intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tìm hiểu vùng đất Nam Bộ (Tập 9 - Tộc người và quan hệ tộc người): Phần 2

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:250

19
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nối tiếp nội dung phần 1, phần 2 cuốn sách "Vùng đất Nam Bộ - Tập 9: Tộc người và quan hệ tộc người" trình bày các nội dung: Quá trình hình thành và phát triển các tộc người di cư trên vùng đất Nam Bộ, quan hệ tộc người ở Nam Bộ trong các thời kỳ lịch sử và trong sự phát triển vùng đất Nam Bộ. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tìm hiểu vùng đất Nam Bộ (Tập 9 - Tộc người và quan hệ tộc người): Phần 2

  1. 119 Chương III QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ TRÊN VÙNG ĐẤT NAM BỘ Chương này tập trung phân tích quá trình hình thành và phát triển của các tộc người nhập cư vào Nam Bộ trong thời kỳ đầu khai thác, xây dựng và phát triển vùng đất này, đó là người Khmer, người Việt, người Hoa và người Chăm mà không đề cập đến các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc mới nhập cư trong thời gian gần đây, trước và sau năm 1975. Trong đó, cũng làm rõ vai trò của người Việt, cho đến đầu thế kỷ XIX đã là tộc người đa số, đóng vai trò “hạt nhân” cố kết, tích hợp tạo nên vùng văn hóa Nam Bộ. I- NGƯỜI KHMER - QUÁ TRÌNH NHẬP CƯ, SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TỘC NGƯỜI KHMER Ở NAM BỘ Người Khmer có một nền văn hóa riêng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Văn hóa của người Khmer nhìn chung là sự hợp nhất các yếu tố văn hóa nội sinh và các yếu tố văn hóa ngoại sinh mà quan trọng nhất là văn minh Phật giáo Nam tông. Sự kết hợp ấy diễn ra trong một quá trình lâu dài và tạo ra nét đặc thù trong văn hóa của người Khmer. Nhìn trên bình diện chung ở vùng đất Nam Bộ, nơi có sự cộng cư và giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các tộc người Khmer, Việt, Hoa, Chăm... đã tạo nên nét riêng, đặc thù của vùng văn hóa này. Trong
  2. 120 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI đó, văn hóa của người Khmer đã trở thành một bộ phận gắn kết trong nền văn hóa của vùng đất Nam Bộ. 1. Quá trình nhập cư Theo các sử liệu của Trung Hoa, Ấn Độ và các bia ký trên các cột đền thì vùng đất Nam Bộ từ trước thế kỷ VII thuộc về cư dân của vương quốc Phù Nam (Fou Nan). Những thành tựu văn hóa của cư dân Phù Nam được nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret phát hiện đầu tiên tại di chỉ Óc Eo (An Giang) vào tháng 2-1944. Đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và khai quật nhiều di chỉ về Phù Nam ở khắp các nơi trên vùng đất Nam Bộ. Từ đó, chúng ta ngày càng hiểu biết thêm nhiều về đời sống của cư dân Phù Nam qua hiện vật, nền móng đền đài được phát lộ ngày càng nhiều hơn. Đó là những bằng chứng cho thấy cư dân Phù Nam đã từng có một đời sống sung túc, giao thương phát triển với Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Nam Á hải đảo... Óc Eo là một hải cảng, một trung tâm thương mại tiếp nhận nhiều tàu buôn từ các nơi kể trên ngay từ thế kỷ I sau Công nguyên. Nhà sử học nổi tiếng về lịch sử Đông Nam Á là G.E. Hall, trong cuốn Đông Nam Á sử lược đã viết: “Có một thời, đế đô Phù Nam là Vydhapura (đô thị của các nhà săn bắn). Người Trung Hoa chép trong sử ký rằng đô thị này ở cách bờ biển 120 hải lý: Óc Eo, hải cảng Vydhapura là một trung tâm thương mại của người ngoại quốc ngày xưa và có lẽ ở vào thế kỷ I sau Công nguyên. Lãnh thổ này có nhiều sông rạch nên người Trung Hoa có thể chạy buồm đi xuyên qua đất Phù Nam trên đường đi đến bán đảo Mã Lai. Phù Nam nằm trên con đường thủy lớn giữa Trung Hoa và Ấn Độ trong thời gian bấy giờ. Dân Phù Nam thuộc dân Indonésien vào buổi sơ khai lúc mới bắt đầu có lịch sử”1. Khu di tích Óc Eo - Ba Thê có quy mô lớn nhất, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (An Giang). Các di chỉ trong khu di tích được 1. Lê Hương: Người Việt gốc Miên, Sài Gòn, 1970, tr.13.
