intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng tự chủ đại học tại Việt Nam hiện nay và một số giải pháp

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

12
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thực trạng tự chủ đại học tại Việt Nam hiện nay và một số giải pháp" trình bày thực trạng tự chủ đại học ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và đưa ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển tự chủ đại học ở Việt Nam và hội nhập quốc tế. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng tự chủ đại học tại Việt Nam hiện nay và một số giải pháp

  1. THỰC TRẠNG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP Đào Thị Bích Hiệp1 Trường Đại học Tài chính - Kế toán Abstract The regulations of the Law on Higher Education of Vietnam that university autonomy consists of three main components: academic autonomy; autonomy in organization and personal; financial and property autonomy. Although university autonomy in Vietnam has been stipulated in the law and has been amended and supplemented many times, there are still many obstacles in implementation. The article presents the current situation of university autonomy in Vietnam in the current period and offers some solutions to promote the development of university autonomy in Vietnam and international integration. Keywords: University autonomy, Law higher education, academic autonomy, organizational and personal autonomy, financial and property autonomy. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học đã được nhắc tới từ cách đây hai thập kỷ. Năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình nghị sự cải cách giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020, trong đó tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) được xác định là biện pháp chính nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng GDĐH. Đây là vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm với nhiều luồng ý kiến khác nhau, đặc biệt từ khi Quốc hội thông qua quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục (2005), Luật Giáo dục đại học (2012). Bắt đầu thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Mặc dù các nhà quản lý đã khẳng định tự chủ đại học là con đường một chiều của giáo dục đại học Việt Nam nhưng trên con đường ấy vẫn còn những vướng mắc cản trở quá trình tự chủ của các trường, Nhà nước và các trường đại học ở nước ta cần có sự thống nhất từ quan điểm tới hành động trong vấn đề này. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TỰ CHỦ ĐẠI HỌC Theo Từ điển tiếng Việt (1992), “Tự chủ là tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối.” [6] Điều lệ trường đại học, ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự” [10]. Khoản 11, Điều 4, Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định: “Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học” [9]. 1 daothibichhiep@tckt.edu.vn 636
  2. Có thể thấy quyền tự chủ không có mục đích tự thân mà nó là một công cụ quản lý do nhà nước giao cho các trường với niềm tin rằng một khi nhà trường đã được tự quyết định các vấn đề có liên quan trực tiếp đến tổ chức, tài chính, nhân sự và các hoạt động của mình thì chất lượng và hiệu quả đào tạo sẽ được nâng cao, tỷ lệ thuận với uy tín và trách nhiệm xã hội của mỗi trường. 3. THỰC TRẠNG VỀ TỰ CHỦ ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) được ban hành năm 2018 quy định quyền tự chủ của cơ sở GDĐH bao gồm: Quyền tự chủ trong học thuật, quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự, quyền tự chủ trong tài chính và tài sản đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho các nhà quản lý trong việc điều hành cơ sở của mình. Mặc dù đã được luật hóa và qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng tự chủ đại học tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể: 3.1. Tự chủ tài chính và tài sản 3.1.1. Tự chủ tài chính Ba nguồn thu chính tại các trường đại học công lập bao gồm: ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, thu từ các hoạt động dịch vụ, từ hiến tặng, từ hợp tác công - tư...). Trong đó, ngân sách nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất của các cơ sở đại học công lập. Còn lại, nguồn thu chủ yếu của nhà trường đến từ học phí, đa phần các trường chưa có hoặc có rất ít nguồn thu từ hoạt động khoa học, công nghệ và nguồn thu từ các dịch vụ khác. Hệ thống GDĐH Việt Nam đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn. Nó chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tại buổi tọa đàm trực tuyến ngày 18/10/2022, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho GDĐH chưa đến 