi chung là Yàng và phân chia thành nhiều tên gọi khác nhau như: Yàng núi, Yàng rừng, Yàng sông… • Về tín ngưỡng, lễ hội: người Chăm - Phú Yên vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội đặc sắc của cư dân Chăm trong vòng đời người và nông nghiệp. Nhưng nếu lễ hội Katê là lễ hội lớn nhất của người Chăm theo đạo Bà la môn thì lễ đổ đầu- một lễ hội thể hiện sự sinh sôi nảy nở, biểu hiện tính phồn thực với ý nghĩa tạo ra mọi sự sống mới, là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Hroi. Trên thực tế, trong quá trình cộng cư với các tộc người Tây Nguyên, người Chăm - Phú Yên đã ít nhiều ảnh hưởng qua một số tập tục. Người Chăm - Phú Yên đã thể hiện lối sống của một cộng đồng sống ở vùng miền núi với những lễ như lễ trỉa lúa, cầu mưa, đốt rẫy…Những lễ nghi khác như đâm trâu xoay cột, cúng Yàng anh em, cúng trừ ma lai liên quan đến những phong tục và tập quán lâu đời của cư dân dân tộc Tây Nguyên hơn là tập quán của người Chăm. Lễ tang ma của người Chăm - Phú Yên là dựng nhà mồ với cách làm tương tự như phong tục người Ba na, chỉ khác chút ít ở cách dựng nhà mồ. Tất cả những lễ này đều có cúng Yàng với mong muốn được thần linh phù hộ cho mọi việc xuôi chèo mát mái. Những sự thay đổi đó đã thể hiện sự hoà nhập sâu sắc với mảnh đất người Chăm - Phú Yên đang sống. Đó là hệ quả của quá trình xa cách lâu ngày với cộng đồng Chăm gốc. • Về đền tháp: nếu người Chăm xưa kia để lại nhiều dấu tích về những ngọn tháp hùng vĩ ở những nơi họ đã sống, thì ở vùng núi Phía Tây Phú Yên lại không có những ngọn tháp Chăm ấy mà lại xuất hiện những nhà rông- là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, nhất là những buôn làng sống cận cư với người Ba na. Một nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trên là do địa hình ở Nam Trung Bộ với phía Tây được bao bọc bởi dãy núi cao Trường Sơn, phía Đông là biển sâu, ở giữa là những mảnh đồng bằng nhỏ hẹp bị chia cắt bởi các dãy núi ăn ra tận biển thành các thung lũng, những con sông ngắn, thác cao. Địa hình hiểm trở với đèo, dốc, núi cao, vực sâu đã khiến cho việc giao lưu, đi lại khó khăn hơn giữa các vùng. Gs. Lê Bá Thảo có viết: “Nam Trung Bộ được cấu tạo chủ yếu bởi sườn đông dãy Trường Sơn hay cao nguyên, các đồng bằng thì nhỏ hẹp, bờ biển thì bị chia cắt thành nhiều vũng,
  16. vịnh… Những đồng bằng ở cực Nam Trung Bộ đều nhỏ hẹp và gần như chỉ là những thành tạo cho sông và biển bồi đắp bám vào các thung lũng chân núi” [100, tr.429]. Có thể nhận thấy, chính đặc điểm địa lý của dải đất miền Nam Trung Bộ là một phần ảnh hưởng với sự khác biệt của người Chăm - Phú Yên với người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận. Tóm lại, các lĩnh vực sinh hoạt, đặc biệt là đời sống tâm linh của người Chăm - Phú Yên ảnh hưởng các cư dân bản địa ở vùng lân cận khá đậm, khiến họ vừa có nét giống Chăm truyền thống, có nét giống với các dân tộc Tây Nguyên. Chính cơ sở xã hội này tác động không ít đến sử thi. 1.2. Khảo sát tư liệu sử thi Chăm - Phú Yên: 1.2.1. Tên gọi: Nằm trong cái nôi của những tộc người có sinh hoạt truyện kể dưới dạng văn vần trường thiên, người Chăm trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của mình cũng dùng thể loại này một cách phổ biến. Họ gọi đó là Hri. Hri bao gồm cả hình thức thể hiện, nghĩa là hát, kể, ngâm