intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sự tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây qua chiếc áo dài nữ giới

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

51
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết cho thấy từ chiếc áo tứ thân của các cô gái Bắc bộ đến chiếc áo dài ngũ thân của phụ nữ Trung bộ đến chiếc áo dài tân thời với ảnh hưởng của văn hóa trang phục phương Tây (đặc biệt là Pháp), áo dài có sự tiếp nhận các yếu tố của phương Tây để hoàn thiện trở thành một quốc phục của người Việt, được coi là di sản văn hóa để mỗi khi khoác lên mình chiếc áo dài, người Việt lại thấy tự hào là người con đất Việt.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sự tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây qua chiếc áo dài nữ giới

  1. SỰ TIẾP BIẾN GIỮA VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY QUA CHIẾC ÁO DÀI NỮ GIỚI Nguyễn Thị Kim Hồng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn,Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Vũ Nhật Tân TÓM TẮT Áo dài đã trở thành một hình ảnh quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi khi chúng ta thấy ở đâu đó hình ảnh chiếc áo dài là hình ảnh đất nước lại hiện lên. Áo dài có lịch sử phát triển khá thú vị cho tới hình hài như ngày nay. Từ chiếc áo tứ thân của các cô gái Bắc bộ đến chiếc áo dài ngũ thân của phụ nữ Trung bộ đến chiếc áo dài tân thời với ảnh hưởng của văn hóa trang phục phương Tây (đặc biệt là Pháp), áo dài có sự tiếp nhận các yếu tố của phương Tây để hoàn thiện trở thành một quốc phục của người Việt, được coi là di sản văn hóa để mỗi khi khoác lên mình chiếc áo dài, người Việt lại thấy tự hào là người con đất Việt. Từ khóa: tiếp biến, văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Tây, áo dài. NỘI DUNG Trang phục là một trong những nhu cầu cấp thiết của con người trong văn hóa vật chất: ăn, mặc, ở và đi lại. Theo thời gian, trang phục cũng được thay đổi để phù hợp với quá trình phát triển lịch sử. Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc đều thể hiện được những những tinh hoa, phẩm chất, tinh thần và quan niệm văn hóa của đất nước đó. Đối với mỗi người phụ nữ Việt Nam, chiếc áo dài là một niềm tự hào bởi nó chứa đựng giá trị thiêng liêng, cao quý, được đúc kết qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, của bao thế hệ. Đối với người Việt Nam đó là chiếc áo dài truyền thống. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trang phục Việt đã có sự tiếp nhận những yếu tố mới để phù hợp hơn với cuộc sống của đời sống dân cư. Việc tìm hiểu sự giao lưu và tiếp biến trong văn hóa trang phục Việt để có được hình ảnh như ngày nay là một việc làm cần thiết. Chính vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Sự tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Phương Tây qua chiếc áo dài nữ giới”. Qua đó thể hiện tinh thần yêu quê hương đất nước Việt Nam, yêu những giá trị lịch sử truyền thống mà ông cha ta đã tạo dựng và bảo tồn đến nay. Áo dài là một trong những trang phục quen thuộc với chúng ta, mang một lịch sử khá phức tạp, vì thế việc hiểu được văn hóa trang phục là một việc làm cần thiết. Theo từ điển Oxford, thuật ngữ “tiếp biến văn hóa” được sử dụng lần đầu vào năm 1880, dùng để mô tả sự thay đổi trong ngôn ngữ của người dân da đỏ châu Mỹ trong quá trình tương tác với nền văn hóa của người châu Âu tới đây định cư. Đến năm 1883, tác giả J.W Powell định nghĩa tiếp biến văn hóa như một sự thay đổi mang tính tâm lý bắt nguồn từ những học hỏi, bắt chước lẫn nhau giữa các nền văn hóa (Rudmin, 2003). 2696
