intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế thị xã Bến Cát (2014-2021)

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

20
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế thị xã Bến Cát (2014-2021)" phân tích thực trạng phát triển kinh tế của Bến Cát trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2021,trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để đưa kinh tế Bến Cát phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế thị xã Bến Cát (2014-2021)

  1. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ XÃ BẾN CÁT (2014 - 2021) Phạm Thị Bích1 1. Email: bichpt@bencat.sgdbinhduong.edu.vn TÓM TẮT Thị xã Bến cát là một trong 9 đơn vị hành chính của tỉnh Bình Dương. Kinh tế - xã hội của Bến Cát có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Bình Dương. Quá trình phát triển của thị xã Bến Cát trong 8 năm (2014 – 2021) đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, có thể nói nền kinh tế đã có bước phát triển về quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hệ thống cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế Bến Cát còn phát triển chậm, hiệu quả thấp, chưa khai thác hết tiềm năng, còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững, môi trường bị ô nhiễm, quy hoạch phát triển còn chắp vá, thiếu bền vững… Trên cơ sở khai thác các nguồn tư liệu lịch sử, đồng thời kết hợp vận dụng hai phương pháp nghiên cứu chính của khoa học lịch sử (phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic) với việc sử dụng các phương pháp khác, tác giả phân tích thực trạng phát triển kinh tế của Bến Cát trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2021,trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để đưa kinh tế Bến Cát phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Từ khóa: Bến Cát, phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Bến Cát ngày nay là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao của tỉnh Bình Dương; trở thành một trong những đầu tàu kinh tế với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong dẫn đầu của tỉnh. Kinh tế công nghiệp phát triển thúc đẩy đô thị phát triển, dịch vụ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Bài viết này nhằm mô tả thực trạng phát triển kinh tế của Bến Cát với những thành tựu và thách thức, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế Bến Cát trong thời gian tới. Xuất phát từ những lý do trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm hai mục tiêu: thứ nhất, phân tích thực trạng phát triển kinh tế của Bến Cát. Thứ hai, đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế Bến Cát trong giai đoạn tiếp theo. Từ trước đến nay, đã có không ít công trình nghiên cứu về vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói chung và thị xã Bến Cát nói riêng. Một số công trình nghiên cứu đã công bố như: Bình Dương - Thế và Lực mới trong thế kỉ XXI (Chu Viết Luân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003); Những chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 1945-2007 (Nguyễn Văn Hiệp, Luận án tiến sĩ, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007); Những chuyển biến kinh tế - xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (1993 – 2008), (Huỳnh Đức Thiện, luận án tiến sĩ lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã 41
  2. hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2012); Lịch sử Đảng bộ huyện Bến Cát (1930 – 1975, (Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bến Cát, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, 2010); Bến Cát 25 năm xây dựng và phát triển 1975 – 2000, (Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bến Cát, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, 2010); và nhiều công trình khác. Các công trình nói trên đã đề cập đến góc độ lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để tìm ra hướng đi, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để phát huy vai trò của kinh tế - xã hội trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu, phân tích, đánh giá quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã Bến Cát. Từ nhiều nguồn tư liệu khai thác tại các phòng ban lưu trữ của Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát, Ban Tuyên giáo thị xã Bến Cát, Cục thống kê tỉnh Bình Dương, sử dụng hai phương pháp nghiên cứu chính của khoa học lịch sử là phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, tác giả phân tích thực trạng kinh tế thị xã Bến Cát từ năm 2014 đến năm 2021, qua đó đề xuất một số giải pháp để đưa kinh tế Bến Cát phát triển trong thời gian tới. 2. NỘI DUNG 2.