intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tự chủ đại học nhìn từ thế giới và thực trạng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Chia sẻ: Quang Lê | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

53
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ở Việt Nam, tự chủ đại học đã được triển khai và ban hành chính sách từ nhà nước từ khá sớm. Đến nay, các trường đại học đã đạt được một số quyền tự chủ nhất định. Song, trên thực tế, tự chủ đại học đang đối mặt với nhiều vấn đề như sự quản lý, giám sát từ phía Bô giáo dục, các luật định chồng chéo trên các lĩnh vực, khiến cho việc tự chủ đại học đang bị trói buộc và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để tự chủ đại học được thực hiện một cách triệt để, cần có sự điều tiết, hoạch định lại luật pháp trên các lĩnh vực để tránh sự chồng chéo giữa luật và quỳền tự chủ đại học. Bên cạnh đó, cần tăng thêm quyền tự chủ cho các trường đại học nhất là quyền tự do học thuật.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tự chủ đại học nhìn từ thế giới và thực trạng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

  1. TỰ CHỦ ĐẠI HỌC NHÌN TỪ THẾ GIỚI VÀ THỰC TRẠNG CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Nguyễn Thị Huyền Thảo Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM Tóm tắt Trên thế giới, tự chủ đại học đã bắt đầu từ rất sớm. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, các trường đại học đã từng bước được quyền tự chủ trên các lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của cơ sở giáo dục. Hiện nay, có nhiều mô hình về tự chủ như: tự chủ hoàn toàn, bán tự chủ và tự chủ từng phần. Tiêu biểu như Hoa Kỳ, Singapore hay Nhật Bản. Bên cạnh đó, vẫn còn những quốc gia vẫn chưa được tự chủ đại học như Malaysia. Ở Việt Nam, tự chủ đại học đã được triển khai và ban hành chính sách từ nhà nước từ khá sớm. Đến nay, các trường đại học đã đạt được một số quyền tự chủ nhất định. Song, trên thực tế, tự chủ đại học đang đối mặt với nhiều vấn đề như sự quản lý, giám sát từ phía Bô giáo dục, các luật định chồng chéo trên các lĩnh vực, khiến cho việc tự chủ đại học đang bị trói buộc và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để tự chủ đại học được thực hiện một cách triệt để, cần có sự điều tiết, hoạch định lại luật pháp trên các lĩnh vực để tránh sự chồng chéo giữa luật và quỳền tự chủ đại học. Bên cạnh đó, cần tăng thêm quyền tự chủ cho các trường đại học nhất là quyền tự do học thuật. Từ khoá: đại học, tự chủ, quản lý, pháp luật, giáo dục 1. ĐẶT VẤN ĐỀ. Đổi mới giáo dục toàn diện là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục và là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị nước ta. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Kể từ khi Nghị Quyết 29 TW về đổi mới giáo dục toàn diện đã tạo động lực cho những nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học tham gia vào các hoạt động để thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng và Nhà nước đề ra. Đến nay, giáo dục đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ chính sách đến thực tiễn và mang lại những hiệu quả đáng kể. Giáo dục phổ thông đã có nhiều thay đổi ấn tượng và được nghi nhận như một sự kiện nổi bật của giáo dục khu vực, góp phần đưa giáo dục Việt Nam vào các bảng đánh giá, xếp hạng với các nước có nền giáo dục phát triển. Trong bối cảnh đó, giáo dục đại học nước ta cũng đang trong quá trình chuyển động, đổi mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và thế giới. Kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục đại học phát triển đó chính là việc tự chủ trong điều hành, quản lý, nội dung, chương trình giảng dạy và tuyển sinh...Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, tự chủ đại học được đề cập nhiều, vì đây là cách để cho các trường đại học được cởi trói, phát triển theo hướng riêng của mình trong sự phát triển chung của giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, tự chủ đại học đang đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai và thực hiện. Vậy, tự chủ đại học là gì? Tự chủ trên thế giới như thế nào? Ở Việt Nam tự chủ đại học hiện nay như thế nào? Bài viết trình bày và phân tích một số vấn đề về tự chủ đại học nhìn từ thế giới và thực trạng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 491