  3. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 121 phân bổ trên sườn phía đông bắc - đông nam, ven chân phía đông núi Ba Thê và trên vùng đất thấp dọc theo Lung Giếng Đá, từ Giồng Xoài đến Giồng Cát phía đông nam núi Ba Thê. Malleret đã chứng minh là vào đầu Công nguyên, hải cảng Óc Eo không cách xa bờ biển (hiện nay cách xa bờ biển khoảng 25 km) nên ông cho rằng đó là một cảng thị như ý kiến của Hall. Cũng có ý kiến khác cho rằng Óc Eo là một điểm quần cư đông đúc do nằm tại vị trí giao hội của nhiều đường nước cổ. Tại vùng đất thấp, nơi Malleret gọi là “thị cảng” cổ, trên thực tế - theo ý kiến của Đào Linh Côn - là khu vực cư trú lớn theo kiểu nhà sàn dựng trên cọc gỗ, bố trí dọc theo đường nước cổ có tên là “Lung Giếng Đá”, có dấu tích hoạt động của nhiều nghề thủ công (kim hoàn, chạm khảm, đúc, mộc, gốm,...), của những dịch vụ thương mại, giao lưu văn hóa Đông - Tây. Ngoài ra, ở đây còn có hàng chục di chỉ kiến trúc gạch - đá của các ngôi đền và những “mộ hỏa táng”1... Vào cuối thế kỷ VI, Phù Nam đã phải đương đầu với các cuộc xâm lấn từ phía bắc bởi Champa và đặc biệt từ phía tây bởi Chân Lạp. Cư dân chủ yếu của Champa là những người thuộc nhóm loại hình nhân chủng Indonésien, ngữ hệ Nam Đảo, trong đó đa số nắm giữ quyền lực là tổ tiên của người Chăm ngày nay. Cư dân chủ yếu của Chân Lạp là tổ tiên của người Khmer, thuộc nhóm loại hình nhân chủng Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Người Khmer được coi là một trong những tộc người bản địa ở Đông Nam Á lục địa nhưng địa bàn cư trú - vùng lãnh thổ tộc người ban đầu của người Khmer không phải được hình thành trên vùng đất Nam Bộ. Tất nhiên mối giao lưu và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa người Khmer ở Campuchia với cư dân Phù Nam ở Nam Bộ, Việt Nam đã diễn ra từ lâu đời trong lịch sử bởi có một thời Chân Lạp là một thuộc quốc của Phù Nam. 1. Xem Đào Linh Côn: Giá trị văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ, Đề tài cấp Bộ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, 2009.
  4. 122 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI Như vậy, có thể đã có một bộ phận cư dân người Khmer ở Campuchia đã di chuyển từ phía tây và tây bắc vào vùng đất Nam Bộ từ cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII. Nhưng sau đó, do nhiều biến động lịch sử (chiến tranh, thiên tai...), Nam Bộ trở thành vùng đất hoang hóa, hầu như vắng bóng cả cư dân Phù Nam vốn đã tụ cư đông đảo, tập trung cho đến cuối thế kỷ VI và một bộ phận cư dân Khmer cũng đã chuyển cư vào vùng đất này vào cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII. Mãi cho đến thế kỷ XI, XII, đặc biệt là từ cuối thế kỷ XIII - XVI, do sức ép của xã hội phong kiến thời Angkor, đã đẩy những dòng di dân người Khmer nhập cư vào vùng đất Nam Bộ và định cư, lập nghiệp chủ yếu ở Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long). Việc di cư của người Khmer vào vùng đất Nam Bộ diễn ra thành nhiều đợt khác nhau và quá trình định cư đó đã hình thành tộc người Khmer ở Việt Nam ngày nay. Người Khmer ở Nam Bộ và người Khmer ở Campuchia vốn có chung một nguồn gốc tộc người, nhưng do thích nghi với môi trường tự nhiên và tác động của những biến động lịch sử diễn ra trong nhiều thế kỷ trước, đến nay đã trở thành hai bộ phận, hai “cộng đồng thân thuộc” thuộc hai quốc gia riêng biệt. Trong quá trình thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đất mới và sự cộng cư lâu dài với chủ yếu là người Việt, người Hoa, người Chăm trong vùng đã khiến cho người Khmer ở Nam Bộ có những điểm khác biệt về văn hóa so với người Khmer ở Campuchia. 2. Dân số và sự phân bố dân cư Mặc dù địa bàn cư trú của người Khmer ở Nam Bộ có ít nhiều xáo trộn trong các thời kỳ lịch sử cận hiện đại, nhất là trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng về cơ bản cho đến nay, người Khmer vẫn an cư lạc nghiệp tại những địa bàn cư trú truyền thống và gắn bó mật thiết với chùa chiền đã được xây dựng trong quá trình định cư tại các địa phương trên vùng đất này. Đặc điểm phân bố dân cư của người Khmer chịu sự
  5. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 123 tác động của lịch sử tộc người, điều kiện địa lý tự nhiên và sự phân bố dân cư chung của vùng Nam Bộ, nhất là ở Tây Nam Bộ. Địa bàn cư trú của người Khmer phân bố trong ba vùng môi sinh chủ yếu là: vùng nội địa, trên đồng bằng phù sa giới hạn bởi sông Tiền và sông Hậu; vùng ven biển, trên các giồng cát song song với biển, có nơi lấn ra sát biển và vùng đồi núi biên giới Tây Nam giáp với Campuchia thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Tây Ninh. Ở khu vực Bảy Núi (An Giang), phum sóc của người Khmer thường được thiết lập quanh các sườn đồi, chân núi, phát triển dần đến những con kênh chung quanh. Nhìn chung, địa bàn cư trú chủ yếu của người Khmer thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng ven biển và ven biên giới Tây Nam trên địa bàn Nam Bộ. Vào cuối thế kỷ XIX, J.C. Baurac đã miêu tả tổng quát về người Khmer ở Tây Nam Bộ1. Theo tài liệu này thì cư dân ở Tây Nam Bộ có 1.960.032 người, bao gồm người Việt, người Khmer, người Chăm, người Ấn Độ và người châu Âu. Trong đó dân số người Khmer đứng hàng thứ hai sau người Việt (1.732.396 người, chiếm 88,39%), với 146.718 người, chiếm 7,49% tổng dân số ở Tây Nam Bộ lúc bấy giờ2. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam ngày 1-4-2009 thì người Khmer có dân số đứng hàng thứ 5 trong 54 thành phần tộc người của nước ta, sau người Việt, người Tày, người Thái và người Mường. Dân số người Khmer tại thời điểm này là 1.260.640 người, chiếm 1,47% dân số cả nước, trong đó nam là 617.650 người (chiếm 49% dân số người Khmer) và nữ là 642.990 người (chiếm 51%). Năm 1999, dân số người Khmer là 1.055.174 người, chiếm 1,38% dân số cả nước3; năm 1989, dân số người 1. Xem J. C. Baurac: La Cochinchine et ses habitants (Provinces de L’Ouest), Imprimerie Commercial Rey, Curoil &Cie, Saigon, 1894, tr.71. 2. Xem J. C. Baurac: La Cochinchine et ses habitants (Provinces de L’Ouest), Sđd, tr.71. 3. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-1999, dân số người Khmer là 1.055.174 người, trong đó nam là 511.328 người (chiếm 48,46% dân số người Khmer), nữ là 543.846 người (chiếm 51,54%).
