intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển dịch vụ ngân hàng xanh: Nhìn từ hướng an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

12
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Phát triển dịch vụ ngân hàng xanh: Nhìn từ hướng an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt" tìm hiểu dịch vụ ngân hàng xanh và nội hàm của nó; an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; giải pháp đảm bảo an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng xanh;...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển dịch vụ ngân hàng xanh: Nhìn từ hướng an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG XANH: NHÌN TỪ HƯỚNG AN NINH TÀI CHÍNH TRONG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT ThS. Nguyễn Thành Minh Chánh ThS. Lê Văn Thắng Khoa Luật - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh Email: nguyenthanhminhchanh@iuh.edu.vn Tóm tắt: Dịch vụ ngân hàng điện tử hay hoạt động cho vay gắn với cam kết bảo vệ môi trường xã hội (MTXH) trở thành dịch vụ cốt lõi để phát triển dịch vụ ngân hàng xanh (NHX) của các ngân hàng thương mại Việt Nam (NHTM). Các dịch vụ này hoạt động song song với dịch vụ ngân hàng truyền thống và hiện nay chưa có chiến lược phát triển rộng rãi và phổ biến. Đặc biệt là với dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong những mảng dịch vụ quan trọng, thúc đẩy dịch vụ NHX của ngân hàng phát triển. Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử chính là phương thức sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Với sự phát triển của công nghệ, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam, nhưng cũng kéo theo những thách thức không hề nhỏ của sự gia tăng tội phạm tài chính. Cần có các giải pháp đồng bộ giải quyết các thách thức trên, tiến tới phát triền dịch vụ NHX trong giai đoạn tới. Từ khóa: tội phạm tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt, an ninh tài chính, dịch vụ ngân hàng xanh, dịch vụ ngân hàng điện tử. 1. Giới thiệu Để phát triển dịch vụ NHX, các NHTM phải tập trung phát triển hai mảng dịch vụ nòng cốt là dịch vụ tín dụng xanh và dịch vụ ngân hàng điện tử. Trong đó, dịch vụ ngân hàng điện tử hiện nay là mảng dịch vụ tương đối truyền thống, đang được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Riêng đối với dịch vụ tín dụng xanh là mảng dịch vụ có tính mới, chuyên biệt và đòi hỏi tính thông lệ quốc tế cao, buộc các ngân hàng cần có thời gian, các nguồn lực cần thiết đầu tư phát triển. Thiết nghĩ, trong giai đoạn đầu của việc tiếp cận và phát triển dịch vụ NHX, trước tiên các NHTM nên tập trung hoàn thiện và phát triển mảng dịch vụ ngân hàng điện tử đã có sẵn, tạo bàn đạp để phát triển dịch vụ NHX.Với xu hướng chuyển đổi số hiện nay của Việt Nam, dịch vụ ngân hàng điện tử đã và đang có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và giá trị giao dịch. Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử chính là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Để thúc đẩy phát triển dịch vụ NHX thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử, cần giải quyết các thách thức đặt ra trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là các vấn đề tội phạm tài chính, an Economy and Forecast Review 175
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP ninh thanh toán… Các giải pháp đồng bộ cần được đưa ra nhằm hỗ trợ hành lang pháp lý, kỹ thuật đảm bảo an ninh thanh toán, nhằm khuyến khích khách hàng gia tăng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần phát triển dịch vụ NHX, hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế. 2. Dịch vụ ngân hàng xanh và nội hàm của nó Hiện nay, chưa có một khái niệm thống nhất về dịch vụ NHX do trong các nghiên cứu về dịch vụ NHX các tác giả không đặt nặng vấn đề xây dựng khái niệm chính xác mà họ thường chú trọng đến lợi ích của dịch vụ NHX đối với MTXH. Jamil Sharif và Niluthpaul Sarker (2013) cho rằng, sản phẩm tài chính NHX phát triển có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giúp giảm lượng khí thải carbon. Cùng quan điểm, Agrawal (2014) cho rằng, NHX phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính hỗ trợ phát triển thương mại dựa trên các lợi ích về môi trường, bao gồm đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học, đầu tư vào quy trình và công nghệ sản xuất sạch hơn, trái phiếu và các quỹ tương hỗ dành cho