intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Về môn học Tư pháp quốc tế

Chia sẻ: Sở Trí Tu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

44
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết giới thiệu những vấn đề cơ bản cũng như đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu của môn học này tại khoa Luật Trường Đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cơ sở đào tạo Luật nói chung. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Về môn học Tư pháp quốc tế

  1. VỀ MÔN HỌC TƢ PHÁP QUỐC TẾ PGS. TS. Bành Quốc Tuấn Khoa Luật, trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) TÓM TẮT Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế, bậc cử nhân, hệ chính quy tập trung bắt đầu áp dụng từ năm 2018 tại Trường Đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên đưa môn học Tư pháp quốc tế vào giảng dạy, học tập. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu môn học của giảng viên, sinh viên, bài viết giới thiệu những vấn đề cơ bản cũng như đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu của môn học này tại khoa Luật Trường Đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cơ sở đào tạo Luật nói chung. Từ khóa: Tư pháp quốc tế, chương trình đào tạo ngành Luật. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đối với hoạt động đào tạo luật, để phù hợp với đặc điểm riêng cũng như tạo dấu ấn về thương hiệu của mình, mỗi cơ sở đào tạo đều xây dựng chương trình đào tạo trình độ cử nhân Luật với những nét đặc thù. Tuy nhiên, về cơ bản người học vẫn phải hoàn tất tất cả các môn học bắt buộc, tạm chia thành hai nhóm: những môn học cơ bản và những môn học chuyên ngành. Tư pháp quốc tế là một môn học chuyên ngành bắt buộc người học phải hoàn tất sau khi đã học xong môn học về các ngành luật cụ thể và là một trong những môn học chuyên ngành quan trọng nhất trong chương trình đào tạo ngành luật ở tất cả các trình độ với đối tượng nghiên cứu là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. Vị trí này của Tư pháp quốc tế xuất phát từ tính chất của đối tượng môn học nghiên cứu, vai trò của môn học này trong tổng thể chương trình đào tạo cũng như yêu cầu của xã hội đặt ra đối với kiến thức chuyên môn của những người đã tốt nghiệp ngành luật và làm việc trong những lĩnh vực có liên quan đến pháp luật. Vị trí này của Tư pháp quốc tế cũng ngày càng được khẳng định khi Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào quá trình toàn cầu hóa, những yêu cầu về việc hiểu biết và hành xử phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế khi tham gia vào các quan hệ dân sự - kinh tế quốc tế trở thành điều kiện tiên quyết hàng đầu khi các chủ thể Việt Nam tham gia vào “sân chơi” chung của thế giới. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN MÔN HỌC TƢ PHÁP QUỐC TẾ 2.1. Tên gọi của môn học Tư pháp quốc tế (Private international law) là tên gọi được sử dụng phổ biến trong phần lớn chương trình đào tạo ngành Luật tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải là tên gọi duy nhất dành cho môn học này. Có nhiều thuật ngữ khác nhau đã được sử dụng để chỉ lĩnh vực pháp luật có nội dung tương đồng với nội dung nghiên cứu của môn học Tư pháp quốc tế, cụ thể: Luật quốc tế (international law): Tên gọi này đã từng được sử dụng để chỉ môn học bao hàm cả hai lĩnh vực là pháp luật quốc tế trong lĩnh vực công (còn được gọi là Công pháp quốc tế - public international law) và pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư (còn được gọi là Tư pháp quốc tế). Tên gọi Luật quốc tế cũng đã từng được sử dụng trong nhiều tài liệu chuyên ngành nghiên cứu về pháp luật quốc tế để chỉ chung cả hai bộ phận là Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế, chẳng hạn như tác phẩm “Một số vấn đề lý luận cơ 162
  2. bản về Luật quốc tế” do GS. TSKH Đào Tri Úc chủ biên (Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật), Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội xuất bản năm 1994 có nội dung bao gồm cả Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế40; “Một số vấn đề cơ bản về Luật quốc tế” của tác giả Nguyễn Xuân Linh, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1995 cũng có nội dung tương tự41. Tuy nhiên, ngày nay thuật ngữ Luật quốc tế ít còn được sử dụng để chỉ chung cả Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế mà chỉ còn được sử dụng để thay thế cho tên gọi Công pháp quốc tế, cũng là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo ngành Luật. Bên cạnh đó, trong một số chương trình đào tạo không phải chuyên ngành Luật còn sử dụng tên gọi “Công – Tư pháp quốc tế” để chỉ môn học bao gồm cả hai nội dung Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế. Xét ở khía cạnh nội dung, thuật ngữ này tương đồng với thuật ngữ Luật quốc tế đã được sử dụng trước đây. Luật quốc tế tư (private international law): Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1834 trong tác phẩm “Bình luận về xung đột pháp luật” (Commentaries on the conflict of law) của ông Joseph Story, một Thẩm phán của Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Sau đó, thuật ngữ này được phổ biến ở nhiều nước châu Âu. Cụ thể: tại Đức thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1841; tại Pháp Foelix lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ này trong tác phẩm “Khảo luận về Luật quốc tế tư” xuất bản năm 1843; tại Nga năm 1865 thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên bởi N.P. Ivanova42. Xét ở góc độ thuật ngữ thì tên gọi Luật quốc tế tư tương đồng với tên gọi Tư pháp quốc tế (private international law trong tiếng Anh, droit international privé trong tiếng Pháp, internationales privatrecht trong tiếng Đức, diritto internazional privato trong tiếng Ý, direito internazional privado trong tiếng Bồ Đào Nha, deracho international privato trong tiếng Tây Ban Nha). Tuy nhiên, thuật ngữ này khi xuất hiện đã gây ra những tranh cãi xung quanh nội dung cũng như phạm vi nghiên cứu. Tại Việt Nam thuật ngữ Luật quốc tế tư chưa bao giờ được sử dụng để chỉ tên gọi một môn học trong chương trình đào tạo của ngành Luật mà chỉ được sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu, so sánh với các thuật ngữ khác trong các công trình nghiên cứu khoa học mà thôi. Luật xung đột (conflict of law): Xét về mặt lịch sử thuật ngữ Luật xung đột xuất hiện trước thuật ngữ Tư pháp quốc tế và được sử dụng phổ biến trong một thời gian dài cho đến tận ngày nay tại các nước thuộc hệ thống pháp luật bất thành văn (Common law) điển hình là Hoa Kỳ, Anh, Australia, Singapore, … Đến thời điểm hiện tại chưa có công trình nghiên cứu nào xác định thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào thời gian nào nhưng những vấn đề có liên quan đến xung đột pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật đã xuất hiện trong pháp luật Hy Lạp và La Mã cổ đại dùng để chỉ hiện tượng nhiều hệ thống pháp luật cùng tham gia điều chỉnh một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài và thuật ngữ Luật xung đột được sử dụng dùng để chỉ lĩnh vực pháp luật chủ yếu điều chỉnh hiện tượng xung đột pháp luật. Tại các nước thuộc hệ thống Common law, đặc biệt là Hoa Kỳ, thuật ngữ Luật xung đột được sử dụng rất phổ biến trong chương trình đào tạo ngành Luật cũng như các công trình khoa học, tài liệu, ấn phẩm chuyên ngành Luật43. