intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:90

365
lượt xem
43
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mời các bạn tham khảo luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ sau đây để nắm bắt được những nội dung về Phạm Hổ và quan niệm sáng tác của ông; cảm hứng tư tưởng trong truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ; nghệ thuật kể chuyện cho thiếu nhi của Phạm Hổ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH ________________________________ NGOÂ ÑÌNH VAÂN NHI ÑAËC ÑIEÅM TRUYEÄN VIEÁT CHO THIEÁU NHI CUÛA PHAÏM HOÅ Chuyeân ngaønh: Vaên hoïc Vieät Nam Maõ soá: 60 22 34 LUAÄN VAÊN THAÏC SÓ VAÊN HOÏC NGÖÔØI HÖÔÙNG DAÃN KHOA HOÏC TS. NGUYEÃN THÒ HOÀNG HAØ Thaønh phoá Hoà Chí Minh – 2008
  2. LỜI CẢM ƠN Trước hết, tôi chân thành cảm ơn các thầy cô và cán bộ của Phòng Khoa học công nghệ và Sau Đại Học trường Đại học Sư Phạm TPHCM đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học. Tôi xin gửi lời cảm ơn các cán bộ của Thư viện trường Đại học Sư Phạm TPHCM, thư viện tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ tận tình cho tôi trong việc tìm kiếm tư liệu nghiên cứu để hoàn thành tốt luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả quý thầy cô đã nhiệt tình giảng dạy khóa 16 chuyên ngành Văn học Việt Nam. Tôi cũng hết lòng biết ơn sự quan tâm và ủng hộ của gia đình và bạn bè. Đó chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn để tôi theo đuổi và hoàn thành luận văn này. Đặc biệt, tôi vô cùng tri ân sự hướng dẫn tận tình và theo dõi sát sao đầy tinh thần trách nhiệm cùng lòng thương mến của Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Hà trong suốt quá trình tôi thực hiện luận văn này. Cuối cùng tôi muốn gởi lời cảm ơn đến toàn bộ quý thầy cô của khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư Phạm TPHCM, những người có vai trò rất lớn trong suốt quá trình tôi theo học tại trường. Tôi xin chân thành cảm ơn.
  3. MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Văn học thiếu nhi từ lâu đã trở thành “một bộ phận có vị trí đặc biệt trong mỗi nền văn học dân tộc” [48, tr.7]. Nó được xem là hành trang quan trọng cho trẻ em trên suốt đường đời, bởi lẽ những gì lưu giữ trong thời niên thiếu rất khó phai mờ. Véra C.Barclay - một nữ trưởng hướng đạo, chuyên ngành về Sói con - trong lúc nghiên cứu phương pháp hướng đạo để giúp hình thành tính cách cho trẻ lứa tuổi 8-12, đã kết luận một số điều có liên quan đến văn học cho thiếu nhi như sau: “Trong trái tim mỗi trẻ em đều có cái mà ta gọi là bản năng về sự huyền diệu và sự kì lạ… Chính là trong khi nghe chuyện mà em nhỏ giải được cơn khát cái huyền diệu, bởi vì, nhờ câu chuyện ấy, em có thể ngao du trong thế giới của truyền thuyết và hút đầy bầu phổi không khí phấn khởi của nó” [80, tr.47]. Cũng theo Véra C.Barclay, những câu chuyện mà trẻ em được đọc, được nghe kể từ thuở nhỏ là thức ăn tưởng tượng: “em nhỏ, khi nghe một câu chuyện, sẽ hấp thu những ý nghĩ và tích tụ chúng trong trí nhớ, một ngày mưa nào đó, chúng quay trở lại làm cho vui lên và tô màu sắc cho cuộc sống âm u, cho tới khi lại có một câu chuyện khác, đến lượt nó, chiếu cái chùm ánh sáng của nó với một sắc thái khác nữa vào cái cảnh bé nhỏ âm u của lí trí em nhỏ” [80, tr.48]. Thực tế, không ai không thừa nhận vai trò của văn học thiếu nhi đối với việc bồi dưỡng tâm hồn, cao hơn là xây dựng nhân cách cho các thế hệ trẻ thơ. Không ít người trưởng thành đã khẳng định: những cuốn sách quan trọng nhất đời ta chính là những cuốn đọc từ thời thơ ấu. Mikhain Ilin - nhà văn Nga chuyên viết truyện khoa học cho thiếu nhi - từng thổ lộ tâm sự: “Trước khi kể chuyện tôi bắt đầu viết văn như thế nào, tôi muốn kể cho các bạn biết tôi đã bắt đầu đọc sách như thế nào” [53, tr.50] . Còn Assen Bossev - nhà văn Bugari, tác giả của 60 tập truyện ngắn và thơ viết cho thiếu nhi - khẳng định: “Những cuốn sách hay đều là người bạn đường vĩnh viễn của tuổi nhỏ; chính chúng cho trẻ con đôi cánh để bay lên mà chinh phục cuộc sống” [4, tr.47 ]. Và chúng ta hãy xem ý nghĩa lớn lao của việc nghe thầy đọc thơ đối với tâm hồn, trí tưởng tượng và tình cảm của một chú bé 9 tuổi người Việt Nam: “Em nghe thầy đọc bao ngày Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà Mái chèo nghe vọng sông xa Êm êm nghe tiếng của bà năm xưa Nghe trăng thở động tàu dừa Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời Thêm yêu tiếng hát nụ cười Nghe thơ em thấy đất trời đẹp ra”.
  4. ( Nghe thầy đọc thơ - Trần Đăng Khoa) Có thể thấy những vần thơ người thầy đọc đã tác động sâu sắc và mãnh liệt đến thế giới tâm hồn tuổi nhỏ của Trần Đăng Khoa - “thần đồng thơ ca”, “là hiện tượng đặc biệt trong văn học Việt Nam nói chung, văn học thiếu nhi nói riêng” [48, tr.175]. Những vần thơ đã làm sống dậy một không gian tràn ngập âm thanh, màu sắc của thiên nhiên, cuộc sống thường ngày, khơi gợi lên kí ức về một miền sâu thẳm của những câu chuyện cổ và thế giới tình người tha thiết. Rõ ràng, văn học dành cho thiếu nhi là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu đối với hành trình đầu đời của bất cứ một người nào. Bởi vậy, còn trẻ em thì vẫn còn cần văn học dành cho thiếu nhi, và còn rất cần những công trình nghiên cứu về bộ phận văn học ấy. Đó chính là lí do thứ nhất khi chúng tôi quyết định lựa chọn mảng văn học thiếu nhi Việt Nam làm đề tài nghiên cứu. Trong bài viết Phác thảo 50 năm văn học thiếu nhi [71, tr.11-16], Vân Thanh - một người có bề dày nghiên cứu văn học trẻ em - đã gọi tên một số cây đa cây đề trong sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi Việt Nam: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ. Nhà nghiên cứu ấy viết bài trên vào tháng 9 năm 1995. Tính đến hôm nay, việc xác định những gương mặt tiêu biểu của văn học thiếu nhi như thế đã có thêm 13 năm kiểm nghiệm tính chính xác. Dẫu rằng từ bấy đến nay, bộ phận văn học thiếu nhi đã có thêm nhiều cây bút mới. Hơn nữa, văn học dành cho thiếu nhi cũng đã trải qua khá nhiều những thăng trầm, thử thách, nhất là trong thời kì hiện đại, nó dễ bị lãng quên bởi trẻ em đang bị hút vào những thú vui văn hóa mới. Tuy nhiên, những sáng tác của các nhà văn như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng và Phạm Hổ vẫn để lại không ít ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của bạn đọc thiếu nhi. Chúng tôi cho rằng việc đánh giá, ghi nhận lại vị trí của những cây bút tâm huyết dành cho nền văn học thiếu nhi nước nhà là việc làm cần thiết, trong đó không thể không kể đến một gương mặt quen thuộc mà thiếu nhi Việt Nam rất mến yêu: Phạm Hổ. Sinh thời, Phạm Hổ thường hay nói đến một khát vọng giản dị nhưng mãnh liệt của mình là được làm bạn với trẻ con. Ông đã sáng tác trên cả ba địa hạt: thơ, văn xuôi, kịch và để lại một sự nghiệp văn học dành cho trẻ em khá dày dặn. Nhiều nhà nghiên cứu đã tỏ ra rất chú trọng đến bộ phận thơ ca viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Tuy nhiên, gia tài văn chương của Phạm Hổ không chỉ có thơ, mảng truyện viết cho thiếu nhi của ông cũng cần được nghiên cứu kĩ càng. Có như vậy, chúng ta mới đánh giá được hết những đóng góp của Phạm Hổ đối với nền văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, người viết cũng ghi nhận một yêu cầu xuất phát từ thực tiễn: nền văn học hiện đại Việt Nam dành cho thiếu nhi không chỉ đứng trước cuộc thử thách cạnh tranh với những “thú vui” đa dạng khác của thời buổi công nghệ như internet, điện thoại di động mà còn “bất lực” trước sự xâm chiếm của những tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài. Một thực tế buộc nhiều nhà văn Việt Nam phải suy nghĩ: truyện tranh nước ngoài đang là sản phẩm văn hóa được nhiều bạn nhỏ lựa chọn hoặc mảng truyện chữ
  5. trong nước dẫu từng được đánh giá là có truyền thống mạnh mẽ, nay cũng đang nhường thị trường cho các tác phẩm nước ngoài. Hiện tượng thiếu nhi Việt Nam say sưa Đôrêmon trước kia và Harry Potter gần đây là những ví dụ điển hình. Trong cuộc hội thảo “Văn học thiếu nhi thời hiện đại” do hội nhà văn TPHCM tổ chức vào ngày 28/10/2005, nhiều cây bút thừa nhận văn học thiếu nhi trong nước đang rơi vào thời kì suy thoái. Các nhà văn có tâm huyết đã bàn luận phương cách tháo gỡ nhưng kết thúc hội thảo, kết luận chỉ có thể là trông chờ sự thay đổi. Nhà văn Trần Hoài Dương - một người dành cả cuộc đời gắn bó với công việc sáng tác văn học cho trẻ em - nhận xét về tình hình phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam như sau: “Đội ngũ sáng tác trên diện rộng, đông đảo. Tuy nhiên, những tác giả có cá tính, bản sắc riêng thì hiếm. Người viết trẻ lại không có ý định theo đuổi đến cùng con đường viết văn cho thiếu nhi. Lớp trẻ chưa đột biến, lớp già như tôi thì gần hết vốn, mệt mỏi và khó bắt kịp đời sống hiện đại. Phải thừa nhận là chúng ta có một nền văn học thiếu nhi, nhưng suốt mấy chục năm nay, nó vẫn còn mang nhiều tính mô phạm, giáo điều. Đúng, tốt đẹp, tính giáo dục cao nhưng lại thiếu những điều cơ bản: chất kì diệu, yếu tố mơ mộng, bay bổng, tưởng tượng phong phú… những thứ mà trẻ con rất cần”. Có thể thấy rằng: việc đáp ứng nhu cầu đọc văn Việt Nam của thiếu nhi Việt Nam đang được đặt ra khá bức thiết. Và tất nhiên, cùng với nó là hàng loạt những vấn đề xoay quanh việc nhà văn phải viết thế nào để lôi cuốn những độc giả nhỏ tuổi. Chúng tôi nghĩ rằng, việc nghiên cứu sáng tác của những cây bút tiêu biểu viết cho thiếu nhi cũng là một trong những cách góp phần tìm kiếm một hướng đi hiệu quả cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Với tất cả những suy nghĩ trên cộng thêm niềm yêu quý Phạm Hổ - một người đã từng gieo vào tâm hồn bé thơ của người viết những rung động cảm xúc khó phai mờ - người viết quyết định chọn đề tài luận văn là: Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Nhìn trên bình diện sâu, các công trình nghiên cứu về văn học thiếu nhi nước ta không phải ít và cũng không ít các nhà nghiên cứu dành phần lớn tâm huyết, thời gian của đời mình cho công việc phê bình những sáng tác dành cho thiếu nhi Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải so sánh và thừa nhận rằng độ chênh lệch giữa đầu tư nghiên cứu bộ phận văn học thiếu nhi so với việc nghiên cứu những tác giả, tác phẩm viết cho người lớn là quá lớn. Năm 2002, Hội đồng văn học thiếu nhi kết hợp với nhà xuất bản Từ điển bách khoa Hà Nội nuôi ý định làm một bộ Bách Khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam gồm 4 tập: Tập một: Tổng quan về văn học thiếu nhi Việt Nam. Tập hai: Thơ ca văn học thiếu nhi Việt Nam (tuyển). Tập ba: Văn xuôi văn học thiếu nhi Việt Nam (tuyển). Tập bốn: Từ điển tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam.
  6. Dự định tốt đẹp ấy đến hôm nay đã đem đến cho ngành nghiên cứu văn học một thành quả đẹp. Đó là sự ra đời tập một của bộ bách khoa thư văn học thiếu nhi với gần 500 trang giấy in. Đây được xem là công trình nghiên cứu về văn học trẻ em dày dặn nhất ở nước ta hiện nay. Có nhiều nguyên nhân khiến cho mảng nghiên cứu văn học thiếu nhi thiếu bề rộng lẫn bề sâu so với các bộ phận nghiên cứu văn học khác. Nhưng có lẽ lí do lớn nhất là thiếu độc giả của phê bình văn học thiếu nhi. Thực tế trên dẫn đến hệ quả là khu vực nghiên cứu văn học thiếu nhi còn rất nhiều khoảng trống. Từ tình hình chung đó, dẫu được đánh giá là cây bút tiêu biểu của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, Phạm Hổ và các sáng tác của ông cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bài viết và công trình nghiên cứu tập trung vào mảng thơ ca của Phạm Hổ: Phạm Hổ và tuổi thơ của Vân Thanh (Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội, trang 269), Người ở xứ thần tiên của Trần Đăng Khoa (Tuyển tập Phạm Hổ, NXB Văn học, trang 3), Thiên nhiên trong thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ của Phạm Phương Liên (internet), Phạm Hổ thơ viết cho lứa tuổi nhi đồng của Lê Nhật Ký (Thông báo khoa học, Đại học Quy Nhơn, số 31)… Trong khi đó, mảng truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ chưa được quan tâm thỏa đáng. Ngay trong các giáo trình giảng dạy cho sinh viên như Văn học thiếu nhi Việt Nam (PTS Trần Đức Ngôn chủ biên, Trường ĐHSP HN I, 1995), phần viết về Phạm Hổ khoảng 8 trang thì có đến 6 trang viết về thơ, phần truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ chỉ được đánh giá trên diện rộng, bề mặt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhận một số nhận xét để làm cơ sở cho việc nghiên cứu của mình: “Mỗi câu chuyện của Phạm Hổ là sự tích một loài cây hoa, quả. Ông giới thiệu cho các em những đặc