  2. 1 LỊCH SỬ CỦA ÁO DÀI VIỆT Cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc của áo dài xuất hiện vào khoảng thời gian nào. Tuy nhiên, khi lật lại những tư liệu hình ảnh y phục của người Việt xưa, ta vẫn có thể thấy được dáng dấp cơ bản của chiếc áo dài. Gần đây, Trần Quang Đức tác giả của sách “Ngàn Năm Áo Mũ” đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu hình ảnh của những thời đại trước, giúp chúng ta hình dung rõ hơn về hình dáng của chiếc áo dài xưa. Rõ nét nhất là hình ảnh trang phục của phụ nữ Việt xưa dưới các triều đại phong kiến: áo tứ thân, áo ngũ thân. 1.1 Qua hình ảnh chiếc áo tứ thân Chiếc áo tứ thân là một loại áo thường ngày của phụ nữ miền Bắc. Đến nay, loại áo này vẫn được gìn giữ, nhưng hiện tại chỉ được mang vào những lễ hội truyền thống, sân khấu,... Áo tứ thân dài từ cổ xuống qua đầu gối chân khoảng 20cm và có bốn mảnh vải (hai mảnh của thân sau và hai mảnh của thân trước). Do khổ vải ngày xưa chỉ khoảng 30-40cm nên để đủ một áo, người ta phải ghép bốn mảnh vải lại với nhau, hai mảnh của thân sau được nối lại tạo một tà áo, còn hai mảnh của thân trước không nối mà có thể buộc lại với nhau. Đi cùng chiếc áo tứ thân là chiếc yếm đã đi vào ca dao – tục ngữ Việt Nam được mặc ở phía trong. Chiếc áo dài ngày nay và chiếc áo tứ thân có nét tương đồng ở chi tiết thân áo dài, xẻ từ eo xuống và dáng áo thướt tha tạo sự nền nã cho phụ nữ. 1.2 Qua hình ảnh áo ngũ thân Dưới thời nhà Nguyễn, áo ngũ thân xuất hiện ngày càng phổ biến thay cho loại áo truyền thống của nữ giới thời đó. Áo ngũ thân được phụ nữ Đàng trong (miền trung) ưa chuộng và vẫn được mang sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước. Đây là một loại áo được may từ năm mảnh vải: mỗi thân trước và thân sau, được may nối lại với nhau dọc theo sống áo, thêm một mảnh vải nhỏ ở bên phải, phía trong thân trước. Áo dài năm thân có cổ đứng cao, cài khuy kín, mặc với quần dài (không mặc yếm và váy dài như áo tứ thân). Có thể thấy những chi tiết này rất giống với các chi tiết của chiếc áo dài ngày nay. Tuy nhiên, chiếc áo ngũ thân ít ôm sát thân người mang và tà áo ngắn hơn tà áo dài hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng chính chiếc áo năm thân đã định hình rõ nét nhất cho chiếc áo dài ngày nay của phụ nữ Việt. Trần Quang Đức đã viết: “Chỉ đến thời Nguyễn, đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng, người dân Việt Nam mới lần đầu tiên bị ép phải thay đổi trang phục thường ngày, bị cấm sử dụng các loại áo tứ thân, váy đụp, khăn vuông, khố,… bất kể nam nữ nhất nhất đều phải mặc áo dài năm thân cài khuy” (Trần Quang Đức, 2013). 1.3 Đến chiếc áo dài Tân thời Khoảng những năm đầu của thế kỷ XX, văn hóa phương Tây được du nhập mạnh mẽ vào nước ta, lúc đó xu hướng thời trang cũng bắt đầu đổi mới, đặc biệt là xu hướng cách tân chiếc áo dài của nữ giới. Lúc này, xuất hiện nhiều loại áo dài như: áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ, áo dài Raglan, áo dài chít ben,… Những năm 1930, bước ngoặc đầu tiên cho trào lưu cách tân áo dài nữ giới là những chiếc áo dài Le Mur. Tên áo dài Le Mur là tên tiếng Pháp của họa sĩ Cát Tường, kiểu áo này được nhiều người gọi là “Áo Dài Tân Thời”. Khi chiếc áo dài này được công bố đã gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều, một bộ phận cho rằng chiếc áo này là “Áo dài lai căng”. Vì chiếc áo dài này có những chi tiết được vay mượn từ y phục của phụ nữ Pháp thời bấy giờ, như kiểu tay áo 2697