  2. 2. Tổng quan về tự chủ đại học Theo từ điển tiếng Việt, tự chủ là tự điều hành, quản lí mọi công việc của mình, không bị ai chi phối1. Điều này có nghĩa, tự chủ là khả năng tự điều hành, quản lý công việc của một cá nhân hay một nhóm người trong tổ chức để đạt được hiệu quả trong công việc. Như vậy, tự chủ là khả năng tự điều hành và quản lý mọi công việc của một cá nhân hay một tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả cao nhất có thể. Tự chủ đại học là gì? Theo báo cáo đề dẫn của Debreczeni (2002) trong Hội thảo quốc tế “Tự chủ và tự chịu trách nhiệm của tổ chức” thì tự chủ đại học được hiểu là tự chủ thể chế (institutional autonomy)2. Nghĩa là tự chủ là dạng điều kiện cho phép một tổ chức giáo dục đại học điều hành hoạt động mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Sự tự do trong công việc sẽ thúc đẩy sự năng động và sự phát triển của từng cá nhân và kéo theo đó là sự vững mạnh của cơ sở giáo dục đại học. Trên thực tiễn, tự chủ trong giáo dục đại học diễn ra trên các phương diện sau: - Tự chủ thực chất (substantive autonomy): trường đại học có quyền xác định các chương trình học tập và mục đích của những chương trình này. - Tự chủ thủ tục (Procedural autonomy): trường đại học có quyền xác định các phương tiện cần thiết để hoàn thành các ưu tiên đáp ứng với các nhiệm vụ nằm trong chính sách quốc gia. - Tự chủ tổ chức (Organic autonomy): trường đại học có quyền xác định các tổ chức học thuật, nên dựa vào các Khoa và Phòng/Ban hay các trường, các viện nghiên cứu,... - Tự chủ trong quản trị là sự tự do của cơ sở đào tạo trong việc sắp xếp và tổ chức các sự kiện, các mối quan hệ liên quan đến công việc lập kế hoạch, tổ chứcvà điều phối. - Tự chủ về tài chính là sự tự do của cơ sở đào tạo trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính theo chiến lược ưu tiên mà mình lựa chọn3. Có thể nói, tự chủ được xem là cách thức để các trường đại học đạt được các mục tiêu sau - Thứ nhất, thể hiện tính độc lập của nhà trường trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến sự phát triển của mình. - Thứ hai, quyền tự chủ của các trường đại học gắn liền với quá trình hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các công việc nội bộ của trường. -Thứ ba, quyền tự chủ đại học gắn liền với tự do học thuật của trường đại học. Đại học vốn được xem là nơi đào tạo tinh hoa, chuyên gia để dẫn dắt xã hội, góp phần xây dựng phát triển đất nước, nhưng, phần lớn các trường đại học thường bị giới hạn quyền tự chủ trong các hoạt động như quyết định mục tiêu, phương hướng, cách thức triển khai, thực hiện mục tiêu phát triển của trường do luật định. Thế nên, dù có tự chủ, các trường đại học vẫn không thể tách rời, cách ly khỏi sự giám sát, kiểm 1 Nguyễn Như Ý, (1998), Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb XBVHTT, Hà Nội, trang 1762 2 Dẫn theo Nguyễn Trọng Tuấn, 2018, Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến Sỹ Luật học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trang 24 3 Xem thêm http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-ve-co-che-tu-chu-cua-cac-truong-dai-hoc.html 492
  3. soát của nhà nước và cơ quan điều hành là Bộ giáo dục. Điều này cho thấy, tự chủ của các trường đại học giúp cho các trường có thêm nguồn lực để thực hiện sứ mệnh, vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhưng tự chủ không có nghĩa là tách rời, thoát ly khỏi sự quản lý, giám sát của nhà nước mà tự chủ cũng cần có mối quan hệ ràng buộc với nhà nước và xã hội. Vì thế, tự chủ diễn ra ở mức độ nào thì cũng cần có sự giám sát của nhà nước và xã hội. Đó là: - Quyền tự chủ của các trường đại học gắn liền với tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình - Quyền tự chủ của các trường đại học không có nghĩa là các trường tự lo việc tồn tại mà không có sự hỗ trợ của nhà nước. - Quyền tự chủ của các trường đại học gắn liền với quá trình xã hội hóa giáo dục đại học. Tóm lại, tự chủ đại học là cho phép các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự quyết của mình trên nhiều mặt khác nhau trong hoạt động quản lý, điều hành công việc giảng dạy, nghiên cứu cũng như các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, giáo dục đại học là một lĩnh vực