intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học công lập trong bối cảnh hiện nay

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

4
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học công lập trong bối cảnh hiện nay" góp phần làm rõ nội dung trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục, từ đó đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục của các trường đại học công lập trong bối cảnh hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học công lập trong bối cảnh hiện nay

  1. THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ CHỦ GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Phạm Thị Thủy1 Lê Thị Thu Hương Đỗ Thị Yến Trường Đại học Lao động - Xã hội Abstract Autonomy is a necessary condition for the implementation of advanced university management methods, in order to improve and improve the quality of training. Implementing the autonomy mechanism associated with accountability and education quality accreditation, the university will make the most of human resources and facilities, and better attract the resources of the society..., and at the same time use more effectively the State's funds, expand technology transfer activities, financial capacity for sustainable development. The article contributes to clarifying the content of educational accountability and accreditation, thereby proposing some measures to improve the effectiveness of the implementation of the autonomy mechanism associated with accountability and education quality accreditation, public universities in the current context. Keywords: autonomy mechanism, responsibility, responsibility explanation and testing, quality of public higher education 1. VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM VÀ TÍNH TẤT YẾU CỦA TỰ CHỦ ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Hệ thống các trường đại học công lập đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Sự ra đời và hoạt động của các trường đại học công lập thể hiện vai trò của Nhà nước đối với giáo dục đại học (GDĐH). Nhà nước thông qua các hoạt động của trường đại học công lập để điều tiết các nguồn lực xã hội sao cho có hiệu quả nhất, từ đó điều tiết cơ cấu đào tạo nhân lực hợp lý, duy trì và phát triển giáo dục và đào tạo. Thông qua các trường đại học công lập, Nhà nước đầu tư nhằm đảm bảo lợi ích công về GDĐH. Lợi ích này lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tất cả mọi người đều có cơ hội bình đẳng tiếp cận với GDĐH. Trường đại học công lập là nơi triển khai các chính sách đầu tư phát triển GDĐH của mỗi quốc gia. Các trường đại học công lập thuộc sở hữu Nhà nước, được Chính phủ hoặc chính quyền ở các địa phương cấp ngân sách để triển khai các chính sách phát triển GDĐH. Trường đại học công lập giữ vai trò định hướng cho hoạt động và sự phát triển của hệ thống GDĐH của quốc gia; có sứ mạng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Trong hệ thống GDĐH, các trường đại học công lập có lợi thế hơn các trường đại học tư thục về các điều kiện đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục khẳng định được vị trí của mình, các trường đại học công lập cần phải hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực, từ chương trình giáo 1 ulsathuy@gmail.com 545
  2. dục, công nghệ đào tạo đến đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, phương thức quản trị đại học. Nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tác động một cách sâu rộng đến toàn bộ xã hội cùng với các thiết chế của nó, trong đó có giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo nước ta không thể đứng ngoài nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà phải thích ứng và vận hành theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có như vậy, giáo dục và đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mới thúc đẩy được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển. Nghị quyết số 29-NQTW của BCHTW Đảng khóa XI đã chỉ rõ: “Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thi ̣trường, bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển giáo dục và đào tạo” [4; tr.121]. Nghị quyết cũng đòi hỏi phải phân định rõ “công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo”; “đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục và đào tạo” [4; tr.134-135]. Trong hơn 10 năm trở lại đây, hệ thống GDĐH của nước ta đã có những thay đổi cơ bản, đặc biệt là sự đa dạng hóa sở hữu các trường đại học, các loại hình đào tạo cũng như đòi hỏi của các nhà tuyển dụng... làm cho phương thức quản trị trường đại học như trước đây không còn thích hợp nữa; cần phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và xu thế của thời đại. GDĐH nước ta và thế giới ngày càng trở nên đa dạng một cách chưa từng có. Cùng phải giải quyết những vấn đề giống nhau nhưng các trường đại học phải có những cách giải quyết khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào năng lực của những người lãnh đạo, quản lý nhà trường và điều đó cũng làm nên khác biệt trong sự phát triển