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc, nội hàm của thuật ngữ Luật xung đột nhưng thuật ngữ này chưa bao giờ được sử dụng như tên gọi của một môn học trong chương trình đào tạo ngành Luật. Như vậy, dù có nhiều thuật ngữ khác nhau đã được đề cập, được sử dụng nhưng tại Việt Nam hiện nay thuật ngữ Tư pháp quốc tế vẫn là tên gọi phổ biến nhất được sử dụng với tư cách là tên gọi của một môn 40 Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật (Đào Trí Úc chủ biên), Một số vấn đề lý luận cơ bản về Luật quốc tế, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994. 41 Nguyễn Xuân Linh, Một số vấn đề cơ bản về Luật quốc tế, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 1995. 42 Lê Thị Nam Giang, Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2009, tr. 33. 43 Ví dụ: Morris L. Cohen & Kent C. Olson (2000), Legal Research, West Group; Eugene F. Scoles, Peter Hay, Patrick J. Borchers, Symeon C. Symeonides (2000), Conflict of Laws, West Group press; J.G. Collier (2001), Conflict of Laws, Cambridge University press; Adrian Briggs (2002), Conflict of Laws, Oxford University press; Roy Goode, Herbert Kronke, Ewan McKendrick, Jeffrey Wool (2007), Transnational Commercial Law, Oxford University press. 163
  3. học, đồng thời cũng là một ngành khoa học pháp lý quan trọng trong hệ thống các ngành khoa học pháp lý Việt Nam. Việc sử dụng thuật ngữ Tư pháp quốc tế tại Việt Nam đã không gây ra nhiều vấn đề tranh cãi về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Điều này thể hiện trong toàn bộ chương trình đào tạo ngành Luật cũng như các giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy môn học này tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam44. Quan điểm cá nhân của tác giả cũng cho rằng tại Việt Nam tên gọi Tư pháp quốc tế là phù hợp với bản chất của môn học cũng như phạm vi nội dung các vấn đề mà môn học nghiên cứu. Vấn đề gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến thuật ngữ Tư pháp quốc tế chính là phạm vi nghiên cứu của môn học này. 2.2. Phạm vi nghiên cứu của môn học Để xem xét phạm vi nghiên cứu của môn học Tư pháp quốc tế chúng ta phải xuất phát từ phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với tư cách là một ngành khoa học pháp lý. Đây là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi gay gắt trong giới nghiên cứu pháp lý bởi mỗi quan điểm đều có cơ sở chứng minh cho tính hợp lý của mình. Về mặt lý luận, có hai loại quan điểm khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế45: Phạm vi điều chỉnh rộng: điển hình là Tư pháp quốc tế của Pháp, Liên bang Nga, Việt Nam, … Do quan điểm Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng nên phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế được xác định rất rộng, bao gồm những vấn đề chung liên quan đến chủ thể của Tư pháp quốc tế, xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền xét xử, vấn đề ủy thác tư pháp và vấn đề công nhận, cho thi hành bản án, quyết định của tòa án và trọng tài nước ngoài. Bên cạnh đó nội dung Tư pháp quốc tế còn bao gồm cả những lĩnh vực quan hệ dân sự cụ thể có yếu tố nước ngoài như quan hệ sở hữu, thừa kế, lao động, … Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế không còn giới hạn ở các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài mà nó còn điều chỉnh những quan hệ rất đặc biệt như quốc tịch, vấn đề ủy thác tư pháp, vấn đề công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án và trọng tài nước ngoài, ... Tư pháp quốc tế của Pháp là ví dụ điển hình cho phạm vi điều chỉnh rộng. Tư pháp quốc tế của Pháp có phạm vi điều chỉnh gồm 4 vấn đề: 1. Quốc tịch: Tư pháp quốc tế sẽ đưa ra các quy định xác định quy chế công dân của một quốc gia. Ví dụ: các điều kiện để có quốc tịch Pháp. 2. Quy chế pháp lý của người nước ngoài tại Pháp: xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ. 3. Xung đột pháp luật: Xác định luật áp dụng đối với các tình huống pháp lý có liên quan đến nhiều quốc gia. 4. Xung đột thẩm quyền xét xử: Xác định Tòa án quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có liên quan đến nhiều quốc gia; công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án và trọng tài nước ngoài. Quan điểm này được xây dựng dựa trên các cơ sở sau đây: Cả 4 vấn đề trên đều xuất phát từ các nguyên nhân giống nhau: Sự tồn tại của các quốc gia độc lập và có chủ quyền; Sự phát triển của các mối quan hệ, giao lưu dân sự giữa công dân của các quốc gia. Cả 4 vấn 44 Ví dụ: Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội (TS. Bùi Xuân Nhự chủ biên) – Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 1999, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2004; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội (PGS. TS. Nguyễn Bá Diến chủ biên) – Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2001; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2010; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Viện Đại học Mở Hà Nội – Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2004. 45 Bành Quốc Tuấn, Giáo tr nh Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2017. 164