để tạo thành một sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Chăm - Phú Yên. Bởi lẽ, sử thi là một loại hình văn học dân gian “sống”, tồn tại trong kí ức người kể chuyện, và “kể sử thi”, nghĩa là họ hát, họ kể, ngâm trong một không gian yên tĩnh của vùng rừng núi, trong một ngôi nhà lớn với nhiều người tham dự. 1.2.2. Số lượng thống kê: Theo ông Ka Sô Liễng, số lượng sử thi người Chăm - Phú Yên được thống kê như sau: Prong Mưng đi săn, Chi Plơng, Plênh chơ ro, H’bia lơ tang, A Nuôi K’tung An, Chi Lơ Kok, Chi Hoang Prăk Ktrau, Planh Pring, Chi Lơ Bú, Chi Lơ Pang, Tiếng cồng ông bà Hơ Bia Lơ Đá, Chi Jông, Chi Til, Chi Tơm, Chi Liệng, Tea Lok, Anh em lạc nhau, Chi Bri - Chi Brit, Aguokông, Hbia Tà Lúi Ka Li Pu, Chi Liêu, Anh em Chi Blơng. Danh mục các sử thi này chỉ là một bộ phận của kho tàng sử thi Chăm - Phú Yên. Chắc chắn số lượng sử thi của người Chăm không dừng lại ở đó. Tuy nhiên, hiện nay số lượng sưu tầm được là 5 tác phẩm sử thi đang được tìm hiểu trong luận văn. 1.2.3. Tình hình tư liệu: Trước đây, 5 tác phẩm sử thi được dịch và lưu trữ thông qua nhà sưu tầm văn học dân gian Ka Sô Liễng. Ông là người Chăm, rất có tâm huyết với văn học dân gian, am hiểu tiếng Việt và những ngôn ngữ của những dân tộc khác. Ông đã sưu tầm và dịch thuật những tác phẩm này. Nhờ sự biên
  17. dịch của ông, những tác phẩm tưởng chừng đã thất lạc hoặc chỉ còn trong tâm trí vài người già đã sống lại một cách rõ ràng và đầy đủ nhất. Bởi lẽ, khi tìm được một tác phẩm sử thi và ghi âm lại, tác phẩm đó vẫn còn xa cách với người nghe bởi khoảng cách của ngôn ngữ và phong tục tập quán. Qua sự chuyển giao sử thi dân tộc Chăm và một số dân tộc khác như Ê đê, Mơ nông, Ba na của ông, những tác phẩm sử thi đã có thể đến với người đọc một cách khá trọn vẹn về nội dung. Năm 2000, tỉnh Phú Yên đã cho in ấn lần lượt những tác phẩm sử thi dân tộc Chăm và lưu truyền trong phạm vi của tỉnh. Năm 2002, dự án in thành sách kho tàng sử thi Tây Nguyên đã được thực hiện, và hai tác phẩm sử thi của dân tộc Chăm đã được xuất bản rộng rãi trong cả nước. Đó là hai tác phẩm sử thi: “Chi Bri - Chi Brit” và “Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đă”. Những tác phẩm sử thi này được in theo hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Chăm. Sử thi dân tộc Chăm - Phú Yên chỉ có một nguồn sưu tầm là từ nghệ nhân Ka Sô Liễng. Tư liệu được khảo sát là những tư liệu đã được xử lý về ngôn ngữ và đã qua sự sắp xếp, biên dịch của ông. Do đó, không có nguồn tư liệu thứ hai để so sánh về phương thức dịch thuật hoặc đối chiếu sự giống hay khác nhau trong cùng một tác phẩm nhưng có hai nguồn tư liệu sưu tầm khác nhau. Ông Ka Sô Liễng đã tìm được những nghệ nhân còn thuộc những sử thi này và ghi âm lại tác phẩm. Cho đến nay, những nghệ nhân hát sử thi này có người còn sống nhưng cũng có người đã mất. Và nghệ nhân kể sử thi cũng không hẳn thuộc hoàn toàn tác phẩm. Ông Ka Sô Liễng đã đi sưu tầm một sử thi không chỉ là một nghệ nhân kể mà là nhiều nghệ nhân kể. Mỗi người nhớ một đoạn, và ông đã biên dịch lại cho hoàn chỉnh. Đây là trường hợp của sử thi “Hbia Tà Lúi Ka Li Pu”. Sử thi dân tộc Chăm - Phú Yên được sưu tầm không chỉ nằm trên một vùng đất mà là nhiều vùng đất, nhiều xã nơi tập trung người Chăm sinh sống. Vùng trung tâm văn hoá