  6. 124 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI Khmer là 895.299 người1. Như vậy, sau 20 năm (1989 - 2009), dân số người Khmer ở Nam Bộ đã tăng lên 365.341 người, tăng 40,41% so với dân số Khmer năm 1989 và tăng 19,47% so với năm 1999, gấp gần 5 lần dân số người Khmer vào năm 1953 (214.470 người)2. Bảng 10: Sự phát triển dân số của người Khmer từ năm 1894 đến nay Năm 1894(1) 1953(2) 1989(3) 1999(4) 2009(5) 146.718 214.470 895.299 1.055.174 1.260.640 Nguồn: - J. C. Baurac: La Cochinchine et ses habitants (Provinces de L’Ouest), Saigon, Imprimerie Commerciale Rey, Curiol &Cei, tr.71. - Annuaire des États Associés (1953). - Tổng cục Thống kê Việt Nam: Tổng điều tra dân số năm 1989. - Tổng cục Thống kê Việt Nam: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999. - Tổng cục Thống kê Việt Nam: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Người Khmer cư trú chủ yếu trên địa bàn Tây Nam Bộ, chiếm hơn 90% dân số người Khmer ở Nam Bộ, và sinh sống tập trung ở Sóc Trăng (31,49% dân số Khmer), Trà Vinh (25,16% dân số Khmer), Kiên Giang (16,73%, dân số Khmer), An Giang (7,16% dân số Khmer), Bạc Liêu (5,61% dân số Khmer), Cà Mau (2,37% dân số Khmer), Vĩnh Long (1,73% dân số Khmer), thành phố Cần Thơ (1,70% dân số Khmer), Hậu Giang (1,68% dân số Khmer). Hiện nay, do tình hình di dân diễn ra khá mạnh ở người Khmer nên trong mười năm từ 1999 đến 2009, một bộ phận đáng kể người Khmer ở Tây Nam Bộ đã di chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ở Đông Nam Bộ. Chính vì vậy mà trong thời gian này, dân số người Khmer ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, đặc biệt là ở Bình Dương đã tăng lên một cách đáng kể. 1. Xem Tổng cục Thống kê Việt Nam: Tổng điều tra dân số năm 1989. 2. Theo Annuaire des États Associés (1953).
  7. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 125 Bảng 11: Sự phân bố dân số người Khmer chia theo đơn vị hành chính Năm 1999 Năm 2009 Tỷ lệ Tỷ lệ   Tổng số Tổng số % % Dân số cả nước 76.323.173 100,00 85.846.997 100,00 Dân số Khmer 1.055.174 100,00 1.260.640 100,00 Trong đó, phân theo vùng kinh tế - xã hội Đông Nam Bộ     72.796 5,77 Tây Nam Bộ     1.183.476 93,88 Trong đó, phân theo đơn vị hành chính Bình Phước 11.323 1,07 15.578 1,24 Tây Ninh 5.727 0,54 7.578 0,60 Bình Dương 1.490 0,14 15.435 1,22 Thành phố Hồ Chí Minh 4.755 0,45 24.268 1,93 Trà Vinh 290.932 27,57 317.203 25,16 Vĩnh Long 20.430 1,94 21.820 1,73 An Giang 78.706 7,46 90.271 7,16 Kiên Giang 182.058 17,25 210.899 16,73 Cần Thơ 35.284* 3,34 21.414 1,70 Hậu Giang - 21.169 1,68 Sóc Trăng 338.269 32,06 397.014 31,49 Bạc Liêu 58.132 5,51 70.667 5,61 Cà Mau 20.822 1,97 29.845 2,37 Các tỉnh khác 42.530 4,03 17.479 1,39 * Năm 1999, tỉnh Cần Thơ gồm tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Nguồn: - Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-1999. - Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2009.