  4. đề đều có thể tập hợp trong một vấn đề tổng thể, đó là quy chế pháp lý của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ và giao lưu quốc tế. Việc giải quyết 4 vấn đề trên đều chịu ảnh hưởng của các yếu tố giống nhau. Ví dụ: các nước nhập cư thường có xu hướng quy định một quy chế pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cư đang sinh sống trên lãnh thổ nước mình nhập quốc tịch, mở rộng phạm vi áp dụng hệ thuộc Luật nơi cư trú, mở rộng phạm vi thẩm quyền của Tòa án nước mình trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến người nhập cư46. Phạm vi điều chỉnh hẹp: Hầu hết các nước thuộc hệ thống pháp luật Anglo – Sacxong, điển hình là Anh, Mỹ, các nước khác như Australia, Singapore, … Phạm vi điều chỉnh của Tư pháp tập trung vào 03 vấn đề: xung đột pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền xét xử và lựa chọn cơ quan tài phán có thẩm quyền, vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài và trọng tài nước ngoài. Vấn đề quốc tịch và quy chế pháp lý của người nước ngoài được giải quyết riêng, trong khuôn khổ của luật công. Ngoài ra, theo quan điểm của một số nước (Đức, Italia), Tư pháp quốc tế có phạm vi điều chỉnh rất hẹp, chỉ giải quyết vấn đề xung đột pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật. Vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử được giải quyết trong khuôn khổ luật tố tụng. Ở những nước có phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế hẹp thuật ngữ Tư pháp quốc tế ít được mà sử dụng phổ biết thuật ngữ Luật xung đột. Những người theo quan điểm này cho rằng 4 vấn đề trên (đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế của Pháp) có bản chất khác nhau cho nên được giải quyết bằng các loại quy phạm khác nhau: Đối với vấn đề quốc tịch và quy chế pháp lý của người nước ngoài, hay rộng hơn nữa, cả vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử, các quốc gia chủ yếu đưa ra các quy phạm thực chất trực tiếp điều chỉnh. Ví dụ: quy định “Người có quốc tịch Pháp là người có cha hoặc mẹ là người Pháp”, “Tòa án Pháp có thẩm quyền xét xử các vụ tranh chấp có một đương sự là người Pháp”,… Đối với vấn đề xung đột pháp luật, các quốc gia chủ yếu đưa ra các quy phạm gián tiếp hướng dẫn lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ pháp luật có liên quan. Ví dụ: “Năng lựa hành vi của cá nhân được xác định theo pháp luật của quốc gia mà cá nhân đó có quốc tịch”, “Tài sản là bất động sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật nơi có tài sản”,…47 Việc xác định phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế không có nhiều ý nghĩa về mặt pháp luật thực định nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận bởi lẽ ranh giới các vấn đề do Tư pháp quốc tế nghiên cứu sẽ được sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau của Tư pháp quốc tế như xác định phạm vi các vấn đề mà khoa học pháp lý Tư pháp quốc tế điều chỉnh, xác định nội dung của môn học Tư pháp quốc tế, xác định ranh giới của Tư pháp quốc tế với các ngành khoa học pháp lý khác và đối với những nước ban hành đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế (Ví dụ: Italy, Bỉ, Liên bang Thụy Sĩ, ...) phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là tiêu chí để xác định các quan hệ là đối tượng điều chỉnh của đạo luật này. Chính vì vậy, trong khoa học pháp lý Việt Nam xác định phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế cũng là một vấn đề được quan tâm và cũng là vấn đề làm phát sinh nhiều tranh cãi. Phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế Việt Nam: theo nhiều quan điểm khoa học đang tồn tại, Tư pháp quốc tế Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng. Tuy nhiên, cho đến nay phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế Việt Nam cũng chưa được thống nhất. Mỗi nhà nghiên cứu điều đưa ra phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với nội dung rộng, hẹp khác nhau. Phần lớn các tác giả nghiên cứu Tư pháp quốc tế của Việt Nam thường đề cập đến phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế gồm các vấn đề: xung đột pháp luật, quy 46 Jean Derruppe, Tư pháp quốc tế, Dịch giả: Trần Đức Sơn (Bản dịch tiếng Việt của Nhà pháp luật Việt – Pháp), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 11 - 12. 47 Jean Derruppe, Tư pháp quốc tế, Dịch giả: Trần Đức Sơn (Bản dịch tiếng Việt của Nhà pháp luật Việt – Pháp), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 12 - 13. 165
  5. chế pháp lý của chủ thể nước ngoài, xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế của Tòa án Việt Nam, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, tố tụng dân sự quốc tế, … mà không đề cập đến vấn đề quốc tịch48. Tương tự các giáo trình tư pháp quốc tế dùng trong các trường đại học Việt Nam cũng không đi sâu vào vấn đề quốc tịch49. Nội dung quốc tịch thường được đưa vào chương trình giảng dạy môn Luật quốc tế50. Nhìn chung, có thể thấy các nhóm quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế Việt Nam bao gồm: 1. Năng lực chủ thể của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài; 2. Xung đột thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế và xác định cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế; 3. Xung đột pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật; 4. Ủy thác tư pháp quốc tế; 5. Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài; Tuy nhiên, năm nội dung này thường được nghiên cứu trong toàn bộ các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, bao gồm: 1. Quan hệ pháp luật về sở hữu có yếu tố nước ngoài; 2. Quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài bao gồm cả hợp đồng thương mại quốc tế, hợp đồng vận chuyển hàng hóa và hợp đồng vận chuyển hành khách quốc tế; 3. Quan hệ pháp luật về tiền tệ và tín dụng có yếu tố nước ngoài; 4. Quan hệ về quyền tác giả và quan hệ sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài; 5. Quan hệ thanh toán quốc tế; 6. Quan hệ pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài; 7. Quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; 8. Quan hệ pháp luật về lao động có yếu tố nước ngoài; 9. Trọng tài thương mại quốc tế. Như vậy, có thể thấy Tư pháp quốc tế của Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rất rộng và gần tương đồng với phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế của Liên bang Nga. Việc du nhập các kết quả nghiên cứu của khoa học pháp lý Tư pháp quốc tế của Nga vào Việt Nam đã được chấp nhận tương đối dễ dàng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định phạm vi nghiên cứu của môn học Tư pháp quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, phần lớn các chương trình giảng dạy đều xác 48 Đoàn Năng, Một số vấn đề lý luận cơ bản về Tư pháp quốc tế (Sách tham khảo), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001. 49 Xem: Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội (TS. Bùi Xuân Nhự chủ biên) – Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 1999, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2004; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội (PGS. TS. Nguyễn Bá Diến chủ biên) – Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2001; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2010; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Viện Đại học Mở Hà Nội – Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2004. 50 Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật quốc tế, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2004. 166
