intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số ý kiến về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2025 nhằm đánh giá thực chất năng lực Ngữ văn của học sinh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

8
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Một số ý kiến về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2025 nhằm đánh giá thực chất năng lực Ngữ văn của học sinh" đưa ra ý kiến cá nhân về cấu trúc đề thi Ngữ văn kỳ thi THPTQG từ năm 2025, nhằm đánh giá thực chất năng lực Ngữ văn của học sinh. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số ý kiến về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2025 nhằm đánh giá thực chất năng lực Ngữ văn của học sinh

  1. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ CẤU TRÚC ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA TỪ NĂM 2025 NHẰM ĐÁNH GIÁ THỰC CHẤT NĂNG LỰC NGỮ VĂN CỦA HỌC SINH ThS. Nguyễn Thị Hương Lan*, ThS. Trần Thị Kim Chi** 1 Tóm tắt: Theo lộ trình từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 THPT sẽ học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sẽ tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) năm 2025. Nội dung bài viết của chúng tôi đưa ra ý kiến cá nhân về cấu trúc đề thi Ngữ văn kỳ thi THPTQG từ năm 2025, nhằm đánh giá thực chất năng lực Ngữ văn của học sinh. Từ khóa: Ngữ văn, trung học phổ thông, đề thi, năng lực. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Học thật, thi thật, chất lượng thật, nhân tài thật – những vấn đề luôn được sự quan tâm của cả xã hội tuy không phải mới được đặt ra gần đây. Bộ Giáo dục và Ðào tạo chính thức phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” vào ngày 31-7-2006 tại Hội nghị toàn quốc của ngành giáo dục và hiện tại vẫn được các nhà trường hưởng ứng. Các cấp quản lí, những nhà khoa học, các nhà trường, giáo viên và học sinh luôn cố gắng đưa ra và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Tất cả nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục tiên tiến với chất lượng cao. Trong bài viết này, chúng tôi bàn đến cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2025, hướng tới việc đánh giá thực chất năng lực Ngữ văn của học sinh. 2. NỘI DUNG 2.1. Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn từ năm 2008 Từ năm 2014 trở về trước, học sinh muốn vào đại học phải trải qua 2 kì thi: thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học. Ở bài viết này, chúng tôi lấy mốc năm 2008, bởi đề thi Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. *, **
  2. 518 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP môn Ngữ văn trước và sau năm này có sự thay đổi rất rõ. Trước và trong năm 2008, với thi tốt nghiệp THPT, đề thi Ngữ văn thường có 2 phần: 2 điểm kiểm tra kiến thức tác giả Tác phẩm văn học nước ngoài, 8 điểm kiểm tra về văn học Việt Nam chia làm 2 câu 3 điểm và 5 điểm. Với đề thi đại học (khối C và D có đề riêng), tất cả các câu hỏi đều dành kiểm tra hiểu biết về văn học Việt Nam, cũng chia thành 3 câu: 2 điểm, 3 điểm và 5 điểm. Có thể thấy rất rõ, điểm chung của đề thi Văn cả hai kì thi này là đều chỉ kiểm tra về văn học: yêu cầu học sinh tái hiện thông tin về tác giả, tác phẩm (câu 2 điểm), kiểm tra hiểu biết về một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm (câu 3 điểm) và khả năng cảm thụ văn học (câu 5 điểm). Phạm vi của cả 3 câu về những tác phẩm được dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 11, 12. Ở đề thi Ngữ văn năm 2009, câu 3 điểm được thay bằng yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội ngắn. Những nhà quản lí giáo dục đã ý thức được sự quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức xã hội mà không hoàn toàn nghiêng về kiến thức văn học như trước. Từ đó đến nay, trong đề Ngữ văn luôn luôn hiện diện yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội. Năm 2014, đề thi Ngữ văn có sự thay đổi cơ bản. Đề thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm, trong đó có yêu cầu nghị luận xã hội) và Làm văn (7 điểm, nghị luận văn học). Đề thi đại học không chia ra 2 phần như đề tốt nghiệp, song câu 2 điểm thực chất là yêu cầu đọc hiểu, câu nghị luận xã hội 3 điểm và câu nghị luận văn học 5 điểm. Rõ ràng, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ trọng tâm cung cấp, rèn luyện kiến thức, kĩ năng sang trọng tâm bồi dưỡng và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; song từ những năm này, đã có sự chuyển biến trong đánh giá, nhằm kiểm tra năng lực Ngữ văn của học sinh: năng lực đọc hiểu và năng lực viết. Năm 2015 đánh dấu sự chuyển biến lớn khi học sinh chỉ trải qua 1 kỳ thi - Thi THPTQG, vừa để tốt nghiệp THPT vừa có thể xét tuyển Đại học. Mỗi học sinh sẽ làm 4 bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ và tổ hợp KHTN/ KHXH. Về môn Ngữ văn, năm 2015 và 2016 học sinh làm bài trong 180 phút, 8 câu hỏi đọc hiểu về 2 đoạn ngữ liệu và 2 câu làm văn. Từ năm 2017 đến nay, cấu trúc đề thi vẫn ổn định như sau: Phần đọc hiểu (3 điểm): Bao gồm 1 đoạn trích ngắn làm ngữ liệu (thường không có trong sách giáo khoa), 4 câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ cấp độ nhận biết đến vận dụng. Phần làm văn (7 điểm): Viết một đoạn văn nghị luận xã hội (NLXH): 2 điểm Đoạn văn viết về một vấn đề xã hội rút ra từ ngữ liệu phần đọc hiểu, độ dài khoảng 200 từ.