  8. 126 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI Xét về mặt dân số, trong tình hình giảm tỷ lệ tăng dân số nói chung của cả nước và ở Tây Nam Bộ trong khoảng 20 năm qua, tỷ lệ tăng dân số của người Khmer đã giảm đi một cách đáng kể, đặc biệt là từ năm 1990 đến nay. Mô hình tháp tuổi dân số của người Khmer theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2009 cho thấy một cách rõ rệt nhất mức độ giảm tỷ lệ tăng dân số từ những năm 2005 - 2009 (nhóm tuổi 0 - 4 tuổi vào năm 2009) so với những năm 2004 - 2000 (nhóm tuổi 5 - 9 tuổi vào năm 2009). Mô hình tháp tuổi này cũng cho thấy từ những năm 1990 - 1994 đã giảm tỷ lệ tăng dân số và vì vậy mà tỷ lệ dân cư nhóm tuổi sinh trong những năm 1990 - 1999 không tăng hơn bao nhiêu so với nhóm tuổi sinh trong những năm 1985 - 1989 (bảng 12). Từ hai tháp tuổi dân số năm 1999 và năm 2009, cho thấy tỷ lệ sinh ở người Khmer đã giảm dần trong 15 năm. Hai mô hình tháp tuổi này thể hiện cơ cấu dân số người Khmer chia theo nhóm tuổi chung cho toàn Nam Bộ. Cũng cần nói rõ là, sự giảm tỷ lệ dân số kể trên là kết quả của Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình được thực hiện trong vùng người Khmer. Tuyệt đại bộ phận người Khmer ở Việt Nam sống trong các vùng nông thôn, một bộ phận đáng kể sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới; chỉ có một số ít sống ở khu vực thành thị ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khoảng 10 năm qua, việc thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước và các dự án do các tổ chức quốc tế thực hiện đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Nam Bộ. Hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện, mạng lưới trường lớp, mạng lưới cơ sở y tế... đã không ngừng được cải thiện, trong đó có vùng người Khmer sinh sống. Điểm đặc trưng về mặt cư trú của người Khmer ở Tây Nam Bộ là phần lớn phum sóc phân bố trên đất giồng (phno). Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như không có phum sóc nào chỉ thuần nhất là người Khmer
  9. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 127 Bảng 12. Tháp tuổi dân số người Khmer năm 2009 (trên) và năm 1999 (dưới)
  10. 128 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI mà thường đã có sự cư trú xen kẽ với người Việt và người Hoa. Mức độ xen kẽ có thể ít hoặc nhiều nhưng mối quan hệ giao lưu giữa người Khmer với người Việt và người Hoa diễn ra thường xuyên. Ở một số nơi, biểu hiện của quan hệ đó rất mạnh qua quan hệ hôn nhân, song hoặc đa ngôn ngữ, giao lưu kinh tế, tiếp biến văn hóa. Kết quả của hôn nhân giữa người Khmer với người Hoa đã khiến Baurac có nhận xét: “Những cuộc hôn nhân giữa người Hoa và người Căm Bốt cho ra đời những đứa con lai rất xinh đẹp, trong đó đáng chú ý nhất là phụ nữ”1. Trong những phum sóc của người Khmer, nét văn hóa truyền thống trong đời sống gia đình cũng như trong đời sống cộng đồng vẫn được duy trì một cách rõ nét. Đáng chú ý là đời sống tinh thần với vai trò quan trọng của Phật giáo Nam tông. Mỗi phum sóc của người Khmer thường có một ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ tôn giáo và các lễ hội theo phong tục cổ truyền. Ngôi chùa cũng là nơi dạy tiếng Khmer cho con em trong phum sóc. Trong khuôn viên chùa thường có một nơi để thiêu người chết; và người Khmer cũng thường xây các tháp tại chùa làm nơi gửi cốt người quá cố. Có hàng trăm ngôi chùa của người Khmer ở Nam Bộ với kiểu kiến trúc độc đáo, được trang trí với những môtíp điêu khắc hình rắn nhiều đầu, chim thần garuda, riahu... đầy màu sắc thần thoại. Phật giáo Nam tông giữ vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa và đời sống tinh thần của người Khmer. Nhìn chung, trên địa bàn Nam Bộ, người Khmer sinh sống tập trung ở Tây Nam Bộ, nhất là ở Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long... Người Khmer tụ cư thành các đơn vị cư trú gọi là phum sóc và trong các phum sóc mức độ tập trung dân cư tương đối cao. Cư trú xen kẽ giữa người Khmer với người Việt, 1. J. C. Baurac: La Cochinchine et ses habitants (Provinces de L’Ouest), Sđd, tr.74.
