intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nguồn lực tài chính cho trường đại học nhìn từ cơ chế thu, chi

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nguồn lực tài chính cho trường đại học nhìn từ cơ chế thu, chi" xem xét quyền quyết định các khoản thu, chi tài chính trong thực hiện quyền tự chủ của trường đại học, từ đó rút ra những bất cập trong việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động. Trên cơ sở kết quả phân tích thu được, bài viết đề xuất một số giải pháp. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nguồn lực tài chính cho trường đại học nhìn từ cơ chế thu, chi

  1. NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CHO TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHÌN TỪ CƠ CHẾ THU, CHI Lê Khánh Tuấn1 Trường Đại học Sài Gòn Abstract Based on current state regulations on the financial self-sufficiency of non-commercial public units, the article examines the right to decide on financial revenues and expenses in the exercise of university autonomy, thereby drawing inadequacies in ensuring resources for operations. On the basis of the obtained analysis results, the article proposes a number of solutions. Keywords: Financial, university, mechanism, revenue, expenditure 1. MỞ ĐẦU Khi đánh giá về chi tiêu công ở Việt Nam, Ngân hàng thế giới và Chính phủ [1] khẳng định rằng sự sẵn có của các nguồn tài chính chưa chắc đã đảm bảo một nền giáo dục chất lượng, nhưng khó đạt được một nền giáo dục chất lượng nếu không đủ nguồn lực. Chính sách chi tiêu tài chính có thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong học tập, mang lại lợi ích trực tiếp cho người học và tạo lập cơ chế bù đắp cho sự thiếu hụt do thu nhập thấp. Các chính phủ đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực giáo dục, nhưng thường thiếu hướng dẫn về những cách tối ưu để đầu tư và quản lý tài chính học đường. Tìm giải pháp để khai thác các nguồn lực tài chính chi tiêu cho giáo dục trở nên cấp thiết. Nhưng làm sao để các giải pháp đó đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và công bằng mới là vấn đề sống còn. Để thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị định (Nghị định 10/2002/NĐ-CP, Nghị định 10/2002/NĐ-CP, Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP và Nghị định 60/2021/NĐ-CP) theo hướng tạo điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo quyền trong thực hiện thu để cân đối chi đang còn những bất cập, khiến cho các trường đại học gặp nhiều khó khăn. Dưới đây, chúng tôi phân tích về sự bất cập đó và khuyến nghị một số giải pháp về chính sách tháo gỡ. 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 2.1. Cơ chế tự chủ tài chính ở trường đại học Nghị định 60/2021/NĐ-CP [2] phân loại đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính theo 4 mức chung: 1) Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định); 2) Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 3) Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên từ 10% đến dưới 100%); 4) Đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên dưới 10%). Các loại đơn vị tự chủ được nới rộng quyền định đoạt về thu và chi theo mức độ 1 lktuan@sgu.edu.vn 12
  2. tự chủ từ thấp đến cao. Đơn vị tự chủ cao nhất (loại 1) được quyền định đoạt nhiều hơn về các mức thu, chi; ngược lại đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (loại 4) chủ yếu thực hiện theo quy định về thu, chi ngân sách nhà nước. Về nguyên tắc, các trường đại học được tự chủ tài chính sẽ thực hiện các khoản thu, chi theo quy định đối với loại đơn vị tự chủ được duyệt cho trường. Theo đó, trường tự chủ loại 1 tự đảm bảo từ 100% trở lên chi phí chi thường xuyên và ít nhất phần khấu hao tài sản cố định, các trường này có quyền định đoạt các khoản thu, chi với khung rộng hơn. Trường tự chủ ở các loại còn lại ít quyền định đoạt hơn về thu, chi và ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần. Như vậy, các trường phải thực hiện thu để đảm bảo chi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay ở các trường đại học là cơ chế hiện hành không đảm bảo được sự cân đối giữa thu và chi, vì vậy quyền tự chủ tài chính chưa thực chất. 2.2. Cơ chế