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế của Bến Cát Theo nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, huyện Bến Cát chia thành hai huyện, thị: huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát. Thị xã Bến Cát chính thức hoạt động ngày 01/4/2014 (Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2013). Từ khi thành lập thị xã đến nay, Bến Cát đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Bến Cát nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thị xã có diện tích tự nhiên 23.442,24 ha và 230.420 nhân khẩu. Cơ cấu hành chính của thị xã gồm 5 phường (Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa), và 3 xã (An Điền, An Tây, Phú An). Bến Cát có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Bến Cát cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một 20 km và cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 50 km. Về địa giới hành chính: Phía Bắc giáp huyện Bàu Bàng; phía Nam giáp thành phố Thủ Dầu Một; Phía Đông giáp các huyện Phú Giáo, Tân Uyên; phía Tây giáp huyện Dầu Tiếng; Tây Nam giáp sông Sài Gòn - là ranh giới hành chính với huyện Củ Chi. Vị trí chiến lược ở đây cả về kinh tế và chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội của Bến Cát đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng, đặc biệt là sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bến Cát có hệ thống giao thông thuận lợi, nhiều tuyến đường huyết mạch, đường vành đai tỉnh đi qua thị xã Bến Cát như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước – Tân, ĐT.741, ĐT.744, ĐT.748, ĐT.749 kết nối các khu công nghiệp với các huyện thị lân cận, ngoài ra còn có các tuyến đường nội ô thị xã như đường 30/4, đường Hùng Vương, đường Ngô Quyền…tạo điều kiện thuận lợi để Bến Cát kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh, kết nối với thành phố Hồ chí Minh, kết nối với tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên. Về địa hình, thị xã Bến Cát có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam, địa hình chuyển tiếp từ vùng cao phía Đông Bắc xuống Tây Nam. Vùng đồng bằng hạ lưu sông Sài Gòn, sông Thị Tính có độ cao trung bình từ 5 – 15m so với mực nước biển. Địa hình có độ cao trung bình từ 2m đến 34 – 34m tập trung tại các phường Chánh Phú Hòa, phường 42
  3. Thới Hòa, Hòa Lợi, An Điền, An Tây…Phần lớn địa hình của Bến Cát cao, không bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và thoát nước tốt thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Về khí hậu, Bến Cát là vùng đất thuộc Đông Nam Bộ, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu có đặc điểm nắng nhiều, lượng mưa lớn, ít thiên tai. Khí hậu Bến Cát ôn hòa, ít xảy ra thiên tai bão lụt tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nhất là trong nông nghiệp phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm, cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả. Về tài nguyên nước, thị xã Bến Cát có tài nguyên nước dồi dào, chủ yếu từ hai sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn, sông Thị Tính. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ phía Bắc Bình Phước và Tây Ninh, chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương khoảng 101km2 và chảy qua thị xã Bến Cát khoảng 24,4km2 là nguồn nước quan trọng cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của địa phương. Sông Thị Tính là một phụ lưu của sông Sài Gòn, bắt đầu từ Bình Long (Bình Phước) chảy qua thị xã Bến Cát rồi lại đổ vào sông Sài Gòn. Cùng với sông Sài Gòn, sông Thị Tính mang phù sa bồi đắp những cánh đồng ở thị xã Bến Cát, thành phố Thủ Dầu Một tạo nên những vườn cây ăn trái đặc trưng. Ngoài hai con sông lớn trên, thị xã Bến Cát còn có các suối như: suối Ba Làng, suối Cầu Dinh, suối Tre và một số suối, kênh, rạch nhỏ khác. Trên địa bàn có 2 công trình thủy lợi là đập Cửa Pari và hệ thống kè An Tây - Phú An. Nguồn nước dồi dào tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Bến Cát địa hình bằng phẳng; thổ nhưỡng của Bến Cát rất đa dạng, đất xám, đất vàng nâu trên phù sa cổ, đất phù sa, đất dốc tụ, thích hợp phát triển nhiều loại cây trồng như cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và cây lương thực và phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, nguồn đất của Bến Cát thuận lợi cho việc quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, là tiền đề thuận lợi để phát triển sản xuất công nghiệp. Nhìn chung, Bến Cát là địa phương có đủ điều kiện để phát triển một nền kinh tế tổng hợp và toàn diện. Bến Cát có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng, nâng cấp đồng bộ và hiện đại là lợi thế của thị xã Bến Cát trong việc xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với sự phát triển của cả tỉnh. Bến Cát có ưu thế trong việc tiếp nhận đầu tư về vốn, khoa học công nghệ từ nhiều nguồn trong và ngoài nước. 2.2. Thực trạng phát triển kinh tế Bến Cát trong những năm 2014 - 2021 2.2.1. Quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế Tăng trưởng kinh tế là một trong những mục tiêu mà đường lối và chủ trương của Đảng bộ, chính quyền Bến Cát luôn đặt lên hàng đầu. Bến Cát từ một huyện thuần nông với tỉ trọng nông nghiệp còn cao trong cơ cấu kinh tế, thì hiện nay cơ cấu kinh tế đã và đang có sự chuyển đổi theo hướng tăng hiệu quả, tăng thu nhập, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Giai đoạn 2014 – 2021 kinh tế Bến Cát đạt nhiều thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, bình quân trong giai đoạn 2015 – 2020 đạt 11,86%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm) (Đảng bộ tỉnh Bình Dương, 2020). Tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt 58.438,0 tỷ đồng, đến năm 2021 đã tăng lên 192.910,3 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2014 (UBND thị xã Bến Cát, 2014, 2021). Kinh tế phát triển cũng kéo theo mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu của người dân Bến Cát tăng lên rất nhanh. Nhìn vào bảng 1 dưới đây cho thấy, năm 2014 thu nhập bình quân đầu người của người dân Bến Cát là 53.000.000 đồng/ người/ năm, đến năm 2021 43
  4. thu nhập bình quân đầu ngườ của người dân Bến Cát đã tăng lên 135.000.000 đồng/ người/ năm. Điều đó cho thấy rằng, tăng trưởng kinh tế luôn gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Bảng 1: Thu nhập bình quân đầu người/năm của thị xã Bến Cát Đơn vị: đồng STT Năm Thu nhập bình quân đầu người/năm 1 2014 53.000.000 2 2015 62.900.000 3 2016 73.900.000 4 2017 81.000.000 5 2018 114.900.000 6 2019 126.600.000 7 2020 135.000.000 8 2021 138.000.000 Nguồn: Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát 2014 - 2021 2.2.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Sau khi chia tách huyện Bến Cát thành huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát, thị xã Bến Cát đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, theo đúng định hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong giai đoạn 2014 – 2021, cơ cấu kinh tế của thị xã Bến Cát chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. 100% 0.77 0.65 0.57 0.51 0.45 0.4 0.35 0.3 90% 13.5 15.43 17.12 18.93 20.72 22.4 24.1 25.3 80% 70% 60% 50% 40%85.73 83.92 82.36 80.56 78.83 77.2 75.6 74.4 30% 20% 10% 0% 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 Công nghiệp Dịch vụ Nông nghiệp Biểu đồ 1: Tỷ trọng các ngành kinh tế thị xã Bến Cát giai đoạn 2014 -2021. Đơn vị:% Nguồn: Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát 2014 - 2021 Nhìn vào biểu đồ 1 trên đây có thể thấy, cơ cấu các ngành kinh tế của thị xã Bến Cát chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm mạnh từ 0,77% năm 2014 xuống còn 0,3% năm 2021 (giảm 2,5 lần); công nghiệp – xây dựng giảm từ 85,73% năm 2014 xuống còn 74,4% năm 2020 (giảm 1,1 lần); dịch vụ tăng 13,50% năm 2014 lên 25,3% năm 2021 (tăng 1,8 lần). Thông qua số liệu này phản ánh công nghiệp dần đi vào ổn định sau hơn một thập niên có tốc độ tăng trưởng nhanh, ngành thương mại 44