17.000 tỉ, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỉ. Nếu tính theo con số thực chi là 0,18% GDP, thấp hơn nhiều so với con số của các nước trong khu vực và thế giới. Hàng năm, nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5%-15% chi thường xuyên, [7]. Mức độ tự chủ gia tăng đồng nghĩa với việc nguồn từ ngân sách giảm dần. Nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác, thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Rõ ràng, việc tăng học phí sẽ là một gánh nặng lớn với SV nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo hoặc tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ đại học. Vì thế, dù mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng nhưng nguồn lực lại hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở GDĐH công lập. Đây là hệ lụy được nhìn thấy rõ khi tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận GDĐH giữa những người dân có thu nhập khác nhau. Bên cạnh đó, các quy định về chính sách tín dụng cho SV chưa được chú trọng, nhìn chung vẫn mang tính chất chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho GDĐH. Việc sử dụng nguồn lực tài chính của một số cơ sở GDĐH chưa tích cực, chưa hướng đến mục tiêu chất lượng đào tạo như chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá, không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ SV nghèo hiếu học… 637
  3. Về chính sách thu học phí: chưa có sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 với Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021 [4] của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định mức trần học phí. 3.1.2. Tự chủ tài sản Về chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn, Quyết định 1672/QĐ-BGTVT ngày 14/9/2021 [2] Quy định về phân cấp, ủy quyền trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Giao thông vận tải quản lý không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học 2018; Luật Ngân sách không đồng bộ với việc hội đồng trường được phê duyệt kế hoạch, quyết toán tài chính; Chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác công - tư cho các trường đại học tự chủ; Chưa có chính sách pháp luật (ví dụ như chính sách về miễn trừ thuế) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng trực tiếp cho trường đại học. 3.2. Tự chủ tổ chức và nhân sự 3.2.1. Tự chủ tổ chức Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng trường đại học được quy định tại khoản 3 điều 20 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, (có hiệu lực 01/07/2019), nhưng hiệu trưởng của các trường đại học công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền này, đặc biệt là ở các cơ sở GDĐH chịu sự kiểm soát quản lý trực tuyến của nhiều Bộ ngành liên quan ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc phân định về vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong các cơ sở GDĐH chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn tới vị thế của Hội đồng trường, Chủ tịch hội đồng trường trong một trường đại học tự chủ còn mờ nhạt, chưa phát huy những quyền được quy định trong Nghị định số 99/NĐ-CP [5]. Hội đồng trường được quy định nhiều quyền nhưng không gắn với trách nhiệm và lợi ích. Việc thực hiện chức năng giám sát điều hành và quản lý đối với Ban giám hiệu, Hiệu trưởng theo quyết nghị của Hội đồng trường chưa thực hiện đầy đủ. Nhận thức của các thành viên hội đồng trường còn hạn chế, nhiều thành viên hội đồng trường chưa hiểu rõ chức năng và thể thức hoạt động của Hội đồng trường cũng như trách nhiệm, quyền hạn của mình. 3.2.2. Tự chủ về nhân sự Hiện nay, công tác quản trị nhân sự đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, trong đó nổi lên một số vấn đề, đó là: Nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao trong các cơ sở GDĐH đang biến động do tác động của xu thế hội nhập quốc tế với sự xuất hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình và cơ chế quản trị nhân sự trong các trường đại học chậm đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của GDĐH trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Năng lực quản trị nhân sự của nhiều cơ sở GDĐH còn hạn chế chưa đủ khả năng đổi mới phương thức quản lý thích ứng với môi trường cạnh tranh nguồn nhân lực, chẳng hạn để điều hành một trường đại học hiệu quả thì người đứng đầu trường không chỉ là một Hiệu trưởng mà còn là một CEO đúng nghĩa. 638