cân đối giữa thu và chi sự nghiệp 2.2.1. Giá dịch vụ đào tạo Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục và đào tạo [3] quy định giá dịch vụ giáo dục đào tạo được xác định tính đủ các chi phí theo công thức sau: Giá dịch vụ Chi phí Chi phí khấu hao/hao Chi phí Chi phí Chi phí, giáo dục = tiền + + + mòn tài sản cố định + vật tư quản lý quỹ khác đào tạo lương (tích lũy đầu tư) Nghị định số 81/2021/NĐ-CP [4] xác định rõ hơn về cơ cấu giá dịch vụ đào tạo, đó là số tiền người sử dụng dịch vụ phải trả cho từng dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo, gồm: dịch vụ dạy học, tuyển sinh; kiểm định chất lượng giáo dục, cấp phát các loại phôi văn bằng, chứng chỉ; hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực thông qua việc nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội; điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực thông qua việc kết nối cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động nhằm khai thác các nguồn lực cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; tư vấn cho các tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tham gia bồi dưỡng phát triển các kỹ năng cần thiết cho người học; các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo. Nhìn vào công thức và cơ cấu tính giá dịch vụ ta dễ thấy các khoản chi phí có thể rất khác nhau giữa các ngành đào tạo, nhưng đều là yếu tố khách quan. Các trường đại học khi tự chủ, để giảm “giá thành” chỉ có phương pháp chi tiêu hiệu quả, khó cắt giảm các khoản chi. Nghĩa là việc giảm chi đến một mức nào đó sẽ ảnh hưởng tất yếu đến chất lượng dịch vụ (đào tạo). 2.2.2. Cơ chế thu để bù đắp chi phí (giá dịch vụ đào tạo) Theo quy định hiện hành, để đảm bảo tài chính cho thực hiện dịch vụ đào tạo, các trường đại học có thể được phép thu từ những nguồn sau: Ngân sách nhà nước hỗ trợ, học phí, nguồn thu khác như từ dịch vụ khoa học - công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng. Cơ chế cân đối hiện nay như thế nào? a. Ngân sách nhà nước: Ngoài các khoản nhà nước đặt hàng (nếu có), trường đại học chưa tự chủ được hỗ trợ một phần ngân sách. Nhưng mức hỗ trợ này chủ yếu dựa trên khả năng ngân sách, không được tính toán để bù đắp chi phí đào tạo (giá dịch vụ đào tạo). 13
  3. b. Học phí: Nghị định số 81/2021/NĐ-CP [4] quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với trường đại học công lập có hai điểm đáng chú ý: 1) Chính phủ ban hành khung học giá trị thu để cơ sở giáo dục đề xuất mức thu học phí cụ thể cho từng ngành đào tạo, với nguyên tắc không được thu vượt quá mức trần của khung giá trị đó; 2) Mức trần học phí được tính toán trên cơ sở khả năng đáp ứng của dân cư trong điều kiện kinh tế - xã hội, thậm chí còn theo thực tế địa phương (điểm d khoản 2 Điều 8 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP). Trường đại học tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội. Đối với các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng ở trường công lập cũng được quyền tương tự. Như vậy, các quy định về thu học phí cũng không hướng tới bù đắp đủ chi phí dịch vụ ở trường công lập (vì bị khống chế bởi khung thu và khung thu không tính đến bù đắp đủ chi phí). Quy định cũng không nhất quán đối với từng chương trình đào tạo ngay trong trường công lập và không bình đẳng giữa đại học công lập và đại học tư thục. c. Nguồn thu khác từ dịch vụ khoa học - công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng: Nhìn chung rất ít ở các cơ sở giáo dục đại học nước ta. 2.3. Những khó khăn, bất cập 2.3.1. Bất cập từ quyền quyết định thu để bù đắp chi phí Về nguyên tắc thì các khoản thu phải đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý thì trường đại học mới có điều kiện để phát triển bền vững. Nguyên tắc này chỉ được xác định đối với trường tư thục (họ được quyền định đoạt thu để bù chi), còn tình hình đối với các trường đại học công lập thì nguyên tắc định đoạt thu đã đã được xác lập như thế nào? a. Thu từ ngân sách nhà nước: Chỉ một số ít trường được hưởng, các trường đã tự chủ tài chính thì không được hỗ trợ. Nguyên tắc cấp ngân sách hướng tới bù đắp chi phí, nhưng không tính toán để đảm bảo bù đắp đủ. b. Thu học phí Mức chi