  3. bồng, thân áo ôm hơn, cổ áo bèo, kết hợp với chiếc quần nhỏ nhắn hơn. Đây là một cuộc cách tân táo bạo và tạo nên tiếng vang, đánh dấu bước ngoặc đầu tiên trong lịch sử tiếp biến văn hóa của phương Tây qua trang phục của người Việt Nam. Cũng trong thời kỳ đó, họa sĩ Lê Phổ một lần nữa tạo tiếng vang cùng chiếc áo dài mang phong cách mới. Trên nền tảng của chiếc áo ngũ thân kết hợp với áo tứ thân, ông đã làm cho chiếc áo dài trở nên thanh mảnh hơn, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn giữa được nét kín đáo của người phụ nữ Việt. Ông đã giữ lại nhiều chi tiết của chiếc áo năm thân như phần cổ áo cài khuy, tay áo thẳng, nhưng khác biệt ở phần thân áo được may ôm hơn vào phần eo, chất liệu vải mềm mại tạo dáng áo thướt tha. Kiểu áo dài này vẫn giữ lại nhiều nét dịu dàng, kín đáo và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Có thể thấy, áo dài của những năm 1930 đã tạo ra những dấu ấn trong quá trình thay đổi diện mạo và định hình rõ rệt những nét chuẩn mực cơ bản cho chiếc áo dài ngày nay của người phụ nữ Việt. Chiếc áo yếm bên trong của người phụ nữ cũng không còn phù hợp với chiếc áo dài tân thời, thay vào đó là chiếc áo ngực của phụ nữ phương Tây, giúp cho việc mặc áo dài có tính thẩm mỹ hơn. Cũng từ giai đoạn này, chiếc quần dài màu trắng, có ống rộng vừa phải trở nên phổ biến khắp mọi miền, chứ không riêng phụ nữ khá giả ở Huế. Trong Ngàn Năm Áo Mũ, Trần Quang Đức có trích rằng: “Khoảng 1910 trở đi chỉ có những “me Tây” bạo dạn mặc quần trắng… Trái lại, từ giữa thế kỷ XIX trở đi đàn bà xứ Huế khá giả đôi chút đều mặc quần trắng, họ là vợ con những công chức các sở tòa khâm sứ, các cơ quan thuộc sáu bộ của triều đình”. Vậy nên chúng ta cũng có thể nhận định được sự kết hợp với quần trắng hiện nay có lẽ là từ sau khi văn hóa phương Tây du nhập vào nước Việt Nam (khoảng đầu thế kỷ XIX)”(Trần Quang Đức, 2013). Đến những năm 1950, phong trào chít eo, ôm sát thân, xẻ eo cao trên cạp quần, những chi tiết có khuynh hướng tôn những đường cong hấp dẫn của phụ nữ, nhất là ở phần ngực và eo. Bà Nhu – vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, đã sáng tạo ra chiếc áo dài với cổ áo được may theo hình tròn, để lộ phần cổ và xương quai xanh một cách khéo léo, tôn lên đường nét quyến rũ của cơ thể. Sự ra đời của kiểu áo này đã gặp những phản ứng mạnh mẽ của dư luận vào thời kỳ đó, vì nó quá phá cách so với kiểu áo dài truyền thống, thậm chí còn có ý kiến cho rằng nó phá vỡ quy luật thuần phong mỹ tục của người phụ nữ thời đó, thể hiện sự thiếu đứng đắn của người phụ nữ. Tác giả Lý Nhân đã viết: “Lại nói về cái áo cổ hở kiểu bà Nhu, thời đó chỉ có bà ta và mấy bà trong Phong trào Phụ nữ Liên đới, hay mấy nữ dân biểu muốn lấy lòng bà cố vấn, mấy em ca sĩ, gái nhảy,… những phụ nữ trí thức, nữ sinh, sinh viên đứng đắn không ai mặc kiểu đó cả”( Lý Nhân, 2012). Ngày nay, khi cái nhìn của xã hội cởi mở hơn, không ít phụ nữ Việt lại chọn mặc kiểu áo dài cổ thuyền này, một phần có lẽ thích hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam và tạo cảm giác thoải mái hơn khi mặc hàng ngày Những năm 1960, xuất hiện kiểu áo dài với tay áo Raglan trong Âu phục, được gọi là áo dài Raglan, cũng góp phần giúp tôn vẻ đẹp của người phụ nữ. Phần tay áo này đã giải quyết được khuyết điểm bị nhún, nhăn hay phần thừa của những kiểu áo dài trước đó. Đây có thể gọi là một sáng kiến mới, nó giúp phần tay áo được thẳng, ôm sát vào cánh tay, trông thẩm mỹ và tôn vòng một hơn. Người thợ để may được chiếc áo dài Raglan cần có một bàn tay khéo léo, kỹ thuật cắt, nên cần phải có thợ chuyên may tay Raglan, chứ không phải thợ may nào cũng có thể may được kiểu tay áo này. Đây cũng là nét khác biệt của chiếc áo dài Ranlan. 2698