nằm chính sách an sinh xã hội của nhà nước, nên dù thế nào thì nó vẫn thuộc hệ thống quản lý và điều hành của nhà nước, cho nên, giáo dục đại học dù có tự chủ thì cũng không thể nằm ngoài sự kiểm soát, giám sát của nhà nước. 3. Trên thế giới Theo ngữ nghĩa thì Đại học (university) có nghĩa là “ngôi đền của tri thức”, là nơi tập hợp tự nguyện của các nhà khoa học, giáo viên và sinh viên cùng nhau sáng tạo ra tri thức dẫn dắt sự phát triển của xã hội.4 Thời Trung cổ, các trường đại học ra đời, nhưng thường bị giám sát, kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước và nhà thờ. Sau đó, hội đồng các trường đại học đấu tranh đòi lại quyền giảng dạy khoa học. Để giành lại quyền tự chủ, các trường đaị học đã có những cuộc tranh luận, đấu tranh để giành lại quyền tự chủ từ giáo hội, nhà nước. Điều này có ý nghĩa lớn lao đối với văn minh nhân loại và sự phát triển chung của các trường đại học. Đặc biệt là sau phong trào Văn hoá Phục hưng diễn ra vào thế kỉ XIV - XVII, việc giành lại quyền tự chủ, sáng tạo cũng như tự do nghiên cứu khoa học đã mở ra cánh cửa cho các trường đại học được phép tự chủ và phát triển. Thế nên, tự chủ đại học trên thế giới bắt đầu từ rất sớm. Trong bối cảnh của thế giới hiện nay, xu hướng phát triển chung của giáo dục đại học trên thế giới là tăng cường quyền tự chủ gắn với đổi mới phương thức quản lý của nhà nước đối với giáo dục đại học. Các nhà nước trên thế giới đều có xu hướng giảm sự can thiệp sâu vào các công việc của nhà trường, mà chủ yếu kiểm soát, giám sát các hoạt động của trường đạị học thông qua việc cấp ngân sách, tài trợ học bổng, định hướng chiến lược phát triển giáo dục đại học và hoạt động kiểm soát chất lượng đào tạo. Theo đó, nhà nước có xu hướng mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học, bên cạnh đó, nhà nước cũng đòi hỏi các trường đại học phải chịu trách nhiệm giải trình về các hoạt động của mình. Nhà nước giảm dần sự kiểm soát quá trình tập trung vào các vấn đề như phân bố chương trình, hồ sơ chuyên ngành đào tạo, phân bố sinh viên giữa các chuyên ngành, các điều kiện, các phương tiện và các nguồn lực tham gia vào quá trình đào tạo. Điều quan trọng nhất của việc thực hiện tự chủ đại học là quá trình giám sát 4 Nguyễn Xuân Xanh, 2011, Đại học lịch sử một ý tưởng, từ Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm (2011), Kỷ Yếu Festschrift đại học Humbold 200 năm (1810 - 2010), trang 35 493
  4. của nhà nước về mặt quản lý. Điều này có nghĩa là tự chủ đi liền với tự chịu trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm giải trình của các trường đại học được thực hiện với các bên liên quan như: Nhà nước, Bộ giáo dục, sinh viên và các thực thể xã hội có liên quan. Trong báo cáo tổng quan về xu thế quản trị đại học trên thế giới của World Bank 2008 đã khái quát bốn mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau. - Mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia, đến các mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) như ở Pháp và New Zealand, - Mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore, - Mô hình độc lập (independent) ở Anh, Úc. 5 Tuy nhiên, trong mô hình do Nhà nước kiểm soát thì cơ sở giáo dục đại học vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định, vì những lý do tài chính và điều quan trọng nữa là Nhà nước không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Trong khi đó, mô hình độc lập thì vẫn có những mặc định ngầm về quyền của Nhà nước nắm giữ và kiểm soát một số mặt về chiến lược phát triển và có quyền yêu cầu giải trình cao ở các cơ sở giáo dục đại học. Ở nhiều nước phương Tây, các trường đại học có tới bốn cấp quản lý. Đó là Bộ môn, Khoa, Ban Giám hiệu và Hội đồng Nhà trường. Hội đồng nhà trường thường là cấp quản lý không điều hành học thuật và có xu hướng không can thiệp vào lĩnh vực học thuật. Tiêu biểu là Hoa Kỳ. Giáo dục đại học Hoa Kỳ được xem là một trong những mô hình điển hình của việc tự chủ đại học hoàn toàn. Các trường đại học được tự chủ trong việc điều hành, quản lý. Mọi quyết định có sự linh động, cởi mở theo phân quyền quyền quản lý ở địa phương và cơ sở giáo dục. Điều này cho phép các cơ sở giáo dục đại học có được quyền tự chủ cao nhất. Theo đó, quyền tự chủ được phân cấp từ ở địa phương (các bang) đến