điểm bề ngoài, tính chất, tác dụng của chúng và thái độ của con người đối với chúng. Ông giải thích nguồn gốc xuất hiện của chúng và lí do những cái tên chúng mang” [60, tr.72]. Quan trọng hơn, người biên soạn sách đã đề cập đến bề sâu và ý nghĩa của những câu chuyện mà Phạm Hổ viết: “Sự tích hoa quả bao giờ cũng được gắn với một phương diện nào đó trong cuộc sống con người, hoặc gắn với những số phận con người có thực. Qua những câu chuyện cảm động ấy, nhà văn đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người, hướng các em tới tình yêu thương nhằm giảm đi những điều xấu, điều ác” [60, tr.73]. Đến năm 2003, Giáo trình văn học trẻ em của Lã Thị Bắc Lý đã được nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Hà Nội ấn hành để phục vụ cho sinh viên các khoa Giáo dục mầm non, Giáo dục đặc biệt. Đây được xem là một công trình nghiên cứu khá chuẩn, cung cấp những kiến thức cơ bản về nền văn học thiếu nhi Việt Nam và giới thiệu thêm những tinh hoa văn học trẻ em của nước ngoài. Đọc chương giới thiệu một số tác giả Việt Nam tiêu biểu, chúng tôi nhận thấy người nghiên cứu đã thể hiện rõ công phu để nắm bắt được đặc điểm, giá trị nổi bật trong những sáng tác của Võ Quảng, Tô Hoài từ mảng thơ ca đến văn xuôi, từ nội dung đến nghệ thuật… Riêng với Phạm Hổ, nhà nghiên cứu cũng quan tâm nhiều hơn đến mảng thơ
  7. ca, từ khảo sát Nội dung chủ đạo trong thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ đến tìm hiểu Đặc sắc về nghệ thuật thơ Phạm Hổ viết cho trẻ em. Nhưng đến mảng văn xuôi, Lã Thị Bắc Lý chỉ đánh giá khái quát về tập Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ. Điều đáng ghi nhận nhất ở đây là: người nghiên cứu đã xác định thể loại nổi bật trong truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ: cổ tích hiện đại (còn gọi là cổ tích mới). Thật ra, vấn đề thể loại đã từng được Lã Thị Bắc Lý tìm hiểu khá sâu sắc trong công trình Truyện viết cho thiếu nhi sau 1975 (NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2000). Công trình thể hiện cái nhìn khái quát của người nghiên cứu về nền văn học thiếu nhi Việt Nam sau chiến tranh, nhất là tác giả có ý thức tìm kiếm những đổi mới trong quan niệm sáng tác, hình tượng nhân vật và hàng loạt các vấn đề có liên quan đến nền văn học trẻ em thời hòa bình. Trong đó, Lã Thị Bắc Lý nhấn mạnh đến việc gia tăng các thể loại mới so với nền văn học thiếu nhi thời kì 1945-1975, trong đó có thể loại truyện cổ tích hiện đại. Khi bàn đến thể loại này, người nghiên cứu đánh giá: “vấn đề sáng tác cổ tích mới được nhiều nhà văn quan tâm hơn, trong đó, Phạm Hổ là người đầu tiên đã mạnh dạn thể nghiệm sáng tác truyện cổ tích cho các em” [48, tr.118]. Sau đó, khi đi sâu tìm hiểu các đặc điểm nổi bật của thể loại cổ tích mới ấy trên các bình diện: không gian - thời gian, nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ…, người nghiên cứu thường xuyên lấy truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ làm dẫn chứng và phân tích khá kĩ. Tuy nhiên, Truyện viết cho thiếu nhi sau 1975 chưa thể được coi là một công trình chuyên tâm nghiên cứu mảng truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Trong khung thời gian một năm tích cực tìm kiếm tư liệu từ các nguồn khác nhau, chúng tôi nhận thấy bài viết chuyên tâm đầu tiên về văn xuôi của Phạm Hổ là tham luận Phạm Hổ với những “Chuyện hoa, chuyện quả” của anh của nhà văn Nguyên Ngọc trong cuộc hội thảo về ba nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi năm 1986. Khi ấy, số lượng truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ còn khá mỏng (Chuyện hoa, chuyện quả ra đời mới hai tập), nhưng trong tham luận Nguyên Ngọc đã có những đánh giá khá sắc sảo về nội dung chính trong truyện của Phạm Hổ: “Dường như tác giả Chuyện hoa chuyện quả đang muốn đưa ra một lý thuyết khác về nguồn gốc muôn loài. Anh nói với các em: Các em ạ, thế giới quanh ta muôn vẻ kì lạ kì diệu như vậy, tất cả là do con người làm ra cả đấy. Nguồn gốc của muôn loài chính là ở tình yêu, tình thương và lòng tốt của con người”. Ngoài ra, Nguyên Ngọc còn tìm thấy những điểm rất thú vị trong truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ: “Hình như văn học ta ít lâu nay, cả văn học viết cho các em, bận bịu chính đáng vì những vấn đề xã hội lớn, mà chừng có hơi xao lãng về thiên nhiên chăng? Anh Phạm Hổ đã giải quyết mối quan hệ đó theo cách của anh: tìm thấy xã hội, những vấn đề xã hội trong chính thiên nhiên”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hạn chế của một tham luận đọc tại hội nghị, Nguyên Ngọc chưa có điều kiện khơi mạch suy nghĩ rộng và sâu hơn nữa về nội dung tư tưởng trong truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Bài viết của ông thiên về đánh giá nội dung mà chưa quan tâm đến bình diện hình thức nghệ thuật trong những sáng tác ấy.
  8. Bài viết thứ hai tỏ ra một hướng khẳng định rõ hơn về vị trí của Phạm Hổ trong mảng văn xuôi là bài Đóng góp của Phạm Hổ cho một thể loại văn học thiếu nhi của Phạm Bá Tân - giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 9-2004. Người nghiên cứu xác định ngay từ đầu mục đích của mình là “muốn tìm hiểu, nghiên cứu, giới thiệu cho giáo sinh, sinh viên những vẻ đẹp phong phú và giàu có của văn xuôi viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ” [69, tr.123]. Người nghiên cứu khá tâm đắc khi phát hiện ra rằng: “tình thương đầm ấm cùng với tình yêu thiên nhiên, cây cỏ, tình yêu trẻ thơ và vốn văn hóa dân gian giàu có đã giúp Phạm Hổ sáng tạo được những thiên huyền thoại về các loài hoa và quả; hình tượng cây quả, cây hoa trong truyện của Phạm Hổ chính là hình tượng có tính ẩn dụ về nhiều loại người, nhiều phẩm chất và tính độc đáo của người đời” [69, tr.124]. Tuy nhiên, kết luận của Phạm Bá Tân được xây dựng trên một phạm vi nghiên cứu còn hạn chế vì chủ yếu tìm hiểu qua 18 câu chuyện của Phạm Hổ trong tập Quả tim bằng ngọc. Trong khi đó gia tài văn xuôi của Phạm Hổ hơn gấp 3 lần như thế… Chúng tôi cũng tìm được hai bài viết ngắn của giảng viên Lê Nhật Ký (trường Đại học Quy Nhơn) về văn xuôi của Phạm Hổ, một bài đăng trên thông báo khoa học của trường (số 5-2005) với nhan đề: Phạm Hổ - người kể chuyện cổ tích về hoa quả và bài thứ hai là Phạm Hổ - một lối đi riêng trong truyện cổ viết lại trên trang web