  4. Đến những năm 1990, xuất hiện một làn sóng mới với các thiết kế áo dài vẽ của họa sĩ Sỹ Hoàng, áo dài Sỹ Hoàng. Đây một bước ngoặc lớn, khiến cho chiếc áo dài trở nên lạ mắt, thẩm mỹ hơn bởi các hình vẽ trên nền vải trơn truyền thống. Ngoài ra, thời gian này còn phổ biến chiếc áo dài thổ cẩm, gắn liền với tên tuổi của nhà thiết kế Minh Hạnh. Chiếc áo dài này, đã tạo một sự đột phá trong sáng tạo và mang lại làn gió mới cho chiếc áo dài bởi nét độc đáo, mới lạ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Hơn nữa, chiếc áo dài của Minh Hạnh còn thể hiện được sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ở Việt Nam với nhau. Bởi chất liệu thổ cẩm vốn được dệt từ bàn tay của những người dân tộc thiểu số ở Việt Nam kết hợp với hình dáng của chiếc áo dài. Kiểu áo dài thổ cẩm được giới trẻ ưa chuộng và góp phần làm đa dạng, phong phú trong bộ sưu tập áo dài của các chị em phụ nữ. Từ những năm 2000, áo dài lần nữa rộ lên những phong cách mới của các nhà thiết kế trẻ như: áo dài Võ Việt Chung nổi bật với áo dài dùng chất liệu lụa Lãnh Mỹ A, một loại lụa mềm, mát, có màu đen tuyền, óng ả được nhuộm từ trái mặc nưa ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tạo nên một bộ sưu tập áo dài ấn tượng với tông màu chủ đạo đen tuyền độc đáo; áo dài Liên Hương nổi bật với áo dài dùng chất liệu ren được các cô dâu Việt ưu chuộng trong ngày cưới, một dịp trọng đại của đời người. Chiếc áo dài của Liên Hương là sự kết hợp giữa văn hóa Đông – Tây rõ nét nhất trong các phong cách của năm 2000. Nhà thiết kế đã dùng chất liệu ren, thường được may áo soiree, kiểu áo cưới được du nhập vào Việt Nam từ phương Tây từ giữa thế kỷ XX, để tạo nên chiếc áo dài cưới ấn tượng cho các cô dâu Việt. Những năm gần đây, xuất hiện thêm áo dài cách tân với đủ kiểu dáng mới lạ. Áo dài cách tân thường cách điệu với tà áo ngắn trên đầu gối, kết hợp với quần bó sát cơ thể, cổ áo hở táo bạo, hay áo dài Cô Ba Sài Gòn mà điểm nổi bật là họa tiết “gạch bông” với nhiều màu sắc đa dạng, kết hợp với chiếc khăn làm thành băng đô cài tóc. Bên cạnh đó, còn có xu hướng kết hợp với váy rộng, xòe, ngắn giống như kết hợp với áo tứ thân. Đây cũng là khuynh hướng nhằm đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho việc di chuyển và thẩm mỹ chị em phụ nữ. 2 TIẾP BIẾN VỚI VĂN HÓA TRANG PHỤC PHƯƠNG TÂY 2.1 Yếu tố lịch sử chính trị Xuyên suốt quá trình lịch sử, có thể thấy chiếc áo dài không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện để tạo nên biểu tượng vẻ đẹp của phụ nữ Việt. Sự biến đổi này chịu sự tác động vừa hiện đại nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp truyền thống của dân tộc ta. Sự tác động của lịch sử, chính trị lên chiếc áo dài là sự thay đổi chiếc váy thành chiếc quần hai ống mặc với áo dài, đánh dấu sự thay đổi lớn trong lịch sử trang phục Việt, đồng thời phản ánh sự thay đổi lớn trong lịch sử, chính trị Việt Nam. Vốn có truyền thống mặc váy (từ thời Hùng Vương qua những hiện vật khảo cổ như trống đồng, tượng, phù điêu,… đã cho thấy điều này), đã khẳng định chiếc váy là trang phục truyền thống vốn có của phụ nữ Việt. Chiếc quần dài cũng được xác định là du nhập từ Trung Quốc, do chính sách đồng hóa thời Bắc thuộc, nhất là trong thời kỳ nhà Minh sang xâm lược nước ta vào đầu thế kỷ XV, đã đưa ra quy định “đàn bà, con gái phải mặc áo ngắn, mặc quần dài, hóa theo phong tục phương Bắc”. Sau khi vua Lê giành được thắng lợi, để khẳng định tính dân tộc, vua cho khôi phục lại y phục truyền thống của dân Việt. Tuy nhiên, chúa Nguyễn ở Đàng Trong vì muốn biệt lập giang sơn, nên đưa ra những quy định nhằm tách biệt với Đàng Ngoài, trong đó có trang phục. Dưới triều Nguyễn, vua đã ban chiếu nhiều lần và áp dụng nhiều biện pháp để trang phục toàn quốc thể hiện được “cộng 2699