các trường, viện nghiên cứu (Lê Đức Long, 2002, tr. 129 ). Điều này được quy định rõ ràng trong luật pháp. Chính phủ Liên bang không can dự vào các hoạt động về chuyên môn như nội dung đào tạo, chương trình đào tạo. Các trường đại học Hoa Kỳ được phép tự chủ trên mọi phương diện, có trách nhiệm giải trình trước hội đồng trường. Các giảng viên, sinh viên được phát huy vai trò, sáng tạo, trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. + Tự do học thuật: Họ được tự do học thuật, trao đổi thông tin, thảo luận, cộng tác và bình đẳng trong hoạt động chuyên môn không phân biệt quốc tịch và xuất thân6. Đặc biệt, mối quan hệ giữa giảng dạy và nghiên cứu biện chứng với nhau. Bên cạnh đó, các trường đại học Hoa Kỳ tự đưa ra chương trình đào tạo, nghiên cứu kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để tìm tài trợ, hổ trợ đầu ra và tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Các trường đại học chỉ công khai tài chính, chất lượng đào tạo, danh mục các nhà khoa học, giảng viên. + Về tài chính: các trường đại học được Chính phủ Liên bang phân bổ ngân sách. Ngoài ra, các trường, viện nghiên cứu đều phải tự (Hà Văn Hội, Phạm Thu Phương, 2010, tr. 53)7 huy động từ nhiều nguồn khác nhau như từ nguồn học phí (bao 5 Dẫn theo http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/tintuc-sukien/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=4478 6 Hà Văn Hội, Phạm Thu Phương. (2010). Một số đặc điểm nổi bật trong chính sách giáo dục đại học Mỹ, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 09- 2010, trang 48. 7 Hà Văn Hội, Phạm Thu Phương. (2010). tlđd, trang 53. 494
  5. gồm cả tài trợ chính phủ mà sinh viên đóng học phí) mà còn có sự đóng góp của gia đình, kinh phí dành riêng cho giáo dục của Liên bang, tài trợ, các khoản biếu, tặng (vận động nguồn tài trợ cho các trường đại học), chương trình vừa học, vừa làm của Liên bang và địa phương 8. Việc này gíup cho các trường đại học Hoa Kỳ có nguồn tài chính dồi dào để hổ trợ cho hoạt động gỉang dạy và cho sinh viên vay (trong nước và quốc tế) 9 cũng như tái đầu tư cho nghiên cứu. Ngân sách Liên bang phân bổ đến các bang và các trường với tỷ lệ khá cao. Ngân sách cho R&D (nghiên cúu và phát triển) mà Chính phủ Liên bang dành chi cho các hoạt động nghiên cứu đến các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm 40% tổng chi phí toàn cầu. Việc đầu tư này mang lại cho Hoa Kỳ nguồn lực để tập trung cho phát minh, sáng chế. Đây chính là lý do để giải thích vì sao Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng phát minh, sáng chế lớn nhất thế giới, chiếm 50% tổng số phát minh thế giới và nắm vai trò chủ chốt trong các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn (nano, sinh học, vật liệu công nghệ. . .)10.Chính những điều nêu trên đã tạo nên giá trị, sự đa dạng và bản sắc riêng của các trường đại học Hoa Kỳ trên bảng đồ thế giới (Hà Văn Hội, Phạm Thu Phương, 2010, tr. 48)11 Ở khu vực châu Á: tự chủ đại học cũng được thực hiện theo xu hướng chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát (state control) sang Nhà nước giám sát (state supervison). Tiêu biểu là Nhật Bản. Thông qua Đạo luật Hiệp hội Đại học Quốc gia năm 2003, Nhà nước trao quyền tự chủ về mặt pháp lý cho tất cả các trường đại học với quyền lực nhiều hơn cho Giám đốc/ Hiệu trưởng và Ban quản trị trường. Năm 2005, Singapore cũng thông qua một luật tương tự trao quyền tự chủ cho 3 trường đại học của nước này. Tuy nhiên, ở Malaysia, Bộ giáo dục quản lý gần như toàn diện mọi hoạt động của các trường đại học từ học thuật đến tài chính và tổ chức nhân sự. Hiệu trưởng, hiệu phó các trường do Bộ trưởng bổ nhiệm, việc tuyển dụng giáo viên của các trường vẫn phải thông qua Bộ giáo dục, hiệu trưởng, hiệu phó khi đi công tác nước ngoài đều phải có sự đồng ý từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.12 Như vậy, nhìn từ thế giới, tự chủ đại học đã được triển khai từ sớm, nhưng không phải quốc gia nào cũng giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, tự chủ đại học được triển khai qua với nhiều mô hình khác nhau, tương ứng với mỗi mô hình, các quốc gia lựa chọn mô hình phù hợp với đặc điểm văn hoá - chính trị của mỗi quốc gia. Hiệu quả của các mô hình đã chứng minh cho sự đúng đắn của việc thực hiện