  6. định môn học Tư pháp quốc tế có phạm vi nội dung nghiên cứu rất rộng, bao gồm các vấn đề vừa liệt kê ở trên. 2.3. Mục đích của môn học Khoa học pháp lý là một trong những ngành khoa học mang tính chất lý luận rất cao, những chuyên gia về pháp luật thường được xem là những nhà nghiên cứu điển hình, lý luận về khoa học pháp lý chính vì vậy phát triển không ngừng cùng với những bước phát triển của tri thức khoa học nhân loại. Tuy nhiên, pháp luật lại là một hiện tượng mang tính thực tiễn rất cao, bởi lẽ pháp luật phải được sinh ra bởi điều kiện vật chất của xã hội mà ở đó nó được sinh ra và phải được áp dụng vào thực tiễn để giải quyết các yêu cầu do xã hội đó đặt ra. Chính vì vậy, việc giải quyết một cách triệt để mối quan hệ giữa khoa học pháp lý và pháp luật trên cơ sở khoa học về quan hệ giữa lý luận và thực tiễn luôn là mối quan tâm hàng đầu không những của các nhà khoa học pháp lý mà cả những nhà lập pháp, những người làm công tác áp dụng pháp luật. Tư pháp quốc tế vừa là một môn học nhưng cũng đồng thời là một ngành khoa học pháp lý mang tính chất khái quát rất cao, đòi hỏi người học, người nghiên cứu và cả người sử dụng phải có một nền tảng kiến thức khoa học pháp lý, khả năng tư duy và lý luận nhất định mới có thể nắm bắt và lý giải các vấn đề một cách chính xác và khoa học. Với tất cả những tính chất, yêu cầu và tính kén chọn đối tượng nghiên cứu như trên, từ trước đến nay dường như Tư pháp quốc tế chỉ dành cho những nhà nghiên cứu về pháp luật, các giảng viên chuyên ngành về pháp luật hoặc các nhà hoạt động lập pháp. Chính vì vậy, nó đã bị ngộ nhận hoặc cố tình bị xem là một ngành khoa học pháp lý mang tính lý luận, có giá trị về mặt lý thuyết hơn là thực tiễn. Nội dung nghiên cứu của các nhà khoa học pháp lý thường xoay quanh các lý thuyết khoa học, các quan điểm khác nhau về mặt lý luận mà ít chú ý đến những khả năng, phương pháp, cách thức áp dụng những lý thuyết này vào thực tiễn sau cho hiệu quả. Thậm chí ngay trong các trường đại học, việc biên soạn các giáo trình cũng thường tập trung trình bày các nội dung cơ bản về mặt lý thuyết của Tư pháp quốc tế mà không hoặc rất ít đề cập đế cơ chế áp dụng những kiến thức này vào cuộc sống; sinh viên chuyên ngành luật cũng thường xem đây là một môn học để đi thi, sau khi hoàn tất bài thi thì nhanh chóng quên đi vì nó không còn cần thiết gì cho công việc hay cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Tất cả những vấn đề trên là kết quả tất yếu của rất nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất chính là việc chưa có một đánh giá chính xác về tính thực tiễn của những nội dung môn học Tư pháp quốc tế đề cập cũng như chưa có một quan điểm chính thức về vấn đề này trong quá trình giảng dạy môn Tư pháp quốc tế cho sinh viên các cơ sở đào tạo. Xu thế toàn cầu hóa, hợp tác giữa các quốc gia là xu thế tất yếu không thể đi ngược của nhân loại. Tất cả các quốc gia đều phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và hòa nhập với xu thế này để đưa dân tộc tiến lên. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Những biến đổi nhanh chóng của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực những năm vừa qua đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn và phù hợp. Cùng với việc hội nhập sâu hơn vào hoạt động kinh tế quốc tế thì yêu cầu hoàn thiện khung pháp luật trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực quan hệ có yếu tố nước ngoài, ngày càng trở nên cấp thiết. Như vậy, rõ ràng việc ban hành và áp dụng các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện đất nước ngày càng mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, các mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều đòi hỏi phải có sự điều chỉnh thích đáng của pháp luật đảm bảo cho chúng diễn ra trong một trật tự nhất định. Các ngành luật quốc nội như: Luật dân sự, Luật thương mại, Luật lao động, … điều chỉnh các quan hệ của mình một cách trực tiếp và đơn giản. Ví dụ như chỉ cần tìm các quy định cụ thể áp dụng giải quyết đúng địa chỉ của quan hệ pháp luật cụ thể. Nhưng nếu các quan hệ này lại có một hoặc vài yếu tố nước ngoài tham gia tất yếu các quan hệ đó sẽ phụ thuộc vào sự điều chỉnh của hai hay nhiều hệ thống pháp luật và đương nhiên vấn đề lựa chọn một hệ thống pháp luật điều chỉnh là rất cần thiết. Xung đột pháp luật sẽ xảy ra khi hai hay nhiều hệ thống pháp luật đồng thời đều có thể áp dụng để điều chỉnh một 167
  7. quan hệ pháp luật này hay quan hệ pháp luật khác. Vấn đề cần phải giải quyết là chọn một trong các hệ thống pháp luật đó để áp dụng giải quyết quan hệ pháp luật trên. Giải quyết vấn đề này không còn nằm trong phạm vi điều chỉnh của các ngành luật trong nước mà phải cần đến một lĩnh vực pháp luật có phương pháp điều chỉnh đặc biệt hơn, đó chính là vai trò của Tư pháp quốc tế. Để làm rõ hơn, xin lấy một ví dụ để chứng minh. Ông Minh và bà Nữ kết hôn năm 1976. Năm 1986, hai người vượt biên sang Campuchia. Khi qua biên giới Thái Lan – Campuchia bà Nữ tử nạn. Nay ông Minh sống ở Mỹ, yêu cầu tuyên bố là bà Nữ chết. Qua điều tra các chứng cứ có liên quan và sau khi thực hiện việc thông báo, nhắn tin cũng như xác minh lời khai, tòa án tỉnh Trà Vinh (nơi cư trú cuối cùng của bà Nữ trước khi vượt biên sang Campuchia) thấy có đủ cơ sở tuyên bố bà Nữ đã chết và tuyên bố “bà Nữ, sinh năm 1954, nơi cư trú cuối cùng là tỉnh Trà Vinh, đã chết kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật”. Đây là một vụ việc có yếu tố nước ngoài vì sự kiện pháp lý xảy ra ở biên giới Thái Lan – Campuchia, người yêu cầu sinh sống ở Mỹ. Có bốn hệ thống pháp luật có thể áp dụng để giải quyết việc tuyên bố chết của bà Nữ: pháp luật Mỹ, pháp luật Thái Lan, pháp luật Campuchia và pháp luật của Việt Nam. Pháp luật nước nào được áp dụng để điều chỉnh việc tuyên bố