intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ứng xử với tự nhiên và chăm sóc, bảo vệ môi trường vào thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

9
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ứng xử với tự nhiên và chăm sóc, bảo vệ môi trường vào thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam" nghiên cứu những quan điểm và tấm gương của Hồ Chí Minh về ứng xử, chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống và ý nghĩa đối với chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay của Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ứng xử với tự nhiên và chăm sóc, bảo vệ môi trường vào thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ỨNG XỬ VỚI TỰ NHIÊN VÀ CHĂM SÓC, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀO THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH TẠI VIỆT NAM Đại úy, ThS. Hà Tiến Linh Học viện An ninh nhân dân / Email: tienlinh128@gmail.com Đại úy, ThS. Phan Thúy Quỳnh Học viện An ninh nhân dân Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ rất sớm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái đối với sự nghiệp xây dựng đất nước và chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Những quan điểm của Người về ứng xử với tự nhiên và chăm sóc, bảo vệ môi trường là bài học quý báu cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Bài viết nghiên cứu những quan điểm và tấm gương của Hồ Chí Minh về ứng xử, chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống và ý nghĩa đối với chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay của Việt Nam. Từ khóa: Bảo vệ môi trường, Hồ Chí Minh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững 1. Đặt vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới, bởi những đóng góp của Người dành cho hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Trong đó, những đóng góp về giải phóng con người của Hồ Chí Minh được cả thế giới ghi nhận. Đối với Hồ Chí Minh, muốn giải phóng con người cần tạo một môi trường thuận lợi để con người sinh sống, phát triển, con người và môi trường có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau. Sinh thời, Người đã để lại nhiều bài học và quan điểm rất quý giá về tôn trọng tự nhiên, hòa thuận với thiên nhiên. Những đóng góp của Người về bảo vệ môi trường sống, giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng rừng, cấm phá rừng… có tư duy và tầm nhìn vượt trước thời đại. Có thể thấy rõ, bảo vệ môi trường là quan tâm lớn của Người, mặc dù sự nghiệp cách mạng có lúc còn khó khăn, gian khổ. Nghiên cứu tư tưởng của Người trong ứng xử với môi trường và những quan điểm chăm sóc, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về ứng xử với tự nhiên và chăm sóc, bảo vệ môi trường Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, có thể thấy rõ Người có thái độ ứng xử rất thân thiện với môi trường, luôn hướng tới chăm lo và bảo vệ môi trường. Khi hoạt động cách mạng ở chiến khu, Hồ Chí Minh 114 Kinh tế và Dự báo
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP luôn sống, làm việc và sinh hoạt gần gũi với thiên nhiên. Có thể nói, thiên nhiên đã trở thành một phần trong sự nghiệp cách mạng của Người. Từ việc đặt tên cho núi Các Mác, suối Lênin, có thể thấy rõ hoài bão giải phóng dân tộc của Người hài hòa với thiên nhiên. Thiên nhiên còn đến với Người qua những câu thơ tả cảnh nhưng luôn mang nặng nỗi niềm tranh đấu cho độc lập, tự do. Trong những năm tháng chống Pháp, nơi làm việc, nơi ở của Người cũng gắn liền với khung cảnh thiên nhiên, có núi, có sông, đất trồng rau, gần rừng, gần suối. Một lẽ tự nhiên, thiên nhiên đã trở thành “người bạn” gần gũi đối với Hồ Chí Minh. Sau khi về Phủ Chủ tịch, nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh vẫn rất gần gũi với thiên nhiên. Là nơi làm việc của Chủ tịch một đất nước nhưng không có chút gì là xa hoa, hiện đại, từ ngôi nhà sàn nơi Người sống đến cây trong vườn, cá dưới hồ đều thể hiện thái độ ứng xử rất thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Người tự trồng cây trong vườn, nuôi cá dưới ao, không cho phép săn bắn chim chóc trong vườn. Khi xây dựng một chế độ mới, một trong số những nhiệm vụ của cách mạng đó là phải chống lại những thói quen và truyền thống lạc hậu, xây dựng đời sống mới, nếp sống mới. Nhắc nhở đồng bào, cán bộ trong tác phẩm “Đời sống mới” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới” [4]. Quán triệt tinh thần đó, nhiều lần đi tìm hiểu đời sống của nhân dân, hoặc đi thăm các cơ quan, công sở… Hồ Chí Minh thường kiểm tra nơi ăn, ở của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ. Người góp ý về công tác giữ gìn vệ sinh, yêu cầu cán bộ, công nhân, nông dân… phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch, không được vứt rác bừa bãi, phải giữ gìn vệ sinh công cộng, hay ở các nhà máy, tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường, vì làm thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con cháu sau này. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn giữ gìn vệ sinh môi trường với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người cho rằng, việc vệ sinh phòng chống dịch bệnh cũng là nội dung của phong trào thi đua ái quốc. Hồ Chí Minh là người khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước”, sau này Nhà nước đã lấy ngày 02 tháng 7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước. Phong trào đã tạo nên hiệu quả rộng rãi trong việc kêu gọi toàn dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và cải thiện sức khỏe cho nhân dân. Ngoài việc kêu gọi nhân dân giữ gìn vệ sinh, Người còn phát động nhiều phong trào khác như: toàn dân diệt ruồi muỗi; thực hiện ăn sạch, uống sạch, nhà cửa sạch sẽ, vườn tược sạch sẽ… Đặc biệt, Người rất chú ý đến các cháu thiếu niên nhi đồng, lứa tuổi là tương lai của đất nước, trong 5 điều dạy thiếu niên nhi đồng, Người căn dặn phải: “giữ gìn vệ sinh” [4]. Trước những năm 1960, Hồ Chí Minh đã thường xuyên khuyến khích nhân dân và chính quyền các địa phương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Trong Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956, Người kêu gọi nông dân cấy hết ruộng hoang, khai khẩn thêm ruộng đất, đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây Economy and Forecast Review 115
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP rừng ở bờ biển” [4]. Trong nhiều bài viết, bài nói với đồng bào, chiến sĩ, Người yêu cầu trồng nhiều cây và cấm phá rừng. Người khuyến khích cán bộ thực hiện “dân vận khéo” để vận động nhân dân trồng rừng và không phá rừng. Người chỉ rõ, việc phá rừng chẳng khác gì đem vàng bạc đổ xuống biển. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Người ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” [4]. Bên cạnh tài nguyên rừng, Người còn yêu cầu đồng bào, cán bộ khai thác và sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp, khoáng sản… Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn xa trông rộng trong khai thác và sử dụng tài nguyên ngay từ khi nhân dân ta bắt tay xây dựng đất nước. Ngày 28/11/1959, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân Số 2082, trong đó, Người kêu gọi nhân dân trồng cây và nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...” [4]. Mùa Xuân năm 1960, tại Công viên Thống Nhất, Người đã khởi xướng và phát động phong trào “Tết trồng cây”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đã thực hiện phong trào “Tết trồng cây” và từ đó đến nay, “Tết trồng cây” đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, mùa Xuân là ngày mà cây cối đâm chồi nảy lộc, là thời điểm thích hợp để khuyến khích nhân dân trồng cây. Tư duy của Người đã vượt trước thời đại khi mà mãi về sau này chúng ta mới có những công ước về bảo vệ rừng, hay chống biến đổi khí hậu. Trước khi từ biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ trong Di chúc rằng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp” [4]. Người còn nêu ra tâm nguyện: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn” [4]. Quan điểm về bảo vệ môi trường sinh thái của Hồ Chí Minh là nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Người từ những ngày đầu cách mạng cho đến cuối đời, Người cũng không quên đề cập đến bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ sinh thái. Trong quan điểm của Người có sự gắn kết chặt chẽ giữa việc bảo vệ môi trường sinh thái với chăm lo đời sống cho nhân dân. Bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng có nghĩa là tạo dựng một môi trường xã hội tốt đẹp của con người. Bởi lẽ, tự nhiên đã ban tặng cho con người những điều kiện sống tốt nhất như khí hậu, tài nguyên, không khí, đất, nước… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, thiên tai… 116 Kinh tế và Dự báo