phí đào tạo bình quân/người/năm học tính chung tại thời điểm 2014 [5]: Ở trình độ đại học: Việt Nam là 630 USD, Hoa Kỳ là 19.000USD, Trung Quốc là 3.500USD, Singapore là 9.000USD, Thái Lan là 2.500USD; trình độ thạc sỹ: Việt Nam là 750 USD, Hoa Kỳ là 19.000USD, Trung Quốc là 5.000USD, Singapore là 10.000USD, Thái Lan là 5.000USD; và tiến sĩ: Việt Nam là 900 USD, Hoa Kỳ là 20.000USD, Trung Quốc là 6.000USD, Singapore là 12.000USD, Thái Lan là 6.000USD. Thu học phí đại học rất thấp, không tính đến bù đắp đủ chi phí và không đủ để bù đắp giá dịch vụ. Trong bài viết “Cải tổ tài chính trong giáo dục đại học Việt Nam”, nhóm Đối thoại giáo dục [6] đã chỉ ra rằng phần lớn các trường đại học công ở Việt Nam đang đặt mức học phí theo quy định của Chính phủ, bị chặn trần ở mức quá thấp. Nếu lấy mức học phí trung bình của các trường đại học Mỹ thì học phí ở Việt Nam cần tăng lên khoảng 40 triệu đồng/năm, so sánh với Trung Quốc cần tăng lên khoảng 25-30 triệu đồng/năm. c. Trong khi đó, các nguồn thu khác như nguồn thu từ dịch vụ khoa học - công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp, trung bình chỉ khoảng 3% tổng nguồn thu của các trường [6]. 14
  4. 2.3.2. Những khó khăn đặt ra từ thực tiễn Số liệu đưa ra ở trên là những con số nói lên sự bất cập trong bù đắp chi phí đào tạo. Từ đó có thể rút ra rằng cơ chế thu để bù đắp chi phí trong dịch vụ đào tạo là không hợp lý, thể hiện qua các vấn đề sau đây: - Thực tế phần thu không đủ bù đắp chi phí: Thu từ ngân sách nhà nước chỉ một số trường chưa nhận tự chủ tài chính mới có, các trường khác cả công lập và ngoài công lập đều không được hưởng. Chính phủ cấp hỗ trợ ngân sách cho các trường tùy vào khả năng có bao nhiêu, không theo tiêu chí là để bù đắp chi phí đào tạo. Thu học phí tính theo mức sống của người học và theo vùng, không quan tâm học phí bù đắp được bao nhiêu phần trăm chi phí đào tạo. Các khoản thu từ dịch vụ đào tạo của nhà trường, do cơ chế thiếu thông thoáng, nên đạt rất thấp (đáp ứng khoảng 3% tổng chi phí). Vì những khó khăn đó, các trường đại học đã phải gồng mình để đảm bảo mức chất lượng đào tạo ở mức có thể trong điều kiện nguồn lực tài chính quá khó khăn. - Chính phủ khuyến khích các cơ sở trường học tự chủ về tài chính nhưng cơ chế không đủ đảm bảo để họ được tự chủ thực sự: Lý do là giá dịch vụ đào tạo thì tính theo thực tế và theo giá cả thị trường, nhưng mức thu học phí thì bị khống chế bởi mức trần, trong khi trần học phí không dựa trên chi phí, mà lại dựa trên thu nhập của cư dân ở từng vùng kinh tế - xã hội khác nhau. Trong điều kiện của những nước nghèo, thu nhập thường chênh lệch thấp hơn khá nhiều so với các chi phí xã hội, điều này tạo ra bất cập lớn về cân đối thu - chi. Và trên thực tế, các trường học bị hạn chế về quyền thu, do vậy quyền tự chủ về chi dù được tự chủ nhiều hơn, cũng không còn nhiều ý nghĩa, vì không có nguồn tài chính để mà chi. - Bài toán về giá thành sản phẩm và nghĩa vụ thanh toán tiền hưởng lợi từ sản phẩm chưa được giải quyết một cách rốt ráo: Khi sản phẩm đào tạo là người học tốt nghiệp ra trường, có bốn đối tượng được hưởng lợi từ sản phẩm là: Bản thân người học, Chính phủ, doanh nghiệp/cơ quan sử dụng lao động và cộng đồng dân cư nơi người học sinh sống. Vậy thì nghĩa vụ chi trả chi phí đào tạo phải là trách nhiệm của cả bốn đối tượng đó, tùy vào mức độ hưởng lợi từ sản phẩm của họ. Nhưng trong thực tế quản lý hiện tại, sự phân định trách nhiệm đóng góp chi phí chưa được đưa vào trong cơ chế thu, chi tài chính hiện hành của Chính phủ; cụ thể là: người học đóng học phí theo nghĩa tượng trưng và dựa vào mức thu nhập, cơ chế phân bổ ngân sách của Chính phủ chưa phải là để thực hiện trách nhiệm chi trả do hưởng lợi từ sản phẩm, doanh nghiệp không có trách nhiệm đóng góp gì ngoài các khoản thuế thông thường, cộng đồng thì đóng góp một cách tự phát chủ yếu theo sự hảo tâm. Những bất hợp lý đó, đã khiến cho bài toán bù đắp giá thành đào tạo chưa có lời giải. Mặt khác, do trách nhiệm chi trả từ ngân sách nhà nước thiếu sòng phẳng (có trường được hỗ trợ, trường không; trường ngoài công lập thì hoàn toàn không được ngân sách nhà nước hỗ trợ) đã tạo ra sự thiếu bình đẳng về điều kiện tài chính trong cạnh tranh giữa các loại trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đầu tư vào trường ngoài công lập trở nên thiếu hấp dẫn đã làm chậm quá trình xã hội hóa giáo dục. Những khó khăn, bất cập như đã nêu ở trên đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện một số chính sách về đảm bảo cân đối thu, chi trong môi trường tự chủ tài chính. Đó là thay đổi cơ chế xác định mức thu học phí, thay đổi phương thức hỗ trợ ngân sách nhà nước theo người học, thể chế hóa trách nhiệm chi trả chi phí đào tạo vào pháp luật nhà nước, đồng 15