Văn học quê nhà (http://www.toquoc.gov.vn/chuyenmuc/vanhocquenha/view.aspn=2314). Lê Nhật Ký tỏ ra rất tâm đắc với mảng văn xuôi của Phạm Hổ, nhất là những điểm độc đáo thể hiện sự sáng tạo một lối đi riêng của tác giả trong mảng truyện viết theo kiểu cổ tích hiện đại. Qua tìm hiểu câu chuyện Ngựa thần từ đâu đến của Phạm Hổ, người nghiên cứu khẳng định: “Nghệ thuật truyện cổ viết lại cho phép nhà văn sáng tạo, nhào nặn cốt truyện trên tinh thần thời đại mình. Từ hình tượng rất quen thuộc trong truyền thuyết dân gian, nhà văn Phạm Hổ đã phát triển, xây dựng thành một hình tượng nghệ thuật trọn vẹn, khuyến khích bạn đọc tuổi thơ kiếm tìm, khám phá, cắt nghĩa các giá trị dân gian tưởng đã ổn định, bất di bất dịch”. Hoặc khảo sát hai truyện ngắn nằm cùng trong một chuỗi là Lửa vàng, lửa trắng và Lửa vàng, lửa trắng, lửa nâu, Lê Nhật Ký đánh giá cao Phạm Hổ vì cho đến nay “trong phạm vi văn học thiếu nhi, gần như chỉ có Phạm Hổ dấn thân vào loại truyện viết tiếp” (dựa vào kết thúc truyện dân gian có sẵn rồi viết một truyện mới trên cơ sở đảm bảo tính lôgíc về sự phát triển của nội dung câu chuyện). Những kết luận của Lê Nhật Ký giúp chúng tôi một lần nữa có thêm cơ sở để khẳng định hướng đi của mình là đúng đắn. Phạm Hổ đã chủ tâm tìm một lối đi riêng cho mình khi viết truyện cho thiếu nhi. Và lối đi ấy cần được trân trọng và đầu tư nghiên cứu để có thể đánh giá đúng mức. Nói tóm lại, chúng tôi không phải là người đầu tiên tìm hiểu mảng văn xuôi của Phạm Hổ. Nhiều nhà nghiên cứu có thâm niên và tâm huyết đã ít nhiều mở ra các hướng đi mà chúng tôi dựa vào đó làm cơ
  9. sở nền tảng cho những suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, có thể nói, chúng tôi là người đầu tiên mạnh dạn xem truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ là đối tượng để nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống. 3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU Để có thể kết luận về đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ, chúng tôi cho rằng phải xem xét đầy đủ các câu chuyện trong gia tài truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Chỉ tính trên tên các truyện ngắn đã được in sách (chúng tôi không kể tên tập truyện vì qua những lần xuất bản, tái bản, việc sắp xếp khác nhau nên không chính xác trong thống kê số lượng truyện viết của tác giả), Phạm Hổ viết khoảng 54 truyện cho thiếu nhi. Tuy nhiên, trong quá trình phân loại, chúng tôi nhận thấy 2 truyện Viết thư cho cha (1959) và Khẩu súng người ông (1960) nằm chung một nhóm truyện viết trong hoàn cảnh chiến tranh; truyện Những chú sẻ con (1988) thuộc thể loại đồng thoại, còn lại 51 câu chuyện thuộc 3 dạng: truyện cổ tích mới, truyện cổ viết lại, truyện cổ viết tiếp. Vì vậy, chúng tôi quyết định khoanh vùng 51 truyện có cùng điểm chung là mang hơi hướng của truyện cổ dân gian, trong đó có 47 truyện thuộc 6 tập truyện mà Phạm Hổ đặt tên chung là Chuyện hoa chuyện quả cùng viết về sự tích các loài hoa và loài quả thu hút sự chú ý của chúng tôi nhiều nhất. Với tỉ lệ 47/54 truyện ngắn, chúng tôi cho rằng phạm vi nghiên cứu khảo sát như thế cũng khá ổn, bởi nó chiếm trên 87% gia tài văn xuôi viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Hơn nữa 47 câu chuyện ấy, Phạm Hổ đã dày công viết trên 20 năm (1972-1995). Điều đó cho thấy 47 câu chuyện này là một hướng viết truyện đầy tâm huyết của Phạm Hổ dành cho trẻ em nước nhà. Và chúng tôi chủ yếu sẽ khảo sát 47 truyện ngắn thuộc tập Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ để tìm hiểu đặc điểm về cảm hứng tư tưởng và nghệ thuật kể chuyện cho thiếu nhi của nhà văn. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU. Để thực hiện luận văn này, người viết sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khoa học sau: 4.1. Phương pháp hệ thống. Chúng tôi đặt đối tượng nghiên cứu của mình: truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ vào hệ thống những sáng tác đa dạng của nhà văn ấy bao gồm cả thơ, truyện và kịch. Ngoài ra, chúng tôi tìm mối liên hệ giữa sáng tác của Phạm Hổ và các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam khác. 4.2. Phương pháp thống kê. Khi thực hiện luận văn này, người viết sẽ thống kê để xác định những hiện tượng mang tính phổ biến, thường xuất hiện trong 47 truyện ngắn của Phạm Hổ. 4.3. Phương pháp phân tích và tổng hợp. Chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích như một công cụ để tìm hiểu cụ thể một đặc điểm nào đó về nội dung và nghệ thuật trong truyện của Phạm Hổ.
  10. Tuy nhiên, phân tích cần đi liền với tổng hợp vì như thế các kết luận không mang tính ngẫu nhiên, vụn vặt mà thể hiện sự đánh giá mang tính khái quát và thuyết phục hơn. 4.4. Phương pháp so sánh. Chúng tôi so sánh truyện của Phạm Hổ với các tác phẩm của những nhà văn khác cùng viết thể loại truyện cổ tích hiện đại như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN. Qua luận văn Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ, chúng tôi cố gắng cung cấp cái nhìn hệ thống và toàn diện về mảng truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Qua đó, luận văn góp phần khẳng định đóng góp không nhỏ của Phạm Hổ vào bộ phận văn xuôi Việt Nam hiện đại dành cho trẻ em, nhất là ở thể loại cổ tích mới. Ngoài ra, trong hoàn cảnh văn hóa nghe nhìn tràn ngập đang làm mất đi thú đọc sách nơi thiếu nhi, nhất là các tác phẩm văn học trong nước dành cho thiếu nhi hiện nay chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của trẻ em, thì việc nhìn nhận, tìm hiểu, đánh giá sáng tác của một tác giả từng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm hồn nhiều thế hệ tuổi thơ như Phạm Hổ, theo chúng tôi, cũng là một trong những cách gợi mở hướng sáng tác cho các nhà văn viết truyện thiếu nhi hiện nay. Mặt khác, chúng tôi hi vọng luận văn sẽ là một đóng góp cho ngành lí luận, nghiên cứu văn học thiếu nhi vốn còn đang có nhiều bỏ ngỏ và chưa được quan tâm đúng mức. 6. BỐ CỤC LUẬN VĂN. Luận văn gồm năm phần chính: Ngoài phần dẫn luận và kết luận, phần nội dung được chia thành ba chương dựa trên nội dung nghiên cứu: Chương 1: Phạm Hổ và quan niệm sáng tác của ông. Chương 2: Cảm hứng tư tưởng trong truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Chương 3: Nghệ thuật kể chuyện cho thiếu nhi của Phạm Hổ.