sử thi Chăm - Phú Yên là huyện Sơn Hoà, cách thành phố Tuy Hoà 70km. Đây là nơi người Chăm sống tập trung nhất. 1.2.4. Trình thức kể và không gian diễn xướng sử thi Chăm - Phú Yên: Để tìm hiểu thêm đời sống thực tại của sử thi Chăm - PhúYên, ngoài văn bản, chúng tôi đã điền dã vùng núi này và khảo sát số lượng sử thi, các hình thức diễn xướng, lưu truyền của nó. Chúng tôi đã tiến hành đi tìm hiểu, khảo cứu để có được những tư liệu cần thiết, giúp ích cho quá trình nghiên cứu luận văn. Trở về địa phương, tìm về nguồn tư liệu văn học dân gian, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, những tác phẩm sử thi được thống kê thì khoảng hơn 18 tác phẩm, nhưng trên thực tế thì không có đầy đủ các tác phẩm này. Bên cạnh đó, chúng tôi tìm hiểu nguồn tư liệu dựa trên sự
  18. phiên dịch qua tiếng Việt và hỏi chuyện người Chăm trong khả năng nói tiếng Việt của họ. Vì vậy, quá trình tìm hiểu gặp nhiều hạn chế. Hầu hết những tìm hiểu là qua nghệ nhân Ka Sô Liễng. Đợt đầu tiên chúng tôi tiến hành điền dã vào tháng 2 năm 2008, khi bắt đầu tìm hiểu về số lượng sử thi tồn tại trong cộng đồng người Chăm. Chúng tôi đã điền dã vùng núi xã Ea Chà Rang, nơi nghệ nhân Ka Sô Liễng sinh sống. Đây cũng là vùng tập trung nhiều cư dân người Chăm. Xã Ea Chà Rang thuộc buôn Kiến Thiết, cách thị trấn Sơn Hoà 30 km. Đường lên buôn cũng dễ dàng đi, không như trước đây chỉ toàn đường rừng. Ở xã Ea Chà Rang, người Chăm sống xen kẽ với người Kinh, người Ê đê. Nhà người Chăm và người Kinh có khi ở sát bên, liền kề nhau, có khi ở cách xa nhau với mật độ rải rác, thưa thớt. Chúng tôi tìm gặp được nghệ nhân Ka Sô Liễng, được ông dẫn đi thăm vài nơi trong buôn, chỉ cho chúng tôi thấy cuộc sống của người Chăm nơi đây. Ngày thường người Chăm đi làm rẫy, do đó chúng tôi cũng ít gặp người dân mà chỉ gặp chủ yếu là những cô bé, cậu bé Chăm đang chơi đùa trong sân nhà và người già. Nghệ nhân Ka Sô Liễng rất vui khi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về đời sống hiện tại và phong tục của người Chăm. Là người Chăm, lại hiểu tiếng Kinh rất rõ nên qua quá trình công tác, nghệ nhân Ka Sô Liễng giải thích, kể rất cụ thể cho chúng tôi văn hóa, đời sống người Chăm nơi đây. Tuy nhiên, sức khoẻ của ông không được tốt ở thời điểm đó, do vậy ông không nhớ hết được những tác phẩm sử thi ông đã sưu tầm được. Đợt điền dã này chúng tôi đã tiếp cận cách diễn xướng Hri và so sánh với tài liệu ông biên soạn về đời sống của tộc người Chăm ở Phú Yên. Chúng tôi cũng cảm nhận được sự hồn hậu, chân thật của những con người nơi vùng đất này cũng như vẻ đẹp còn rất nguyên sơ của vùng núi Ea Chà Rang. Điều quan trọng là qua đó thấy được không khí thẩm mỹ của sử thi và các trình thức kể chuyện. Đợt thứ hai chúng tôi trở lại Ea Chà Rang là vào tháng 8 năm 2008. Lúc bấy giờ nghệ nhân Ka Sô Liễng đã khoẻ hơn sau đợt phẫu thuật. Ông đã cung cấp cho chúng tôi ba tác phẩm sử thi do ông đánh máy nữa. Đó là những sử thi: “Anh em Chi Blơng”, “Hbia Tà Lúi Ka Li Pu”, “Chi Lơ Kok” (sử thi Ê đê ở Phú Yên có nội dung tương tự như “Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đă”). Ông cũng hào hứng giải thích những tập tục của người Chăm trong những sử thi này, nhất là trong sử thi “Hbia Tà Lúi Ka Li Pu”. Ông bảo rằng khi khoẻ lại ông sẽ đi thăm các vùng Tây