intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tiểu luận: Bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ năm 1995

Chia sẻ: Bcjxc Gdfgf | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:20

306
lượt xem
67
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nguyên nhân của việc bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ vào thời điểm năm 1995 được tiếp cận từ hai phía: nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Cụ thể hơn, phần nguyên nhân khách quan đã khắc hoạ bức tranh thế giới những năm 80, 90 để thấy rằng Việt Nam và Mỹ cũng nằm trong bức tranh đó và cần thiết phải bình thường hoá quan hệ với nhau để hoà vào xu thế phát triển chung trên toàn cầu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tiểu luận: Bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ năm 1995

  1. Tiểu luận Bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ năm 1995. 1
  2. MỤC LỤC TÓM TẮT NỘI DUNG TIỂU LUẬN ................ 4 A. Phần mở đầu ................................................... 5 B. Phần nội dung ................................................. 5 I. Nguyên nhân khách quan: hoàn cảnh thể giới ................................................... 5 II. Nguyên nhân chủ quan: ................................................................................... 6 1. Phía Mỹ:....................................................................................................... 6 a. Tác động của chính sách cấm vận và trừng phạt Việt Nam đối với Mỹ ..... 6 b. Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại và tính toán của Mỹ............ 7 c. Nhân tố Bill Clinton và vai trò của các cựu binh Mỹ ................................. 9 2. Phía Việt Nam ............................................................................................ 11 a. Chuyển biến tư duy sau đổi mới .............................................................. 11 b. Vấn đề MIA ............................................................................................ 14 c. Vấn đề Campuchia .................................................................................. 15 III. Vì sao cơ hội bình thường hoá quan hệ giữa hai nước năm 1977 lại bị bỏ lỡ? .......................................................................................................................... 16 IV. Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ .............................................. 17 C. Đánh giá ....................................................... 18 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .......... 19 2
  3. 3
  4. TÓM TẮT NỘI DUNG TIỂU LUẬN Nguyên nhân của việc bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ vào thời điểm năm 1995 được tiếp cận từ hai phía: nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Cụ thể hơn, phần nguyên nhân khách quan đã khắc hoạ bức tranh thế giới những năm 80, 90 để thấy rằng Việt Nam và Mỹ cũng nằm trong bức tranh đó và cần thiết phải bình thường hoá quan hệ với nhau để hoà vào xu thế phát triển chung trên toàn cầu. Trong phần nguyên nhân chủ quan, cả hai phía Mỹ và Việt Nam đều đóng vai trò không thể thiếu vào sự thành công của việc bình thường hoá quan hệ hai nước năm 1995. Về phía Mỹ mà nói, tác động của chính sách cấm vận và trừng phạt Việt Nam đối với Mỹ, những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại và tính toán của Mỹ, cùng với nhân tố Bill Clinton và vai trò của các cựu binh Mỹ là những nguyên nhân vì sao Mỹ muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và đã dần dần từng bước có thể cải thiện mối quan hệ hai nước. Nhắc tới phía Việt Nam thì không thể không nhắc tới những chuyển biến tư duy sau đổi mới, vấn đề MIA và vấn đề Campuchia - những vấn đề đóng vai trò quyết định trong việc bình thướng hoá quan hệ hai nước. Từ những nguyên nhân đó có thể thấy rằng cơ hội bình thường hoá quan hệ giữa hai nước năm 1977 bị bỏ lỡ là bởi lẽ thời điểm đó chưa tụ hội đủ các nhân tố cả về mặt khách quan và chủ quan, cả về phía Mỹ và phía Việt Nam để có thể bình thường hoá được quan hệ hai nước. Cuối cùng, quá trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ không phải chỉ trong một chốc một lát mà đó là cả một con đường dài mà hai nước đã cùng bước với nhau để có thể đi đến cái đích chính thức bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ năm 1995. 4