  11. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 129 người Hoa trong một đơn vị cư trú cũng như sự phân bố tiếp giáp với nhau giữa các làng của người Việt và các phum sóc của người Khmer đã trở nên phổ biến trong vùng người Khmer. Ngôi chùa là biểu tượng của phum sóc người Khmer và là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Khmer. Quan hệ hôn nhân và giao lưu văn hóa giữa người Khmer với người Việt, người Hoa diễn ra từ lâu và ngày càng mạnh mẽ làm cho vùng văn hóa Nam Bộ có nét đặc trưng, trong đó thể hiện sự hòa hợp tộc người và giao lưu kinh tế, xã hội, văn hóa rõ nét giữa người Khmer, người Việt và người Hoa. 3. Hoạt động kinh tế a) Nông nghiệp Trên các nền địa - văn hóa vùng đồng bằng nhiều nơi trũng sâu, ngập nước, nhiễm phèn, nhiễm mặn tiếp giáp biển Đông, biển Tây (vịnh Thái Lan), đồi núi thấp dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia và đồi núi cao ở miền Đông Nam Bộ - Nam Tây Nguyên vốn trước đây còn đa dạng các loại động, thực vật rừng nhiệt đới, người Khmer ở Nam Bộ đã đẩy nhanh quá trình sản xuất nông nghiệp trồng lúa và hoa màu. Bên cạnh đó, họ còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, làm các nghề thủ công, tiến hành săn bắt, hái lượm các nguồn tài nguyên, thiên nhiên của rừng núi, sông nước tại chỗ theo phương thức kinh tế chiếm đoạt và thực hiện việc trao đổi, buôn bán trong nông thôn. Nông nghiệp là loại hình hoạt động kinh tế chính của người Khmer ở Nam Bộ. Đời sống kinh tế của người Khmer lâu nay chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ trồng lúa và hoa màu. Trong sản xuất nông nghiệp, người Khmer đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối với việc chọn lựa, lai tạo các giống lúa, làm thủy lợi và tận dụng sự lên xuống của thủy triều để tháo chua, xổ phèn cải tạo đất. Trải qua quá trình lâu dài định
  12. 130 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI cư và khai khẩn vùng đất Nam Bộ, người Khmer đã ứng xử và thích nghi với điều kiện đất đai, thiên nhiên và môi trường sinh thái vùng này để phát triển sản xuất nông nghiệp. Người Khmer phân loại đất sản xuất nông nghiệp thành đất ruộng (srê) và đất rẫy (chămka). Đất ruộng (srê) được chia làm nhiều loại tùy theo địa hình và độ ngập nước như ruộng gò (srê toul), ruộng rộc (srê tộ), ngập nước vừa và ruộng bưng (srê chumrơn), ngập nước sâu... Trên mỗi loại ruộng, người Khmer gieo trồng những giống lúa thích hợp với vụ lúa sớm, vụ lúa mùa và vụ lúa muộn, tương ứng với vụ hè thu và vụ đông xuân. Đất rẫy (chămka) của người Khmer thường là loại đất giồng cát ở ven biển và đất đồi gò ven núi. Trên nền đất rẫy, người Khmer trồng các loại hoa màu (rau dưa, bầu bí, khoai củ, bắp, đậu phộng...) hoặc trồng cây ăn trái (nhãn, xoài, mít...). Trước năm 1975, người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Tiên... trồng nhiều dưa hấu. Dưa hấu của Cầu Ngang, Long Toàn, Trà Cú (Trà Vinh) rất ngọt do bón phân cá biển1. Người Khmer ở An Giang lâu nay trồng nhiều cây thốt nốt trên nền đất cao, tạo thành cảnh quan đặc thù vùng người Khmer ở miền núi - biên giới. Cây thốt nốt dùng để lấy nước làm đường, là một nguồn lợi đáng kể sau cây lúa của người Khmer ở Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang và đường thốt nốt là một loại đặc sản của địa phương. Người Khmer còn lập vườn trồng cây ăn trái trên nền đất rẫy ven biển và ven chân núi với những vườn nhãn (Sóc Trăng, Bạc Liêu), vườn xoài (Bảy Núi, An Giang) và vườn mít (Kiên Giang). Trong khi đó, người Khmer ở Trà Vinh thường trồng tre làm hàng rào, đồng thời lấy gỗ, làm vật liệu để đan lát các loại đồ dùng trong nhà và gần đây được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ vốn, kỹ thuật cải tạo vườn tạp bằng cách trồng các loại 1. Lê Hương: Người Việt gốc Miên, Sđd, tr.228.
  13. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 131 tre lấy măng. Hình thức cải tạo vườn tạp này phù hợp với tập quán sản xuất của người Khmer và góp phần tạo thêm thu nhập, bảo đảm đời sống kinh tế hộ gia đình. Nhìn chung, sự phân công lao động trong sản xuất nông nghiệp của người Khmer vẫn theo tập quán truyền thống. Nam giới đảm đương những công việc có phần nặng nhọc như làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, vận chuyển... Nữ giới làm những công việc nhẹ hơn như cấy (ở những phần ruộng còn cấy), nhổ cỏ, cắt lúa... Hiện nay, cơ giới hóa nông nghiệp trong vùng người Khmer ở Nam Bộ cũng đã đạt đến mức tương đương như người Việt, nhất là trong khâu làm đất và thu hoạch, nên công việc đồng áng cũng không quá nặng nhọc như trước đây. Cơ giới hóa nông nghiệp làm tăng thêm thời gian nông nhàn và nhờ vậy một bộ phận không nhỏ nông dân người Khmer đã đi lên các đô thị (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Biên Hòa...) để tìm việc làm, hoặc đến các vùng nông thôn ngoài địa bàn cư trú của họ để làm thuê trong nông nghiệp. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Khmer còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn và làm muối. Trâu bò được dùng làm sức kéo (kéo cày, trước đây; kéo xe bò, hiện nay) và bổ sung nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu đời sống của cư dân. Hiện nay, người Khmer nuôi trâu, bò chủ yếu là để lấy thịt vì sức kéo dùng trong nông nghiệp đã được thay thế bằng máy. Khu vực Bảy Núi, tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) có nhiều người nuôi bò và chúng đem lại nguồn lợi đáng kể (sau cây lúa) trong cơ cấu thu nhập của nhiều hộ gia đình người Khmer. Nơi đây hằng năm người Khmer vẫn tổ chức đua bò trong lễ hội Đônta truyền thống, thu hút đông đảo cư dân trong vùng và người Khmer ở Campuchia cùng tham dự. Người Khmer ở vùng ven biển Nam Bộ (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh...) đã chuyển dịch kinh tế theo chiều hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản.