  3. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 519 Viết bài văn nghị luận văn học (NLVH): 5 điểm Học sinh viết bài văn nghị luận văn học về một nhân vật/đoạn trích/chủ đề của tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Có thể lấy đề thi chính thức môn Ngữ văn năm 2019 mà chúng tôi dẫn ra sau đây làm ví dụ điển hình: (Dẫn theo trang Vietnamnet.vn thứ tư ngày 26/5/2019)
  4. 520 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét cá nhân về cấu trúc đề thi này như sau: - Về ưu điểm: + Đề thi đánh giá học sinh ở năng lực Ngữ văn: đọc hiểu và viết. + Đề thi mang tính mở: mở về phạm vi ngữ liệu (ngữ liệu phần đọc hiểu thường nằm ngoài sách giáo khoa; có thể là một đoạn/ phần văn bản báo chí, nghị luận, thuyết minh, khoa học, văn học,…); mở về nội dung: ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, học sinh phải vận dụng những hiểu biết của bản thân để giải quyết những yêu cầu của đề bài, không phải tái hiện lại kiến thức đã được học (mặc dù vẫn trên nền là những kiến thức kĩ năng cơ sở trong nhà trường), đề thi hướng tới những vấn đề thời sự, những mối quan tâm của con người với cuộc sống, xã hội và bản thân; mở về hình thức: không đặt ra những yêu cầu về thao tác nghị luận (ví dụ trong đề 2019 chúng tôi đã dẫn, câu 5 điểm, yêu cầu cảm nhận mà không phải phân tích, bình giảng,…) - Về nhược điểm: Phần chiếm tỉ trọng điểm lớn nhất (5 điểm) thuộc phần nghị luận văn học, về một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn THPT. Đương nhiên, đây là một văn bản đã được dạy trong nhà trường và không ít học sinh chọn cách học thuộc bài giảng của thầy cô, tài liệu học tập rồi viết lại, thay vì tự mình cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương. Như vậy, bài thi chưa hoàn toàn thể hiện thực chất năng lực của học sinh. 2.2. Về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn từ năm 2025 Theo lộ trình từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 THPT sẽ học theo chương trình Chương trình Giáo dục phổ thông (từ đây chúng tôi gọi tắt là Chương trình) 2018 và đến năm 2025 các em sẽ hoàn thành cấp học THPT. Nếu như ở Chương trình 2006, môn Ngữ văn được chia thành 3 phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn với trọng tâm là cung cấp các kiến thức văn học (văn học nước ngoài và văn học Việt Nam; với Văn học Việt Nam, cung cấp hiểu biết về các thể loại văn học dân gian và các thời kì văn học viết), về ngôn ngữ Việt (các phong cách chức năng), luyện các kĩ năng tạo lập văn bản (văn bản tự sự, thuyết minh, báo chí, nghị luận,…) thì ở Chương trình 2018, trục triển khai là các kĩ năng Đọc hiểu, Viết, Nghe và nói. Mục tiêu môn Ngữ văn không xác định theo 3 bình diện (kiến thức, kỹ năng, thái độ) mà được xác định trên 2 bình diện (năng lực và phẩm chất). Học sinh sẽ thông qua việc đọc hiểu các văn bản (văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin) để nói, viết về những vấn đề văn học và đời sống, từ đó bồi dưỡng tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; thấy rõ vai trò và tác dụng của môn học đối với đời sống mỗi con người; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, có khả năng hội nhập quốc tế, có ý thức, thái độ, thói quen và phong cách của một công dân toàn cầu.