của từng trường. Những gì mà các trường đại học công lập Việt Nam đang có hiện nay là kết quả của cách vận hành hiện tại. Chỉ có thể tạo ra một kết quả mới khi các trường thay đổi cách vận hành ấy. Khả năng tự đổi mới mình trở thành khả năng sống còn của mọi trường đại học, trong đó quan trọng nhất là đổi mới thiết chế quản trị trường đại học. Tuy nhiên, các trường đại học công lập Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình quản trị đại học trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động quản trị đại học như tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình, Hội đồng trường…, mới được nghiên cứu và bước đầu triển khai thí điểm. Bên cạnh đấy, những người làm công tác quản trị ở các trường đại học công lập lại chưa được trang bị đầy đủ lý luận và thực tiễn quản trị. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả quản trị của các trường đại học công lập. Vì thế, nghiên cứu về mô hình, cơ chế quản trị trường đại học công lập ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là vấn đề vừa có ý nghĩa cấp thiết, vừa mang tính thời sự. 546
  3. Tự chủ đại học là đặc trưng quan trọng nhất của nền GDĐH hiện đại, bởi nó thúc đẩy sự phát triển hệ thống mang tính quy luật tự nhiên trong một môi trường giáo dục toàn cầu hóa có sự cạnh tranh lành mạnh, có sự định hướng của Nhà nước và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Tuy nhiên, tự chủ của các cơ sở GDĐH phải gắn với trách nhiệm giải trình. Các cơ sở GDĐH phải công khai, minh bạch trước Nhà nước, người học, người sử dụng sản phẩm giáo dục, các hoạt động của nhà trường và chịu trách nhiệm về các kết quả hoạt động của mình. Trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH chính là trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch. Tự chủ là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến, nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Dựa vào các tiêu chí về khả năng tài chính, hoạt động của HĐT; kiểm định chất lượng giáo dục, tự chủ đại học được chia ra thành các mức độ, từ cao xuống thấp (tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần, chưa tự chủ). Vì là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nên hiệu quả quản trị đại học phụ thuộc vào mức độ tự chủ của trường đại học. Trường đại học càng tự chủ ở mức độ cao, hiệu quả quản trị của trường đại học đó càng cao. Ngược lại, khi trường đại học tự chủ ở mức thấp thì hiệu quả quản trị của trường đại học đó cũng ở mức thấp. Có thể nói, tự chủ đại học là người “bạn đường” của hiệu quả quản trị đại học. Tự chủ đại học không chỉ gắn với trách nhiệm giải trình mà còn gắn với kiểm định chất lượng giáo dục. Nhờ gắn với kiểm định chất lượng giáo dục mà toàn bộ hoạt động tự chủ, cũng như trách nhiệm giải trình của trường đại học công lập đều phải xoay quanh mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục. Cũng nhờ gắn với kiểm định chất lượng giáo dục, các trường đại học công lập Việt Nam mới có thể tham gia vào các “sân chơi” của GDĐH thế giới, các bảng xếp hạng trường đại học của quốc tế. Thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục, trường đại học sẽ phát huy được tối đa nguồn lực con người và cơ sở vật chất, thu hút tốt hơn các nguồn lực của xã hội, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn kinh phí của Nhà nước, mở rộng các hoạt động chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác để nâng cao năng lực tài chính cho phát triển bền vững, đảm bảo các điều kiện thực hiện tốt yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Có thể khẳng định rằng, cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục là “chìa khóa vàng” cho đổi mới quản trị đại học, giúp giải quyết hàng loạt vấn đề trong hệ thống GDĐH hiện tại cũng như trong tương lai. 2. TẦM QUAN TRỌNG VÀ THỰC TRẠNG CỦA TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP Việc đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được yêu cầu thay đổi của xu thế hội nhập là nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, việc quản lí chất lượng và nâng cao chất lượng giáo dục cũng đang là những vấn đề được nhà nước và xã hội quan tâm. Hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục là một trong những công tác trọng tâm trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục theo Điều 49 - Luật Giáo dục đại học năm 2012: Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học; Xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đại học 547