môi trường. Trong nghiên cứu này, quan điểm dịch vụ NHX là dịch vụ ngân hàng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm giảm phát thải carbon thông qua việc ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như dịch vụ ngân hàng điện tử và cấp các khoản tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường sinh thái hoặc không gây hại cho môi trường. Dịch vụ NHX có một số đặc điểm, như sau: Thứ nhất, dịch vụ NHX là các dịch vụ ngân hàng không có tác động xấu đến môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và giảm lượng khí thải carbon. Thứ hai, sự phát triển công nghệ là một phần của dịch vụ NHX. Áp dụng công nghệ hiện đại trong việc quản lý dữ liệu thông tin giúp ngân hàng hạn chế nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ trong thúc đẩy các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt góp phần giảm lượng giấy tờ, sự gia tăng phát thải từ các phương tiện di chuyển của khách hàng. Thứ ba, chi phí để đầu tư vào các sản phẩm dịch vụ NHX lớn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị thúc đẩy dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển trong giai đoạn đầu thường yêu cầu nguồn vốn lớn. 3. An ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam 3. 1. Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam Với một nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ với tổng giá trị giao dịch năm 2021 khoảng 15 tỷ USD cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 15,7% vào năm 2025 (PWC Việt Nam, 2021) và theo Statista (2022), thì có 51,8 triệu người dùng thương mại kỹ thuật số tại Việt Nam vào năm 2021. Đến năm 2025, ước tính số lượng người dùng trong phân khúc này sẽ tăng lên 70,9 triệu. Số lượng người dùng thanh toán qua POS di động cùng lúc sẽ tăng từ 28,6 triệu lên khoảng 34,6 triệu. Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là nền kinh tế có dân số trẻ với 30% số người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (PWC Việt Nam, 2021); trong khi đó, lượng người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2020 là 88% với hình thức 176 Kinh tế và Dự báo
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP thanh toán qua ví điện tử chỉ 23% (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 2021). Từ các báo cáo trên cho thấy, Việt Nam sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiềm năng trong tương lai, đặc biệt với “Quy mô thị trường thanh toán di động Việt Nam được định giá 250 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 2.732 tỷ USD vào năm 2027, ​​ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 30,2% từ năm 2020 đến năm 2027” (Allied Market Research, 2021). Cùng với đó là những nỗ lực của Chính phủ trong thúc đẩy dịch vụ thánh toán không dùng tiền mặt thông qua các đề án, chính sách, như: Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020; Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Chỉ thị số 22/ CT-TTg, ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Thông tư số 37/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt liên ngân hàng quốc gia và Thông  tư  số 21/2020/TT-NHNN, ngày 31/12/2020 sửa đổi Thông  tư  37/2016/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt liên ngân hàng quốc gia do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành… đã góp phần định hướng cho chủ trương của Chính phủ hướng đến phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Song song với hành lang pháp lý, hạ tầng thanh toán phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng được cải thiện. Các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ, giải pháp mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả. Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn (Nguyễn Thị Thùy Hương, 2021). Mặt khác, các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng, như: eKYC, QR code, thanh toán không tiếp xúc..., đồng thời từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng, đó là: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế… Chính vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam thời Economy and Forecast Review 177