  5. A. Phần mở đầu Quan hệ Việt-Mỹ chính thức được bình thường hoá vào ngày 11/7/1995 - sau hơn 20 năm kể từ khi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Mặc dù những nỗ lực bình thường hoá quan hệ giữa hai nước đã được bắt đầu không lâu sau chiến tranh nhưng phải đến năm 1995 thì mối quan hệ đó mới được chính thức thiết lập. 20 năm đó đã chứng kiến một giai đoạn thù địch và đối đầu giữa hai nước khi Mỹ áp đặt chính sách cấm vận và trừng phạt lên Việt Nam. 20 năm đó cũng đã chứng kiến những chuyển biến to lớn trên thế giới và khu vực cũng như chính sách đổi mới toàn diện của Việt Nam. 20 năm đó - một chặng đường gian nan và đầy trở ngại trong quan hệ Việt-Mỹ nhưng phải có khoảng thời gian đó thì những nỗ lực tiến tới bình thường hoá quan hệ của hai nước cũng như những nhân tố khách quan và chủ quan mới đủ chín muồi để hai nước chính thức thiết lập mối quan hệ với nhau năm 1995. Bài tiểu luận của em sẽ tập trung đi vào phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà đã tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến tiến trình bình thường hoá quan hệ để hai nước có thể đạt tới việc chính thức thiết lập mối quan hệ song phương năm 1995. B. Phần nội dung I. Nguyên nhân khách quan: hoàn cảnh thể giới Từ đầu những năm 80, một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển tăng tốc, nổi bật là công nghệ thông tin, đã mang lại những biến đổi ngày càng sâu sắc và nhanh chóng trong mọi mặt của đời sống nhân loại. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã thúc đẩy xã hội hoá sản xuất vật chất, tạo ra những bước nhảy vọt về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, đẩy mạnh việc cơ cấu lại các nền kinh tế, tạo ra nhiều ngành kinh tế mới. Đồng thời, xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá ngày càng lôi cuốn nhiều nước tham gia và làm cho các hoạt động kinh tế thương mại quốc tế phát triển mạnh. Đặc biệt cục diện chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp, diễn ra một bước ngoặt cơ bản. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ, đẩy mạnh hoà hoãn và cải thiện quan hệ với nhau. Năm 1989, Liên Xô và Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh lạnh; Liên Xô và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ hoàn toàn. Cũng từ 5
  6. năm 1989, các thiết chế xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lần lượt sụp đổ. 12/1991 Liên Xô tan rã. Khối quân sự Vacsava giải thể. Trật tự thế giới hai cực chấm dứt. Các nước lớn chuyển hướng hoặc điều chỉnh chiến lược, chú trọng phát triển nội lực, tăng cường cạnh tranh và chạy đua kinh tế. Họ đi vào hoà hoãn, cải thiện quan hệ từng đôi một, vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Những thay đổi to lớn và cơ bản trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới dẫn tới những tập hợp lực lượng mới trên thế giới. Sự kết thúc cục diện thế giới hai cực thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng đa phương, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp từng quốc gia và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế thời kỳ sau chiến tranh lạnh. # Tiểu kết: Hoàn cảnh thế giới những năm 80, 90 trên đây chính là một trong những nguyên nhân vì sao tại thời điểm đó, cả Mỹ và Việt Nam đều có nhu cầu bình thường hoá quan hệ với nhau, hoà vào xu thế phát triển chung của thời đại. II. Nguyên nhân chủ quan: 1. Phía Mỹ: a. Tác động của chính sách cấm vận và trừng phạt Việt Nam đối với Mỹ Đối với Việt Nam, trong gần 20 năm sau chiến tranh, Mỹ vẫn áp dụng chính sách phong toả. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn không sụp đổ, trái lại, với thắng lợi của công cuộc đổi mới toàn diện và chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, Việt Nam vẫn đứng vững, thế và lực ngày càng tăng, trở thành một yếu tố mà Mỹ phải tính đến trong cơ cấu kinh tế và an ninh ở khu vực. Hơn thế nữa, trải qua những thăng trầm của thời gian và của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ cũng đã nhận ra rằng những chính sách cấm vận và trừng phạt Việt Nam của Mỹ không chỉ gây ra nhiều khó khăn, tác hại cho Việt Nam mà còn gây tác hại cho cả chính Mỹ nữa. Michael C. Williams đã từng đánh giá rằng: “Trong khi mũi nhọn trong chính sách của Hoa Kỳ là nhằm cô lập Việt Nam, thì bản thân Hoa Kỳ lại thấy chính mình ngày càng bị cô lập bởi chính sách của mình.” Nếu chia thời gian Mỹ áp dụng chính sách cấm vận và trừng phạt đối với Việt Nam ra làm hai thời kì thì có thể thấy rằng, trong 10 năm đầu từ 1976 – 1985, khi Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh, chính sách cấm vận của Mỹ 6