  4. Hệ thống văn bản pháp lý chưa đồng bộ, còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật như: luật công chức, luật viên chức, luật lao động…, nhiều quy định chưa kịp thay đổi với chủ trương tự chủ đại học. Trong tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đãi ngộ cán bộ, giảng viên (GV) về lý thuyết là được quyền quyết định nhưng thực tế chưa thực hiện được vì cán bộ, GV trong trường công lập đều là viên chức nhà nước nên mọi điều chỉnh, quyết định đều phải thực hiện theo pháp luật, do đó đã gây khó khăn cho các trường trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động và thu hút GV giỏi về làm việc cho trường. 3.3. Tự chủ học thuật Trong những quyền cơ bản của các trường đại học, tự chủ học thuật được đánh giá là có cơ chế thông thoáng nhất hiện nay, giúp cơ sở giáo dục chủ động đổi mới và phát triển công tác đào tạo, tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng và thay đổi diện mạo GDĐH. Cụ thể, các trường đại học đã chủ động mở ngành mới, đề án tuyển sinh đa dạng, phương thức tuyển sinh và công khai xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chủ động đổi mới và cập nhật ban hành chương trình, nội dung đào tạo, ngôn ngữ đào tạo, phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, phương pháp đánh giá, nhiều trường đã hoàn thành công tác tự đánh giá và có chứng nhận kiểm định chất lượng, công bố công khai tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tự chủ học thuật vẫn còn một số tồn tại như: Các đơn vị quản lý, lãnh đạo, đơn vị triển khai thực hiện vẫn chưa nhận thức được tự chủ học thuật là nhu cầu tự thân của GDĐH. Chưa thấy được tự chủ học thuật gắn liền với năng lực nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu các trường đại học. Năng lực GV chủ chốt đứng mở ngành quyết định thành hay bại tự do học thuật. Nhiều chương trình đào tạo đại học và sau đại học thành công khi có GV chủ chốt đứng mở ngành được đào tạo từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới; Chưa thấy được tự chủ học thuật cần cân bằng giữa học thuật và nhu cầu thị trường. Một mặt có xu hướng thiên về đào tạo theo nhu cầu thị trường, tức là đáp ứng nhu cầu thị trường hơn là đảm bảo học thuật chuẩn quốc tế. Mặt khác nhiều đơn vị đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những kiến thức ngành mà xã hội cần thì lại thiếu. Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu môn của mã ngành chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Vấn đề nữa ở nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay là định mức khối lượng kiến thức theo tín chỉ cao như quốc tế, trong khi phương pháp dạy và học lạc hậu ở phần lớn trường đại học nước ta sẽ dẫn đến cắt giảm chương trình, hạ thấp chất lượng đào tạo. Thông tư 17/2021/TTBGDDT [1] quy định: “Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành; Chương trình đào tạo thạc sĩ: 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành; Chương trình đào tạo tiến sĩ: 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành” rất cứng nhắc cho các trường đại học, bởi vì số giờ lên lớp ở các đại học quốc tế rất ít so với số giờ tự học, như quy định tín chỉ theo định mức 639
  5. châu Âu ETCS (60 giờ tín chỉ một năm học) có thể phù hợp hơn với nhiều trường đại học nước ta, nhưng chưa được khuyến khích sử dụng. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP 4.1. Tự chủ tài chính và tài sản 4.1.1. Về phía Nhà nước Tăng ngân sách nhà nước cho GDĐH nhưng đổi mới phân bổ ngân sách theo hướng chi theo "đặt hàng" trường ĐH để triển khai các chương trình, đề án nghiên cứu khoa học, thúc đẩy chất lượng. Điều này sẽ tác động đến toàn hệ thống của cơ sở GDĐH và có chính sách chi trực tiếp vào người học. Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ Ngừng cấp ngân sách chi thường xuyên (có thể là khoảng 25%, 50%, 75% tùy từng cơ sở GDĐH) sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình. Hoàn thiện nhanh chóng các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công - tư; nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ; thúc đẩy đầu tư, hiến tặng; miễn, giảm thuế đối với các nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.... Ngoài ra, chính sách tín dụng với SV cũng cần điều chỉnh phù hợp. Trong đó, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng SV. Điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho SV có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Giảm mức lãi suất cho vay đối với SV, điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay. Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho SV. Như ở Úc, một mặt các trường đại học đưa ra mức học phí khá cao nhưng mặt khác Chính phủ lại đưa ra các chương trình hỗ trợ hợp lý. Chẳng hạn, nếu SV và gia đình không có khả năng chi trả tiền học phí thì hoàn toàn có thể mượn tiền của Chính phủ để đóng, với lãi suất bằng không. Số tiền vay mượn này sẽ được kết nối với sở thuế để khi SV ra trường có việc làm với thu nhập trên mức tối thiểu nào đó thì sẽ tự động khấu trừ dần hoặc phối hợp với ngân hàng cho SV vay trong trường hợp ngân sách của Chính phủ bị hạn chế. Phải xem các trường đại học như một bộ não tư vấn vì nó vừa trân trọng tri thức trước mỗi quyết định lớn, vừa cung cấp một nguồn kinh phí quan trọng để các trường duy trì và nâng cao năng lực nghiên cứu. 4.1.2. Về phía cơ sở GDĐH Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động, tận dụng mọi khả năng để tăng nguồn thu khác (nhận đặt hàng đào tạo, nghiên cứu của Nhà nước, tổ chức và cá nhân; thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao; thu từ đầu tư của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; bổ sung từ kết quả hoạt động hằng năm của cơ sở giáo dục đại học; từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ cộng đồng, đầu tư tài chính; thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khoản thu dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động đào tạo; nguồn vốn vay và nguồn thu hợp pháp khác). Để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực đầu tư cho GDĐH. Cơ sở GDĐH phải xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở mình; Xây dựng chính 640
  6. sách, kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; Tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; Định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH. Hàng năm các cơ sở GDĐH phải có sự minh bạch về tài chính và phải có trách nhiệm giải trình trước Nhà nước, chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền, người học, xã hội... như: Công khai báo cáo hằng năm về các chỉ số kết quả hoạt động trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với chủ sở hữu và cơ quan quản lý có thẩm quyền; Giải trình về mức lương, thưởng và quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ sở giáo dục đại học tại hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động; thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hằng năm, kiểm toán đầu tư và mua sắm. 4.2. Tự chủ tổ chức và nhân sự Để tự chủ tổ chức và nhân sự trở nên chủ động thì các cơ sở GDĐH nên: Bám sát và phát huy tối đa những quyền được quy định trong Nghị định 99/NĐ-CP đề phân định rõ về vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong quản lý điều hành trường Đại học. Phải kiện toàn lại bộ máy giúp việc cho Hội đồng trường, nâng cao nhận thức của các thành viên hội đồng trường về chức năng, thể thức hoạt động cũng như trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường. Bởi vì Hội đồng trường thay mặt cho cả Nhà nước và các bên có lợi ích liên quan, thay mặt cho xã hội và đại diện cho lợi ích công, để định hướng và giám sát hoạt động của bộ máy quản lý - điều hành nhà trường, đảm bảo cho trường phát triển với sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể và xã hội và là một bộ phận quan trọng quyết định các kế hoạch, đề án, chiến lược phát triển, tổ chức nhân sự, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác Quốc tế của cơ sở GDDH. Phải chủ động rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Chủ động tăng số lượng GV và giảm số lượng lao động khối hành chính; đồng thời xây dựng các chế độ đãi ngộ để thu hút đội ngũ GV, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho GV. Xây dựng và phát triển đội ngũ GV theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội; thực hiện tiêu chuẩn cán bộ quản lý, GV, các nhà nghiên cứu khoa học; nhanh chóng xây dựng quy chế tuyển dụng, làm việc, đề bạt cán bộ quản lý, GV và nghiên cứu viên để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV trong quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý và điều hành hoạt động của cơ sở giáo dục đại học hiệu quả hơn; huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. 4.3. Tự chủ học thuật Tự chủ học thuật là cốt lõi, là nền tảng, là động lực tự thân của GDĐH. Nếu không đảm bảo được tự chủ học thuật thì rất khó thực hiện tự chủ đại học. Nghiên cứu kinh nghiệm của EU và các quốc gia OECD cho thấy, tự chủ học thuật có vai trò quan trọng trong tự chủ đại học bởi vì nó là điều kiện cơ bản nhất để tự chủ đại học thành công. Vì vậy, để thực hiện được tự chủ học thuật, cả Nhà nước và cơ sở GDĐH cần phải: 641