bà Nữ chết? Trả lời câu hỏi trên thuộc phạm vi giải quyết của Tư pháp quốc tế51. Như vậy, rõ ràng đối với Việt Nam hiện nay, Tư pháp quốc tế là một lĩnh vực pháp luật có tính thức tiễn rất cao và vai trò này sẽ ngày càng tăng lên cùng với việc hội nhập ngày càng sâu hơn vào hoạt động kinh tế thế giới cũng như khi nền kinh tế Việt Nam chính thức trở thành một khâu, mắc xích trong toàn bộ quy trình hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy trong việc nghiên cứu và giảng dạy môn học này để đáp ứng các yêu cầu mới của kinh tế - xã hội. 3. XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA MÔN HỌC TƢ PHÁP QUỐC TẾ TRONG CHƢƠNG TR NH ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT TR NH ĐỘ CỬ NHÂN 3.1. Tƣ pháp quốc tế trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam Mỗi quốc gia đều có hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra trong phạm vi lãnh thổ nước mình. Trong đó, bộ phận pháp luật điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng cùng với sự phát triển của quá trình hội nhập quốc tế. Tại Việt Nam hiện nay, về cơ bản mỗi ngành luật trong hệ thống pháp luật tương ứng với một đạo luật trong hệ thống các văn bản pháp luật. Ví dụ: ngành luật lao động ứng với Bộ Luật lao động, ngành luật dân sự ứng với Bộ Luật dân sự, ngành luật tố tụng dân sự ứng với Bộ Luật tố tụng dân sự, ngành luật hình sự ứng với Bộ Luật hình sự (dĩ nhiên, bên cạnh các đạo luật này còn tồn tại nhiều văn bản hướng dẫn thi hành như nghị định, thông tư, …). Xuất phát từ cách bố trí của các quy phạm pháp luật như trên việc xây dựng nội dung nghiên cứu của các môn học trong chương trình đào tào ngành luật về cơ bản dựa trên ranh giới các văn bản luật, lấy nội dung văn bản luật làm cơ sở xây dựng kết cấu nội dung môn học. Ví dụ: Môn học Luật dân sự lấy Bộ Luật dân sự năm 2005 làm trọng tâm nghiên cứu, môn học Luật lao động lấy Bộ Luật lao động năm 1994 làm trọng tâm nghiên cứu, môn học Luật tố tụng dân sự lấy Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004 làm trọng tâm nghiên cứu. Cách thức xây dựng nội dung môn học này được chấp nhận tại Việt Nam cho đến nay mà chưa có bất kỳ quan điểm nào khác thay thế. Tuy nhiên, đối với Tư pháp quốc tế, tùy vào tình hình thực tiễn cũng như quan điểm lập pháp của mỗi quốc gia trên thế giới có hai cách bố trí các quy phạm pháp luật Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia: ban hành một đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế (Liên bang Thụy Sĩ, Bỉ, Italy, Cộng hòa liên bang Đức, Ba Lan,…) hoặc quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau điều chỉnh các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực dân sự như Luật dân sự, Luật lao động, Luật hôn nhân gia đình,… (Liên bang 51 Bành Quốc Tuấn, Giáo tr nh Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2017. 168
  8. Nga, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,…). Tại Việt Nam, các quy phạm pháp luật Tư pháp quốc tế tập trung chủ yếu trong Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ Luật dân sự năm 2015, Bộ Luật hàng hải, Bộ Luật lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại năm 2010,… Việc ban hành một đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế trong điều kiện hiện nay, theo quan điểm được nhiều người ủng hộ, là chưa cần thiết và chưa đủ điều kiện để thực hiện. Với tình hình thực tiễn như thế, việc xây dựng nội dung nghiên cứu của môn học Tư pháp quốc tế không thể dựa trên ranh giới các văn bản pháp luật được. Thực tế cho thấy các chương trình đào tạo ngành Luật khi xây dựng nội dung môn học Tư pháp quốc tế thường căn cứ vào phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, ngay chính phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế tại Việt Nam, như đã phân tích ở trên, cũng chưa có quan điểm thống nhất. Điều này dẫn đến thực tế là mỗi chương trình đào tạo ngành Luật có một môn học Tư pháp quốc tế với phạm vi nghiên cứu hoàn toàn khác nhau. Điều này phần lớn phụ thuộc vào quan điểm của người xây dựng chương trình về phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế rộng hay hẹp. Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau về phạm vi nội dung nghiên cứu nhưng vấn đề cơ bản chúng ta cần phải nhận ra rằng môn học Tư pháp quốc tế có liên quan đến tất cả các ngành luật trong lĩnh vực pháp luật tư (hay pháp luật dân sự theo nghĩa rộng). Bởi lẽ, các ngành luật dân sự trong nước chỉ nghiên cứu các vấn đề trong phạm vi điều chỉnh của ngành luật đó còn Tư pháp quốc tế nghiên cứu tất cả các quan hệ dân sự do các ngành luật tư điều chỉnh nhưng chỉ nghiên cứu trong trường hợp các quan hệ này có yếu tố nước ngoài. Như vậy, việc xác định một ranh giới rõ ràng cho môn học Tư pháp quốc tế là điều không đơn giản. Nhưng cũng chính vì thế mà môn học Tư pháp quốc tế giúp cho người học có một cái nhìn tổng thể đối với các ngành luật dân sự của Việt Nam. Nói cách khác, kiến thức của môn học Tư pháp quốc tế có liên quan đền phần lớn các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nếu môn học mang tính khởi đầu, thiết lập những kiến thức nền tảng cho người học luật là Lý luận chung về nhà nước và pháp luật thì môn học chuyên ngành mang tính chất nền tảng đối với những người nghiên cứu lĩnh vực pháp luật tư có yếu tố nước ngoài, không cần phải tranh luận thêm, đó chính là Tư pháp quốc tế. Vị trí này của Tư pháp quốc tế ngày càng được khẳng định trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó việc phải đảm bảo sự tương thích của hệ thống pháp luật trong nước với các chuẩn mực pháp lý quốc tế là một trong những yêu cầu mà Việt Nam phải thực hiện xuất phát từ các cam kết quốc tế của Việt Nam với thế giới. Đó cũng là một trong những vấn đề cơ bản mà Tư pháp quốc tế nghiên cứu. Xuất phát từ các vấn đề lý luận và thực tiễn như trên, cần phải khẳng định rằng môn học Tư pháp quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng đối với tổng thể các môn học nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và nghiên cứu pháp luật dân sự Việt Nam nói riêng. Khẳng định điều này sẽ góp phần quan trọng giúp những chủ thể có liên quan đến quá trình đào tạo, đặc biệt là người học, có được một nhận thức đúng đắn về vị trí của Tư pháp quốc tế trong mối quan hệ với các môn học khác có liên quan cũng như trong tổng thể chương trình đào tạo ngành Luật. Điều này cũng sẽ góp phần hạn chế những quan điểm sai lầm cho rằng Tư pháp quốc tế là một bộ phận của pháp luật quốc tế, không phải là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam, nên không cần thiết phải nghiên cứu nếu chỉ tham gia học tập và làm việc tại Việt Nam. Và càng sai lầm hơn nếu cho rằng Tư pháp quốc tế không phải là pháp luật mà chỉ là những lý luận về khoa học pháp lý, không có giá trị ứng dụng vào thực tiễn, một loại kiến thức “xa xỉ” đối với chương trình đào tạo ngành Luật ở trình độ cử nhân. 3.2. Tƣ pháp quốc tế trong tổng thể chƣơng tr nh đào tạo ngành Luật Như đã phân tích ở trên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trọng nhất là mục tiêu của mỗi cơ sở đào tạo, quan điểm cá nhân của những người có thẩm quyền trực tiếp xây dựng chương trình đào tạo, mà tại Việt Nam hiện nay có nhiều nội dung khác nhau của môn học Tư pháp quốc tế trong các chương trình đào tạo ngành Luật. Về cơ bản, hiện nay có 4 kiểu thiết nội dung môn học Tư pháp quốc tế trong chương trình đào tạo ngành Luật: 169