  7. phát huy tác dụng cao độ, làm cho Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, từ năm 1986 trở đi, với chính sách đổi mới toàn diện, tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam ngày càng được cải thiện, quan hệ đối ngoại ngày càng thêm mở rộng thì chính sách cấm vận của Mỹ không còn phát huy tác dụng như Mỹ mong đợi nữa. Trái lại, chính sách cấm vận và trừng phạt của Mỹ gây ra tác hại với chính các công ty của Mỹ và làm cho Mỹ ngày càng cô lập với chính bản thân chính sách cấm vận của mình. Theo nhận định của Ernest H. Preeg: “Phản ứng quốc tế đối với sáng kiến cải cách kinh tế của Việt Nam phần lớn là tích cực, trừ Hoa Kỳ... Hoa Kỳ thì trở thành một quốc gia xa lạ trong mối quan hệ kinh tế mở cửa nhanh chóng của Việt Nam... Việt Nam ngày càng được nhiều người nhìn nhận như một con hổ châu Á mới có tiềm năng tăng trưởng kinh tế tự chủ và cơ hội thị trường cao, các công ty Hoa Kỳ ngày càng băn khoăn vì bị bỏ lại phía sau trong khi các đối thủ cạnh tranh từ châu Á và châu Âu đã nhảy vào thiết lập vị trí của mình ở thị trường Việt Nam.” Có thể thấy rằng, tuy cấm vận và trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ chống Việt Nam không gây cho Hoa Kỳ quá nhiều khó khăn như nó đã có lúc gây ra cho Việt Nam nhưng trên thực tế, Hoa Kỳ đã phải chịu khá nhiều thiệt hại, cho nên “tạo ra một cuộc chơi cả hai bên đều bất lợi, một cuộc chơi như vậy không thể không bị chính người khởi xướng ra nó chấm dứt.”1 # Tiểu kết: Phía Mỹ đã dần dần nhận thức được rằng chính sách cấm vận và trừng phạt Việt Nam của Mỹ đã quay ngược trở lại gây hại cho Mỹ và Mỹ cần phải chấm dứt nó để mình không bị rơi vào thế cô lập trên trường quốc tế. b. Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại và tính toán của Mỹ Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nói riêng đã có những tác động đáng kể đến tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Cuối những năm 80, khi quan hệ Xô-Mỹ đi vào hoà hoãn, cùng với sự kiện Thiên An Môn, quan hệ Mỹ-Trung lại trải qua một thời kì căng thẳng mới. Vì vậy, ở một mức độ nào đố, vị trí của Việt Nam trong tính toán chiến lược của Mỹ tăng lên. Điều này được thể hiện trong những điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam từ dưới chính quyền Bush. Clinton lên nắm quyền với 1 Đỗ Đức Định, Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000. 7
  8. ưu tiên cho việc phục hồi sự phát triển và thịnh vượng của Mỹ. Trong 10 mục tiêu chủ yếu của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, có một mục tiêu liên quan trực tiếp đến Việt Nam: Đạt được một sự kiềm chế đầy đủ nhất có thể về các quan nhân Hoa Kỳ bị mất tích trong chiến tranh trước khi bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Mỹ cho rằng chỉ với chính sách can dự với Việt Nam mới có thể thúc đẩy tiến bộ về vấn đề POW-MIA. Sự thừa nhận về việc cần thiết phải điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam từ bao vây và cấm vận sang đối thoại và can dự để nhằm mục đích thúc đẩy vấn đề POW-MIA đã được thể hiện ngay trong bản Lộ trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam của chính quyền Bush. Ngoài ra, vượt qua “hội chứng Việt Nam” cũng là một lợi ích quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, đa phần giới chính khách Mỹ đã thể hiện mong muốn “đóng lại một chương cay đắng” trong lịch sử dân tộc Hoa Kỳ2, “hướng tới tương lai”, “tiến lên phía trước về vấn đề Việt Nam - một vấn đề chia rẽ người Hoa Kỳ.” 3 Hơn thế nữa, vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược đã làm cho Việt Nam trở thành một nhân tố phải kể đến trong những tính toán cân bằng quyền lực của Hoa Kỳ. Nhận thức về một nước Việt Nam tự chủ và truyền thống không khuất phục ngoại xâm, Mỹ coi Việt Nam là một lực lượng quan trọng, và cùng với ASEAN có khả năng đối trọng với một Trung Quốc đang lớn mạnh. Bên cạnh đó, Mỹ cho rằng cải thiện quan hệ với Việt Nam, khuyến khích nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phát triển và thúc đẩy Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới sẽ giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng ở Việt Nam, ngăn chặn ảnh hưởng của các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc. Về mặt kinh tế mà nói, một thị trường gần như chưa được khai thác mà lại có tiềm năng to lớn bởi những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào như Việt Nam tạo nên những cơ hội buôn bán đầu tư không thể bỏ qua đối với các công ty Mỹ. 2 Warren Christopher: Về chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Diễn văn ngày 26/7/1995, T/c Thông tin Khoa học xã hội số 11 năm 1996, tr8. 3 Bill Clinton: Tuyên bố về việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, Báo Nhân dân ngày 12/7/1995. 8