  4. hoặc chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu giáo dục đại học trong từng giai đoạn nhất định; Làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực. Khoản 17 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định: Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Để thực hiện nhiệm vụ này, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại nói riêng, không những phải mở rộng qui mô mà còn phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong quá trình các trường đại học công lập chuyển dần sang tự chủ, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng trở thành một công cụ hữu hiệu để duy trì các chuẩn mực chất lượng giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường đại học với 4 vai trò lớn. - Trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giúp các trường đại học định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động. Chuẩn mực chất lượng đã được Bộ GD&ĐT xác định đầu tiên vào năm 2007 (Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng GD&ĐT) đó là bộ tiêu chuẩn gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí và những chỉ số cụ thể mà các trường cần phải đạt để đảm bảo chất lượng toàn diện. Việc phân tích, mô tả hiện trạng, chỉ ra điểm mạnh, tìm được tồn tại đồng thời lập kế hoạch hành động và đề ra giải pháp nhằm giải quyết các tồn tại này chính là những định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của các trường đại học. - Trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giúp các trường đại học có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. Đã có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng như: chất lượng được đánh giá bằng yếu tố “đầu vào”, “đầu ra” hay bởi “giá trị gia tăng”… Tuy nhiên, để đánh giá chính xác chất lượng của một trường đại học cần có cái nhìn tổng thể về toàn bộ hoạt động của nhà trường. Bản thân trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng sẽ không tạo ra chất lượng ngay cho mỗi trường, mà nó chính là hoạt động phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường, giúp cho các nhà quản lý nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị mình để từ đó có bước hành động tiếp theo phù hợp. - Trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng là lời tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của trường. Việc tự nguyện đăng ký và kiểm định chất lượng được xem là lời cam kết về chất lượng đào tạo mà nhà trường mang lại cho người học và các bên liên quan khác như: nhà tuyển dụng, xã hội. Thêm vào đó, hoạt động đánh giá ngoài được thực hiện thông qua bên thứ ba là các chuyên gia có kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu và quản lý giáo dục đại học, có chứng nhận đào tạo kiểm định viên và/hoặc thẻ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục sẽ mang tính khách quan cao trong việc công nhận chất lượng của nhà trường. Vì vậy, kết quả kiểm định cung cấp cho các bên liên quan những thông tin kịp thời, chính xác để xác nhận chất lượng đào tạo của trường đại học, từ đó có cơ sở lựa chọn được các dịch vụ phù hợp. - Trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng tạo cơ sở xây dựng văn hoá chất lượng cho trường đại học. Hoạt động giải trình và kiểm định chất lượng dựa trên các chỉ số, các chuẩn mực để đánh giá, do đó, các thông tin này sẽ giúp mỗi thành viên của trường 548
  5. đại học hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan; qua đó, họ biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng, khi đó văn hóa chất lượng sẽ dần hình thành tại trường đại học. Có thể nói, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng phản ánh khách quan, cụ thể những điểm mạnh, điểm yếu của giáo dục đại học. Kết quả kiểm định được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng, vị thế và uy tín, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở kiểm định, các cơ quan quản lý có cơ sở khoa học để điều chỉnh, đổi mới cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và là căn cứ để nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng tạo bước chuyển biến tích cực và thay đổi trong nhận thức và hành động đối với các trường đại học. Nhiều trường có những cam kết mạnh mẽ và thực hiện cải tiến chất lượng ngay sau đánh giá. Những kết quả đánh giá chênh lệch giữa báo cáo “tự đánh giá” và “đánh giá ngoài” buộc các trường phải tự điều chỉnh mọi hoạt động trong trường thực chất hơn, các báo cáo thành tích “ảo” đã không còn có giá trị. Các trường được kiểm định đã xây dựng và củng cố ngay hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong khá bài bản. Việc giám sát chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học đã trở nên thường xuyên, mang tính tự giác và tự chủ, đúng với vai trò, vị trí của một trường đại học. Tuy nhiên, quá trình triển khai bảo đảm, kiểm định chất lượng cho thấy một số vấn đề cụ thể còn tồn tại mà các trường đại học cần tập trung cải thiện chất lượng. Đó là vấn đề về quản trị đại học, tổ chức quản lý và chương trình đào tạo. Bởi có nhiều trường chưa thực hiện việc định kỳ đánh giá chương trình đào tạo và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá. Thực tế tại các trường đã kiểm định cho thấy: Có 15,4% số trường chưa thiết kế chương trình đào tạo đúng theo quy định; 44% chưa thật sự chú trọng về hoạt động đào tạo, phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học; 55% chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên một số ngành đào tạo còn quá cao; 78% chưa đáp ứng tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học – công nghệ; 66% chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí thư viện của trường đại học; 55% chưa có đủ diện tích sử dụng đất theo quy định. Có thể nói, trong thời gian qua, nhất là trong 5 năm gần đây, một trong những chuyển biến mạnh mẽ, có chiều sâu, thực chất, hiệu quả của giáo dục đại học nước ta là công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng được triển khai rộng rãi. So với nhiều nước, hoạt động bảo đảm, kiểm định chất lượng ở Việt Nam là một lĩnh vực hoạt động còn khá mới. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, quyết tâm đổi mới tư duy và hành động đã vượt qua nhiều khó khăn, rào cản để hoàn thiện được khá đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và triển khai kiểm định được khoảng 50% cơ sở giáo dục đại học và nhiều chương trình đào tạo có kết quả đáng tin cậy. Đó là những tiền đề quan trọng cho những bước phát triển mới trong hoạt động bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học nước ta hội nhập quốc tế. 549
  6. 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ CHỦ GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Để tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học công lập trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản như sau: Thứ nhất, xác định đúng đắn mục tiêu tự chủ, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục trong trường đại học công lập Đối với tự chủ đại học: Mục tiêu tự chủ trong trường đại học công lập, trước hết là nhằm phát huy năng lực đổi mới và sáng tạo của trường đại học công lập. Thực hiện tự chủ, các trường đại học công lập sẽ có một “không gian rộng lớn” cho sự đổi mới và sáng tạo. Trong “không gian rộng lớn” đó, mức độ đổi mới và sáng tạo của các trường như thế nào lại phụ thuộc năng lực của các nhà quản trị và đội ngũ giảng viên, chuyên viên nhà trường. Mục tiêu tự chủ trong trường đại học công lập hướng đến sự đa dạng hóa các hoạt động giáo dục của nhà trường; làm cho các hoạt động giáo dục của nhà trường phong phú, nhiều màu sắc hơn. Cùng với các hoạt động truyền thống mà các trường đại học công lập vẫn làm như trước đây, nay có thêm các hoạt động mới, liên quan đến dịch vụ GDĐH, trách nhiệm xã hội của trường đại học công lập. Ngoài ra, mục tiêu tự chủ trong trường đại học công lập còn nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội và tính cạnh tranh của các trường đại học công lập; chia sẻ “gánh nặng” ngân sách với Nhà nước… Đối với trách nhiệm giải trình: Mục tiêu của trách nhiệm giải trình là nhằm đảm bảo cho hoạt động của các trường đại học công lập được công khai hóa, minh bạch hóa và lành mạnh hóa. Mọi thông tin về hoạt động của các trường: từ tuyển sinh, quy trình và phương thức đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đến công tác kế hoạch - tài chính… đều được đăng tải trên Website. Bất cứ ai quan tâm đến hoạt động của nhà trường đều có thể truy cập. Mục tiêu của công khai thông tin là nhằm giúp các bên liên quan (bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, xã hội và nhất là sinh viên, phụ huynh) có được các đánh giá lượng hóa về hoạt động và kết quả, thành tích của các trường đại học; qua đó có thêm thông số trong việc ra quyết định (đầu tư đối với nhà nước, hoặc chọn trường đối với sinh viên). Đối với kiểm định chất lượng giáo dục: Kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường đại học công lập cần phải tập trung vào 3 mục tiêu: kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ và đẩy mạnh NCKH để GDĐH Việt Nam “vươn mình” và “hội nhập”. Kiểm định chất lượng giáo dục phải trở thành một công cụ không thể thiếu được của quá trình quản trị đại học hiệu quả. Tuy nhiên, kiểm định chất lượng giáo dục chỉ trở thành công cụ hữu ích cho quá trình quản trị đại học hiệu quả khi nó được tiến hành một cách thực chất, với sự đối sánh với các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế chứ không phải được tiến hành theo kiểu “đếm các điều kiện” để công nhận trường đại học này, chương trình đào tạo này đạt chuẩn chất lượng. Vì thế, các trường đại học công lập phải chủ động thực hiện các chu kì kiểm định chất lượng giáo dục. Và quan trọng hơn phải có kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục nhằm khắc phục những hạn chế mà kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đã chỉ ra. 550
  7. Thứ hai, tổ chức thực hiện tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình, kiểm định chất lượng giáo dục một cách chủ động, hiệu quả và theo đúng lộ trình Tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục được xem là ba phương thức của quản trị đại học hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hóa GDĐH. Khi triển khai thực hiện các phương thức quản trị này, các trường đại học công lập phải đảm bảo các yêu cầu sau đây: Chủ động: Yêu cầu này đòi hỏi các trường đại học công lập phải có tâm lý sẵn sàng đối với tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục, nhất là đối với tự chủ đại học. Tự chủ đại học không chỉ là tính chất vốn có của GDĐH mà còn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự đổi mới quản trị trường