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP Tự nhiên vừa mang đến sinh cơ cho con người nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về thiên tai, đói nghèo, dịch bệnh. Bởi thế, Hồ Chí Minh cho rằng cần thông qua tri thức để hiểu rõ tự nhiên, đồng thời, cần sống hài hòa với tự nhiên, giữ gìn và bảo vệ tự nhiên. Quan điểm của Hồ Chí Minh có phần kế thừa những quan điểm của Lão tử về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Đánh giá lại những quan điểm của Hồ Chí Minh về ứng xử với tự nhiên và chăm sóc, bảo vệ môi trường có thể thấy, nổi bật lên một số luận điểm chính: Một là, môi trường tự nhiên đóng vai trò quan trọng đối với đời sống con người, con người muốn phát triển toàn diện và khỏe mạnh, thì cần phải có một môi trường tốt. Sự nghiệp cách mạng hướng tới chăm sóc sức khỏe con người cần đồng thời chăm sóc cho môi trường tự nhiên. Hai là, tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực to lớn trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cần khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các yếu tố cơ bản của môi trường tự nhiên như đất đai, nguồn nước, khoáng sản, rừng… Đồng thời, cần ý thức được thiên nhiên là lá chắn bảo vệ cho con người, khai thác, sử dụng phải đi liền với tái tạo, bảo vệ tự nhiên. Ba là, cần ứng xử tôn trọng thiên nhiên, sống hòa thuận với thiên nhiên, nghiêm cấm những hành vi phá hoại tự nhiên, đồng thời, cần quan tâm, chăm lo cho môi trường tự nhiên ngày càng tốt hơn. Bốn là, phải nâng cao nhận thức về môi trường cho quần chúng nhân dân. Vận động quần chúng nhân dân chăm sóc môi trường, không được tàn phá môi trường. Năm là, muốn thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, cán bộ phải làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, phải “khéo vận động” nhân dân tham gia chung tay vào các phong trào giữ gìn vệ sinh, cũng như xây dựng đời sống mới, nếp sống mới. Bảo vệ môi trường còn có ý nghĩa nâng cao ý thức, trách nhiệm, giáo dục đạo đức cho nhân dân trong bảo vệ môi trường sinh thái. 3. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam hiện nay Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã chỉ rõ, tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững. Bốn mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gồm: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) Xanh hóa các ngành kinh tế; (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; iv) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau. Với Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã xây dựng và nâng cao được ý thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh; có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh, bước đầu xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đặt nền tảng cho các thiết chế để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số mục tiêu tăng Economy and Forecast Review 117
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP trưởng xanh đã đạt được kết quả khả quan như: lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dư nợ tín dụng xanh đạt gần 238 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tăng 235% so với năm 2015)…[1]. Tuy nhiên, bên cạnh một số điểm đạt được đó, một số nghiên cứu vẫn chỉ ra tình trạng đáng báo động của môi trường. Khảo sát của Đặng Kim Chi (2022) cho thấy, các làng nghề cũng là nơi gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. Theo khảo sát này, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm có độ ô nhiễm nước thải rất cao, trực tiếp gây ô nhiễm mặt nước nặng nề; các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng thải ra môi trường bụi, khí thải, hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép 12 lần, các khí thải SO2, CO2 lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,8 - 2 lần; các làng nghề thủ công mỹ nghệ gây ô nhiễm chủ yếu tới môi trường không khí do bụi, hơi dung môi hữu cơ... Lý giải cho những thực trạng ô nhiễm này, có thể thấy một số nguyên nhân căn bản. Một thời gian dài, nhận thức của chúng ta khá hạn chế về bảo vệ môi trường, từ xuất phát điểm thấp chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội nên có những thời điểm, để đạt được các lợi ích về kinh tế, chúng ta đã phớt lờ các quy luật của tự nhiên với mục đích mưu sinh. Quá trình khắc phục hậu quả của chiến tranh, đi liền với đời sống nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn vì bị bao vây, cấm vận kinh tế, chúng ta đã không quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trong các hoạt động kinh tế. Điều này dẫn đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị thất thoát nhiều, thêm vào đó là trình độ khoa học chưa phát triển, sử dụng công nghệ lạc hậu, chưa tận dụng hết công năng và giá trị các loại tài nguyên khi đóng vai trò là đầu vào của các quá trình kinh tế. Ngoài ra, thái độ của con người đối với môi trường tự nhiên chưa đúng mực, dẫn