  5. - dịch vụ dần phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, chứng tỏ tiềm năng phát triển của ngành này. Sự chuyển dịch kinh tế công nghiệp sang thương mại - dịch vụ đang diễn ra ở các địa phương của tỉnh Bình Dương và nhiều địa phương khác trong cả nước. Ở thị xã Bến Cát, quá trình này diễn ra khá nhanh khi Bến Cát lên thị xã, ngành thương mại - dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế và không ngừng tăng qua các năm, trong khi kinh tế công nghiệp có chiều hướng chững lại. Nguyên nhân do mức tập trung dân cư đông, đặc biệt ở các khu công nghiệp như phường Mỹ Phước, phường Thới Hòa, Tân Định… tạo ra nhu cầu sinh hoạt lớn, thúc đẩy kinh tế thương mại - dịch vụ phát triển. Như vậy, trong giai đoạn 2014 – 2021 Bến Cát đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò vị thế của công nghiệp – xây dựng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế dần đi vào ổn định, vai trò ngành thương mại - dịch vụ được phát huy, nông nghiệp ngày càng giảm. Nền kinh tế của Bến Cát chuyển dịch đúng định hướng, phù hợp với xu hướng chuyển dịch chung của tỉnh Bình Dương và cả nước. 2.2.3. Sự phát triển của các ngành kinh tế Trong công nghiệp: Bến Cát với xuất phát điểm kinh tế từ một huyện thuần nông đã vươn lên trở thành một trung tâm công nghiệp đô thị. Thực hiện chủ trương của tỉnh Bình Dương phát triển công nghiệp lên phía Bắc của tỉnh với việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp làm nền tảng, đòn bẩy phát triển công nghiệp, đến nay thị xã Bến Cát đã có 8 khu công nghiệp, với tổng diện tích 4.030ha, 1 khu sản xuất tập trung với quy mô 47,7ha (tại phường Tân Định), giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 lao động (UBND thị xã Bến Cát, 2021). Các khu công nghiệp ở Bến Cát ra đời muộn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh Bình Dương như Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, các dự án đầu tư đến chậm hơn nên Bến Cát được tỉnh Bình Dương rút kinh nghiệm từ các địa phương khác trong việc quy hoạch phát triển công nghiệp, chỉ đạo xây dựng các khu công nghiệp ở Bến Cát đúng quy hoạch. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Bến Cát được xây dựng bài bản hơn, quy hoạch tốt hơn, hầu hết các xí nghiệp đều nằm trong các khu công nghiệp, hệ thống giao thông nội bộ khu vực đều được kết nối với trục giao thông của tỉnh. Các khu công nghiệp được xây dựng bài bản, cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điều kiện thuận lợi để Bến Cát thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đơn vị: Tỷ đồng 160 143.450 140 124.399,8 120 108.212,7 100 91.950,8 78.741,4 80 67.763,7 57.694,1 60 50.081,7 40 20 0 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 Giá trị sản xuất công nghiệp Biểu đồ 2: Giá trị sản xuất công nghiệp của Bến Cát giai đoạn 2014 - 2021 Nguồn: Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát 2014 - 2021 45
  6. Năm 2014, thị xã Bến Cát có 787 cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có 202 cơ sở, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có 285 cơ sở (Cục thống kê Bình Dương, 2014); Đến năm 2021, thị xã Bến Cát có 1.719 cơ sở sản xuất công nghiệp (tăng 932 cơ sở công nghiệp so với năm 2014). Trong đó, chủ yếu là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 853 cơ sở, khu vực ngoài quốc doanh 3.299,35 cơ sở, khu vực kinh tế trong nước chiếm 352 cơ sở (UBND thị xã Bến Cát, 2021). Giai đoạn 2014 – 2021, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục hàng năm. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.081,7 tỷ đồng tăng 1,7 lần so với năm 2010 (năm 2010 đạt 29.829 tỷ đồng). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14.043,00 tỷ đồng (chiếm 28,0%), khu vực ngoài quốc doanh đạt 502,00 tỷ đồng (chiếm 1,0%), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 35.536,00 tỷ đồng (chiếm 70,9%) (UBND thị xã Bến Cát, 2014). Đến năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 143.450 tỷ đồng, tăng 15,3 % so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 39.592,20 tỷ đồng tăng 15,3% so với cùng kỳ, khu vực ngoài quốc doanh đạt 3.299,35 tỷ đồng tăng 15,3% so với năm 2020, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 100.558,45 tỷ đồng đạt 115,3% kế hoạch năm (UBND thị xã Bến Cát, 2021). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn, nhưng cơ cấu ngành công nghiệp chưa có chuyển biến tích cực. Công nghiệp của thị xã Bến Cát thời kỳ này chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, hàm lượng công nghệ thấp, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và năng lượng, sử dụng nhiều lao động và có thể gây nguy hại đến môi trường. Nhìn chung, công nghiệp của thị xã Bến Cát từ năm 2014 đến năm 2021 không ngừng phát triển, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao, góp phần tăng ngân sách cho Nhà nước, giải quyết được việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài địa phương. Đặc biệt là phát triển sản xuất công nghiệp làm đời sống nhân dân thay đổi, thu nhập bình quân đầu người của người dân Bến Cát tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tăng trưởng công nghiệp thiếu tính bền vững, sản phẩm công nghiệp chứa hàm lượng công nghệ cao còn ít. Dịch vụ - thương mại: song song với việc phát triển công nghiệp, ngành thương mại, dịch vụ cũng từng bước phát triển. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng như tài chính – tín dụng, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, giao thông vận tải, khách sạn, nhà hàng, … đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và đời sống của nhân dân. Bến Cát phát triển mạnh hệ thống các chợ, siêu thị, mạng lưới cửa hàng, cơ sở kinh doanh với quy mô nhỏ hình thành ở các khu, cụm công nghiệp đảm bảo nhu cầu mua bán hàng hóa. Tính đến năm 2021, toàn thị xã có 01 siêu thị là siêu thị Mỹ Phước và 07 chợ truyền thống đang hoạt động như chợ Chánh Lưu, Bến Cát, Phú An, An Tây, An Điền, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 3 và 6 chợ tạm. Ngoài ra còn có các chợ được quy hoạch mới trong các khu dân cư. Ngoài hệ thống các chợ còn có các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ dọc các tuyến đường lớn trong các khu dân cư, gần các khu công nghiệp phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Năm 2014, trên địa bàn toàn thị xã Bến Cát có tới 11.442 đơn vị kinh doanh thương mại, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ (UBND thị xã Bến Cát, 2014). Đến năm 2021, đã tăng lên 18.903 đơn vị kinh doanh thương mại, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ (tăng 7.461 đơn vị kinh doanh so với năm 2014) (UBND thị xã Bến Cát, 2021). Hoạt động thương mại – dịch vụ của thị xã Bến Cát có bước chuyển biến đáng kể trong giai đoạn 2014 - 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2021 của thị xã đạt 48.858 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2014. 46
  7. Bảng 2: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2014 – 2021 Đơn vị: Tỷ đồng STT Năm Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 1 2014 7.906,3 2 2015 10.610,3 3 2016 14.094,50 4 2017 18.465,00 5 2018 24.172,50 6 2019 31.432,00 7 2020 39.686,80 8 2021 48.858,00 Nguồn: Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát 2014 – 2021 Nông nghiệp: Do nhu cầu phát triển đô thị, tốc độ phát triển công nghiệp – dịch vụ, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp, quy hoạch các khu công nghiệp, khu dân cư và thương mại nên diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Ngành nông nghiệp của Bến Cát phải thay đổi hướng sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp đô thị. Trên địa bàn đã có nhiều hộ nông dân, tổ hợp tác, trang trại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như nuôi trong nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới tự động, trồng chuối, dưa lưới theo công nghệ khép kín. Thị xã Bến Cát đã chú trọng đến việc nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng vật nuôi có lợi thế găn liền với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ đảm bảo thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển xanh và biến đổi khí hậu. Nhờ đó, tuy giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng đều qua từng năm. Nhìn vào biểu đồ 3 dưới đây cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 đạt 602,3 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2014. Đơn vị: Tỷ đồng 700 602,3 548,7 576 600 520 469,3 493,7 500 450 445,4 400 300 200 100 0 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Biểu đồ 3: Giá trị sản xuất nông nghiệp của Bến Cát giai đoạn 2014 - 2021 Nguồn: Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát 2014 - 2021 Trên lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật: Qua quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, Bến Cát từ một vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, ngày nay Bến Cát đã vươn lên mạnh mẽ. Từ một vùng đất thuần nông đến nay Bến Cát đã hình thành những cụm, khu công nghiệp, tính đến năm 2021 Bến Cát 47