  14. 132 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI b) Thủ công nghiệp Trước đây, người Khmer ở Nam Bộ đã có nhiều nghề thủ công truyền thống, sáng tạo ra những sản phẩm, tác phẩm thủ công tinh xảo và độc đáo. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều nghề thủ công truyền thống của người Khmer đã mai một, mất đi hoặc đang dần dần bị thu hẹp lại. Theo Lê Hương, người Khmer đã sản xuất nhiều nghề thủ công như đan thúng, rổ, đan đệm, dệt chiếu, dệt vải, làm gốm, làm đường thốt nốt, thợ mộc, thợ bạc... Một số nghề có tính phổ biến ở hầu hết các phum sóc Khmer như dệt vải, trước khi vải công nghiệp và ngoại nhập chưa tràn ngập thị trường; đan lát các vật dùng bằng tre (thúng, rổ...) đáp ứng cho nhu cầu hầu như thường xuyên của mỗi nhà khi mà đồ nhựa hãy còn hiếm và khá xa xỉ. Một số nghề chỉ phát triển tập trung ở một số nơi có sẵn nguồn nguyên vật liệu tại chỗ như dệt chiếu ở những vùng đất trũng thấp, nhiều lát, nghề làm đường thốt nốt tập trung ở vùng nông thôn - miền núi... Nghề gốm từng được sản xuất có sản lượng lớn với nhiều chủng loại từ nồi đến lò nấu (cà ràng), lu, vại để đựng nước, tích trữ lương thực, thực phẩm... Từ trước năm 1945 và cho đến thập niên 70 của thế kỷ XX, nhiều ghe xuồng đến sóc Phnom Pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang) và Sóc Xoài, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) để mua gốm với số lượng lớn, chở đi bán khắp nơi ở Nam Bộ. Sản phẩm thủ công của người Khmer nhìn chung là bền, đẹp, như sản phẩm của nghề đan lát chẳng hạn, vì họ “có biệt tài đan các đồ dùng bằng tre và mây như thúng, rổ, xách tay, giỏ rất đẹp và xài rất bền...”1. Sản phẩm thủ công của người Khmer đã phản ánh khả năng thích nghi với môi trường sinh thái - nhân văn của vùng đất Nam Bộ, tạo ra nét đặc trưng văn hóa Khmer. Chiếc nốp được đan bằng bàng được dùng để ngủ chống muỗi, chiếc ghe ngo của nhà chùa Khmer được dùng để đua ghe trong lễ hội Ok om bok, mắm bò hóc (prahoc) vừa là 1. Lê Hương: Người Việt gốc Miên, Sđd, tr.229.
  15. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 133 Phụ nữ Khmer làm gốm ở Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang Ảnh: Mã Lan Xuân món ăn, vừa là gia vị có mùi vị độc đáo, riêng biệt được dùng để nêm tạo hương vị mặn nồng cho nhiều món ăn, nhất là các món canh và món bún nước lèo. Chiếc khăn rằn (krama) là sản phẩm dệt đặc trưng, đã đưa nghề dệt của người Khmer và người Chăm gần gũi với cư dân Nam Bộ và lụa với kỹ thuật nhuộm màu bằng trái mặc nưa, đã nâng nghề tơ tằm của người Chăm và người Khmer lên tầm khu vực. c) Trao đổi mua bán Cho tới hiện nay, người Khmer ở Nam Bộ vẫn chưa tham gia nhiều vào việc trao đổi, buôn bán, bởi người Khmer lâu nay có tâm lý không thích buôn bán kiếm lời. Họ thường sản xuất và bán sản phẩm ngay tại nhà hoặc ở các chợ tại địa phương. Hoạt động trao đổi, mua bán trong
  16. 134 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI nông thôn vùng người Khmer trước đây hầu hết là do người Hoa, người Việt đảm nhận. Gần đây mới xuất hiện một số gia đình mở tiệm tạp hóa, quán cà phê, giải khát... trong phum sóc của mình. Hình thức buôn bán này vẫn còn nhỏ lẻ, song cũng cho thấy có sự thay đổi quan niệm trong hoạt động kinh tế của người Khmer. Mặt khác, trong những dịp lễ hội cộng đồng, người Khmer có bày bán các loại bánh truyền thống, mở tạm những quầy bán thức ăn, nước giải khát, các loại trái cây... cho người dự lễ. Gần đây, người Khmer ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, nhất là ở vùng Bảy Núi (An Giang) đã xúc tiến việc trao đổi, buôn bán bằng cách mở các cửa hàng kinh doanh thiết bị, máy móc, vật tư nông nghiệp (máy suốt lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ...) và bán hàng với phương thức “bán trước, trả sau” vào mùa thu hoạch, cho người Khmer ở Campuchia. d) Các hình thức kinh tế tự nhiên Ngoài sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), thủ công nghiệp và trao đổi, buôn bán trong nông thôn, người Khmer ở Nam Bộ còn săn bắt thú chim, hái lượm rau củ, đánh bắt cá tôm trong sông rạch và ven biển để bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm, góp phần bảo đảm đời sống của mình. Trước đây, người Khmer săn bắt thú chim bằng bẫy, bằng ná, bằng lao, bằng lưới; thịt một số loài rắn, thịt kỳ nhông rất được họ ưa thích1. Đánh bắt cá tôm là việc làm khá phổ biến lâu nay trong gia đình người Khmer ở Nam Bộ, nhất là ở Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX, theo Monographie de la Province de Soc Trang (Địa chí tỉnh Sóc Trăng) (1904) thì cư dân ở đây, nhất là người Khmer không đánh 1. Xem Nguyễn Phan Quang: Việt Nam cận đại - những sử liệu mới, tập 3: Sóc Trăng (1867 - 1945), Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.13.
