intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ ngân sách nhà nước

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

12
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật NSNN trong hệ thống Kho bạc nhà nước là công việc phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng và được điều chỉnh bởi nhiều chính sách, chế độ. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ ngân sách nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết để nắm được nội dung chi tiết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ ngân sách nhà nước

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ QUỸ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ENHANCING RISK CONTROL IN THE MANAGEMENT OF STATE BUDGET Ngày nhận bài : 18.10.2022 Ngày nhận kết quả phản biện : 23.11.2022 Ngày duyệt đăng : 10.12.2022 ThS. Đặng Quốc Hương ThS. Phạm Văn Đông Trường Đại học Tài chính - Kế toán Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi TÓM TẮT Quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) là quá trình tác động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến quỹ NSNN nhằm làm cho quỹ NSNN được hình thành và sử dụng đúng theo quy định của pháp luật, tránh bỏ sót nguồn thu và tình trạng thất thoát ngân quỹ, bảo đảm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm quỹ NSNN. Công tác quản lý quỹ NSNN theo quy định của Luật NSNN trong hệ thống Kho bạc nhà nước (KBNN) là công việc phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng và được điều chỉnh bởi nhiều chính sách, chế độ. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ NSNN là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. Từ khóa: Kiểm soát rủi ro, hoạt động quản lý quỹ NSNN. ABSTRACT State budget management is the impact process of the competent state agencies to the state budget in order to make the state budget be formed and used properly according to the provisions of law, avoid missing revenue sources and state budget loss, ensure efficient and economical use of the state budget. The management of the state budget according to the provisions of the Law on State Budget in the State Treasury system is a complicated job, it involves many levels, branches, subjects and is regulated by many policies and regimes. Therefore, enhancing risk control in state budget management is an urgent and very important task. Keywords: Risk control, the management of the state budget. 1. Đặt vấn đề Để tiến đến một nền hành chính “Chính phủ Điện tử” hoàn toàn trong tương lai gần; ngày 20 tháng 01 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP Quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Nghị định này quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, gồm: Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thu và hoàn trả các khoản thu NSNN qua KBNN; thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kiểm soát chi NSNN qua KBNN; thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN. Trong đó, trang thông tin dịch vụ công trực tuyến của KBNN (DVCTT) là trang thông tin điện tử, nơi cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực KBNN cho các đơn vị giao dịch với KBNN trên môi trường mạng. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện đến nay hệ thống DVCTT đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng NSNN thuộc đối tượng giao dịch qua DVCTT mức độ 4; tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN qua DVCTT đạt 100%. Điều này đã tạo nên nhiều thuận lợi cho các đơn vị quản lý và sử dụng NSNN, giao dịch trở nên “minh bạch, nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm và hiệu 34