  9. Tư pháp quốc tế giữ vai trò trọng tâm trong toàn bộ các chuyên ngành đào tạo: Với kiểu thiết kế này Tư pháp quốc tế đóng vai trò quan trọng trong các chuyên ngành đào tạo như Luật học, Luật Kinh doanh và đóng vai trò trung tâm trong chuyên ngành Luật quốc tế. Vị trí khoa học của Tư pháp quốc tế luôn ở vị trí quan trọng trong đánh giá, nhận xét về chương trình đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng chương trình cũng như thời lượng dành cho môn học Tư pháp quốc tế luôn cao hơn các môn học khác. Kiểu thiết kế này sẽ được áp dụng ở những cơ sở đào tạo có chuyên ngành Luật quốc tế phát triển. Điển hình là Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, bên cạnh Bộ môn Luật quốc tế còn thành lập Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế trực thuộc Khoa Luật với tư cách là trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ giảng dạy, đào tạo về Luật quốc tế để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo của ngành Luật quốc tế. Tư pháp quốc tế giữ vai trò trọng tâm đối với chuyên ngành Luật quốc tế: Với kiểu thiết kế này Tư pháp quốc tế được xác định là một môn học trung tâm đối với chuyên ngành Luật quốc tế với vị trí khoa học cũng như thời lượng giảng dạy, khối lượng kiến thức nhiều hơn so với môn học Tư pháp quốc tế trong các chuyên ngành đào tạo khác. Kiểu thiết kế này được áp dụng ở những cơ sở đào tạo mà các chuyên ngành luật đều phát triển và có vai trò quan trọng ngang nhau như Trường Đại học Luật Hà Nội. Tư pháp quốc tế có vị trí như nhau trong tất cả các chuyên ngành Luật: Với kiểu thiết kế này Tư pháp quốc tế trong tất cả các chuyên ngành đào tạo đều được đánh giá ngang nhau về vị trí, vai trò, thời lượng giảng dạy, khối lượng kiến thức,… Kiểu thiết kế này thường áp dụng ở những cơ sở đào tạo mới thành lập Khoa Luật hoặc mới bắt đầu đào tạo ngành Luật, chưa tìm được hướng đi riêng hoặc chưa khẳng định được thế mạnh của mình là ở ngành Luật nào hoặc chuyên nghành Luật nào. Tuy nhiên, kiểu thiết kế này vẫn dành cho Tư pháp quốc tế một vị trí xứng đáng trong tổng thể chương trình đào tạo và vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, giảng dạy. Tư pháp quốc tế không được xác định đúng vị trí trong chương tr nh đào tạo ngành Luật: Với kiểu thiết kế này Tư pháp quốc tế luôn bị đánh giá thấp so với các môn học khác trong tất cả các chuyên ngành đào tạo. Từ quan điểm đánh giá này kéo theo vị trí khoa học của Tư pháp quốc tế trong tất cả các hoạt động chuyên môn của cơ sở đào tạo như nghiên cứu khoa học, thời lượng giảng dạy, chọn chuyên đề tốt nghiệp, thậm chí vị trí của giảng viên giảng dạy, cũng không được đánh giá đúng mức với bản chất của môn học Tư pháp quốc tế. Kiểu thiết kế này thường áp dụng ở những cơ sở đào tạo chưa có chuyên ngành Luật quốc tế. Bốn kiểu thiết kế trên phản ánh bức tranh phong phú, sinh động của nội dung môn học Tư pháp quốc tế tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam hiện nay và cũng phản ánh một thực tế là chưa có một quan điểm chung thống nhất về nội dung của môn học Tư pháp quốc tế cho đến thời điểm hiện tại. Dĩ nhiên rằng một đánh giá chung về ưu điểm và hạn chế của các kiểu thiết kế là không thể chính xác bởi lẽ mỗi cơ sở đào tạo đều có lý do riêng, cơ sở riêng khi xây dựng chương trình đào tạo của mình. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất, vị trí, vai trò của môn học Tư pháp quốc tế, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau đây: Thứ nhất, nếu chương trình đào tạo ngành Luật của cơ sở đào tạo chú trọng đến trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về quá trình hội nhập quốc tế cũng như lý luận cơ bản về pháp luật trước yêu cầu hội nhập quốc tế thì môn học Tư pháp quốc tế sẽ được chú trọng toàn diện cả về lý luận lẫn thực tiễn. Điều này xuất phát từ vai trò nền tảng của pháp luật dân sự trong hệ thống pháp luật quốc gia cũng như vai trò nền tảng của pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài (đối tượng nghiên cứu của Tư pháp quốc tế) trong việc xây dựng pháp luật phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, người học phải được nghiên cứu một cách bài bản các vấn đề lý luận cơ bản của Tư pháp quốc tế như lý luận về xung đột thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế, lý luận về xung đột pháp luật, lý luận về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, … Bên cạnh đó, người học cũng cần phải nghiên cứu việc vận dụng các vấn đề lý luận cơ bản vào toàn bộ các quan hệ pháp luật dân sự cụ thể có yếu tố nước ngoài. Điều này có nghĩa là chương trình học của môn học Tư pháp 170
