intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số ý kiến về việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

33
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014 giữ một vai trò quan trọng bởi nó giải quyết mối quan hệ xã hội cơ bản nhất của con người – quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Trong phạm vi bài viết này nhóm tác giả phân tích về thực trạng và kiến nghị việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số ý kiến về việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên

  1. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG TRẦM TRỌNG CỦA HÔN NHÂN TRONG TRƯỜNG HỢP LY HÔN THEO YÊU CẦU CỦA MỘT BÊN Nguyễn Lê Nhật Sơn, Vũ Phương Linh* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Hà Thị Hồng Thắm TÓM TẮT Hiện nay, tình trạng ly hôn ngày càng có xu hướng tăng cao đặc biệt là ly hôn theo yêu cầu của một bên, trong khảo sát hộ gia đình của năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy: tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng lên từ 1,4% lên 2,1%).Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn[1]. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến ly hôn là việc tình trạng hôn nhân rơi vào trầm trọng, mục đích hôn nhân không thể kéo dài. Trong phạm vi bài viết này nhóm tác giả phân tích về thực trạng và kiến nghị việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên. Từ khóa: căn cứ, ly hôn, pháp luật, Tòa án, vụ việc. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014 giữ một vai trò quan trọng bởi nó giải quyết mối quan hệ xã hội cơ bản nhất của con người – quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Trong đó, chế định ly hôn được coi là chế định thiết yếu của Luật HN&GĐ 2014. Khi kết hôn, đôi bên luôn mong muốn cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Tuy nhiên, vì cuộc sống muôn hình vạn trạng, sẽ có rất nhiều lý do khiến đời sống hôn nhân không thể tiếp tục duy trì. Khi đó, ly hôn là giải pháp cần thiết cho cả đôi bên và cả xã hội, do đó, Luật HN&GĐ 2014 có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những bất cập và bảo vệ quyền bình đẳng cho đôi bên. Cụ thể, ly hôn theo yêu cầu của một bên là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến khi đời sống quan hệ vợ chồng gặp những vấn đề bất cập trong cuộc sống giữa đôi bên, hay theo khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 “hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Trường hợp này, Tòa án sẽ phải xem xét kỹ càng để cân nhắc có cho ly hôn trong tình trạng hôn nhân giữa hai người hay không. Điều này phải dựa vào các căn cứ nhất định được quy định cụ thể trong Luật HN&GĐ 2014 và các văn bản hướng 1901
  2. dẫn thi hành Luật HN&GĐ 2014. Luật HN&GĐ 2014 có những thay đổi nhất định và khác biệt rõ nét so với Luật HN&GĐ 2000, điển hình ở điều khoản về ly hôn theo yêu cầu của một bên. Chứng tỏ quan hệ hôn nhân đã, đang và sẽ xảy ra nhiều tình huống đặc biệt cần pháp luật phải kịp thời can thiệp xử lý trong khi Luật HN&GĐ 2000 vẫn còn nhiều bất cập và thiếu sót, cũng như thể hiện nhà nước ta luôn đặt sự quan tâm hàng đầu lên mối quan hệ hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, “hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” được đề cập tại khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên vẫn còn là khái niệm, nhận định chưa được giải thích chi tiết, cụ thể và có thể sẽ gây nhiều khó khăn hoặc xảy ra những tình huống liên quan cần giải quyết. Luật HN&GĐ 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên đã có những thay đổi nhất định so với Luật HN&GĐ 2000, cụ thể ở mục 1 (Ly hôn) - chương IV (Chấm dứt hôn nhân). Dù vậy, việc áp dụng vào công tác xét xử đôi lúc vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập để đưa ra quyết định cuối cùng “vừa hợp tình, vừa hợp lý”. 