  2. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN quả”. Kết quả sử dụng DVCTT đã đem lại sự hài lòng cho khách hàng, tiết kiệm ngân sách, đặc biệt rất tiện ích và an toàn chi tiêu ngân sách trong điều kiện COVID-19 diễn phiến phức tạp. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN, thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, hướng đến chuyển đổi số trong quản lý NSNN, tiến đến mô hình “Kho bạc Điện tử”, trong thời gian đến hệ thống KBNN sẽ sớm hoàn thành nhiều công năng, dịch vụ tiện ích trên hệ thống DVCTT để đưa vào sử dụng, tạo sự thuận lợi nhất cho các đơn vị quản lý và đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) để tiến đến số hóa trong mọi hoạt động của KBNN. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh nhiều ưu điểm vượt trội thì DVCTT cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, như: Tội phạm công nghệ; quản lý tài khoản, chứng thư số không chặt chẽ; phân công, phân nhiệm con người tham gia trong quy trình sử dụng DVCTT không đúng quy định; chưa chấp hành nghiêm quy trình thực hiện giao dịch điện tử;...Thực tế nhiều năm qua, đã từng xảy ra thất thoát tiền và tài sản Nhà nước từ các đơn vị quản lý và ĐVSDNS, như: Giao các thiết bị bảo mật điện tử cho cấp dưới thực hiện trong thời gian dài, tạo kẻ hở cho người thực thi nhiệm vụ có điều kiện chiếm dụng, chiếm đoạt vốn, gây thất thoát cho NSNN; lợi dụng quy trình còn sơ hở, hệ thống không kiểm soát tài khoản trung gian, lập chứng từ trùng lắp để chuyển tiền ra ngoài hệ thống nhằm chiếm đoạt vốn,... Trước yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN, việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ NSNN có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ rủi ro trong quá trình hoạt động. 2. Cơ sở pháp lý Tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/07/2017 của Bộ Tài chính (Thông tư số 77) hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ KBNN; Thông tư số 19/2020/TT-BTC ngày 31/03/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN; Công văn số 3545/KBNN-KTNN ngày 01/7/2020 của KBNN về hướng dẫn thực hiện Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN; Công văn số 2888/KBNN-KTNN ngày 21/6/2020 của KBNN về việc sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN. Nhằm đảm bảo cho quỹ NSNN được hình thành và sử dụng đúng theo quy định của pháp luật, tránh bỏ sót nguồn thu và tình trạng thất thoát ngân quỹ, bảo đảm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm quỹ NSNN. Bên cạnh các chính sách, chế độ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, KBNN ban hành các văn bản nhằm nhận diện, phòng ngừa và kiểm soát một số nghiệp vụ kho bạc có mức rủi ro cao trong quá trình thực hiện công tác tại hệ thống KBNN có thể dẫn đến gây mất an toàn tiền, tài sản nhà nước. Cụ thể, Quyết định số 5328/QĐ-KBNN ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành Quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước; Quyết định số 6464/ QĐ-KBNN ngày 10 thàng 12 năm 2021 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành Quy định kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kế toán tại hệ thống KBNN; Quyết định số 6910/QĐ-KBNN quy định về việc thực hiện đánh giá công chức trong quản lý rủi ro hoạt động nghiệp vụ kiểm soát chi, kế toán, thanh toán KBNN;... Việc quản lý rủi ro được thực hiện gồm các bước: Nhận diện rủi ro; đánh giá rủi ro; phòng ngừa, xử lý rủi ro và báo cáo rủi ro. Trong đó, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị thuộc KBNN trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro. 3. Tổng quan nghiên cứu về kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ NSNN Cho đến nay đã có một số nghiên cứu, bài viết trao đổi liên quan đến quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ KBNN, có thể kể đến như: Nghiên cứu của Ngô Thị Thanh Huyền (2021): Trên cơ sở các quy định về quản lý rủi ro đối với 35