  11. Chương 1: PHẠM HỔ VÀ QUAN NIỆM SÁNG TÁC 1.1. Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác. 1.1.1. Tiểu sử. 1.1.1.1. Phạm Hổ - cuộc đời. Vào ngày 28 tháng 11 năm 1926, xã Nhơn An (ngày trước gọi là xã Thanh Liêm), huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định đón chào sự ra đời của một “chú bé”mang cái tên rất dữ: Phạm Hổ (sau này, Phạm Hổ còn lấy bút danh là Hồ Huy). Lần theo kí ức của Phạm Hổ, chúng ta thấy rằng làng quê nghèo và không yên ả của những năm tuổi thơ ấy đã để lại trong tâm trí Phạm Hổ những tình cảm thân thương dịu ngọt. Phạm Hổ sống xa quê hơn 50 năm - hoàn cảnh này là một thôi thúc, tạo nên chiều sâu cho mảng sáng tác với cảm hứng tình yêu quê hương trong sáng tác của ông. Mỗi khi có dịp viết về miền đất và con người Bình Định, Phạm Hổ luôn tỏ ra say sưa với những tình cảm quê hương ngọt ngào, nhất là khi nó gắn liền với những kí ức tuổi thơ trong trẻo, mộc mạc mà thấm sâu trong lòng ông (xem phụ lục). Năm 1943, Phạm Hổ đỗ thành chung nhưng vì bị tai nạn nên không thể ra Huế học ban tú tài trường Quốc học Huế. Ông làm thư kí công nhật cho tòa sứ Quy Nhơn để giúp đỡ mẹ nuôi các em và tự học để thi tú tài. Cách mạng tháng Tám thành công - theo lời tự thuật của Phạm Hổ - cái duyên nghiệp với văn học nghệ thuật mới bắt đầu, dẫu rằng ông vốn say mê văn học từ nhỏ. Làm thư kí thường trực ở Chi hội văn hóa Cứu Quốc do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách rồi dự học lớp hội họa kháng chiến liên khu 5 do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung chủ nhiệm, rồi đi thực tế sáng tác ở miền tây Bình Định (vùng giáp cận An Khê), Phạm Hổ vừa vẽ vừa làm thơ, và như ông thừa nhận có khi mê làm thơ hơn vẽ. Đến đầu năm 1950, Phạm Hổ được cử đi dự hội nghị Văn học toàn quốc ở Việt Bắc với tư cách là một nhà thơ trẻ liên khu 5. Trong khoảng thời gian 1952-1953, Phạm Hổ có “hai năm vàng” (chữ dùng của Phạm Hổ) ở quê, ông vừa làm công tác văn hóa thông tin vừa thâm nhập sâu vào thực tế đời sống để có thể hiểu thế nào là nông dân, thế nào là chân lấm tay bùn, thế nào là đầu tắt mặt tối… Phạm Hổ xem đó là những tư liệu cần thiết để một nhà văn sáng tác phục vụ nhân dân. Tháng 1-1954 Phạm Hổ có mặt ở Hà Nội và làm công tác đối ngoại ở Hội Văn nghệ Trung ương. Năm 1957, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam ngay khóa đầu tiên. Cũng trong thời gian này, Phạm Hổ cùng với các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài thành lập nhà xuất bản Kim Đồng - cơ quan chuyên trách ấn hành những tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi. Trong những năm chống Mĩ, Phạm Hổ làm việc trong nhiều cương vị ở nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản Hội nhà văn, báo Văn nghệ… Ông đi nhiều nơi, có khi vào cả tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh
  12. Linh để lấy tài liệu sáng tác. Đất nước thống nhất, Phạm Hổ vẫn tiếp tục đi nhiều nơi và sáng tác, nhất là sáng tác cho thiếu nhi Việt Nam. Năm 1983, Phạm Hổ là Chủ tịch hội đồng văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1995, ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục viết cho các độc giả nhỏ tuổi thân yêu và cho cả người lớn. Ngày 4 tháng 5 năm 2007, Phạm Hổ qua đời ở tuổi 81. Song, hình như với thiếu nhi Việt Nam, ông già tóc bạc ấy vẫn mãi là người bạn thân thiết của tuổi nhỏ. 1.1.1.2. Phạm Hổ - chân dung trong lòng người. Trong sự liên tưởng của Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ không chỉ là một con người trần thế, với mùi mồ hôi trần tục, cùng cái ốm, cái đau, cái hắt hơi, sổ mũi - những cái bệnh, cái tật thông dụng của cõi phàm trần mà ông còn là một món quà đặc biệt mà Tạo hoá đã thửa riêng để trao tặng các đấng con trẻ [38, tr.3]. Dường như đã từ rất lâu, không kịp hiểu xem bắt nguồn từ duyên cớ gì, cái tên Phạm Hổ hiện lên trong tâm trí của người đọc, nhất là trẻ em, không phải là tuổi tác, quê quán hay cuộc đời hoạt động nghệ thuật, hay cả các chức vụ mà ông từng đảm trách hoặc các danh hiệu vinh hiển mà ông được phong tặng. Ông thường được các em thiếu nhi định danh bằng tên tác phẩm: nhà thơ "Chú bò tìm bạn", bác "Chuyện hoa, chuyện quả". Nhà văn Nguyên Ngọc có lần đã kể câu chuyện về đứa con gái nhỏ tuổi của mình: “… Anh Phạm Hổ đến chơi nhà tôi vào lúc cháu bé mới lên mười tuổi đi học về. Cháu đã gặp bác Phạm Hổ mấy lần. Tôi hỏi: Con biết ai đây không? Cháu trả lời: “Cháu chào bác Chuyện hoa chuyện quả ạ !” Phạm Hổ - đó là con người không có tuổi. Tâm hồn ông chưa hề già cỗi dẫu rằng sức khỏe và màu tóc vẫn “xuôi theo” quy luật hạn hẹp của thời gian trần thế. Có lẽ vì vậy mà Phạm Hổ mới có thể kết bạn với trẻ thơ lâu đến vậy, và kì lạ hơn là trẻ thơ cũng không thấy “chán” anh rồi chú rồi bác hay cả ông Phạm Hổ. Trần Đăng Khoa gọi Phạm Hổ là “người ở xứ thần tiên” [38, tr.3]. Trong đôi mắt trẻ thơ, Phạm Hổ là chủ nhân một kho báu những điều màu nhiệm, lạ kì về thế giới thiên nhiên. Ông mở ra cánh cổng với biết bao điều huyền diệu và từng bước nâng cánh cho biết bao con diều ước mơ của tuổi thơ. Người ta hình dung về chân dung của Phạm Hổ như sau: khuôn mặt nhân hậu, hiền lành. Cái tên của ông dường như chỉ là sự ngụy trang bên ngoài - nhưng nó không làm các bạn nhỏ xa lánh mà ngược lại, thiếu nhi càng thấy yêu mến cái tên ấy hơn, yêu mến con người ấy hơn. Nhân hậu và cũng rất tinh nghịch - Phạm Hổ có cái tinh nghịch rất hồn nhiên của trẻ em. Phạm Hổ có cái nhìn riêng về thế giới thiên nhiên và cuộc sống mà từ cái nhìn ấy, người ta phát hiện ra nụ cười đáng yêu, trẻ trung của ông. Thế giới vô tri vô giác qua lăng kính Phạm Hổ bỗng dưng sinh động và trở thành những người bạn hết sức lạ lùng. Đó là những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu (Những người bạn nhỏ). Đó là những cây cối trong vườn dâng hoa thơm trái ngọt (Bạn trong vườn). Đó là đồ vật quen thuộc bình