  5. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 521 Một sự khác biệt cơ bản khác giữa hai chương trình là ở Chương trình 2006, học sinh cả nước thống nhất sử dụng một bộ sách giáo khoa, các tác phẩm văn học học sinh được học trong nhà trường là giống nhau, với Chương trình 2018, hiện nay có 3 bộ sách, giữa các bộ sách có sự thống nhất và khác biệt. Chương trình Ngữ văn 2018 không quy định cụ thể các văn bản văn học được dạy trong từng lớp trừ một số tác phẩm bắt buộc dạy học trong nhà trường: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh). Như vậy, chỉ cần đảm bảo nội dung giáo dục, giáo viên và nhà trường có sự chủ động rất lớn trong việc lựa chọn ngữ liệu làm bài học. Hoạt động trải nghiệm trong và ngoài giờ học được đề cao. Việc kiểm tra đánh giá học sinh ngoài việc yêu cầu học sinh viết bài trên giấy có thể có sử dụng nhiều hình thức khác: làm bài trên máy tính, thực hiện các dự án văn học, hồ sơ học tập,… Môn Ngữ văn được dạy trong nhà trường vừa là môn nghệ thuật, vừa là môn công cụ để hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếp nhận văn học, cảm thụ thẩm mĩ, phương pháp học tập, tư duy đặc biệt là phương pháp tự học, năng lực ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống. Cuộc sống hiện đại với những thay đổi mạnh mẽ và mang tính toàn cầu về khoa học, công nghệ, các yếu tố tự nhiên, môi trường, các yếu tố văn hóa, xã hội,… có tác động tới việc học trong nhà trường nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, dẫn tới những thay đổi trong cách dạy và học trong nhà trường, để kết nối văn học với cuộc sống. Xin quay trở lại với vấn đề chúng tôi muốn đề cập: cấu trúc đề thi môn Ngữ văn từ năm 2025. Ở đây chúng tôi không bàn đến việc có nên bỏ kỳ thi THPTQG, học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học theo hồ sơ học bạ. Chúng tôi giả định thi THPTQG vẫn là kỳ thi dành cho HS toàn quốc. Như vậy, đề thi Ngữ văn có nên thay đổi so với hiện nay? Nếu có, sự thay đổi đó nên như thế nào để có thể đánh giá thực chất năng lực Ngữ văn của học sinh? Như phần 2.1 chúng tôi đã trình bày, hiện nay, đề thi Ngữ văn kỳ thi THPTQG kiểm tra học sinh ở 2 kĩ năng: đọc hiểu (3/10 điểm) và tạo lập văn bản (làm văn, 7/10 điểm). Đây là những kĩ năng chuyên biệt môn Ngữ văn hình thành và phát triển ở học sinh mà Chương trình 2018 hướng tới và chúng tôi cho rằng đây vẫn sẽ là 2 kĩ năng cần kiểm tra. Bởi vậy, nên giữ nguyên cấu trúc 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Tuy nhiên, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sẽ có nhiều sách giáo khoa được sử dụng. Việc lấy ngữ liệu trong một bộ sách giáo khoa là không hợp lí, nếu lấy ở phần thống nhất giữa các bộ sách sẽ làm nảy sinh hiện tượng học tủ. Mặt khác, chúng tôi cho rằng, năng lực cảm thụ văn chương của học sinh sẽ thể hiện một cách
  6. 522 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP thực chất nếu để các em tiếp xúc với một văn bản văn học mới mẻ. Nên đưa ra ngữ liệu tác phẩm văn học không có trong sách giáo khoa để học sinh cảm nhận những nét đẹp về nội dung và nghệ thuật. Bên cạnh đó, theo chúng tôi, tỉ trọng điểm số giữa 2 phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học nên có sự thay đổi so với hiện tại. Cảm nhận, đánh giá văn học là những năng lực rất quan trọng để bồi dưỡng tâm hồn học sinh, song, phần nghị luận xã hội nên được quan tâm nhiều hơn. Khi học sinh ra đời, các em cần giải quyết rất nhiều những vấn đề của cuộc sống. Các em cần tìm hiểu các quan điểm, trào lưu, cần phân tích, trình bày ý kiến, trải nghiệm cá nhân... để thể hiện quan điểm của mình. Rời nhà trường để bước vào cuộc sống, sự độc lập, linh hoạt, nhạy bén với các vấn đề đời sống sẽ giúp các em tự tin và hòa nhập với công việc cũng như cuộc sống xã hội tốt hơn. Để chuẩn bị cho học sinh, cần rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng phát hiện vấn đề, giải thích, chứng minh, lật ngược vấn đề, đưa ra giải pháp,… những thao tác cơ bản của nghị luận xã hội. Chính vì thế, ở đề thi, chúng tôi cho rằng nên dành 5 điểm cho phần nghị luận xã hội và 2 điểm thuộc về phần nghị luận văn học (ngược với tỉ trọng hiện tại). Chúng