  5. quán đồng phong”. Vào năm 1828, vua Minh Mạng còn ban luật cấm phụ nữ toàn quốc mặc váy. Trong dân gian có truyền câu: Tháng tám có chiếu vua ra Cấm quần kh ng đáy, người ta hãi hùng! 2.2 Yếu tố đời sống văn hóa Bước vào những năm 30, lối sống và văn hóa Pháp đã ảnh hưởng rất nhiều đến y phục của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt là chiếc váy của người phụ nữ Pháp đã làm mới nhận thức về trang phục của người Việt. Chiếc áo dài Lemur, Lê Phổ cũng được ra đời, họ bắt nhịp rất nhanh với sự thay đổi này, vì vậy chiếc áo dài được thay đổi một cách nhanh chóng từ chiếc áo ngũ thân hay chiếc áo tứ thân rộng thùng thình che đi các đặc điểm của cơ thể trở thành chiếc áo có thể tôn lên vẻ đẹp của cơ thể nhưng vẫn giữ được sự kín đáo của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài tân thời xuất hiện như thổi vào một làn gió mới vào thẩm mỹ về trang phục của người Việt. Họ thay chiếc yếm lót trong thành chiếc áo ngực phương Tây, giúp vòng một của người phụ nữ trở nên đầy đặn hơn. Vào những năm 1950-1960, khi sự tiếp nhận văn hóa phương Tây trở nên cởi mở hơn, chiếc áo dài có xu hướng Tây hóa. Tất cả những chi tiết như áo cổ hở, ôm sát người hơn nhằm tôn những đường cong quyến rũ, chít ben và tay giác lăng đều cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Bên cạnh giao lưu với văn hóa phương Tây, áo dài còn giao lưu với văn hóa của các dân tộc nhỏ tại Việt Nam qua chiếc áo dài thổ cẩm của nhà thiết kế Minh Hạnh. Tuy nhiên, chiếc áo dài vẫn không mất đi nét truyền thống kín cổng cao tường của dân tộc Việt. Vì vậy, có thể khẳng định áo dài là sản phẩm của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các dòng văn hóa Đông - Tây, và với văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. 2.2.1 Yếu tố kinh tế Sau công cuộc đổi mới từ năm 1986, đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, một mặt có những tác động tích cực đến nền kinh tế nhưng đồng thời cũng có những tác động lớn đến văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có áo dài. Nền kinh tế thị trường đã tạo điều kiện khá thông thoáng cho các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang có cơ hội phát triển tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, các nhà thiết kế liên tục cập nhật các mẫu thời trang mới, trong đó có áo dài cách tân, thường xuất hiện trong mỗi dịp Tết bởi tâm lý chung của chị em là muốn mặc trang phục truyền thống, đồng thời cũng khoe được nét đẹp trên cơ thể mà không quá phản cảm. 3 KẾT LUẬN Điểm qua một thời kỳ dài của lịch sử Việt Nam, áo dài đã có những bước ngoặc thay đổi nền văn hóa Việt, đồng thời cũng có những bước thoái hóa do tác động của các yếu tố lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà áo dài được chọn là quốc phục của đất nước có gần bốn ngàn năm văn hiến. Bởi lẽ chiếc áo dài đã tôn vinh những nét quyến rũ mà kín đáo của người phụ nữ Việt với một tâm hồn đẹp và muôn niềm kiêu hãnh. Nhắc đến áo dài người ta không chỉ nhắc đến chiều dài, chiều rộng mà còn là bề dày văn hóa, lịch sử và bản sắc của Việt Nam. Chúng ta cần phải giữ gìn, tôn vinh cho cái đẹp truyền thống vốn có của chiếc áo dài, yêu áo dài đúng cách là các để gìn giữ cốt cách của người Việt Nam. 2700
  6. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Quang Đức (2013) Ngàn năm áo mũ, NXB. Thế giới. [2] Lý Nhân (2012) Trần Lệ Xuân – Giấc mộng chính trường, NXB. Công an Nhân dân. [3] Nhất Thanh (2015) Đất lề quê thói - Phong tục Việt Nam, NXB. Hồng Đức. [4] Trần Ngọc Thêm (2004) Tìm Về Bản Sắc Việt, NXB. Tp.HCM [5] Đoàn Thị Tình (1987), Tìm hiểu trang phục Việt Nam (dân tộc Việt), NXB. Văn hóa. [6] Phan Thị Yến Tuyết (1993) Nhà ở - trang phục - ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, NXB. KHXH. [7] Tạp chí điện tử (2020) Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. [8] http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/lich-su-phat-trien-ao-dai-viet-nam- qua-cac-thoi-ky-35475-4512.html. truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2021. 2701
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2