  13. thường trong cuộc sống nhưng lại là những người bạn im lặng (Những người bạn im lặng). Cái tinh nghịch của Phạm Hổ luôn làm người ta thấy lạ lùng. Để mỗi lần “tiếp xúc” với ông lại là một lần người đọc xuýt xoa vì sự thú vị… Cho nên, mượn lời của Bê-lin-xki để nói thì Phạm Hổ quả là “người lạ quen biết” của tất cả chúng ta, nhất là đối với thiếu nhi Việt Nam. Phạm Hổ đứng đó, vừa quen vừa lạ. Thân quen, gần gũi nhưng không tạo cảm giác nhàm chán vì phải gặp mãi con người ấy. Xa lạ nhưng không khiến người tiếp xúc phải kiêng dè đề phòng. Với Phạm Hổ, một nải chuối vừa bỗng nhiên vừa hợp lí trở thành bàn tay trẻ, quả loòng boong là hiện thân của trái tim đau đớn của người mẹ yêu con, quả bưởi là kết quả của hiện tượng “tép lên cây” (Chuyện hoa, chuyện quả). Tuy nhiên, điều ý nghĩa nhất mà Phạm Hổ muốn nói với thiếu nhi là: sự ra đời của muôn loài trên trái đất này đều bắt nguồn từ tình yêu, nhất là từ tình yêu thương dành cho trẻ em. Phạm Hổ cũng là con người giản dị. Trước hết là giản dị trong cách ông đối diện với đời. Nhà văn Phạm Sông Hồng - con gái của Phạm Hổ có lần kể câu chuyện về cha mình như sau: “Ông thích trồng phong lan. Lần nọ sáng ra tỉnh dậy, kẻ trộm đã khiêng mất giò hoa mới nở. Ngẩn ra vì buồn và tiếc, ông bèn lụi hụi ngồi viết lên tờ giấy “Lấy cây của người khác là không tốt” rồi găm vào từng chiếc giỏ. “Ba làm thế làm gì. Tối trời kẻ trộm không thể đọc được, mà giấy tờ thì có giá trị gì”. “Sao con lại mất lòng tin về con người như vậy. Đọc được mảnh giấy của ba, người ta không nỡ đâu”. Sáng sau ra, bao nhiêu giò phong lan mất nốt, mất cả hoa lẫn giấy.”(!!!) Tuy nhiên, chúng ta phải nói nhiều đến sự giản dị trong cách Phạm Hổ chọn lấy những người bạn tuổi nhỏ để yêu thương và nhất là giản dị trong khát vọng nghệ thuật của một người lấy văn chương làm duyên nghiệp. Ông từng viết: “Tôi làm những bài thơ nho nhỏ Như những hòn bi xanh đỏ các em chơi Như những quả quýt, quả na Các em tay bóc vỏ, miệng cười. Suốt đời tôi chỉ mơ Được làm cho các em Những bài thơ nho nhỏ Như những hòn bi xanh đỏ các em chơi.” (Những bài thơ nhỏ) Khát vọng ấy của Phạm Hổ không phải dễ thực hiện. Cho nên hóa ra điều tưởng chừng như rất giản dị ấy mà đã lấy đi cả một đời người hơn 80 năm của Phạm Hổ. Sự giản dị ấy không đồng nghĩa với sự đơn
  14. giản hay tầm thường! Bởi Phạm Hổ đã làm được một điều giản dị mà vô cùng ý nghĩa đối với cuộc đời: cho đi tất cả tình yêu của trái tim và nhận về biết bao yêu thương trân trọng. Tựu trung, để nói về chân dung Phạm Hổ một cách ngắn gọn nhất, không có đánh giá nào chính xác bằng nhận định: Phạm Hổ - người yêu trẻ. 1.1.2. Sự nghiệp sáng tác. Phạm Hổ sáng tác nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết cho cả người lớn và trẻ em. Sự phong phú trong thể loại và số lượng dày dặn của tác phẩm ít nhiều chứng minh cây bút Phạm Hổ có nguồn tiềm lực sáng tạo dồi dào và khá linh động. Viết cho người lớn, Phạm Hổ có những tác phẩm khá đặc sắc như: Cây bánh tét của người cô, Người vợ lẽ, Vườn xoan (truyện ngắn), Những ô cửa những ngả đường (thơ)… Tuy nhiên, nói đến Phạm Hổ trước hết và hơn hết phải nói đến sự đóng góp của ông cho nền văn học thiếu nhi nước nhà. Hơn 60 năm cầm bút vì tình yêu trẻ, Phạm Hổ đã để lại khoảng trên 20 tập thơ, 9 tập truyện và 4 vở kịch tặng riêng các em [49, tr.102]. Những tác phẩm chính: Thơ: Em tre (1948) Chú bò tìm bạn (1957) Em thích em yêu (1958) Những người bạn nhỏ (1960) Bạn trong vườn (1967) Từ không đến mười (1973) Mẹ, mẹ ơi, cô bảo (1980) Những người bạn im lặng (1984) Đỗ trắng đỗ đen (1991) Cháu chọn hạt nào (1992) Câu chuyện về Miu trắng (1993) Truyện: Viết thư cho cha (1959) Khẩu súng người ông (1960) Cất nhà giữa hồ (1964) Chuyện hoa, chuyện quả (tập một, 1974) Lửa vàng, lửa trắng (1976) Chuyện hoa chuyện quả (tập hai, 1982)
  15. Tiếng sáo và con rắn (Chuyện hoa - chuyện quả, tập ba, 1985) Ngựa thần từ đâu đến (1986) Những chú sẻ con (1988) Hai vợ chồng và con voi quý (Chuyện hoa - chuyện quả, tập bốn, 1988) Chim lưu ly (Chuyện hoa - chuyện quả, tập năm, 1990) Quả tim bằng ngọc (Chuyện hoa - chuyện quả, tuyển chọn, 1993) Lửa vàng, lửa trắng, lửa nâu (1993) Kịch: Nàng tiên nhỏ thành Ốc (1981) Tìm gặp lại anh (1981) Người gái hầu của Mị Châu (1984) Mị Châu và chiếc áo lông ngỗng (1984) Phạm Hổ đã được trao tặng các giải thưởng văn học: Giải A trong các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi với các tập thơ “Chú bò tìm bạn” (1957-1958), “Chú vịt bông”(1967-1968). Giải thưởng chính thức về thơ viết cho thiếu nhi của hội đồng văn học thiếu nhi, Hội nhà văn Việt Nam với tập thơ “Những người bạn im lặng” (1985). Giải thưởng cuộc thi sáng tác kịch bản cho thiếu nhi do Hội nghệ sĩ sân khấu tổ chức với vở kịch “Nàng tiên nhỏ thành Ốc” (1986). Với những đóng góp quan trọng cho nền văn học thiếu nhi, Phạm Hổ xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ( đợt I-2001). 1.2. Quan niệm sáng tác của Phạm Hổ. 1.2.1. Về thiên chức: nhà văn của thiếu nhi. Phạm Hổ không chỉ viết cho trẻ em, ông cũng có nhiều sáng tác dành cho người lớn. Song, như một duyên nợ, bạn đọc vẫn biết về ông trước hết, với tư cách của một nhà văn, nhà thơ của thiếu nhi. Tất nhiên, không phải chỉ vì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Phạm Hổ đã trực tiếp làm sách "Hoa kháng chiến" phục vụ thiếu niên, nhi đồng. Hay chỉ vì sáng tác đầu tay của ông cũng là về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi (Sáng trăng kể chuyện, Em vẽ Bác Hồ). Hoặc do bài thơ được xem là tiêu biểu và được biết đến nhiều nhất của ông - bài Chú bò tìm bạn - cũng là tác phẩm dành cho trẻ em. Và dĩ nhiên cũng không phải chỉ vì ông đã từng giữ cương vị Chủ tịch hội đồng văn học thiếu nhi Việt Nam. Mà trên hết, Phạm Hổ là nhà văn, nhà thơ của thiếu nhi bởi vì ông dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp làm bạn với trẻ con. Ông đã từng tâm sự: “Đối với tôi, được sống và viết cho các em là một hạnh phúc. Tôi đem lòng tôi yêu các em để thể hiện lòng tôi yêu Đảng, yêu nhân dân, đất nước” [43].