Nguyên để sưu tầm tiếp tục những sử thi đang còn tồn tại ở đó. Nghệ nhân Ka Sô Liễng đã hát Hri cho chúng tôi nghe, và đồng thời cung cấp những cuốn băng ghi âm ông đã miệt mài ghi âm bà con hát Hri. Những Hri này được truyền kể bằng hình thức hát, kể và được cộng đồng yêu thích. Trình thức diễn xướng sử thi bao gồm: người hát phải sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như ngâm, hát với tiết tấu lúc nhẹ nhàng, khoan thai, lúc bay bổng dữ dội theo diễn biến và bối cảnh câu chuyện nhằm làm
  19. nổi bật nội dung mà tác phẩm muốn diễn tả. Chính vì lưu truyền bằng hình thức diễn xướng, sử thi rất dễ biến đổi và có nhiều bản có nội dung tương đồng nhau. Người Gia Rai, người Ê đê ở Sơn Hoà và Sông Hinh có thể kể được “Chi Lơ Kok”. Hoặc sử thi “Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đă” và “Chi Lơ Kok” cùng kể về người anh hùng Xing Chi Ngã. Sử thi “Xing Nhã” (dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên) lại có nội dung tương tự như “Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đă”. Hình thức lưu truyền bằng miệng đã cho thấy sự di chuyển của sử thi trong một khoảng cách địa lý xa đáng ngạc nhiên của những tác phẩm sử thi ở Tây Nguyên đến vùng núi Phú Yên. Điều này có thể lý giải như sau: Phú Yên nằm giữa lưu vực sông Đà Rằng, con sông này là con sông tiếp nối sông Ba chảy qua khu vực trung tâm của người Ê đê, Gia Rai ở Tây Nguyên. Sử thi cũng lan truyền theo văn hoá dọc con sông đến vùng Sông Hinh và Sơn Hoà của Phú Yên. Do đó, sử thi “Xinh Nhã” đã lưu truyền đến khu vực này và không chỉ có một dân tộc Ê đê ở Phú Yên có thể nhớ và kể lại mà cả người Chăm ở đây cũng đã kể lại nhưng biến đổi theo văn hoá, phong tục người Chăm. Môi trường diễn xướng Hri thường vào lúc ban đêm, ở những nhà rông - nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng hoặc những ngôi nhà rộng, thoáng mát, có thể chứa được nhiều người. Người dân tộc Chăm - Phú Yên thường bảo: tháng tám kiếm củi, sửa kho, làm đường, coi rẫy, tháng 9 tháng 10 ăn lúa mới, nghe hát…Nghệ nhân hát sử thi có thể là đàn ông hoặc đàn bà, có thể là người lớn tuổi hoặc trẻ tuổi, không nhất thiết phải là người già, miễn là người thuộc và có giọng hát hay là được mời hát. Tuy nhiên, nghệ nhân hát sử thi thường là những người có uy tín và khá lớn tuổi trong cộng đồng. Hát sử thi là thể loại hát truyền khẩu, nội dung tác phẩm khá dài, nên trong cộng đồng không có nhiều người thuộc và hát, do vậy nghệ nhân hát sử thi rất được cộng đồng quí mến. Khi hát, họ được dân làng nhắc rượu mời và để cho người nghệ nhân thực hiện trọn vẹn bài hát của mình, chủ nhà hoặc dân làng làm gà, nấu cơm để nghệ nhân bồi dưỡng. Nghệ nhân chỉ hát mà không có chiêng trống kèm theo. Và người nghệ nhân trước khi hát theo yêu cầu mọi người, có thể vừa hát dạo, vừa tâm sự chuyện riêng hoặc khen ngợi người này, người kia tốt bụng. Trước khi hát, họ cũng không quên nhắc nhở người nghe nên và không nên bắt chước những câu chuyện nào, hoặc gợi nhớ lại những khúc hát ly kì trong Hri. Đây chính là nét độc đáo về sự hoà đồng không gian thực tại và không gian kí ức khá thú vị. Theo ông Ka Sô Liễng, các nghệ nhân kể chuyện thuộc sử thi vì từ thời thơ ấu họ đã được nghe cha mẹ, người lớn kể sử thi. Và họ cũng như ông bà, cha mẹ mình không biết sử thi có từ lúc