đến chưa tôn trọng môi trường, việc khai thác, sử dụng và bảo vệ chưa đúng đắn. Do ưu tiên phát triển kinh tế mà chưa chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Một số chính quyền địa phương còn tồn tại quan điểm ưu tiên phát triển kinh tế, xem nhẹ những yêu cầu của bảo vệ môi trường, lợi ích kinh tế được đặt lên trước nhất. Điều này thể hiện ở việc phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, quy hoạch không đồng bộ, quy hoạch phát triển kinh tế chưa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, vì lợi ích kinh tế mà hy sinh lợi ích về môi trường. Công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ an ninh môi trường còn gặp nhiều hạn chế. Rõ ràng, môi trường đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của con người. Nhưng, chính thực trạng đáng báo động về môi trường hiện nay đã buộc chúng ta phải suy nghĩ và vào cuộc. Nhìn thẳng vào thực trạng về môi trường, Đảng ta chỉ rõ còn tồn tại nhiều bất cập: “Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Vai trò, trách nhiệm các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ. Vẫn để xảy ra một số sự cố 118 Kinh tế và Dự báo
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP môi trường gây hậu quả nghiêm trọng” [2]. Cụ thể hơn, trong “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đã thể chế hóa những quan điểm của Đại hội XIII và khẳng định quan điểm: “Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm”, “khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội”, “Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững” [5]. Như vậy, có thể thấy, Đảng đã kế thừa và vận dụng những quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, trách nhiệm và cách ứng xử của con người với tự nhiên; về trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị đối với việc chăm lo môi trường, bảo vệ môi trường. Thực tiễn diễn ra trong thời đại ngày nay cho thấy, thời gian có lùi xa nhưng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên vẹn giá trị đối với xây dựng và phát triển đất nước. Học tập và làm theo tấm gương của Người về ứng xử với tự nhiên và bảo vệ môi trường, cần làm tốt một số vấn đề sau để có thể thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng xanh: Một là, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên theo quan điểm của Hồ Chí Minh. Từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của cá nhân và xã hội theo hướng tích cực. Xác định rõ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái giữ vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người và sự phát triển kinh tế của đất nước. Việc gìn giữ, bảo vệ môi trường cũng là chăm sóc cho sức khỏe của chính chúng ta. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, trước nhất là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất... Cấp ủy Đảng, chính quyền cần có chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Coi trọng đổi mới công nghệ gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường trong chiến lược tăng trưởng xanh. Hai là, đưa vào giảng dạy ở các bậc học nội dung giáo dục ý thức tôn trọng thiên nhiên, sống hòa thuận với thiên nhiên cho học sinh, sinh viên. Làm cho học sinh, sinh viên nhận thức được vẻ đẹp, tầm quan trọng của thiên nhiên, từ đó có lối sống và thái độ ứng xử tích cực trong giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên. Việc giáo dục cần tập trung vào các chuẩn mực đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên theo quan điểm của Hồ Chí Minh bao gồm: (1) Giáo dục tình yêu thiên nhiên, môi trường; (2) Giáo dục ý thức và nghĩa vụ bảo vệ môi trường; (3) Giáo dục các tri thức về đạo đức sinh thái gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; (4) Giáo dục các chủ trương, đường lối, chính sách cơ bản của Đảng về bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, tăng trưởng xanh; Economy and Forecast Review 119