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), tác giả đã nêu các hoạt động của KBNN nhằm khắc phục các rủi ro trong thanh toán, rủi ro trong hoạt động sử dụng NQNN và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro trong quản lý NQNN đảm bảo thực hiện an toàn, kiểm soát theo đúng quy định, không để xảy ra rủi ro trong thanh toán và trong sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Nghiên cứu của Nguyễn Công Điều (2021): Tác giả đưa ra những rủi ro thường tập trung ở lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ gồm: Rủi ro thông qua áp dụng văn bản pháp lý; rủi ro từ các quy trình nghiệp vụ; rủi ro xuất phát từ công nghệ và rủi ro từ con người vận hành. Trên cơ sở thực tiễn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát, hạch toán, thanh toán tại KBNN ở địa phương, tác giả nhận thấy cần nhận diện, đánh giá và kiểm soát rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ KBNN. 4. Thực trạng kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ NSNN Đối với hệ thống KBNN, rủi ro thường tập trung ở lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ bao gồm: Rủi ro về áp dụng các văn bản pháp luật; rủi ro từ quy trình nghiệp vụ; rủi ro từ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); rủi ro liên quan đến công tác bảo mật thông tin tài khoản và chứng thư số; rủi ro xuất phát từ con người,... Rủi ro về áp dụng các văn bản pháp luật Hiện nay, trên cơ sở các văn bản pháp quy do các cấp có thẩm quyền ban hành (quy định, hướng dẫn chế độ, chính sách về quản lý tài chính, NSNN nói chung và hoạt động nghiệp vụ KBNN nói riêng), các đơn vị trong hệ thống KBNN áp dụng để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, hạch toán, thanh toán vốn cho các đơn vị thụ hưởng. Tuy nhiên, các văn bản do nhiều cơ quan ban hành, kéo dài qua nhiều năm, hiệu lực thi hành của các điều khoản thay thế, bổ sung có nội dung liên quan đến nhiều văn bản khác nhau...Việc hướng dẫn thực hiện đôi khi chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, việc áp dụng giữa các địa phương cũng khác nhau và rủi ro xảy ra là điều khó tránh khỏi. Cụ thể: Thông tư số 324/2016/TT-BTC quy định hệ thống mục lục NSNN do Bộ Tài chính ban hành ngày 21/12/2016, trong quá trình KSC thường xuyên NSNN giữa các giao dịch viên (GDV) còn chưa thống nhất quan điểm khi đưa khoản chi vào mục, tiểu mục phù hợp. Một số khoản chi mang tính chất đặc thù, hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng được điều chỉnh bởi một số văn bản hướng dẫn được quy định như: “KBNN thực hiện kiểm soát, cấp phát, thanh toán...theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách qua KBNN”. Khi phát sinh những khoản chi này, việc kiểm soát còn nhiều lúng túng, chưa xác định khoản chi này kiểm soát theo hình thức thanh toán cho cá nhân hay hình thức chi khác để xác định hồ sơ chứng từ kèm theo cho phù hợp. Rủi ro từ quy trình nghiệp vụ KBNN đã ban hành đầy đủ các quy trình nghiệp vụ cho tất cả các hoạt động nghiệp vụ kiểm soát, hạch toán, thanh toán, kho quỹ,... Tuy nhiên, có một số quy trình hiện đã không còn phù hợp với thực tế cũng như với quy định của pháp luật hiện hành như: Quy trình giao dịch một cửa trong kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN (Quyết định số 1116/QĐ-KBNN ban hành ngày 24/11/2009); Thông tư số 84/2016/TT-BTC ban hành ngày 17/6/2016 hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa;... Các quy định tại các văn bản này hiện không còn phù hợp với Nghị định số 11. Từ khi Nghị định số 11 được ban hành và áp dụng đến nay, hầu như toàn bộ hồ sơ, chứng từ chi NSNN, chi từ tài khoản tiền gửi (trừ chứng từ bên khối Quốc phòng - An ninh) được thực hiện trên hệ thống DVCTT. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN ban hành theo Quyết định số 5716/QĐ-KBNN ngày 30/12/2016; Quy chế kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN theo Quyết định số 1402/QĐ-KBNN được ban hành trong điều kiện chưa triển khai DVCTT nên cũng có nhiều điểm không còn phù hợp, đặc biệt là công tác kiểm soát, giám sát từ xa. Điều này có thể dẫn đến một số rủi ro tiềm ẩn gây mất an toàn quỹ NSNN. 36