đại học công lập. Dù muốn hay không muốn, dù sớm hay muộn thì các trường đại học công lập cũng đều được tự chủ đầy đủ. Tuy nhiên, sự thiếu tự tin, ngần ngại trong việc xa rời “bầu sữa bao cấp” của ngân sách nhà nước hiện đang là “trạng thái tâm lý” khá phổ biến của nhiều trường đại học công lập. Khi các trường đại học công lập chưa sẵn sàng cho tự chủ thì rất khó triển khai chủ trương này trong thực tế. Đối với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục cũng như vậy. Hiệu quả: Hiệu quả tổ chức thực hiện tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá bởi mức độ đạt được về mục tiêu của các phương thức quản trị này. Vì thế, khi triển khai tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục, các nhà quản trị phải căn cứ vào mục tiêu của từng phương thức để lựa chọn phương pháp, hình thức hoạt động thích hợp. Dù lựa chọn phương pháp, hình thức hoạt động nào đi nữa cũng đều phải dựa trên sự tích cực, chủ động và sáng tạo của tất cả các thành viên trong nhà trường. Theo đúng lộ trình: Việc tổ chức thực hiện tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng trong các trường đại học công lập phải theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường. Ví dụ, tự chủ đại học không có nghĩa là tất cả các trường đại học đều có sự tự chủ hoàn toàn như nhau. Tự chủ cần được giới hạn trong khuôn khổ phù hợp với việc xác định vị trí của nhà trường trong xã hội. Trong tình hình hiện nay, có thể dựa vào việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH để xác định mức độ tự chủ cho từng trường đại học công lập. Thứ ba, đảm bảo mối quan hệ thường xuyên, hữu cơ giữa tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng giáo dục Trường đại học công lập được giao tự chủ về những lĩnh vực nào thì cần phải có trách nhiệm giải trình về những lĩnh vực đó. Các trường đại học công lập với tư cách là tổ chức nhà nước và hoạt động bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, có nghĩa vụ giải trình không chỉ trước các tổ chức quản lý mà Nhà nước lập ra, mà cả trước công chúng, tức là với những người đã đóng thuế để nuôi nhà trường. Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các cơ sở GDĐH công lập [3], các trường đại học công lập được tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ; tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ tài chính. Khi các trường đại học công lập triển khai thực hiện tự chủ trong những lĩnh vực này thì đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm giải trình về những lĩnh vực đó. 551
  8. Kiểm định chất lượng giáo dục phải trở thành công cụ thúc đẩy tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình. Kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: tự đánh giá, đánh giá ngoài và công nhận cơ sở GDĐH đạt chuẩn chất lượng. Để kiểm định chất lượng giáo dục trở thành công cụ thúc đẩy tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, cần đưa tiêu chuẩn “Thực hiện tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của trường đại học công lập” vào Bộ Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học công lập. Đồng thời, trong tự đánh giá và đánh giá ngoài, cần đặc biệt quan tâm đến mức độ thực hiện tiêu chuẩn này của các trường đại học công lập. Ngoài ra, các trường đại học công lập phải có kế hoạch khắc phục những hạn chế về thực hiện tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình được chỉ ra sau tự đánh giá và đánh giá ngoài. Trong quản trị trường đại học công lập, tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình. Có người đã ví, tự chủ như chân ga giúp cho chiếc ô tô có thể phóng nhanh; còn trách nhiệm giải trình lại như chân phanh giúp cho chiếc ô tô không văng ra bên đường hoặc lao xuống vực. Vì thế, trường đại học công lập càng tự chủ cao bao nhiêu, thì trách nhiệm giải trình càng lớn bấy nhiêu. Và kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những phương thức quản trị đại học. Thông qua sử dụng các công cụ kiểm định chất lượng mà các trường đại học công lập giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của mình (qua tự đánh giá) và biết mình đang ở đâu (qua đánh giá ngoài). Mục đích của kiểm định chất lượng không chỉ đảm bảo nhà trường có trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cũng như chất lượng giáo dục nói chung của nhà trường./. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2005), Nghị quyết số 14/2005/NQCP về Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020. [2] Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2014), Điều lệ trường đại học (Ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ -TTg, ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ). [3] Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2018), Dự thảo Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQTW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội. [5] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2018), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 19/11/2018. 552
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2