tự chủ đại học cũng như nắm quyền quản lý, điều hình, giám sát của nhà nước. 4. Thực trạng tự chủ đại học Việt Nam trong bối cảnh hiện nay - Nhìn từ chính sách của Nhà nước Đối với Việt Nam, tự chủ đại học ở Việt Nam đã được ban hành từ rất sớm, vào những năm 90 của thế kỉ XX. Ban đầu, chủ đại học được thể hiện qua quyền tự chủ về hoạt động khoa học công nghệ. Ngày 11/ 9/ 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 324/CT về “ Tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và 8 Đỗ Thị diệu Ngọc. (2007). Giáo dục đại học đại chúng của Hoa Kỳ - nguyên nhân, thực trạng, và những lưu ý cho Việt Nam, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 04 - 2007, trang 12 9 Đỗ Thị Diệu Ngọc, tlđd, trang 14. 10 Bùi Thị Phương Lan (2010), trang 267 11 Hà Văn Hội, Phạm Thu Phương, 2010, tldd, tr. 48 12 Xem thêm https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/tu-chu-dai-hoc-va-trach-nhiem-minh-bach-343899 495
  6. phát triển công nghệ” trên nguyên tắc: “Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo; coi các trường đại học và các cơ sở khoa học công nghệ là một thể thống nhất...”. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình tổ chức sắp xếp lại các trường đại học và các viện trực thuộc nhiều bộ chủ quản khác nhau về chung một chế độ quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên vẫn chưa đạt được hiệu quả nhất định. Cho đến nay, việc tự chủ trong các trường đaị học, trong khoa học vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn. Nghĩa là, Bộ khoa học công nghệ thực hiện thay cho Bộ giáo dục và các trường đại học. Sang thế kỉ XXI, cùng với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới, tự chủ đại học một lần nữa được đề cập, đưa ra và bàn luận tìm giải pháp phù hợp để triển khai trên thực tiễn. Năm 2003, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg “...Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tàichính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”. Đây được xem là quyết định có tính chất mở đầu cho việc triển khai quyền tự chủ của các trường đại học. Tuy nhiên, vào thời điểm này, tự chủ đại học gắn liền với việc xây dựng và phát triển hệ thống các trường đại học tư thục và cho phép các trường đại học tư thục thực hiện. Thế nên, tự chủ đại học được triển khai và thực hiện ở khu vực giáo dục tư thục hơn là công lập. Đến tháng 7/2005, Luật Giáo dục được ban hành, trong đó tự chủ đại học đã đề cập đến cụ thể như sau: “Việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục13” và Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính Phủ ban hành “Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020”. Tiếp đến, Luật giáo dục đại học năm 2012 đã nêu rõ và qui định việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học công lập là một đơn vị sự nghiệp công lập thì đồng nghĩa với việc các trường cũng có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính14. Quyền tự chủ của các trường đại học được thuực hiện trên các lĩnh vực như: tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản, đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và đảm bảo chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học chưa được thực hiện ở mức độ cao nhất, và nó còn phụ thuộc vào năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.15 Năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 4/11/ 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo phát huy vai trò của hội đồng trường. Bên cạnh đó, Nghị định số 16/2015/ND-CP ngày 14/ 02/ 2015 có nêu rõ: “Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công”. Điều này được xem là chỉ đạo chung, rõ ràng và cụ thể về quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trong đó có các trường đại học. Cho đến nay, quyền tự chủ của các trường đại học đã được ban hành dựa trên các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị sau: Quyết định số 153/2003/QĐ - TTg ngày 30/7/2003; Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 về Ban hành 13 Điều 14, Luật giáo dục 2005 14 Khoản 1, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học năm 2012 15 Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày18/6/2012. 496