  7. 4.3.1. Về phía Nhà nước Quyền tự chủ học thuật trong GDĐH cần xác định rõ hơn: Trong các cuộc thảo luận về tự chủ đại học, tự chủ học thuật vẫn là một khái niệm xa lạ và hiếm khi được nhắc đến. Vì vậy, cần tăng cường nhận thức cho cả phía cơ quan quản lý Nhà nước và phía các trường đại học và đội ngũ GV chủ chốt về ý nghĩa của tự chủ học thuật. Nhà nước cần có chính sách ủng hộ, thúc đẩy và bảo đảm tự do học thuật như là giá trị cốt lõi của tự chủ đại học, cơ quan quản lý có trách nhiệm giám sát và đánh giá đảm bảo tuân thủ theo quy phạm pháp luật. Thiết lập 1 khung tham chiếu cho tự chủ học thuật ở mức thấp nhất từ khâu mở ngành đến khâu cấp bằng, để các trường đại học thực hiện, bắt buộc công khai minh bạch trên website và phương tiện thông tin đại chúng, chịu sự kiểm tra giám sát, đánh giá của cả xã hội và cơ quan quản lý nhà nước. 4.3.2. Về phía cơ sở GDĐH Cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế cho phép và khuyến khích tự do học thuật như là một khía cạnh của tự chủ đại học để phát huy tốt nội lực của đội ngũ GV. Tăng cường quốc tế hóa học thuật, khuyến khích phát triển học thuật, trao đổi học thuật trong và ngoài nước, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế: CDIO, POHE, chương trình tiên tiến, chương trình PFIEV, chương trình chất lượng cao và các chương trình liên kết quốc tế khác; rà soát chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn AUN-QA, thậm chí chuẩn chất lượng EU hoặc Hoa Kỳ. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, đặc biệt là quản lý về học thuật, đội ngũ này nên được đào tạo từ lĩnh vực quản lý GDĐH và có kinh nghiệm làm việc ở trường đại học. Xây dựng đội ngũ GV chủ chốt trình độ cao, nhất là GV đầu ngành hoặc ít nhất có 1 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế đầu ngành, bởi vì đây là mấu chốt thành công của tự chủ học thuật trong các trường đại học. Quản lý nguồn nhân lực chuyên nghiệp sẽ đảm bảo tự chủ học thuật. Chú trọng đầu tư thích đáng nghiên cứu khoa học theo định hướng học thuật, có nghiên cứu khoa học tốt thì tự chủ học thuật mới thành công. Tăng cường giao lưu trao đổi học thuật cả nội bộ và cả trong nước và quốc tế, tổ chức hội thảo trao đổi, bồi dưỡng thường xuyên và phổ biến những kinh nghiệm thành công. Thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo theo hướng gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ năng thực hành cho cả người dạy và người học; tăng cường liên kết với doanh nghiệp; liên thông đào tạo giữa các ngành, các trường trong và ngoài nước; mở các ngành học mới theo nhu cầu của thực tiễn và theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. 5. KẾT LUẬN Tự chủ đại học là một chủ trương quan trọng của Đảng, Chính phủ để phát triển nguồn lực chất lượng cao, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và để GDĐH Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Vì vậy, các cơ sở GDĐH phải lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xã hội, để không là gánh nặng đối với người học, đồng thời nâng cao tính độc lập, chủ động, năng động, sáng 642
  8. tạo, mạnh mẽ hơn của cơ sở GDĐH từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến thay đổi chương trình đào tạo và khẳng định thương hiệu. Việt Nam là một Quốc gia đang phát triển, nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vừa trải qua giai đoạn dịch Covid 19, cho nên quá trình tự chủ đại học cũng cần một lộ trình tương đối dài. Để làm được điều đó đòi hỏi có sự “hợp tác chặt chẽ” giữa các Bộ, Ngành và các cơ sở GDĐH để quá trình ấy được ngày càng hoàn thiện hơn. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, Thông tư 17/2021/TTBGDDT ngày 22 tháng 06 năm 2021. [2] Bộ Giao thông vận tải (2021), Quyết định quy định về phân cấp, ủy quyền trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công do bộ giao thông vận tải quản lý, Quyết định 1672/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2021. [3] Chính Phủ (2015), Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015. [4] Chính phủ (2021), Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 08 năm 2021. [5] Chính Phủ (2021), Nghị định quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021. [6] Hoàng Phê (1992), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng (1992). [7] Quang Trường (2022), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: 0,18% GDP thực chi cho giáo dục đại học là còn thấp. Nguồn: https://dantri.com.vn, ngày 19/10/2022. [8] Quốc hội (2015), Luật ngân sách nhà nước, Luật số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015. [9] Quốc hội (2018), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018. [10] Thủ tướng Chính phủ (2003), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành "điều lệ trường đại học", Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2003. [11] Trang Thiều (2022), Đầu tư tài chính cho giáo dục đại học Việt Nam đang rất thấp. Nguồn: https://laodong.vn, ngày 18/10/2022. 643
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2