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP (5) Giáo dục việc chấp hành nghiêm luật pháp cũng như các quy định về bảo vệ môi trường; (6) Giáo dục lối sống gần gũi với thiên nhiên, hòa đồng với thiên nhiên. Việc giáo dục cần hướng tới rèn luyện để mỗi cá nhân sẽ trở thành một tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường trong cộng đồng và xã hội. Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân đều phải có nghĩa vụ với việc gìn giữ môi trường, do đó việc tuyên truyền đạo đức sinh thái phải rộng khắp trong toàn xã hội và là trách nhiệm của mọi người dân. Ba là, thực hiện lối sống xanh, hòa đồng, gần gũi, tôn trọng tự nhiên theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện giải pháp này, về phía chính quyền, cần có sự đồng hành của nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhân dân, triển khai đồng bộ từ hành lang pháp lý đến các chính sách ưu tiên, thúc đẩy xây dựng các khu đô thị xanh, rộng hơn là các thành phố xanh. Về phía doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, cần có những biện pháp thay đổi trong sản xuất kinh doanh, hướng về phía bảo vệ môi trường như: ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh để giảm áp lực cho môi trường; sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường; giảm khí thải, rác thải; tuân thủ đúng các quy luật sinh thái tự nhiên trong sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt…Về phía nhân dân, cần thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, thực hiện lối sống xanh, tiêu dùng xanh cần được phát động trên quy mô lớn, thành phong trào toàn dân thực hiện với thái độ tích cực. Phát động và thực hiện sâu rộng các phong trào của Việt Nam và thế giới như: hưởng ứng tết trồng cây, phong trào Giữ gìn vệ sinh môi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động; chương trình “Giờ trái đất”; các chương trình: “Hà Nội xanh - ngày hội đổi rác lấy quà”, “Nature voice up”, “Ký túc xá xanh và thực hành tiết kiệm”, các ngày kỷ niệm như: ngày Môi trường Thế giới (05-6), Ngày người tiêu dùng xanh (28-9), ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22-5), ngày Trái đất (22-4)… Bốn là, quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Từ sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về việc lạm dụng, khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cần có cơ chế quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên. Trong đó, chú trọng bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phát triển, nâng cao chất lượng rừng; tăng độ che phủ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; khai thác có hiệu quả các tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, nước, khoáng sản. Thực hiện nền sản xuất xã hội gắn với tái sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính… Tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như nước ta. Tuy nhiên, nếu không quản lý và khai thác hiệu quả, có chiến lược sử dụng dài hạn thì nguồn lực này sẽ sớm bị mất đi. Năm là, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong bảo vệ môi trường. Cần biểu dương kịp thời những tấm gương, những việc làm tốt của địa phương, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường sinh thái, có kế hoạch 120 Kinh tế và Dự báo
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt, tạo hiệu quả trong thực hiện tăng trưởng xanh. Ngược lại, cần có sự phê bình và kiên quyết xử lý những cá nhân, tập thể có hành vi gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường để mang lại hiệu quả răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường giám sát và công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Tập trung cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn. 4. Kết luận Môi trường của đất nước ta hiện nay đang bị xuống cấp, ô nhiễm đến mức báo động, những vụ phá rừng, chặt trộm cây, đốt rừng để làm nương rẫy, đổ chất thải, xả rác bừa bãi vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, vấn nạn về ô nhiễm chất thải công nghiệp, ô nhiễm không khí đang từng ngày, từng giờ diễn ra và đe dọa môi trường sống của chúng ta. Nghiên cứu và soi rọi lại những quan điểm của Hồ Chí Minh về ứng xử với tự nhiên, chăm sóc, bảo vệ môi trường và những bài học mà Người để lại cho các thế hệ mai sau, chúng ta nhận thức được tư duy và tầm nhìn của Người khi đặt ra từ rất sớm yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái. Hơn lúc nào hết những lời dạy của Hồ Chí Minh về môi trường hôm nay chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc hơn, đặc biệt là trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh hiện nay.■ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018). Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 3. Đặng Kim Chi (2022). Ô nhiễm tại các làng nghề Việt Nam và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, truy cập từ http://tapchimoitruong. vn/nghien-cuu-23/o-nhiem-tai-cac-lang-nghe-viet-nam-va-de-xuat-giai-phap- bao-ve-moi-truong-giai-doan-2021--2025-26475 4. Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 5. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 Economy and Forecast Review 121
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2