  17. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 135 bắt cá biển1. Người Khmer đánh bắt cá tôm ở sông Bassac và cá chày từ biển bơi ngược theo dòng sông này vào mùa khô. Theo Lê Hương, người Khmer có đánh bắt cá trắng trên sông để làm mắm prahóc2 và “từ những dụng cụ thô sơ của tổ tiên truyền lại hiện thời ngư phủ Việt gốc Miên đều dùng những ngư cụ tinh xảo, mới mẻ. Một số đông đã dùng máy gắn vào ghe để vượt biển nhanh hơn, chứng tỏ vốn liếng gia tăng nhiều hơn trước”3. Tuy nhiên, hiện nay người Khmer có sử dụng ghe xuồng làm phương tiện vận chuyển và đánh bắt cá tôm trong sông rạch, nhưng không làm phương tiện đánh bắt cá tôm trên biển. Người Khmer hướng ra biển có giới hạn độ sâu không quá 2 mét bằng cách lội bộ hoặc đi cà kheo đánh bắt cá tôm và thu lượm nghêu sò ở ven bờ, còn việc đánh bắt trên các ghe thuyền đi biển đều là những người làm công (đi bạn) cho các chủ phương tiện là người Việt, người Hoa. Người Khmer đánh bắt cá tôm ở ven bờ biển Đông bằng cách đẩy xiệp, đi bằng cà kheo khi nước rong (nước lớn) và lội bộ khi nước ròng (nước rút). Xiệp lưới dày dùng để bắt ruốc, xiệp lưới thưa dùng để bắt tôm, cá lù dù, cá bẹ. Họ còn bắt nghêu, sò bằng cào, bằng móc và bắt cua bằng lưới. Tháng chướng bắt nghêu, tháng nồm bắt sò để bổ sung vào cơ cấu bữa ăn hằng ngày của gia đình và phần nào đó dành cho trao đổi, buôn bán. Gần đây, người Khmer còn bắt ba khía đem bán cho các vựa tại địa phương. Ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, cả người Khmer lẫn người Việt lâu nay vẫn còn làm nghề “gác kèo” để lấy mật ong, gọi là nghề “ăn ong” ở khu rừng tràm U Minh. Trong thời kỳ Pháp thuộc, để quản lý nguồn lợi tự nhiên này, chính quyền thuộc địa đã phân lô rừng và cho đấu thầu, người trúng thầu khai thác mật ong trong mỗi lô rừng bằng cách gác 1. Xem Nguyễn Phan Quang: Việt Nam cận đại - những sử liệu mới, tập 3: Sóc Trăng (1867 - 1945), Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.14. 2, 3. Xem Lê Hương: Người Việt gốc Miên, Sđd, tr.229, 228.
  18. 136 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI kèo để thu hút đàn ong đến đây làm tổ, phải nộp thuế1. Những người làm nghề “gác kèo, ăn ong” đều tôn trọng quyền sở hữu của người gác kèo, không bao giờ lấy mật ong từ kèo của người khác. Lê Hương2 đã miêu tả chi tiết về nghề “gác kèo, ăn ong” với tín ngưỡng thờ tổ nghề và các kiêng kỵ trong nghề này và Đoàn Thanh Nô3 cũng đã miêu tả lễ 2 cúng tổ, những kiêng kỵ và các trò diễn vào lúc mở đầu mùa “gác kèo, ăn ong” của người Khmer ở Kiên Giang. 4. Tổ chức xã hội Đơn vị cư trú truyền thống của người Khmer ở Nam Bộ hiện còn tồn tại là phum. Phum không chỉ có những hộ có quan hệ thân thuộc mà đã mở rộng thành quan hệ láng giềng. Có phum có khoảng 50 hộ, cũng có phum lớn đến hơn 200 hộ. Cấu trúc bên trong phum gồm những nhóm nhỏ hộ gia đình tập trung trong một “xóm nhỏ” gọi là “đôm”. Mỗi đôm có từ 5 đến 10 gia đình. Quan hệ giữa các thành viên trong đôm chủ yếu là quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân. Thành viên trong đôm thuộc các gia đình của các anh chị em và gia đình con trai, con gái của họ đã lập gia đình. Trong đó, số thành viên có quan hệ về phía mẹ là chủ yếu, nghĩa là số anh em trai và các con dâu ít hơn so với số chị em gái và các con rể. Cũng cần lưu ý là trong đời sống của người Khmer ở Nam Bộ hiện vẫn còn tồn tại hình thức hôn nhân con cô con cậu (hôn nhân giữa các anh em họ chéo), hôn nhân con chú con bác (hôn nhân giữa các anh em họ song song) gọi là “chi đôn muôi” (cùng một bà). Hôn nhân giữa các anh em họ có chung một bà cố (chi tuôs muôi) cũng khá phổ biến. Cư trú sau hôn nhân thường là ở bên vợ và tùy theo điều kiện sau đó khi 1, 2. Xem Lê Hương: Người Việt gốc Miên, Sđd, tr.242, 242-249. 3. Đoàn Thanh Nô: Người Khmer ở Kiên Giang, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.58-61.