  7. Điều lệ trường đại học đã xác định nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/2/2010 về đổi mới quản lý giáo dục trong giai đoạn 2010 - 2012 nêu rõ “việc đổi mới quản lý GDĐH bao gồm quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của các cơ sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của Giáo dục đại học”. Từ đây, các trường đại học lần lượt được giao quyền tự chủ trên các lĩnh vực sau: - Tự chủ về tài chính bao gồm tự chủ về các nguồn thu, chi: Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ đã nói đến việc giao quyền tự chủ tài chính cho các “đơn vị sự nghiệp dịch vụ công”, trong đó có các trường đại học. Nghị định 43/2006, nghị định 16/2015 và nghị quyết số 77/2014 về cơ chế tự chủ cho các trường đại học công lập hiện nay đều dựa vào khả năng tự chủ về kinh phí hoạt động thường xuyên cũng như chi đầu tư của các trường 16. + Quyền tự chủ trong hoạt động hợp tác quốc tế: Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/ 4/ 2015 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, quy định về hợp tác quốc tế tại các trường đại học tại Điều 42, 43 trong Điều lệ nhà trường quy định nhiệm vụ, quyền hạn và quản lý của trường đại học trong hoạt động hợp tác quốc tế. Theo đó, các trường được phép xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của nhà trường phù hợp với mục tiêu hoạt động hợp tác quốc tế theo Luật định. Như vậy, theo chủ trương, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; các trường đại học có thể tổ chức, quản lý và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế theo thẩm quyền; thực hiện đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài theo quy định của pháp luật. + Quyền tự chủ về tổ chức, nhân sự: Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chínhphủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thì các đơn vị sự nghiệp công được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Quyền tự chủ trong tự chủ nhân sự của các trường đại học công lập dựa trên tinh thần Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT- BNV. Như vậy, tự chủ đại học đã được Nhà nước ban hành từng bước, cụ thể và rõ ràng dựa trên các Nghị quyết của Đảng, Thông tư, Chỉ thị của Nhà Nước. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước đã nhận thấy vai trò tự chủ của các trường đại học trong xu thế phát triển chung của giáo dục và đào cũng như việc phân quyền quản lý trong hoạt động giáo dục của khu vực và thế giới. 16 Trích điều 32 Luật giáo dục đại học 2012: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”. 497
  8. - Đến thực tiễn Quan điểm và chính sách về tự chủ đại học đã có, nhưng trên thực tế, tự chủ đại học trong thời gian qua đã và đang bộc lộ khá nhiều vấn đề. Có thể điểm qua một số vấn đề sau: - Tự chủ nhân sự, quản lý và điều hành: Trên thực tế, các trường đại học công lập vẫn còn chịu sự giám sát và kiểm soát của nhà nước về việc tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh quản lý các trường đại học. Mọi quyết định phải tuân thủ đúng quy trình và thủ tục để tuyển dụng và bổ nhiệm. Điều này hoàn toàn phù hợp vì các trường đều thuộc phạm vi quản lý, điều hành của nhà nước. Ở khu vực các trường đại học tư thục, dân lập hay mang tính chất quốc tế, việc tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh quản lý phải tuân theo đúng quy trình và thủ tục của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành thông qua quy chế hoạt động của các trường đại học.17 Điều này có nghĩa, tự chủ về nhân sự vẫn chưa thực sự do các trường đai học quyết định. Mặt khác, khi tuyển dụng và bổ nhiệm, việc quản lý, điều hành và giám sát đều phải thông qua Luật công chức, viên chức hay quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành. Điều này cho thấy sự chồng chéo về mặt pháp lý. Nếu cán bộ được tuyển dụng, bổ nhiệm của các trường đại học vẫn phải tuân theo đúng quy định của Bộ giáo dục và Luật quy định lại khiến cho việc tuyển dụng, quản lý, điều hành vẫn chỉ trên lý thuyết không sát với thực tiễn. Suy cho cùng, các trường đại học vẫn chưa được tự chủ. - Tự chủ tài chính: Đây là vấn đề được đa số các trường đaị học quan tâm, mong mỏi thực hiện. Việc tự chủ tài chính tạo điều kiện cho các trường đại học được quyền thu và chi. Ngoài sự hổ trợ, phân bổ ngân sách của nhà nước, các trường được phép hoạch toán thu từ nguồn học phí. Thế nên, các trường