  16. Và chính tình yêu ấy là nền tảng cho quan điểm sáng tác văn học của Phạm Hổ. Luôn ý thức để trở thành người bạn của thiếu nhi, dẫu biết “Viết cho trẻ em là một công việc khó nhọc" (L.Tônxtôi), Phạm Hổ đã xác định rõ đối tượng sáng tác và tiếp nhận với những đặc điểm tâm sinh lí và ý thức thẩm mĩ riêng. Trong bài viết “Làm sao để viết cho các em hay hơn” đăng trên Tạp chí văn học (số 5-1993), Phạm Hổ khẳng định hai nhiệm vụ cần làm song song của văn học cho trẻ em: (1) Góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt, nóng hổi của cuộc sống, của xã hội. (2) Trang bị cho các em những tình cảm, tư tưởng về lâu về dài: lòng nhân ái, tình yêu thương quê hương, lòng trung thực… Như vậy, quan niệm sáng tác của Phạm Hổ không chỉ thể hiện tâm huyết của ông dành cho tuổi thơ mà còn thể hiện sự nhận thức đúng đắn về vai trò của văn học trong việc chuẩn bị trước cho thiếu nhi những hành trang cần thiết về nhiều mặt để có thể tự tin bước vào đời. Không chỉ chú trọng đến những bài học cuộc sống thực tế, Phạm Hổ thấy được tầm quan trọng của việc bồi dưỡng tâm hồn cho thiếu nhi. Do đó, bằng lối đi riêng của mình, Phạm Hổ khẳng định văn học chính là món ăn tinh thần cần thiết cho các em. Văn học tạo ra dưỡng chất quan trọng trong việc bồi bổ những tình cảm cơ bản, nuôi dưỡng bản chất tươi mát, hồn nhiên và các phẩm chất quý báu khác cho trẻ như khả năng nhận diện, đánh giá, năng lực tưởng tượng, biết ước mơ, biết quan tâm đến cuộc sống chung quanh… Nói khác đi, Phạm Hổ luôn chủ trương văn học viết cho các em tập trung vào việc làm thế nào để có thể đánh thức được những tình cảm cao quý trong lòng, thức dậy những tiềm năng quan trọng của trẻ về khả năng quan sát thế giới để từ đó biết sống và sống tốt hơn. Nói tóm lại, với Phạm Hổ, viết văn cho thiếu nhi là một thiên chức khó khăn nhưng cực kì nghiêm túc và có ý nghĩa lớn. Nó đòi hỏi nhà văn phải có trái tim yêu thương và tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc vườn cây tâm hồn cho thiếu nhi các thế hệ. 1.2.2. Về thế mạnh của nhà văn. Trong một lần trò chuyện với các em thiếu nhi ở Cung văn hóa Hà Nội, Phạm Hổ đã kể lại sự kiện xoay xung quanh một tập truyện nổi tiếng khắp thế giới: truyện Nấu bếp đêm của nhà văn Ba Lan Mô-rit- xơ Xen-đắc, như sau: “Một trung tâm nghiên cứu lớn ở Mĩ đã nhờ hàng trăm người tham gia vào việc tìm hiểu vì sao mà tác giả lại có thể viết hay đến như vậy. Họ điều tra ở các bạn đọc nhỏ tuổi - điều tra rất kín đáo, không hề cho các em biết là mình được điều tra bằng cách bí mật đặt máy ghi âm rồi thu nhặt những ý kiến của các em một cách rất thoải mái, tự nhiên. Họ khéo léo điều tra cả tác giả thông qua các nhà báo, nhà văn đến phỏng vấn trò chuyện. Họ đặt ra rất nhiều câu hỏi một cách cũng thật thân mật và nhẹ nhàng, trong đó có những câu rất vui: “Tại sao tác giả lại chọn ba người nấu bếp đêm (làm bánh mì) mà không là hai người hoặc bốn người, năm người ?” Tác giả Mô-rit-xơ Xen-đắc đã vui vẻ trả lời đại khái như sau: Có lẽ, ngày xưa bố tôi là thợ may; ông ngồi ở giữa và có hai người ngồi phụ việc ở hai bên, vì vậy mà con số
  17. ba người, trong ý nghĩ tôi từ bé đến lớn là con số tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất. Cho nên khi tôi viết Nấu bếp đêm, không cần nghĩ ngợi, tôi đã chọn con số ba người. Với câu hỏi “Tại sao tác giả lại chọn cái lọ đựng sữa mà không dùng cái bình đựng sữa ?”, Mô-rit-xơ Xen-đắc cũng trả lời na ná như vậy: “Có lẽ vì lúc bé, mẹ tôi hay dùng cái lọ chứ không dùng cái bình để cho tôi ăn sữa...” Sau khi kể câu chuyện ấy, Phạm Hổ đã kết luận: “Tác giả viết hay vì tác giả đã viết những gì mình thuộc nhất, những gì đã thành máu thịt của chính mình” [54, tr.38]. Bài học về nghệ thuật kể chuyện dạy cho các em thiếu nhi thật ra cũng chính là quan điểm sáng tác của Phạm Hổ. Những tác phẩm của Phạm Hổ luôn cho người đọc, nhất là trẻ con, cái cảm giác quen thuộc và rất máu thịt với mình. Có được cảm giác ấy, hẳn nhiên là nhờ công truyền đạt của tác giả. Bởi như một quy luật tự nhiên, người viết ra nó như viết cái điều máu thịt của chính mình nên mới có khả năng khiến cho người đọc có sự tương cảm đẹp đẽ và gần gũi ấy. Cho nên, có thể nói, với Phạm Hổ, viết về cuộc sống với các chất liệu quen thuộc là một trong những cách thể hiện cái máu thịt của mình. Người đọc thường bắt gặp hình ảnh những cây cà rốt, bắp cải, cây dứa, cây dừa đến na, ổi, sung, roi, thị, táo… hay những con vật thân thuộc: chó, mèo, gà, bê, bò, chuồn chuồn, vịt, ngỗng... trong sáng tác của Phạm Hổ. Nhà văn luôn chú ý phát huy thế mạnh trong quan sát, miêu tả, trong chọn lựa chất liệu và phát triển hình ảnh quen thuộc ấy vào cuộc sống riêng của từng tác phẩm. Có lần Phạm Hổ đã nói về lí do “Vì sao chọn chất liệu cây khế là hay ?” “Theo tôi nghĩ vì cây khế đúng là cây của nhà nghèo. Vị chua của khế là vị chua rẻ tiền hơn các vị chua khác, như chanh chẳng hạn: Chợ chiều nhiều khế ế chanh, nhiều cô gái góa nên anh chàng ràng (ca dao). Như thế rõ ràng khế chỉ là những cô gái góa, còn chanh mới là những cô gái chưa chồng…” [54, tr.29]. Qua suy nghĩ của tác giả, chúng ta bắt gặp sự trăn trở về nghệ thuật một cách nghiêm chỉnh của một nhà văn trong quá trình thai nghén những tác phẩm văn chương. Con đường sáng tạo của Phạm Hổ, rõ ràng, không phải là con đường của sự dễ dãi. Như một mao mạch dẫn nước tự nhiên từ rễ lên thân, lên lá, lên ngọn ở cây cối, cái máu thịt - cũng là thế mạnh của một nhà văn sẽ được hấp thụ để tạo nên cá tính sáng tạo độc đáo và hấp dẫn của riêng họ. Phạm Hổ từng quan niệm: “Sáng tác mỗi người có một phong cách riêng, một lối làm riêng biệt để đi đến có hiệu quả nhất, còn tùy theo cái tạng của từng người” [26, tr.29]. Dẫn chứng riêng về đề tài loài vật trong thơ viết cho thiếu nhi, chúng ta không thể không thừa nhận rằng Võ Quảng viết về loài vật có phần phong phú hơn so với Phạm Hổ. Tuy nhiên, nếu trong mỗi bài thơ viết về con vật, Võ Quảng luôn chú ý tạo ra một bản hợp xướng với nhiều tiếng hát, lời ca như Anh Đom đóm, Phải chung màu lại…(cho nên thế giới loài vật trong thơ Võ Quảng đông đúc, phong phú với đom đóm, bồ chao, chẫu chàng, châu chấu voi, bói cá) thì Phạm Hổ chủ trương qua những dòng thơ ngắn gọn, giản dị, nhưng chạm khắc vào thời gian, vào lòng người chân dung những con vật tinh nghịch thông minh,