  5. thời thực hiện tốt các chính sách xã hội để đảm bảo khả năng chi trả cho những đối tượng nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là cơ sở để đưa ra các khuyến nghị về chính sách. 2.4. Một số khuyến nghị về chính sách Để khắc phục sự bất cập như đã phân tích, giúp các trường đại học công lập cũng như ngoài công lập có môi trường cạnh tranh bình đẳng, đề nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngân sách và cơ chế đảm bảo nguồn thu để bù đắp đủ chi phí đào tạo theo hướng sau: 2.4.1. Tính đủ chi phí đào tạo/sinh viên/năm học (chi phí này khác nhau ở từng ngành học) và xem đây là giá dịch vụ phải đảm bảo để trường đại học hoạt động bình thường Xem đây là giá thành đào tạo trên một đơn vị sản phẩm là sinh viên và thực hiện thu chi phí đào tạo những ai được hưởng lợi khi sinh viên tốt nghiệp ra trường (tương tự như mua sản phẩm). Có bốn đối tượng được hưởng lợi là Nhà nước, người học (sinh viên), người sử dụng lao động và cộng đồng dân cư phải chịu trách nhiệm chi trả một phần chi phí đào tạo tương ứng với sự hưởng lợi và trường đại học cũng có trách nhiệm tạo thêm nguồn thu để bù đắp phần còn lại. Cơ chế tạo nguồn thu hướng tới các đối tượng đó. 2.4.2. Thực hiện nghĩa vụ nộp trả chi phí đào tạo a. Nhà nước: hỗ trợ ngân sách cho trường đại học theo số người học (xác định theo chỉ tiêu tuyển sinh đúng quy định), không phân biệt người học được hỗ trợ đang học ở trường công lập hay trường ngoài công lập. Hiện nay, Chính phủ chỉ cấp ngân sách nhà nước hỗ trợ cho cơ sở giáo dục công lập chưa tự lo được toàn bộ chi phí, các cơ sở giáo dục công lập đã tự lo được chi phí và cơ sở giáo dục ngoài công lập thì không được hỗ trợ ngân sách. Điều này tạo sự không công bằng trong trách nhiệm đóng góp chi phí đào tạo và cơ hội cạnh tranh giữa các loại hình trường. Để thực hiện phương án này, trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo tính toán theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT, cơ quan quản lý xác định mức bình quân để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo theo số người học mà họ đã tuyển sinh đúng quy định của nhà nước. Người học ở trường công lập và trường ngoài công lập đều được hỗ trợ như nhau, xem đây là phần trách nhiệm chi trả của nhà nước đối với sự hưởng lợi từ sản phẩm đào tạo. Giải pháp này trước hết để tạo ra sự công bằng trong trách nhiệm chi trả của nhà nước, sau đó là giúp các trường ngoài công lập có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn. Không nên sợ việc này sẽ dẫn đến thiếu hụt ngân sách nhà nước. Bởi vì, nếu trường ngoài công lập có cơ hội phát triển thì sẽ giảm gánh nặng của nhà nước về đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật và duy trì bộ máy đào tạo của các trường, lớn hơn rất nhiều phần ngân sách bỏ ra. Để thực hiện giải pháp này cần điều chỉnh, bổ sung luật Ngân sách nhà nước nhằm tạo kênh cấp phát, hỗ trợ đến các cơ sở giáo dục ngoài công lập. b. Người học (sinh viên): Thay đổi cơ chế học phí, vừa hướng tới bù đắp chi phí đào tạo, vừa giải quyết được các chính sách xã hội của nhà nước. 16