  8. có 8 khu công nghiệp, và 1 khu sản xuất tập trung có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khang trang, hiện đại. Thị xã Bến Cát đã có hệ thống giao thông phát triển mạnh, kết nối thông suốt, đồng bộ với với trục giao thông của tỉnh như đại lộ Bình Dương, ĐT.741, ĐT.744, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 4… Các tuyến đường nội ô thị xã như đường 30/4, đường Hùng Vương, đường Ngô Quyền, đường 7A, đường 7B,… tạo điều kiện để Bến Cát dễ dàng kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh, kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên; có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những kết quả về phát triển kinh tế thị xã Bến Cát trong thời thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn chủ trương phát triển của Đảng bộ và chính quyền thị xã Bến Cát cùng với sự vươn lên của toàn thể nhân dân Bến Cát. Sự phát triển kinh tế của Bến Cát đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra giá trị sản xuất cao, góp phần tăng ngân sách cho Nhà nước, giải quyết được việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong và ngoài địa phương. Đó cũng là tiền đề và nền tảng quan trọng để Bến Cát tiếp tục phát triển cùng nhịp độ với khu vực và cả nước, thực hiện thành công công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát triển kinh tế thị xã Bến Cát trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch còn nhiều bất cập giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất bị động ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế; Giá trị quyền sử dụng đất tăng ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dự án; Công nghiệp của thị xã Bến Cát thời kỳ này chủ yếu vẫn là sản xuất gia công, lắp ráp, hàm lượng công nghệ thấp, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và năng lượng, sử dụng nhiều lao động và có thể gây nguy hại đến môi trường; Công nghiệp dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của Bến Cát, thiếu các cơ sở dịch vụ quy mô lớn, chất lượng cao như tài chính ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử, đào tạo, nguồn nhân lực…; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. 2.3. Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị xã Bến Cát Bến Cát là một điểm sáng của tỉnh Bình Dương trong phát triển kinh tế. Trong thời gian tới để kinh tế tiếp tục phát triển, thị xã cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, nâng cao vai trò chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng pháp luật, tạo môi trường thông thoáng, để thu hút mạnh các dự án đầu tư trong và ngoài nước với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của Bến Cát trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các doanh nghiệp. Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ cao, các dự án sạch, vốn đầu tư lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là sự tích cực, chủ động trong quy hoạch sử dụng đất, Bến Cát cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, giao đất đúng tiến độ cho các nhà đầu tư để các dự án diễn ra đúng kế hoạch. Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ tọng ngành nông nghiệp trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, 48
  9. nguồn nhân lực cao, thu hút đầu tư. Trong lĩnh vực công nghiệp: mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiến hành di dời các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp, đẩy mạnh mời gọi, thu hút các dự án quy mô lớn vào công nghiệp, triển khai các chương trình nhà ở cho người lao động tạo động lực thu hút lao động làm việc trên địa bàn; Về dịch vụ: tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các loại hình dịch vụ chất lượng cao tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế; Về nông nghiệp: đẩy nhanh phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông nghiệp đô thị phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Bến Cát. Thứ ba, tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật và kết cấu hạ tầng. Tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và huy động các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại thúc đẩy kinh tế - xã hội của Bến Cát phát triển. Xây dựng quy hoạch phát triển phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ nhằm tạo tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề lao động, tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nguồn lực đầu tư. Chú trọng phát triển hệ thống thương mại hiện đại, hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn. Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Trước yêu cầu về xu hướng phát triển, đòi hỏi nhiều về chất lượng nguồn nhân lực, do đó Bến Cát phải có chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để làm được điều này, thị xã Bến Cát phải đẩy mạnh liên kết giữa trung tâm dạy nghề thị xã với các trung tâm kỹ thuật, trường dạy nghề của tỉnh đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển, mặt khác cần có chính sách thu hút, đãi ngộ những người có năng lực thực sự và tạo cơ hội thăng tiến cho những cá nhân đó. Đồng thời, thực hiện các chính sách phát triển văn hóa – xã hội về giáo dục, y tế, nhà ở…để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ năm, có kế hoạch đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với môi trường, từ đó có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Chú ý trong việc quy hoạch các vùng sản xuất trên cơ sở coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệm để xử lý ô nhiễm; hạn chế thu hút đầu tư sản các ngành sản xuất công nghiệp ở ngoài các khu công nghiệp. 3. KẾT LUẬN Bài nghiên cứu đã làm rõ thực trạng phát triển kinh tế của Bến Cát, cũng như đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Qua đó thấy được rằng, nhìn chung kinh tế Bến Cát có tốc độ phát triển nhanh, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất và sản lượng tăng đều hàng năm. Công nghiệp phát triển nhanh, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại thu hút nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước. Dịch vụ phát triển cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Bến Cát tương đối hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kinh tế Bến Cát còn gặp những khó khăn, hạn chế. Kinh tế Bến Cát phát triển nhanh nhưng thiếu vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Hiệu quả 49
  10. sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao. Ngành dịch vụ phát triển chưa tương xứng, thiếu các cơ sở dịch vụ có quy mô lớn và chất lượng cao. Quá trình phát triển kinh tế của thị xã Bến Cát (2014 – 2021) mặc dù còn tồn tại khó khăn, nhưng kết quả đạt được đã chứng minh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn. Đảng bộ và Chính quyền thị xã Bến Cát đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của địa phương. Trong thời gian tới, Bến Cát cần có định hướng, chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thúc đẩy nền kinh tế Bến Cát phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, sớm đưa Bến Cát trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2013). Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát để thành lập thị xã Bến Cát; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên để thành lập thị xã Tân Uyên và thành lập 16 phường thuộc thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nghị quyết số 136/NQ-CP, ngày 29/12/2013. 2. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2015). Văn kiện Đại hội Đảng bộ thị xã Bến Cát lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Bến Cát. 3. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2020). Văn kiện Đại hội Đảng bộ thị xã Bến Cát lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Bến Cát. 4. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2014). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2015. Số 124/BC-UBND, ngày 31/ 12/ 2014. 5. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2015). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2016. Số 147/BC-UBND, ngày 31/ 12/ 2015. 6. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2016). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2017. Số 161/BC-UBND, ngày 7/ 12/ 2016. 7. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2017). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2018. Số 173/BC-UBND, ngày 8/ 12/ 2017. 8. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2018). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2019. Số 223/BC-UBND, ngày 3/ 12/ 2018. 9. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2019). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2020. Số 236/BC-UBND, ngày 13/ 12/ 2019. 10. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2020). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2021. Số 314/BC-UBND, ngày 8/ 12/ 2020. 11. Ủy ban nhân dân Thị xã Bến Cát (2021). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – Quốc phòng, an ninh năm 2022. Số 302/BC-UBND, ngày 10/ 12/ 2021. 50
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2