tôi đưa ra ý kiến cá nhân về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn từ năm 2025 như sau: Phần đọc hiểu (3 điểm): bao gồm 1 văn bản hoặc đoạn trích văn bản văn học làm ngữ liệu (không có trong các sách giáo khoa), 4 câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ cấp độ nhận biết đến vận dụng về phong cách văn bản, phương thức biểu đạt, ý nghĩa của từ/ cụm từ/ câu/ đoạn, biện pháp tu từ,... Phần làm văn (7 điểm): Viết một đoạn văn nghị luận văn học (2 điểm) Đoạn văn viết về nhân vật/ đoạn trích/ chủ đề liên quan ngữ liệu phần đọc hiểu, hạn định dung lượng (độ dài khoảng 200 – 400 từ). Viết bài văn nghị luận xã hội (5 điểm) Học sinh viết bài văn nghị luận về một vấn đề của thiên nhiên, cuộc sống, tuổi trẻ,… có hoặc không hạn định dung lượng. Xin đưa ra đề thi minh họa như sau:
  7. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 523 ĐỀ THI MINH HỌA - KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2025 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 120 phút I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc bài thơ: Hỏi  Tôi hỏi đất: - Đất sống với đất như thế nào? - Chúng tôi tôn cao nhau. Tôi hỏi nước: - Nước sống với nước như thế nào? - Chúng tôi làm đầy nhau. Tôi hỏi cỏ: - Cỏ sống với cỏ như thế nào? - Chúng tôi đan vào nhau Làm nên những chân trời. Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào? Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào? Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào? (Hữu Thỉnh, Trích Thư mùa đông, NXB Hội Nhà văn, 1994) Câu 1: (0,5 điểm) Xác định thể thơ cho bài thơ trên. Câu 2: (0,5 điểm) Ở ba khổ thơ đầu, các từ ngữ “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào”, “làm nên” cùng có chung nét nghĩa nào? Câu 3: (1 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng ở sáu dòng thơ cuối bài. Câu 4: (1 điểm) Khi nhân vật trữ tình hỏi đất, nước, cỏ đều nhận được câu trả lời, còn khi hỏi người lại không nhận được câu trả lời. Tại sao? PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 200 từ nêu cảm nhận của anh /chị về bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh dẫn ở phần Đọc hiểu. Câu 2 (5,0 điểm) Hãy viết một bài văn không ít hơn 1000 từ với chủ đề Giá trị của mỗi người.
  8. 524 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Như vậy, có thể biểu thị bằng sơ đồ mà chúng ta đang dùng hiện nay, dù khác biệt về nội dung từng phần: Câu Cấp độ nhận thức Phần Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Vận dụng cao 1 x 2 x Đọc hiểu 3 x 4 x 1 x (NLVH) Làm văn 2 x (NLXH) 3. KẾT LUẬN Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng tới hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực của học sinh. Việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá đều cần có những thay đổi từ các nhà quản lí, giáo viên và học sinh. Với sự thực dụng thi gì, học nấy của xã hội hiện nay, chúng tôi hi vọng rằng cấu trúc đề thi Ngữ văn THPTQG như trên sẽ khiến học sinh không phụ thuộc vào văn mẫu hay học thuộc bài giảng của thầy cô giáo mà học và thi bằng suy nghĩ và trải nghiệm của cá nhân các em. Từ nay đến thời điểm 2025 còn một khoảng thời gian, song chúng tôi cho rằng, cần có những định hướng và thực hiện những thay đổi về kiểm tra - đánh giá Ngữ văn trong nhà trường THPT ngay từ năm học 2022 - 2023, khi học sinh bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Báo Tuổi trẻ (2021), “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”, ngày 6/5/2021. [2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2018), Chương trình giáo dục phổ thông - Môn Ngữ văn, Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đăng trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://moet.gov.vn/ ngày 26/12/2018. [3]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi THPTQG 2019, dẫn theo trang Vietnamnet.vn thứ tư ngày 26/5/2019. [4]. Nguyễn Hữu Châu (chủ biên), (2008), Chất lượng giáo dục - những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Giáo dục, Hà Nội. [5]. Trần Bá Giao (2007), “Nói “không” với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 10/3/2007.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2