nào, ai là người đã sáng tạo nên những sử thi đó. Người dân yêu thích Hri, trong tâm tưởng họ những câu chuyện được nghe là hoàn toàn có thật và đã xảy ra ở một thời kì xa lắm. Họ tin rằng những chi tiết trong Hri vẫn còn để lại dấu ấn trong cuộc sống hiện tại. Ông Ka Sô Liễng cho biết, trong buôn Ea Chà Rang, có cây cổ thụ rất to, và người dân tin rằng đây chính là cây cổ thụ mà nhân vật Chi Blơng và Chi Tơm đã trèo lên để tìm cây bắp thần đem lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Con suối trong buôn cũng chính là con suối mà Hbia Lơ Đă khi đi tắm bị bỏ bùa mê để
  20. bỏ theo Kjăm Jông. Tuy nhiên, hiện nay, những người thuộc sử thi, biết sử thi ngày càng ít đi vì nhiều lý do. Ông Ka Sô Liễng lo lắng và trăn trở rằng sẽ có lúc những tác phẩm sử thi đang vẫn còn đâu đó trong cộng đồng không được biết đến vì người thuộc những tác phẩm ấy qua đời và không có sự truyền lại cho con cháu đời sau. Đó là điều đáng tiếc cho sử thi Chăm cũng như sử thi những dân tộc khác. Sự mai một của những tác phẩm sử thi “sống” sẽ là sự thiếu hụt lớn cho kho tàng văn học dân gian, và văn hoá dân gian. “Những người già rồi sẽ mất đi, những câu chuyện cổ cũng sẽ mất đi, nếu người ta không lưu giữ”, ông Ka Sô Liễng nói điều này với một sự thở dài. Một điều cũng đáng chú ý là khi khảo sát các sử thi khác đã được in thành sách, chúng tôi thấy có nhiều lời chỉ dẫn, lời kể của người kể sử thi xen vào nội dung cốt truyện. Đó là lời dẫn chuyện, lời mô tả, đánh giá, nhận xét của người kể lồng vào bối cảnh, sự kiện của sử thi. Chúng tôi trực tiếp nghe Ka Sô Liễng diễn xướng và suốt trong thời gian diễn xướng của người kể, Hri được hình thành phần lớn từ các mẫu đối thoại của nhân vật trong sử thi. Diễn biến câu chuyện như một vở kịch mà người kể chỉ là người tường thuật, không hề thêm bớt, nhận xét, mô tả, đánh giá gì trong mọi chi tiết cốt truyện. Và ông Ka Sô Liễng cũng xác nhận đây là cách hát kể Hri của người Chăm. Chúng tôi bổ sung sự tìm hiểu âm hưởng, nhạc điệu sử thi bằng việc nghe những băng ghi âm. Qua đó, chúng tôi cũng tái tạo lại phần nào một không gian truyện kể cùng âm điệu lúc say sưa, lúc nhịp nhàng trong lời hát sử thi. Và việc tìm về với buôn làng Chăm, tìm đến không gian văn hoá nơi còn những khu rừng hoang sơ, đã làm sống lại trong tâm trí chúng tôi một không gian sử thi đầy mê hoặc và tràn đầy màu sắc cùng âm hưởng hào hùng của những khát vọng, niềm tin. Quả thật, sử thi phải được đặt trong một không gian sống đúng nghĩa của nó thì mới thực sự trở nên bay bổng, diệu kì và sự sống từ đó thoát ra mang theo tất cả vẻ đẹp sống động của núi rừng và từng câu chữ bỗng trở nên là một sự sống thực sự. Như vậy, tìm hiểu về sử thi dân tộc Chăm, ngoài việc dựa trên những văn bản đã được sưu tầm và biên dịch, chúng tôi còn quan sát cách diễn xướng của nó. Điều đó ít nhiều rút ngắn khoảng cách giữa văn bản tiếng Chăm và văn bản tiếng Việt. 1.2.5. Các sử thi được khảo sát: • Sử thi “Chi Bri - Chi Brit”: Tác phẩm được chọn từ Kho tàng sử thi Tây Nguyên.Tác phẩm do Ma Mơ Lan ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên kể. Ông Ka Sô Liễng sưu tầm và dịch.Văn bản ghi lại đã chia sử thi thành 20 phần tương ứng với những giai đoạn trong cuộc đời và hành động
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2