  10. quốc tế sẽ có rất nhiều nội dung và vì vậy, thời gian học cũng phải tương xứng với khối lượng kiến thức đó. Chính vì vậy, ở những cơ sở đào tào thiết kế nội dung môn học Tư pháp quốc tế theo hướng này thường chia môn học thành 02 học phần: học phần chung (phần lý luận) và học phần riêng (phần các quan hệ dân sự chuyên ngành có yếu tố nước ngoài. Chương trình đào tạo của Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội là một điển hình cho xu hướng này. Thứ hai, nếu chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo chú trọng đến trang bị một cách toàn diện kiến thức của tất cả các ngành luật ở mức độ khái quát nhất, tập trung vào chiều rộng của kiến thức thì môn học Tư pháp quốc tế sẽ được thiết kế tập trung vào phần lý luận chung. Nghĩa là người học sẽ được nghiên cứu để nắm vững các vấn đề lý luận của Tư pháp quốc tế với tính chất là những kiến thức cơ bản bắt buộc. Đối với vấn đề các quan hệ dân sự chuyên ngành có yếu tố nước ngoài chủ yếu người học tự nghiên cứu sau khi được giảng viên định hướng các nội dung chính hoặc hoàn toàn tự nghiên cứu sau giờ học tập trên giảng đường. Mục tiêu đào tạo này dẫn đến thời lượng giảng dạy dành cho môn học Tư pháp quốc tế sẽ không nhiều trong tổng khối lượng giảng dạy và khối lượng kiến thức bắt buộc cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Mặc dù vậy, môn học Tư pháp quốc tế ở các chương trình này vẫn được đặt ở vị trí tương xứng của nó. Chương trình đào tạo của những cơ sở đào tạo mới thành lập Khoa Luật hoặc mới bắt đầu đào tạo ngành Luật là điển hình nhất cho xu hướng này. Thứ ba, nếu chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo không chú trọng đến ngành Luật quốc tế hoặc không có đào tạo ngành Luật quốc tế thì môn học Tư pháp quốc tế được thiết kế bao gồm cả phần lý luận chung và phần các quan hệ dân sự chuyên ngành có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, do thời lượng giảng dạy không nhiều nên không thể tập trung chuyên sâu vào bất cứ phần nào mà chủ yếu người học phải tự nghiên cứu dưới sự định hướng của giảng viên. Với mục tiêu đào tạo này, môn học Tư pháp quốc tế thường không được đặt đúng vào vị trí vốn có của nó trong tổng thể chương trình đào tạo ngành Luật. Tóm lại, dù có nhiều quan điểm khác nhau trong việc đánh giá cũng như thiết kế nội dung nghiên cứu của môn học Tư pháp quốc tế nhưng một điểm chung chúng ta có thể rút ra được là Tư pháp quốc tế luôn được xác định là một trong những môn học trung tâm của chương trình đào tạo ngành Luật ở trình độ cử nhân. Điều này hoàn toàn xuất phát từ những kiến thức chuyên môn mà môn học trang bị cho người học cũng như xuất phát từ yêu cầu của tình hình thực tiễn tác động đến việc xác định mục tiêu đào tạo của các cơ sở đào tạo. 3.3. Tƣ pháp quốc tế trong tổng thể kiến thức chuyên môn của tr nh độ Cử nhân Luật Trước hết cần phải khẳng định Cử nhân Luật vừa là một bằng cấp, vừa là một trình độ. Xét ở góc độ trình độ, Cử nhân Luật là cấp độ đào tạo đầu tiên của giáo dục đại học tại Việt Nam. Chính vì vậy, yêu cầu cơ bản của trình độ Cử nhân Luật là phải nắm vững kiến thức cơ bản cả về mặt lý luận lẫn pháp luật thực định của pháp luật Việt Nam. Áp dụng yêu cầu này vào môn học Tư pháp quốc tế chúng ta thấy kiến thức của Tư pháp quốc tế là một mảng kiến thức chuyên môn không thể thiếu trong tổng thể kiến thức chuyên môn của trình độ Cử nhân Luật, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Điều này xuất phát từ các cơ sở sau đây: Đối tượng nghiên cứu của môn học Tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài: Điều này có nghĩa là Tư pháp quốc tế không nghiên cứu một ngành luật cụ thể nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam mà nghiên cứu tổng thể các ngành luật dân sự nhưng có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, để nghiên cứu được Tư pháp quốc tế người học phải nắm vững các nội dung của các ngành luật dân sự, cả về lý luận lẫn pháp luật thực định, bởi lẽ, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài do Tư pháp quốc tế điều chỉnh trước hết là quan hệ dân sự, có đầy đủ các đặc điểm của pháp luật dân sự và phải được điều chỉnh bằng các phương pháp của pháp luật dân sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi nghiên cứu Tư pháp quốc tế người học sẽ nghiên cứu kiến thức của toàn bộ các ngành luật dân sự, một bộ phận kiến 171
  11. thức cơ bản hợp thành toàn bộ kiến thức của trình độ Cử nhân Luật. Bên cạnh đó, pháp luật dân sự khác với pháp luật công, vốn mang tính chất lãnh thổ và quyền lực quốc gia tuyệt đối, ở đặc điểm cơ bản là luôn mang tính kế thừa các giá trị lập pháp chung của nhân loại. Nói cách khác, pháp luật dân sự của các nước luôn có những điểm giao thoa với nhau. Điều này thể hiện ở chỗ khi xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực dân sự các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thường xuyên tham khảo kinh nghiệm lập pháp của quốc tế để tiếp thu và vận dụng những điểm hợp lý vào pháp luật nước mình. Tư pháp quốc tế là một trong những sản phẩm lập pháp mang đậm tính kế thừa các giá trị lập pháp của nhân loại bởi lẽ đối tượng điều chỉnh của nó là các quan hệ luôn có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, nghiên cứu Tư pháp quốc tế cũng chính là sự khái quát hóa toàn bộ các kiến thức cơ bản của lĩnh vực pháp luật dân sự mà nếu thiếu nó không thể nói rằng người học đã lĩnh hội được đầy đủ kiến thức của người học Luật ở trình độ cử nhân. Vai trò nền tảng của pháp luật dân sự trong hệ thống pháp luật quốc gia: Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, về mặt lý luận, được chia thành hai lĩnh vực chính là luật công (với các ngành luật tiêu biểu như ngành Luật hiến pháp, ngành Luật hành chính, ngành Luật hình sự, …) và luật tư với ngành luật tiêu biểu là Luật dân sự. Luật dân sự còn là ngành luật nền tảng cho các ngành luật khác trong lĩnh vực luật tư. Điều này đã được khẳng định ngay từ những ngày đầu tiên của văn minh lập pháp nhân loại thể hiện ở các thành tựu lập pháp trong lĩnh vực pháp luật dân sự của Hy Lạp, La Mã cổ đại và ngày nay vẫn tiếp tục được khẳng định qua vị trí trung tâm của Bộ Luật dân sự trong hệ thống pháp luật của một quốc gia. Chính từ vai trò này của pháp luật dân sự mà kiến thức về pháp luật dân sự là một bộ phận cơ bản không thể thiếu trong kiến thức chuyên môn của một người có trình độ Cử nhân Luật. Tư pháp quốc tế là sự phát triển tiếp nối các kiến thức của pháp luật dân sự bởi lẽ Tư pháp quốc tế dựa vào nền tảng các kiến thức của pháp luật dân sự để nghiên cứu các quan hệ dân sự khi xuất hiện yếu tố nước ngoài. Như vậy, nghiên cứu Tư pháp quốc tế chính là nghiên cứu lại một lần nữa pháp luật dân sự và nghiên cứu pháp luật dân sự chính là nền tảng để nghiên cứu Tư pháp quốc tế. Hai mảng kiến thức quan trọng này luôn gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong suốt quá trình người học tham gia học tập tại các cơ sở đào tạo Luật. Có thể khẳng định rằng không có kiến thức về pháp luật dân sự nói chung, Tư pháp quốc tế nói riêng, người học khó có thể làm việc sau khi hoàn tất chương trình đào tạo bởi lẽ phần lớn các quan hệ xã hội do pháp luật tác động đến là quan hệ pháp luật dân sự, phần lớn các quan hệ pháp luật cần được bảo vệ cũng là quan hệ pháp luật dân sự và phần lớn các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực pháp luật cũng là pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn của pháp luật dân sự nói chung, Tư pháp quốc tế nói riêng, còn là nền tảng để người học tiếp tục nghiên cứu ở những bậc đào tạo cao hơn. Điều này được thể hiện trong các chương trình đào tạo ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đều luôn có yêu cầu về các nội dung kiến thức chuyên sâu của Tư pháp quốc tế. Mối quan hệ giữa Tư pháp quốc tế với các môn học liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: Bên cạnh Tư pháp quốc tế trong chương trình đào tạo ngành Luật còn nhiều môn học khác có liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể như: Luật thương mại quốc tế, Luật hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, Luật sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài, Trọng tài thương mại quốc tế, Thanh toán quốc tế,… Tuy nhiên, một điều cần phải nhận thức rõ ràng là các môn học này chỉ là những bộ phận hợp thành của Tư pháp quốc tế chứ không thể đứng ngang hàng với Tư pháp quốc tế. Điều này xuất phát từ cơ sở các quan hệ dân sự chuyên ngành do các môn học này nghiên cứu chỉ là một bộ phận của các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài do Tư pháp quốc tế nghiên cứu. Xét ở góc độ các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì Tư pháp quốc tế phải ở vào vị trí nền tảng cho tất cả các môn học khác. Quan điểm xuất phát từ sự đánh giá của xã hội đối với quan hệ pháp luật để xác định vị trí của môn học nghiên cứu quan hệ pháp luật đó là một quan điểm sai lầm cần phải xem xét và đánh giá lại một cách nghiêm túc. Bởi lẽ, sự đánh giá của một bộ phận xã hội, thậm chí của toàn xã hội về tầm quan trọng của một loại quan hệ pháp luật nào đó không thể là tiêu chí để xác định vị trí của ngành luật tương ứng và 172
  12. càng không thể là tiêu chí để xác định vị trí của môn học tương ứng. Cách tư duy này sẽ dẫn đến sự phiến diện, thiếu khoa học trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo và điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình học tập của người học. Và hệ quả cuối cùng, xã hội sẽ phải đón nhận một sản phẩm đào tạo với tư duy thiếu chính xác về mặt khoa học trong việc xác định và đánh giá vị trí của từng lĩnh vực pháp luật trong tổng thể hệ thống pháp luật. Yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế: Hội nhập quốc tế đã là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra khi Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của toàn cầu là phải xây dựng một hành lang pháp lý đảm bảo cho chủ thể Việt Nam và chủ thể nước ngoài khi tham gia hoạt động tại Việt Nam được tự do và bình đẳng trong hoạt động. Trong xu thế đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như trang bị các kiến thức pháp lý phục vụ cho quá trình hội nhập là một trong những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay bởi lẽ xuất phát điểm của Việt Nam khi hội nhập quốc tế là rất thấp. Nếu không nhanh chóng tự trang bị cho mình kiến thức pháp lý cần thiết chắc chắn các chủ thể Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi tham gia các quan hệ với chủ thể nước ngoài. Việc đưa môn học Tư pháp quốc tế vào các chương trình đào tạo của ngành Luật là một trong những biện pháp hiệu quả nhất nhằm nhanh chóng nâng cao mặt bằng chung của Việt Nam đối với yêu cầu pháp luật phục vụ cho quá trình hội nhập, đặc biệt là đối vớ những người được đào tạo bài bản trong các Trường đại học có đào tạo chuyên ngành Luật thì yêu cầu này càng không thể thiếu. Xuất phát từ các yêu cầu này, đối với người học chuyên ngành luật, không phân biệt là chuyên ngành luật nào, kiến thức chuyên môn của Tư pháp quốc tế rõ ràng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong tổng thể kiến thức chuyên môn được học tập trong toàn bộ chương trình đào tạo. Như vậy, có thể khẳng định rằng xuất phát từ yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, việc trang bị một cách căn bản và toàn diện kiến thức chuyên môn của Tư pháp quốc tế là yêu cầ bắt buộc đối với người học luật ở trình độ cử nhân. 4. KẾT LUẬN Việc xây dựng chương trình đào tạo là một trong những công việc khởi đầu của quá trình đào tạo nhưng lại là công việc có vai trò quyết định đối với kết quả sau cùng của quá trình đào tạo bởi lẽ người học, với tư cách là sản phẩm của quá trình đào tạo sẽ là người thụ hưởng thành quả hoặc gánh chịu mọi hậu quả do chương trình đào tạo mang đến. Chính vì vậy, việc xây dựng nội dung của từng môn học cụ thể phải được tiến hành bởi những người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chuyên ngành đó, phải có cả kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tiễn và quan trọng nhất phải có tâm huyết đối với công việc mình đang tiến hành. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể xây dựng được những chương trình đào tạo thật sự khoa học, hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu đào tạo cũng như của xã hội trong giai đoạn hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Văn Đại & Mai Hồng Quỳ (2010), Tư pháp quốc tế Việt Nam – Quan hệ dân sự, lao động, thương mại có yếu tố nước ngoài, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội. [2] Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội (Nguyễn Bá Diến chủ biên, 2001), Giáo tr nh Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội. [3] Lê Thị Nam Giang (2009), Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. [4] Nguyễn Xuân Linh (1995), Một số vấn đề cơ bản về Luật quốc tế, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh. [5] Đoàn Năng (2001), Một số vấn đề lý luận cơ bản về Tư pháp quốc tế (Sách tham khảo), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội. 173
  13. [6] Jean Derruppe (2005), Tư pháp quốc tế, Dịch giả: Trần Đức Sơn (Bản dịch tiếng Việt của Nhà pháp luật Việt – Pháp), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội. [7] Trường Đại học Luật Hà Nội (Bùi Xuân Nhự chủ biên, 2010), Giáo tr nh Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội. [8] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2010), Giáo tr nh Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. [9] Bành Quốc Tuấn (2017), Giáo tr nh Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội. [10] Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật (Đào Trí Úc chủ biên, 1994), Một số vấn đề lý luận cơ bản về Luật quốc tế, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội. 174
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2