  19. CHƯƠNG III: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC TỘC NGƯỜI DI CƯ... 137 ra ở riêng đôi vợ chồng mới có thể về ở bên nhà chồng nhưng đa số họ vẫn ở lại bên nhà vợ. Phần lớn cư dân người Khmer ở Nam Bộ cư trú trên đất giồng, (phno) đồng thời chịu sự chia cắt mạnh bởi hệ thống sông rạch mà sự phân bố cư trú của người Khmer trong một số địa phương tạo thành từng cụm dân cư gồm nhiều phum. Mỗi cụm dân cư như vậy tương đương với một sóc (srok). Đối với người Khmer Campuchia sóc là đơn vị hành chính tương đương cấp một huyện, nhưng với người Khmer Nam Bộ, sóc tương tự như làng của người Việt, buôn, plei của một số dân tộc ở Tây Nguyên. Do ảnh hưởng của Phật giáo, tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ hết sức gắn bó với ngôi chùa. Mỗi phum người Khmer ở đây hầu như đều có một ngôi chùa và mỗi chùa có một Ban quản trị (Kanăk Kamaka), do người dân bầu lên. Ban quản trị thường gồm từ 5 đến 9 thành viên, có nhiệm kỳ trong ba năm và có nơi người ta còn tổ chức thêm một Ban cố vấn (Uôhđom Rưksa) để giúp đỡ cho Ban quản trị. Thành phần Ban quản trị chùa nhiều hay ít còn tùy thuộc vào số lượng dân cư trong phum. Thành viên một Ban quản trị gồm: trưởng ban (athiêp bahđay hay prothiên), phó trưởng ban hay phó chủ tịch (anuq prothiên hay anuq athiêp bahđay), thư ký (akaq lêkha), phó thư ký (lêkha), trưởng achar (pro thiên achar), phó achar (achar), cố vấn (có từ một đến ba vị tùy thuộc vào mỗi nơi). Thông thường, Ban quản trị chùa chia các khu vực dân cư trong phum hay các phum trực thuộc một ngôi chùa thành những “wện” (wel). Wện bao gồm một số hộ gia đình trong một khu vực trong phum mà thành viên của các hộ này, theo cắt đặt của Ban quản trị chùa, sẽ có trách nhiệm trong một số ngày lễ tôn giáo và các lễ cộng đồng tổ chức tại chùa cũng như có nhiệm vụ dâng vật phẩm cho các sư sãi dùng trong một số ngày nhất định trong tháng (khi các sa di đi
  20. 138 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IX TỘC NGƯỜI VÀ QUAN HỆ TỘC NGƯỜI khất thực - chrông bat)1. Wện cũng có những tên gọi riêng để phân biệt với các wện khác và thường được gọi tên theo hướng so với vị trí của ngôi chùa. Cũng có trường hợp wện được gọi tên theo tên của người đứng đầu wện (mê wện). Mỗi wện sẽ cử từ một đến hai vị vào Ban quản trị chùa. Những vị này thường là người có trách nhiệm trong wện, là mê wện (người đứng đầu một wện) và anuq wện (phụ tá cho mê wện). Với tư cách là thành viên Ban quản trị chùa đồng thời là những người đứng đầu một wện, họ sẽ đại diện cho các tín đồ trong wện quyết định những vấn đề của các phum thuộc ngôi chùa và truyền đạt những quyết định cũng như tổ chức thực hiện những nhiệm vụ được Ban quản trị chùa giao cho wện. Trong xã hội truyền thống của người Khmer, ngoài các tu sĩ, còn có một tầng lớp trí thức - nhân sĩ có vai trò khá quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa giáo dục là các vị achar. Achar là những người có kiến thức, từng tu học đến một trình độ nhất định và hiểu biết kinh luật Phật giáo, hiểu biết về phong tục tập quán, khéo léo trong cư xử,... Họ là những người có uy tín trong phum và có thể trong sóc thuộc vào một ngôi chùa và thường được người dân chọn bầu vào Ban quản trị chùa. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của ông ta trong phum, trong chùa mà một vị achar có thể là các thầy giáo (những achar này được gọi là gru) dạy giáo lý, chữ Khmer, chữ Pali... trong các lớp học cho thanh thiếu niên do nhà chùa tổ chức. Trong số các achar, có người đảm nhận nhiệm vụ thực hiện các lễ trong gia đình như tang lễ, hôn lễ... Các achar lo việc tẩm liệm cho người chết trong tang lễ gọi là achar yuki và achar phlut... Achar có thể là một tu sĩ cũng có thể là người thường (thường là người đã đi tu một thời gian và đã hoàn tục). Achar chuyên lo các nghi lễ cộng đồng của phum được gọi là achar maha và là người có vai 1. Trong một tháng, có bốn ngày các sư sãi không đi khất thực và cũng là bốn ngày lễ trong tháng mà đa số tín đồ trong phum phải đến chùa để cầu nguyện. Đó là các ngày mùng 8, ngày 15, ngày 23 và ngày 29 hoặc 30 theo âm lịch.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2