đại học được phép và đưa ra mức thu học phí để đầu tư và chi cho các hoạt động đào tạo. Trong thời gian qua, việc tự chủ tài chính dẫn đến việc các trường đaị học tham gia vào cuộc đua tăng học phí. Trong đó, có trường đại học tăng học phí lên đến gấp 5 lần cho một ngành học18. Điều này khiến cho nhiều gia đình và sinh viên lo lắng về vịêc chi trả cho hoàn thành học phí. Vốn dĩ học phí là một gánh nặng đối với gia đình cho thu nhập không cao và phần đông thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn còn thấp. Vì thế, việc tăng học phí khiến cho xã hội có những bình luận, quan điểm trái chiều và thêm gánh nặng cho nhiều gia đình. Cuối cùng, Bộ giáo dục vẫn phải tham gia và can dự vào vấn đề này ở một mức độ phù hợp để đi đến một mức học phí có thể chấp nhận được và nhận được sự đồng thuận của xã hội. Thế nên, tự chủ tài chính vẫn đang ở hai mặt đối lập của một vấn đề. - Tự chủ học thuật: Môi trường học thuật ở các trường đai học theo hướng "khai phóng" đang là xu hướng chung và trở thành bản sắc riêng của các trường đại học phương Tây. Ở nước ta, tự chủ học thuật đang là một vấn đề được bàn đến rất nhiều song, cánh cửa mở đường cho xu hướng này vẫn chưa được triển khai một cách triệt để. Vẫn còn sự giám sát, quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, ở một số ngành, lĩnh vực còn hiện tượng "vùng hạn chế", chưa được thực sự "tự do". Nhất là, một số ngành học liên quan đến ngành khoa học xã hội & nhân văn cũng như chính trị, ngoại giao. Phản biện trong học thuật là một phương thức để đưa ra quan điểm khác biệt, từ sự khác biệt đi 17 Xem thêm https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-su-khong-duoc-lam-hieu-truong-phai-tro-ve-my- sua-ngay-luat-giao-duc-dai-hoc-20180509070446595.htm 18 Xem thêm https://laodong.vn/xa-hoi/dai-hoc-y-duoc-tang-hoc-phi-gap-5-lan-bo-y-te-yeu-cau-giai-trinh- 810387.ldo 498
  9. đến tìm điểm tương đồng, đồng thuận vẫn chưa thực sự được đề cập và triển khai thực hiện. Vì thế, các trường đại học vẫn được tự chủ học thuật, khiến cho việc nghiên cứu khoa học vẫn chưa đạt được mục tiêu về tri thức. - Về hợp tác quốc tế: Từ quan điểm của Đảng về hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đại học luôn được đề cập trong văn kiện Đảng qua các kỳ đại hội và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế dù đã được ban hành và giao quyền tự chủ cho các trường đại học, song, trên thực tế, hợp tác quốc tế giáo dục đại học đã và đang tác động đến không chỉ các trường đại học mà còn có cả xã hội, nhất là những sinh viên, học viên trong việc không được công nhận bằng cấp19. Theo quy chế, các trường hợp tác quốc tế được phép liên kết đào tạo nhưng phải được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục từ phía Bộ thì mới được xem là hợp pháp20. Ngược lại, các văn bằng, chứng chỉ không được công nhận và không hợp lệ. Vấn đề này đã và đang là vấn nạn trong giáo dục đại học trong những năm gần đây. Việc này để lại hệ quả nghiêm trọng đối với người học và người đã và đang tham gia học tập theo phương thức này. Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động tự chủ đại học của các trường đại học, nhất là đại học công lập đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của các luật sau: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (được thay thế bởi Luật về quản lý sử dụng tài sản công từ 1/1/2018), Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc chồng chéo giữa các bộ luật trong hoạt động của các trường đại học chính là nút thắt khiến cho tự chủ đại học vẫn chưa trọn vẹn.21 Như vậy, từ chính sách đi đến thực tiễn về tự chủ đại học đang bộc lộ khá nhiều mâu thuẫn và đối lập trong quá trình triển khai và thực hiện. Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước là phù hợp với tình hình thực tiễn khách quan, song, đi vào thực chất lại đang ẩn chứa khá nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và trói buộc lẫn nhau. Điều này khiến cho những mong muốn đạt được về việc xây dựng môi trường tự chủ cho các trường đại học đã không thành công. 5. Một số đề xuất Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục đại học được xem là một dịch vụ công với sản phẩm đặc thù là nguồn nhân lực chất lượng, quyết định thành công của nền kinh tế xã hội. Do đó để giáo dục đại học phát triển cần có sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của các trường. Cụ thể là được phép: - Tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh - Tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục như phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nội dung chương trình và giáo trình học liệu... 19 Xem thêm https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hon-2000-bang-thac-si-cu-nhan-o-dh-quoc-gia-huy-hay-cong- nhan-post108470.gd 20 Xem thêm https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/bang-cap-nuoc-ngoai-nao-khong-duoc-cong-nhan-230-18181- article.html 21 Nguyễn Trọng Tuấn, 2018, Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến Sỹ Luật học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 499
  10. - Tự chủ trong các tiêu chuẩn của văn bằng, các vấn đề liên quan đến kiểm tra và kiểm định chất lượng. - Tự chủ trong nghiên cứu và xuất bản, giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học, các ưu tiên trong nghiên cứu và quyền tự do xuất bản. - Tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường. Trên cơ sở phân tích từ chính sách đi đến thực tiễn về tự chủ đại học, việc các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần quan tâm đó là: - Quy hoạch lại hệ thống văn bản pháp luật, các nghị định thông tư về tự chủ đại học sao không bị chồng chéo, xâm lấn lẫn nhau trên các lĩnh vực có liên quan trong việc điều hành, quản lý các công việc của các trường đại học, không những thế, cần trao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn để các trường tự quyết định vận mệnh của mình. Điều này giúp cho các trường tự tin tham gia vào việc phát triển chất lượng gíao dục và hoàn thiện về điều hành, quản lý và vận hành bộ máy hành chính, công việc theo hướng hiệu quả hơn. Cụ thể, cho phép các trường được phép thiết lập chính sách, các chương trình và sử dụng nguồn tài chính một cách hợp lý. - Cần hướng đến việc cho phép các trường đại học quyền tự do học thuật. - Tăng cường sự giám sát của nhà nước, Bộ giáo dục về việc thực hiện quyền tự chủ. Song, cần phải xem xét đến khả năng phân quyền hóa, các trường đại học lại sử dụng sự ưu ái này đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới chính sách chung về hệ thống giáo dục đại học của cả nước. - Nâng cao vai trò của giải trình và trách nhiệm của các trường đại học Có như thế, các trường đại học mới "bung hết năng lực", khả năng để vươn mình đứng dậy, tham gia vào quá trình phát triển chung của giáo dục đại học trong khu vực và thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Thị Phương Lan (2010), Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (1994 - 2010), NXBKHXH 2. Đỗ Thị Diệu Ngọc. (2007). Giáo dục đại học đại chúng của Hoa Kỳ - nguyên nhân, thực trạng, và những lưu ý cho Việt Nam, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 04 - 2007. 3. Hà Văn Hội, Phạm Thu Phương. (2010). Một số đặc điểm nổi bật trong chính sách giáo dục đại học Mỹ, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 09 - 2010. 4. Nguyễn Như Ý, (1998), Đại Từ điển Tiếng Việt, NXBVHTT 5. Nguyễn Trọng Tuấn, 2018, Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến Sỹ Luật học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 6. Nguyễn Xuân Xanh (2011), Đại học lịch sử một ý tưởng, từ Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm (2011), Kỷ Yếu Festschrift đại học Humbold 200 năm (1810 - 2010), trang 35 500
  11. 7. http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/tintuc-sukien/Pages/tin-hoat- dong.aspx?ItemID=4478 8. http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-ve-co-che-tu-chu-cua-cac- truong-dai-hoc.html 9. https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-su-khong-duoc-lam-hieu- truong-phai-tro-ve-my-sua-ngay-luat-giao-duc-dai-hoc-20180509070446595.htm 10. https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hon-2000-bang-thac-si-cu-nhan-o-dh-quoc- gia-huy-hay-cong-nhan-post108470.gd https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/bang- cap-nuoc-ngoai-nao-khong-duoc-cong-nhan-230-18181-article.html 11. https://laodong.vn/xa-hoi/dai-hoc-y-duoc-tang-hoc-phi-gap-5-lan-bo-y-te-yeu- cau-giai-trinh-810387.ldo 501
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2