2 THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT Luật HN&GĐ 2000 quy định về căn cứ cho ly hôn tại khoản 1 Điều 89 như sau: “Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn”. Ngoài ra, Điều 91 Luật này có quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên “Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn”. Hiện nay, Luật HN&GĐ 2014 có hiệu lực thay thế Luật HN&GĐ 2000, tại khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 ly hôn theo yêu cầu của một bên đã quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân rơi tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Có thể thấy, so với Luật HN&GĐ 2000 thì Luật HN&GĐ 2014 có những bổ sung cụ thể hơn, vẫn là được xem xét, giải quyết cho ly hôn nhưng một bên phải chứng minh được những hành vi bạo lực gia đình hay những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ của bên còn lại. Như vậy, việc thay đổi, bổ sung này thể hiện sự rõ ràng hơn trong việc giải quyết liên quan đến ly hôn theo yêu cầu của một bên của Luật HN&GĐ 2014. Tại Mục số 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 23/12/2000 hướng dẫn một số nội dung Luật HN&GĐ 2000 đã đưa ra hướng dẫn khá chi tiết về vấn đề được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi: “Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần. Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần. Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ 1902
  3. ngoại tình”. Quy định này hướng dẫn cho khoản 1 Điều 89 Luật HN&GĐ 2000. Theo đó Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 23/12/2000 hướng dẫn một số nội dung Luật HN&GĐ 2000 được đăng tải trên trang thuvienphapluat.vn về tình trạng vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2000/NQ- HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 23/12/2000 hướng dẫn một số nội dung Luật HN&GĐ 2000 tức nghị định này chỉ áp dụng hướng dẫn Luật HN&GĐ 2000 mà không thể áp dụng hướng dẫn cho Luật HN&GĐ 2014 đang có hiệu lực hiện hành. Mặt khác, căn cứ khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định “Văn bản Quy phạm Pháp luật hết hiệu lực thì Văn bản Quy phạm Pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Vậy từ căn cứ trên, theo quan điểm nhóm tác giả Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP đồng thời cũng hết hiệu lực theo, vì căn cứ vào giá trị pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam thì Văn bản Quy phạm Pháp luật nào có giá trị pháp lý cao hơn thì sẽ được áp dụng (Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020) có giá trị pháp lý cao hơn Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP mà Nghị quyết này hướng dẫn một số quy định Luật HN&GĐ 2000 mà Luật HN&GĐ 2000 đã hết hiệu lực). Như vậy, Luật HN&GĐ 2014 quy định chưa cụ thể về việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân, tại khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 chỉ quy định các hành vi làm cho tình trạng hôn nhân rơi vào trầm trọng mà không quy định cụ thể mức độ và hành vi như thế nào để khiến hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng cũng như tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HN&GĐ 2014 cũng không có quy định về việc đánh giá như thế nào được gọi là hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng. Hiện nay, cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về vấn đề này. 3 THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT 3.1 Thực tiễn áp dụng pháp luật Căn cứ ly hôn là cơ sở pháp lý và chỉ khi có các điều kiện đó thì Tòa án mới có thể giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, căn cứ về việc “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” theo khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 gây nhiều bất cập, khó khăn trong việc áp dụng giải quyết các vụ việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Trên thực tế, khi ra giải quyết các vụ việc ly hôn đều khác nhau nên việc áp dụng căn cứ này là điều hết sức khó khăn. Khi áp dụng thì gây khó khăn cho các cấp xét xử và phụ thuộc vào quan điểm của Thẩm phán. Mặc dù cùng một nguyên nhân nhưng mỗi Thẩm phán sẽ có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau vì pháp luật không quy định rõ ràng và cụ thể. Chính vì thế, khi xét xử thực tế vẫn còn rất nhiều vụ việc chung một tình huống nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau khi áp dụng pháp luật. Vụ án như nhất: vụ việc ly hôn giữa chị Võ Thị Thùy L và anh Nguyễn Tiến S (Bản án 04/2018/HNGĐ-PT ngày 19/03/2018 về xin ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng) [2]. Chị Võ Thị Thùy L và anh Nguyễn Tiến S đăng ký kết hôn năm 2014 tại Ủy ban Nhân dân phường B, thành phố X, hôn nhân tự nguyện, không ai ép buộc, có tổ chức lễ cưới. Sau khi kết hôn vợ chồng chung sống cùng gia đình chị tại: Số 17C, đường Bạch Đằng, phường B, 1903
  4. thành phố X. Cuộc sống chung vợ chồng không hòa thuận hạnh phúc, vợ chồng thường phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân mâu thuẫn do anh S không có việc làm ổn định và không có trách nhiệm với gia đình nên vợ chồng thường xảy ra tranh cãi. Đến tháng 12/2016 chị có nói chuyện qua mạng với người yêu cũ, anh S biết ghen tuông, hù dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự và yêu cầu chị phải làm theo những gì anh S muốn dù chị có muốn hay không. Mâu thuẫn của vợ chồng được gia đình chị đứng ra khuyên giải nhưng không có kết quả. Anh S vẫn tiếp tục xúc phạm, đe dọa, khủng bố tinh thần thậm chí còn hành hung chị làm tình trạng sức khỏe cũng như tinh thần chị và gia đình chị sa sút nghiêm trọng, từ những mâu thuẫn trên dẫn đến tình cảm vợ chồng trở nên lạnh nhạt, không còn sự quan tâm. Hiện chị và anh S vẫn sống chung một nhà nhưng không còn sự quan tâm, gắn bó với nhau, nay chị xác định tình cảm vợ chồng không còn cũng không thể hàn gắn nên chị L yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với anh S. Tại Bản án sơ thẩm số 108/2017/HNGĐ-ST ngày 30/11/2017 của Tòa án nhân dân thành phố X đã xử: Chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Võ Thị Thùy L. Cho ly hôn giữa chị Võ Thị Thùy L và anh Nguyễn Tiến S. Trong khi đó Bản án 04/2018/HNGĐ-PT ngày 19/03/2018 về xin ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Nguyễn Tiến S, sửa bản án sơ thẩm. Xử: không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Võ Thị Thùy L với anh Nguyễn Tiến S. Vì anh S xác định vẫn còn tình cảm với vợ, mong muốn được đoàn tụ, nguyện vọng này của anh S là chính đáng. Tại giai đoạn sơ thẩm anh S đã cung cấp các tài liệu chứng cứ chứng minh chị L không chung thủy (bút lục số 57 đến 208 và bút lục số 224 đến 240) nhưng không được cấp sơ thẩm đề cập mà chỉ xác định mâu thuẫn vợ chồng theo lời trình bày của chị L là chưa thỏa đáng. Theo quan điểm của nhóm tác giả, vụ việc này không có sự thống nhất giữa các cấp xét xử. Vì theo quy định tại Điều 56 Luật HN&GĐ thì tình trạng hôn nhân của anh S và chị L đã rơi vào trầm trọng. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm lại không cho rằng tình trạng hôn nhân chưa rơi vào trầm trọng vì anh S vẫn còn tình cảm với chị L. Vì vậy làm kết quả bản án chưa thực sự thuyết phục và cần có sự thống nhất quan điểm của các Thẩm phán và cho biết đâu là tình trạng hôn nhân rơi vào trầm trọng đúng nghĩa. Vụ án thứ hai: vụ việc ly hôn giữa bà Nguyễn Trần Hoài T và ông Võ Trung T (Bản án 18/2020/HNGĐ-ST ngày 11/05/2020 về ly hôn của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)[3]. Bà Nguyễn Trần Hoài T và ông Võ Trung T chung sống và tổ chức lễ cưới 2017, đến năm 2018 đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân phường D, thành phố Đ, tỉnh Lâm Đồng. Hôn nhân giữa hai bên tự nguyện, sau khi kết hôn vợ chồng cùng chung sống tại số 10/2 đường P, phường D, thành phố Đ, tỉnh Lâm Đồng. Theo bà T vợ chồng chỉ chung sống hòa thuận được vài tháng thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân mâu thuẫn do bất đồng quan điểm, không thể có tiếng nói chung, mâu thuẫn kéo dài nên tình cảm vợ chồng cũng không còn. Mặt khác sau khi kết hôn chung sống với nhau một thời gian dài nhưng có khó khăn trong việc sinh con nên quan hệ giữa vợ chồng trở nên căng thẳng. Đến nay đã ly thân được 08 tháng, bà nhận thấy vợ chồng không thể hàn gắn, cũng không còn tình cảm nên yêu cầu ly hôn ông T. Tại phiên tòa sơ thẩm, Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt xét tình trạng hôn 1904