  4. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN Rủi ro từ ứng dụng công nghệ thông tin Một bước cải cách mang tính đột phá để đưa KBNN tiến nhanh đến Kho bạc điện tử chính là hệ thống DVCTT.  Đến nay thành công trong việc phủ sóng DCVTT không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố mà còn đến tận cấp huyện, xã là dấu ấn nổi bật của hệ thống KBNN. Tuy nhiên, chương trình DVCTT chưa bao quát hết các tình huống nghiệp vụ dẫn đến lỗ hổng trong khâu xử lý chứng từ, hạch toán và thanh toán. Cụ thể, hồ sơ sau khi đã được ký duyệt trên DVCTT giao diện sang TABMIS, hệ thống mới phát hiện không đủ quỹ, không đủ số dư để thanh toán. Lỗi này chủ yếu do đơn vị giao dịch chưa nắm chắc số dư tài khoản; phát hành chứng từ chưa đúng tổ hợp tài khoản kế toán theo quy định. Hay lỗi “kết hợp chéo”, nghĩa là dữ liệu trên DVCTT có mà trên hệ thống TABMIS chưa có hoặc ngược lại. Lúc này bắt buộc GDV phải khai báo thêm vào hệ thống mới thanh toán được. Mặt khác, việc chậm truyền báo Nợ cho đơn vị thụ hưởng NSNN trên chương trình DCVTT do phát sinh lỗi kỹ thuật, đường truyền,...làm cho các đơn vị chuyển lại chứng từ lần 2, gây khó khăn trong việc theo dõi chứng từ, thậm chí nhầm lẫn hoặc chuyển chứng từ thanh toán nhiều lần. Một số hồ sơ do hiện nay vẫn phải gửi kết hợp giữa gửi trực tiếp bằng giấy và gửi qua DVCTT như các hồ sơ thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoặc hợp đồng mua sắm có nhiều trang, scan với dung lượng quá 5 Mb không thể gửi qua DVCTT dẫn đến việc xử lý hồ sơ quá thời hạn. Rủi ro liên quan đến công tác bảo mật thông tin tài khoản và chứng thư số Bên cạnh nhiều tiện ích khi giao dịch trên hệ thống DCVTT mang lại thì khi thực hiện trên môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro rất dễ xảy ra khi không thực hiện nghiêm việc quản lý chứng thư số, chữ ký số và tài khoản chương trình. Việc giao nhận khi cấp chứng thư số không thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định số 612/QĐ-KBNN ngày 14/11/2011 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành quy định tạm thời về quản lý và sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong hệ thống KBNN, có tình trạng một số user phê duyệt, ký chứng từ đi thanh toán không phải trên máy tính của người phê duyệt mà được thực hiện trên máy tính của người khác, ví dụ: Giám đốc phê duyệt chứng từ từ máy tính cá nhân của Kế toán trưởng (KTT) hoặc GDV,... Lãnh đạo đơn vị KBNN, GDV, KTT không thực hiện đúng quy định về an toàn công nghệ thông tin; về quản lý, bảo mật mật khẩu tài khoản đăng nhập vào các chương trình TABMIS, thanh toán song phương điện tử, thanh toán liên ngân hàng; về quản lý, bảo mật mã pin, chứng thư số (giao hoặc để lộ mật khẩu tài khoản đăng nhập của mình cho người khác, rời khỏi chỗ làm việc nhưng chưa khóa màn hình máy tính cá nhân, chưa thoát khỏi chương trình kế toán thanh toán, chứng thư vẫn còn cắm trên máy,...) dẫn đến đối tượng lợi dụng để lập bút toán khống, phê duyệt giao dịch “khống” và ký số trên chương trình thanh toán. Đây chính là sơ hở trong việc quản lý NSNN dễ dẫn đến thất thoát. Rủi ro xuất phát từ con người Về phía đơn vị giao dịch với KBNN: Hiện nay các đơn vị giao dịch với KBNN đã áp dụng thực hiện giao dịch trên DVCTT đạt 100% (trừ các đơn vị thuộc khối Quốc phòng - An ninh), do đó tất cả chứng từ được gửi qua môi trường mạng đều có chữ ký điện tử. Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ tại KBNN cho thấy việc quản lý chứng thư điện tử của chủ tài khoản chưa thật chặt chẽ, độ bảo mật chưa cao. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực KBNN của một số đơn vị giao dịch chưa cao. Một số ĐVSDNS, trình độ nghiệp vụ của kế toán, chủ tài khoản cũng còn hạn chế nhất định, nhất là thao tác trên DVCTT nhiều khi còn lúng túng như gửi thiếu hồ sơ, lần đầu gửi đủ hồ sơ, nhưng khi sửa lỗi gửi lại gửi thiếu, hoặc gửi lại nhưng phát sinh lỗi mới... dẫn đến trả lại hồ sơ nhiều lần. Về phía đội ngũ công chức KBNN: Trình độ công chức thực hiện kiểm soát chi của KBNN hiện nay có thể nói khá cao. Tuy nhiên do khối lượng chứng từ trong ngày của GDV đôi lúc tăng đột biến, 37
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC TÀI CHÍNH KẾ TOÁN quá tải công việc nên có khả năng xảy ra rủi ro. Thêm vào đó, một số GDV nghiệp vụ chuyên môn chưa cao, khả năng và kinh nghiệm còn những hạn chế nhất định nên còn xảy ra nhiều sai sót trong hoạt động nghiệp vụ. Việc chấp hành pháp luật liên quan đến quản lý NSNN nói chung và hoạt động nghiệp vụ KBNN nói riêng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy, hệ thống văn bản hướng dẫn thay đổi, bổ sung thường xuyên, liên tục nên xảy ra tình trạng hiểu và áp dụng, cập nhật văn bản, chế độ mới tại một số KBNN địa phương có sự khác nhau. 5. Một số giải pháp đề xuất nhằm tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ NSNN Để rủi ro không xảy ra, hay xảy ra ở mức độ thấp thì chúng ta cần tiến hành nghiên cứu và phân loại các yếu tố tạo ra rủi ro để từ đó có biện pháp phù hợp tác động làm triệt tiêu, hoặc làm giảm hậu quả tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động nghiệp vụ của KBNN gây mất an toàn tài sản của Nhà nước. Trên cơ sở nhận định đó, có thể thực hiện một số giải pháp như sau: Giải pháp kiểm soát rủi ro về áp dụng các văn bản pháp luật và quy trình nghiệp vụ KBNN cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực nhất là các quy định về kiểm soát, thanh toán chi NSNN và phù hợp với điều kiện thực hiện trên hệ thống DVCTT. Giải pháp kiểm soát rủi ro từ ứng dụng công nghệ thông tin Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nhất là giảm thiểu rủi ro thì nhất thiết phải tự động hóa từ quy trình tiếp nhận, xử lý chứng từ trên DVCTT cho đến giao diện trên TABMIS và dữ liệu từ TABMIS sang chương trình thanh toán với ngân hàng thương mại. Việc hình thành dây chuyền tự động, kép kín, an toàn giữa DVCTT - TABMIS - Chương trình thanh toán cùng với quy trình xử lý sai xót chặt chẽ sẽ góp phần phòng ngừa rủi ro có hiệu quả trong hoạt động quản lý quỹ NSNN. Tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa thông qua số liệu từ các chương trình thanh toán, chương trình DVCTT và các ứng dụng khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm khai thác triệt để các dữ liệu sẵn có trên môi trường điện tử để từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử. Giải pháp kiểm soát rủi ro liên quan đến công tác bảo mật thông tin tài khoản và chứng thư số Thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách được giao theo từng chức vụ và vị trí công tác. Quán triệt đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm chuyên môn kế toán NSNN thực hiện đúng chức năng, phạm vi quyền hạn của mình, tuân thủ nghiêm quy trình kế toán, chi ngân sách từ nguồn vốn NSNN. Chấp hành nghiêm Luật số 51/2005/QH11 Giao dịch Điện tử ngày 29/11/2005 của Quốc Hội và Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Tăng cường bảo mật mật khẩu, chữ ký số, chứng thư số có chức năng giao dịch, thanh toán qua DVC- KBNN; tuyệt đối không giao mật khẩu, chữ ký số, chứng thư số (hoặc để lộ thông tin) của mình cho người khác, để phê duyệt các khoản chi từ nguồn vốn NSNN.   Giải pháp kiểm soát rủi ro xuất pháp từ con người Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, luôn nêu cao ý thức phòng ngừa nguy cơ mất an toàn tiền và tài sản của Nhà nước; dự liệu nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, có biện pháp ngăn chặn kẻ hở, không để người thi hành công vụ trong đơn vị có điều kiện thao túng, tự do thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để 100% ĐVSDNS, chủ đầu tư cài đặt và sử dụng ứng dụng cảnh báo rủi ro của KBNN. Tăng cường thông tin, tuyên truyền và thường xuyên trao 38