  18. thơ ngây như con trẻ. Thế giới loài vật trong thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ thật ngộ nghĩnh đáng yêu. Từ những con vật thật thân quen: chó, mèo, gà, bê, bò, chuồn chuồn, vịt, ngỗng... nhà thơ đã thổi vào đó một sự sống tươi non mang hơi thở, tâm hồn và khát vọng trẻ thơ. Chú bê háu đói suốt ngày nũng mẹ (Bê đòi bú), Sáo ăn na rơi hột mà đâu có biết “chính na sáo trồng” (Sáo ăn na). Thỏ gọi điện thoại nghe rõ tiếng mèo nhưng vẫn lo lắng “nhỡ đứa khác thì sao” (Thỏ dùng máy nói). Ngỗng đọc sách ngược lại cứ tưởng xuôi (Ngỗng và vịt)... Mỗi loài vật vừa mang nét đặc trưng giống loài vừa được nhân cách hóa thành những người bạn tinh nghịch, vui nhộn của bé. Chúng tôi xin nói thêm về ý thức sáng tạo trong văn chương của Phạm Hổ ở thể loại truyện. Thông thường, khi viết lại truyện cổ dân gian, các nhà văn thường khai thác nguyên vẹn hay toàn bộ cốt truyện (Tô Hoài viết Đảo hoang, Nhà Chữ, Chuyện nỏ thần; Nguyễn Huy Tưởng viết Con cóc là cậu ông trời, Truyện bánh chưng). Phạm Hổ không theo cách này, ông chỉ lấy một hình tượng hay dựa vào kết truyện rồi tạo ra một tác phẩm mới. Chúng ta có thể thấy rõ sự sáng tạo của Phạm Hổ khi đọc Ngựa thần từ đâu tới. Truyện này có liên quan đến truyền thuyết quen thuộc: Thánh Gióng. Bao thế hệ tuổi thơ Việt Nam đã tiếp nhận một điều rõ ràng từ truyền thuyết ấy: ngựa sắt là do nhà vua làm theo yêu cầu của cậu bé làng Gióng. Phạm Hổ viết khác. Câu chuyện bắt đầu từ việc hai cha con ở một vùng núi xa xôi quyết đưa con ngựa hồng về xuôi cho Thánh Gióng ra trận. Chú ngựa hồng sau khi bị giết đã hóa thành ngựa đất, rồi nhờ giọt máu của cụ già, nhờ ăn sắt uống lửa của nhân dân mà trở thành ngựa thần. Có thể thấy, vẫn là nội dung đề cao lòng yêu nước của nhân dân nhưng cách viết của Phạm Hổ là một khám phá mới từ các giá trị dân gian tưởng đã ổn định, bất di bất dịch. 1.2.3. Về cái tình trong viết văn. Phạm Hổ thuộc vào số các nhà văn không mấy khi công khai phát biểu về quan niệm sáng tác của mình. Song, thông qua những suy nghĩ, cũng như các bài học mà ông viết riêng cho những bạn đọc thiếu nhi, chúng ta thấy được quan niệm sáng tác của chính tác giả. Trong một lần giới thiệu cách viết văn, dựa vào đoạn văn Cây Hà Nội trích trong tác phẩm Cảnh sắc và hương vị đất nước của Nguyễn Tuân, Phạm Hổ đã có lời bình như sau: “Ngày nào chúng ta cũng thấy cây, nhưng mấy ai đã sống với cây, có tình với cây như tác giả (Nguyễn Tuân). Có sống với cây mới thấy màu xanh cây ta thật nhiều cung bậc từ xanh nhờ đến xanh đen. Có tình với cây mới thấy mỗi cái cây in bóng xuống đường nhựa kia cũng là một kiếp sống, mỗi năm có những nỗi buồn, nỗi vui” [54, tr.72]. Và Phạm Hổ kết luận ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa như sau: “Mới biết, văn hay thường xuất phát từ cái tình” [54, tr.72]. Nói người cũng là nói mình, Phạm Hổ học tập nơi Nguyễn Tuân hay chính bản thân ông rất tâm đắc với chữ tình trong văn chương nghệ thuật nên mới có cái nhìn đầy thiện cảm đối với tác giả họ Nguyễn ấy? Rõ ràng, nếu không có cái tình sâu nặng với những gì mình viết ra, chắc khó lòng một nghệ sĩ
  19. như Phạm Hổ sống trọn vẹn với thế giới văn chương mà ông tâm huyết. Cái tình trong viết văn là chất sống nuôi dưỡng cái cây tâm hồn. Nó tạo nên dưỡng chất say mê, cảm hứng nhiệt thành và cả tấm lòng trân trọng với những đối tượng mà tác giả quan sát và đem vào trang văn. Như vậy, Phạm Hổ luôn cho rằng: một nhà văn khi viết không chỉ có tài mà còn phải có cái tâm, cái tình. Cái tài thể hiện trên câu chữ, qua tài năng sáng tác, qua cá tính sáng tạo của tác giả. Cái tình thì ẩn hiện phía sau, phía trong, nó là cảm xúc, tình cảm chân thành đối với những gì mình viết ra. Đây là một quan niệm đúng đắn, bởi lẽ văn hay thường có sức lay động lòng người. Và muốn lay động lòng người, tất yếu lòng mình phải thật sự xúc động với những gì mình viết ra. Phạm Hổ đã ý thức được rằng: văn học là chuyện đi từ trái tim đến trái tim. Trong muôn vạn cung bậc của cái tình trong sáng tác, Phạm Hổ đặc biệt lưu ý đến cái tình dân tộc, cái tâm đối với quê hương của một nhà văn Việt Nam khi cầm bút. Phạm Hổ từng nói: “Tôi mong rằng khi sáng tác ra những câu chuyện, khi tạo tình huống, khi tìm chi tiết chất liệu, khi chọn giọng kể ngôn ngữ, có lẽ chúng ta nên chú ý đến cái tính cách Việt Nam, cái chất tâm hồn Việt Nam, cái hương vị Việt Nam” [54, tr.36]. Thật vậy, qua các sáng tác của Phạm Hổ, người đọc dễ dàng nhận ra cái chất Việt Nam, cái hương vị Việt Nam ẩn hiện qua từng câu chữ, ý tưởng, từ cách gọi tên nhân vật đến lối tư duy quen thuộc vừa đầy tình nghĩa vừa mộc mạc của cha ông. Nói riêng về thế giới thiên nhiên, bằng cái tình tha thiết mãnh liệt với đất nước, bằng lòng yêu con trẻ sâu nặng, Phạm Hổ đã tạo ra trong thơ mình một thế giới loài cây mang đậm phong vị Việt Nam. Hơn 30 loài cây được nhắc đến trong tập thơ Chú bò tìm bạn, từ cây cà rốt, bắp cải, cây dứa, cây dừa đến na, ổi, sung, roi, thị, táo… cây nào, trái nào cũng bước ra từ cuộc sống gắn bó với nhân dân lao động Việt Nam. Trong tập Chuyện hoa chuyện quả, thế giới cây quả được Phạm Hổ hình dung qua tâm hồn của một người Việt Nam hết lòng yêu quê hương. Mỗi cách gọi tên, mỗi cách miêu tả, mỗi cách kể chuyện của Phạm Hổ đều phù hợp với lối tư duy và suy nghĩ của người dân nước mình. Có thể chính cái chất Việt Nam trong sáng tác của Phạm Hổ đã làm nên cái tình quen thuộc, đậm đà. Đọc truyện của Phạm Hổ, chúng ta như được sống trong một không gian quê hương, cũng là sống trong cái tình dân tộc của nhà văn khi tạo dựng nên những hình ảnh thân quen đó: “Ông thầy dạy đàn cảm thấy dễ chịu khi ngồi trong nhà nhìn ra vườn. Khúc lượn của con sông ở đây càng ngắm kĩ càng thấy đẹp. Những cây sung và những lùm tre ở bờ bên kia xanh biếc, um tùm soi bóng xuống dòng sông nhìn nửa hư, nửa thực như trong tranh vẽ. Xa xa là những rặng núi xanh mờ tím nhạt như trong mơ.” (Cây đàn và bầu rượu của người thầy) Nguyễn Đăng Mạnh nói: “Muốn hiểu tác phẩm của nhà văn, trước hết phải hiểu quan điểm nghệ thuật của ông” [50, tr.17]. Với Phạm Hổ, tuy không có những phát biểu mang tính lí luận nhưng ông cũng
  20. để lại những quan điểm sáng tác có ý nghĩa. Phạm Hổ có khuynh hướng cụ thể hóa, hiện thực hóa những nỗi niềm, những suy nghĩ, những quan niệm của mình thành những bài học thiết thực cho thiếu nhi khi viết văn và xem nó như sự trăn trở của người có tâm huyết đối với sự phát triển văn học thiếu nhi nước nhà. Như vậy, Phạm Hổ xác định rõ các vấn đề đặt ra với công việc viết văn, trong tư cách một nhà văn coi trọng thiên chức viết văn cho trẻ em. Vì vậy, hiểu quan niệm của Phạm Hổ là cách chúng ta hiểu thêm về văn chương của ông, nhất là hiểu được cảm hứng tư tưởng và những sáng tạo trong nghệ thuật kể chuyện của Phạm Hổ với thể loại truyện cho thiếu nhi.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2