  5. nhân giữa bà T và ông T thể hiện trong cuộc sống hai bên tồn tại mâu thuẫn kéo dài, các bên đều thừa nhận nguyên nhân do trong cuộc sống bất đồng quan điểm và không có tiếng nói chung, bên cạnh đó sự khó khăn trong việc sinh con chung cũng là nguyên nhân làm cho quan hệ giữa vợ chồng căng thẳng. Bà T cho rằng mâu thuẫn đã đến mức trầm trọng và không thể hàn gắn được nên vẫn giữ nguyên yêu cầu ly hôn. Và tuyên xử cho ly hôn giữa bà Nguyễn Trần Hoài T và ông Võ Trung T. Qua vụ việc trên cho thấy, việc đánh giá hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng không được cụ thể hóa mà chỉ dựa trên quan điểm cá nhân của Thẩm phán. So với vụ việc thứ nhất tình trạng hôn nhân không đáng kể nhưng vẫn được đánh đồng là rơi vào trầm trọng. Vậy phải cần thống nhất giữa các cấp xét xử như thế nào thì gọi là hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng để hoàn thiện và không mâu thuẫn trong việc xét xử. Xét thấy, từ hai bản án trên việc quy định căn cứ ly hôn như vậy là chưa hợp lý và gây khó khăn cho hoạt động xét xử. Việc xét xử không thống nhất ở các cấp xét xử vì nhìn nhận một vấn đề nhưng theo quan điểm khác nhau của cá nhân người xét xử. Nên khi áp dụng vào thực tiễn gây khó khăn cho công tác xét xử và làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. 3.2 Kiến nghị Luật HN&GĐ 2014 đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta, Luật HN&GĐ 2014 đã từng bước thay đổi và hoàn thiện cùng với quá trình hoàn thiện pháp luật nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần phải hoàn thiện mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành nhưng vẫn còn mang tính khái quát, chung chung gây khó khăn trong hoạt động xét xử. Đặc biệt là vấn đề đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân là một trong những căn cứ ly hôn quan trọng. Chính vì thế, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn quy định cụ thể hơn về việc đánh gía hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được là như thế nào. Cụ thể cần quy định rõ ràng hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng là khi vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần. Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần. Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình. 4 KẾT LUẬN Nhìn chung việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân theo Luật HN&GĐ 2014 là vấn đề được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Không thể phủ nhận trải qua các giai đoạn lịch sử Luật HN&GĐ 2014 đã phát triển và tiến bộ hơn, nhưng trên thực tế vẫn còn gây 1905
  6. khó khăn, bất cập và không đồng nhất trong hoạt động xét xử. Vậy nên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật các nhà lập pháp cần xem xét lại một cách thấu đáo nội dung liên quan về vấn đề đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân được quy định theo Luật HN&GĐ 2014. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ly hôn ở giới trẻ ngày nay và những hệ lụy đi kèm, 30/09/2020, Anh Kiệt. https://thanhgiong.vn/ly-hon-o-gioi-tre-ngay-nay-va-nhung-he-luy-di-kem-42279.html. [2] Bản án 04/2018/HNGĐ-PT ngày 19/03/2018 về xin ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-042018hngdpt-ngay- 19032018-ve-xin-ly-hon-32846. [3] Bản án 18/2020/HNGĐ-ST ngày 11/05/2020 về ly hôn của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an- 182020hngdst-ngay-11052020-ve-ly-hon-133786. [4] Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. [5] Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. [6] Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/12/2000 hướng dẫn một số nội dung Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. 1906
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2