  6. ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN đổi thông tin đa chiều với các đơn vị giao dịch để nắm bắt tình hình hoạt động tài chính của đơn vị, nhằm kịp thời phát hiện những bất thường, những dấu hiệu mang tính cảnh báo để phòng ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra.  Các đơn vị giao dịch với KBNN cần thực hiện tải  ứng dụng “Cảnh báo rủi ro” của hệ thống KBNN (mã ký hiệu KBNN) từ cửa hàng Apple Store hoặc CH Play về thiết bị di động thông minh của mình, để nắm bắt tình hình biến động số dư tài khoản của đơn vị mình tại KBNN, trạng thái xử lý giao nhận hồ sơ, chứng từ yêu cầu thanh toán,...để theo dõi và kiểm soát tình trạng thanh toán các khoản chi tại đơn vị. Ngoài việc cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên điện thoại di động, các ĐVSDNS cần quan tâm hơn trong việc quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số, tài khoản đăng nhập chương trình DVCTT để giao dịch gửi hồ sơ kiểm soát chi NSNN qua hệ thống DVCTT của KBNN đảm bảo chặt chẽ theo quy định của Luật Kế toán, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, Thông tư số 185/2019/TT- BQP ngày 04/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và các quy định của pháp luật hiện hành. Tuyệt đối không được giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình DVCTT của mình cho người khác quản lý; kiểm soát chặt chẽ số liệu kế toán, thanh toán, số dư tài khoản trên các mẫu đối chiếu với KBNN; thực hiện đúng nguyên tắc bất kiêm nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị; đăng ký các chức danh trên DVCTT đúng với thành phần trong hồ sơ mở và sử dụng tài khoản đã đăng ký với KBNN; kịp thời thu hồi, cấp mới các tài khoản đăng nhập DVCTT đúng quy định. 6. Kết luận Tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động quản lý quỹ NSNN là công tác cấp thiết và rất phức tạp, vì vậy trước hết cần coi trọng và thực hiện thường xuyên, tìm hiểu, đánh giá các nhân tố tác động gây ra rủi ro và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết một cách toàn diện, chính xác nhằm xây dựng một nền tài chính “lành mạnh, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả”, tiến đến một nền tài chính số hóa,góp phần đẩy nhanh tiến trình hoàn thành “Chính phủ điện tử”. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2020), Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. 2. Chính phủ (2016), Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước. 3. Kho bạc Nhà nước (2020), Quyết định số 5328/QĐ-KBNN ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước. 4. Th.s Ngô Thị Thanh Huyền (2021), Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, Tạp chí Quản lý ngân quỹ Quốc gia, số 228, tháng 6/2021. 5. Ths. Nguyễn Công Điều (2021), Nhận diện và kiểm soát rủi ro trong hoạt động Kho bạc Nhà nước, Tạp chí Quản lý ngân quỹ Quốc gia, số 228, tháng 6/2021. 6. Thành Thái (2022), Quản lý quỹ ngân sách hiệu quả, cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ, Tạp chí Quản lý ngân quỹ Quốc gia, số 241, tháng 7/2022. 7. http://kbnn.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=109&Group=96&NID=9890&neu-cao-y-thuc-phong- ngua-de-han-che-rui-ro-trong-hoat-dong-quan-ly-quy-ngan-sach-nha-nuoc. 39
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2