  6. Sau khi có sự hỗ trợ của nhà nước, phần chi phí đào tạo còn lại người phải nộp phần tiếp theo là sinh viên, thông qua học phí. Tính toán để xác định trách nhiệm đóng góp của người học bằng phương thức học phí. Không phải tất cả người học đều có khả năng đóng góp theo mức quy định, bằng các chính sách xã hội, Chính phủ thực hiện việc miễn giảm, hỗ trợ chi phí cho những đối tượng khó khăn để họ có thể đóng học phí theo mức chung. Để thực hiện được giải pháp này chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo hiện hành cần được điều chỉnh, sửa đổi theo cách tiếp cận mới: Tính toán mức học phí nhìn nhận từ chi phí đào tạo, còn yếu tố mức sống được giải quyết bằng chính sách bù trừ của nhà nước. c. Người sử dụng lao động: Quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu trong phối hợp, chia sẻ chi phí đào tạo với trường học. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước để thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Chẳng hạn như: - Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu phải chịu trách nhiệm tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập, bố trí sinh viên vào các vị trí tạm thời, nhưng làm việc thật sự, đánh giá thật sự và chi trả sinh hoạt phí cho họ. Doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp có liên quan đến sử dụng lao động phải đảm nhận một khâu của quá trình đào tạo. - Tất cả doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đều phải chia sẻ tài nguyên, thiết bị kỹ thuật dưới hình thức dùng chung với các cơ sở đào tạo nhằm tăng thêm độ phong phú của thư viện, học liệu, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành… cho hoạt động đào tạo. d. Trường đại học: nhà nước tạo lập cơ chế và môi trường cởi mở để cơ sở giáo dục thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ xã hội có thu khác nhằm bù đắp một phần chi phí. Hiện nay khối các trường đào tạo đã từng bước tạo lập được nguồn thu từ các hoạt động này, nhưng tạo ra nguồn thu rất thấp (khoảng 3% nguồn thu), do cơ chế chưa cởi mở và thiếu đồng bộ. Kiến nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ và đồng bộ để thực hiện tốt giải pháp này. đ. Cộng đồng dân cư, sau khi thu từ nhà nước, người học, người sử dụng lao động và tự bổ sung của trường đại học, phần chi phí còn lại (giá thành đào tạo - ngân sách hỗ trợ - học phí - đóng góp của người sử dụng lao động - kinh phí bổ sung của trường đại học) thu từ cộng đồng dân cư bằng cách tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp (hội khuyến học, hội cựu giáo chức…) và các đoàn thể chính trị, xã hội để vận động các quỹ khuyến học, khuyến tài; phải xem đây là trách nhiệm đóng góp của cộng đồng xã hội cho chi phí đào tạo, chứ không phải đơn thuần chỉ là từ thiện hay hảo tâm. 3. KẾT LUẬN Việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho trường đại học phụ thuộc rất nhiều vào quyền định đoạt các khoản thu, mức thu và chi. Định đoạt thu là để bù đắp đủ chi phí. Hiện nay quyền định đoạt mức thu bị giới hạn, các trường rất khó tự thu để đảm bảo bù đắp đủ chi phí đào tạo. Vì vậy, tự chủ tài chính đại học vẫn còn những vướng mắc, chưa thực chất, nếu không có giải pháp đột phá thì rất khó tháo gỡ. Các khuyến nghị đề xuất từ bài viết, nếu được thực hiện, sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong tiếp cận. Một số nội dung từ luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác cần được sửa đổi, bổ sung tương ứng thì mới thực hiện được. Bên cạnh đó, việc lượng hóa hợp lý cơ 17
  7. cấu chi trả để bù đắp chi phí đào tạo (nhà nước, người học, người sử dụng lao động, trường đại học và cộng đồng mỗi bên chi trả bao nhiêu % của tổng chi phí) cũng cần được xem xét cẩn thận, phù hợp thực tiễn thì mới có tính khả thi. Mong muốn các khuyến nghị nêu ra từ bài viết này sẽ được các trường đại học đồng thuận và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, đưa vào thực hiện trong chương trình triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 sắp được ban hành./. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam (2017), Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng. Nguồn: https://www.worldbank.org. [2] Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục, đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. [4] Chính phủ (2021), Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. [5] Lê Khánh Tuấn (2023), Solutions to deploy financial resources for expenditure on education, a case study in Vietnam, Seybold Report; Vol 18, No 01, pp 132-150. [6] Vũ Thành Tự Anh, Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại giáo dục (2014), Cải tổ tài chính trong giáo dục đại học Việt Nam, Hà Nội. 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2