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP gian qua vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 4/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271.000 POS và hơn 19.000 ATM. Giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020 [8]. 3.2. Những thách thức về an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt Bên cạnh những kết quả đạt được, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng. Điều này được lý giải do các thách thức nội tại đặt ra trong môi trường thanh toán thay đổi quá nhanh, làm tăng nguy cơ rủi ro an ninh mạng cao hơn. Cụ thể như sau: Một là, thách thức từ an ninh mạng. Các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS&DDoS) ảnh hưởng đến các giao dịch yêu cầu các ứng dụng thanh toán truy cập theo thời gian thực vào các dịch vụ thanh toán bằng cách làm chậm, gián đọan hoặc đánh sập hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán dẫn đến người tiêu dùng không thể truy cập vào tài khoản thanh toán trực tuyến hay các cuộc tấn công trung gian (man in the middle attack) đánh cắp cơ sở dữ liệu của khách hàng bằng cách thay đổi giao diện; hoặc cài đặt phần mềm độc hại thông qua lỗ hổng bảo mật để xâm nhập và tấn công hệ thống thanh toán trực tuyến và đánh cắp dữ liệu. Theo Sách trắng Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021, tấn công lây nhiễm mã độc có xu hướng tăng, cụ thể năm 2018 là 1.090 cuộc, năm 2019 là 577 cuộc và năm 2020 là 2.234 cuộc và tấn công thay đổi giao diện cũng có xu hướng tăng trở lại khi năm 2018 la 4.377 cuộc đến năm 2019 giảm còn 1.432 cuộc và năm 2020 tăng lên 2.246 cuộc. Còn theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), tấn công ATP (tấn công có chủ đích) tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi với 48.646 cuộc tấn công trong 06 tháng đầu năm 2022, chủ yếu khai thác các lỗ hổng bảo mật (Minh Sơn, 2022). Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (2022) cho biết, Cục An toàn thông tin ghi nhận trong 5 tháng đầu năm đã có 5.463 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, gồm 930 cuộc Phishing, 776 cuộc Deface và 3.757 cuộc Malware Theo Báo Lao động ghi nhận từ phản ánh khách hàng là anh L.X.T có tài khoản tiền gửi của anh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị mất hàng chục triệu đồng, nghi vấn là do bị kẻ xấu chiếm đoạt, tấn công tài khoản của anh T liên tiếp có các giao dịch bất thường vào khoảng 16h48 ngày 17/12/2021, số tiền 25.800.000 đồng ở tài khoản BIDV của anh T đã bị chuyển vào một tài khoản thuộc ngân hàng Techcombank. Anh T khẳng định, mình không hề quen biết hay chủ động thực hiện giao dịch với chủ tài khoản này, đồng thời, không click vào bất cứ đường link lạ nào. Sau sự việc 178 Kinh tế và Dự báo
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP trên, anh L.X.T đã có đơn trình báo tới ngân hàng BIDV đề nghị kiểm tra, nhưng số tiền nghi bị kẻ xấu chiếm đoạt nêu trên vẫn chưa được làm rõ (Đình Trường, 2022). Các hiện tượng trên cho thấy, cơ sở hạ tầng và công tác quản lý an toàn thông tin chưa kịp với sự phát triển triển của thực tế, còn nhiều hạn chế, bất cập khi chưa có hệ thống mạng lưới quốc gia xử lý giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, mà vẫn trong tình trạng ai cần thì đầu tư phát triển dịch vụ riêng biệt, dẫn đến thiếu đồng bộ và không có sự gắn kết giữa các hệ thống thanh toán. Hai là, thách thức từ nhận thức về an toàn thông tin trong xã hội. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ khi lo ngại virus Corona có thể lây qua tiền mặt, nên nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lưỡng lự trong việc dùng tiền mặt kể từ khi đại dịch xảy ra và đã chọn phương thức thanh toán không tiếp xúc. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, mà chưa ý thức, hiểu biết nhiều không gian mạng, nên ý thức tuân thủ các quy định, quy chuẩn về an toàn thông tin chưa nghiêm túc, thiếu quan tâm đến các mối đe dọa hiện hữu bị đánh cắp thông tin cá nhân. Trong báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 10/8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam bị thu thập, chia sẻ trên mạng với với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau, được xem là mối đe dọa cho việc thanh toán không dùng tiền mặt với số lượng người tiêu dùng mất tiền trong tài khoản ngày càng phổ biến. Ba là, thách thức từ cơ sở pháp lý về an toàn thông tin. Mặc dù, Việt Nam có nhiều chính sách kiểm soát an toàn thông tin với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp điều chỉnh, như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Viễn thông năm 2009; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến quản lý, kiểm soát internet, mạng xã hội…, nhưng chế tài xử lý đối với bên có trách nhiệm quản lý, đảm bảo an toàn thông tin người tiêu dùng về bảo mật và quyền riêng tư, khi mà khả năng dễ bị tấn công và vi phạm dữ liệu, cũng như dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng được sử dụng phổ biến. Điều này dẫn đến người tiêu dùng dễ bị tổn thương bởi mọi giao dịch không dùng tiền mặt đều để lại dấu vết kỹ thuật số là danh tính, thông tin tài chính cơ bản, số tiền mua hàng, địa điểm, thời gian… Các thông tin này nếu không bảo mật đúng cách, thì các tác nhân độc hại có thể truy cập vào thông tin tài chính cá nhân. Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong bảo vệ người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt chưa được cụ thể hóa, dẫn đến khi có tranh chấp người tiêu dùng thường tự chịu rủi ro. 4. Giải pháp đảm bảo an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng xanh Để thúc đảm bảo an ninh tài chính trong thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nhằm thúc đẩy dịch vụ NHX phát triển trong thời gian tới, cần chú trọng những giải pháp chủ yếu sau: Economy and Forecast Review 179
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP 4.1. Nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật và quản lý thông tin mạng nhằm tăng cường khả năng bảo mật Một là, để nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ nên xây dựng hệ thống mạng lưới quốc gia xử lý giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt và tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như điều kiện tham gia, cung cấp dịch vụ thành toán không dùng tiền mặt nhằm tạo đồng bộ tạo gắn kết giữa các hệ thống thanh toán. Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực triển khai các cơ chế, chính sách quản lý internet và các dịch vụ mạng không được quan tâm đúng mức, còn xem nhẹ những mối đe dọa. Theo báo cáo Nhân lực an toàn thông tin mạng, thì số lượng nhân lực an toàn thông tin mạng được tuyền sinh gia tăng và số lượng nhân lực an toàn thông tin mạng tốt nghiệp tăng hàng năm (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2021), nhưng mức tăng không đáng kể dẫn đến lượng cán bộ quản lý còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu Đề án “Đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” của quốc gia. Còn số liệu công bố tại Tọa đàm trực tuyến “Đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin trong bối cảnh mới”, thì đến hết năm 2020, nhân sự lĩnh vực an toàn, an ninh mạng hiện có 50.000 người, trong khi ước tính đến hết năm 2021 sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực lĩnh vực này. Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực về an toàn, an ninh mạng mà nguyên nhân do trình độ khoa học kỹ thuật tại Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, để đảm bảo nguồn nhân lực thì Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng và hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin với các cường quốc về công nghệ thông tin, như: Nga, Mỹ, Ấn Độ, Úc..., để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh thông tin, bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống mạng quốc gia, giám sát mạng, phòng, chống tội phạm công nghệ cao và tích cực tham gia các hiệp định, các thỏa thuận giữa các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, bước đầu Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn một cường quốc công nghệ thông tin có mối quan hệ thân thiết, lâu đời là Nga để hỗ trợ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và quản lý thông tin mạng vì an toàn thông tin là một lĩnh vực nhạy cảm. 4.2. Nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt Để bảo vệ tốt nhất cho người người sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trước tiên, họ phải biết tự bảo vệ chính họ. Do đó, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về an toàn thông tin trên không gian mạng khi sử dụng các ứng dụng cung cấp trên không gian mạng để người sử dụng nhận diện được các nguy cơ, mối đe dọa đến an toàn thông tin cá nhân. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước cần quy định trách nhiệm cụ thể đối với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có trách nhiệm phổ biến, cảnh báo các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân. Đồng thời, cần có các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ khi thông tin cá nhân người dùng bị đe dọa cũng 180 Kinh tế và Dự báo
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP như trách nhiệm quản lý thông tin khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 4.3. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn thông tin trong thanh toán không dùng tiền mặt Mặc dù Việt Nam đã và đang quan tâm đến môi trường pháp lý trong thanh toán không dùng tiền mặt với hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam điều chỉnh vấn đề này. Nhưng các quy định liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro thanh toán, các biện pháp đảm bảo xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt chưa được cụ thể hóa, dẫn đến người sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thường phải tự chịu rủi ro khi có tranh chấp hay sự cố thanh toán xảy ra. Đặc biệt, trên không gian mạng, thì việc xác định chủ thể vi phạm, hành vi vi phạm liên quan đến chứng cứ điện tử không hề dễ dàng và còn nhiều bất cập (Nguyễn Thành Minh Chánh, 2021). Do đó, Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp các cơ quan chức năng liên quan tham mưu Quốc hội hướng dẫn chi tiết hoàn thiện các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin trong thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan mà cụ thể là Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về an ninh mạng và cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia là thành viên. 5. Kết luận Thanh toán không dùng tiền mặt tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các chủ thể tham gia giao dịch. Để giải quyết thách thức này, cần có giải pháp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và cộng đồng khách hàng trong việc hoàn thiện nền tảng pháp lý, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và nâng cao nhận thức. Thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các dịch vụ ngân hàng điện tử chính là bàn đạp thúc đẩy phát triển dịch vụ NHX trong tương lai.■ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Allied Market Research (2021). Thị trường thanh toán di động Việt Nam năm 2021, truy cập từ https://www.alliedmarketresearch.com/vietnam-mobile- payment-market 2. Agrawal (2014). Green banking in India: An Empirical study of commercial banks, An Empirical study of commercial banks, 2(4), 58-60 3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Sách trắng Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021 4. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2021). Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 5. Nguyễn Thành Minh Chánh (2021). Pháp luật về chứng cứ điện tử tại Việt Nam, truy cập từ https://tapchitoaan.vn/phap-luat-ve-chung-cu-dien-tu-tai- viet-nam Economy and Forecast Review 181
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP 6. Nguyễn Thị Thùy Hương (2021). Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, truy cập: https:// kinhtevadubao.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-o-viet-nam-thuc-trang-va- giai-phap-20816.html 7. Jamil Sharif, Niluthpaul Sarker (2013). Green Banking Practices by the Commercial Banks in Bangladesh: Emphasis on the Policy Guidelines of Phase I, Journal of Banking &Finanancial Servies, 7 8. Nhuệ Mẫn (2021).  Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh cả số lượng và chất lượng,  truy cập từ https://tinnhanhchungkhoan.vn/thanh-toan- khong-dung-tien-mat-tang-manh-ca-so-luong-va-chat-luong-post271755.html 9. PWC Việt Nam (2021). Cách mạng thanh toán: Định hướng đến 2025 và tầm nhìn tương lai 10. Statista (2022). Digital Payments in Vietnam 2022, retrieved from https://www.statista.com/outlook/dmo/fintech/digital-payments/vietnam 11. Statista (2022). Number of users of digital payments in Vietnam from 2017 to 2025, retrieved from https://www.statista.com/forecasts/1228387/ digital-payment-users-by-segment-vietnam#statisticContainer 12. Minh Sơn (2022). Xu hướng tấn công mạng đáng chú ý vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/xu-huong-tan- cong-mang-dang-chu-y-vao-viet-nam-6-thang-dau-nam-2022/806314.vnp 13. Đình Trường (2022). Liên tiếp các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng, truy cập từ https://laodong.vn/an-ninh-hinh-su/lien-tiep-cac-vu-mat-tien- trong-tai-khoan-ngan-hang-1026713.ldo 182 Kinh tế và Dự báo
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2