  9. # Tiểu kết: Nói tóm lại, những lợi ích kinh tế, chính trị và hàn gắn vết thương chiến tranh của Mỹ là những động cơ cơ bản thúc đẩy chính sách bình thường hoá quan hệ với Việt Nam thời kỳ cuối những năm 80 đầu 90. c. Nhân tố Bill Clinton và vai trò của các cựu binh Mỹ (i) Nhân tố Bill Clinton: Dưới thời Bush cha, nước Mỹ đã trải qua rất nhiều những cuộc khủng hoảng, nhất là khủng hoảng ngoại giao do ông thực hiện chính sách “vượt trên và ngăn chặn”. Năm 1993, Bill Clinton đã được bầu lên làm tổng thống mới. Clinton là người của Đảng Dân chủ, ông theo trường phái ôn hoà, ủng hộ việc mở rộng mối quan hệ với các nước và Châu Á-Thái Bình Dương chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược toàn cầu “cam kết và mở rộng” của ông, ông đặc biệt lưu tâm đến những nước đang và kém phát triển, hơn nữa, hồi trẻ ông lại là một sinh viên phản chiến. Cuối nhiệm kỳ Tổng thống của Bush cha, một thỏa thuận chính thức bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được đặt lên bàn Tổng thống chờ kí. Các nghị sĩ Mỹ đã cam kết với Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai và các đồng sự Việt Nam về một văn bản pháp lý cuối cùng. Vào phút cuối, Bush cha quyết định gác lại, không kí văn bản. Tổng thống Đảng Cộng hòa được thay thế bởi đại diện của Đảng Dân chủ Bill Clinton. "Cái khó" được người tiền nhiệm đảng Cộng hòa "phần" lại cho Bill Cliton giải quyết. Cũng như Carter, Bill Clinton muốn nhanh chóng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam nhưng, để tránh gặp phản ứng bất lợi như thời Tổng Thống Carter, ông phải hành động thận trọng. Chính quyền Clinton tuyên bố ủng hộ "lộ đồ" bình thường hóa quan hệ ngoại giao của chính quyền Bush. Ngày 2/7/1993 Tổng Thống Clinton tuyên bố Mỹ sẽ không phủ quyết việc các định chế tài chính thế giới viện trợ cho Việt Nam, nhấn mạnh rằng "những bước tiến kế tiếp trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào sự cộng tác của Việt Nam trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích, những tiến bộ hiện nay chưa đủ để chúng ta cần thay đổi chính sách cấm vận Việt Nam và đi thêm bước nữa trong việc bình thường hóa bang giao" với Việt Nam. Tháng 9 năm đó, chính quyền Clinton tái tục chính sách cấm vận, nhưng cũng nới lỏng chi tiết để cho phép các công ty Mỹ tham dự đấu thầu các dự án đầu tư ở Việt Nam, nhưng chưa được thực hiện những dự án ấy. 9
  10. Ngày 24/1/1994, Thượng Viện Mỹ chấp thuận một tu chính án trong đạo luật chuẩn chi ngân sách của bộ Ngoại giao đòi hỏi chính phủ phải chấm dứt lệnh cấm vận. Nương vào đó, ngày 3/2/1994 Tổng Thống Clinton bãi bỏ cấm vận Việt Nam, lập luận rằng đó là cách tốt nhất để giải quyết việc tìm kiếm tin tức về số phận những người Mỹ mất tích. Tháng 7/1995 Tổng Thống Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vì theo ông, đây là lúc phải đi tới để "hàn gắn vết thương chiến tranh." Tiến tới việc xây dựng một mối quan hệ bền vững, tháng 3/1998, Tổng Thống Clinton quyết định miễn áp dụng tu chính án Jackson-Vanik để cho phép Cơ Quan Ðầu Tư Tư Nhân ở Ngoại Quốc (OPIC) và Ngân Hàng Xuất-Nhập Cảng của Mỹ được phép liên hệ với Việt Nam. (ii) Vai trò của các cựu binh Mỹ: Có một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ là sau một cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài thì cựu chiến binh của hai nước lại là cái cầu sớm nhất được dựng lên để góp phần tích cực vào quá trình hoà giải một cách có trách nhiệm và hiệu quả cùng với quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nhà nước và sự hợp tác làm ăn của các nhà kinh doanh. Vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Peter Peterson, là một cựu phi công đã từng bị giam giữ ở Việt Nam. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà John McCain là người đã từng trải nghiệm 6 năm tù tại Hỏa Lò, Hà Nội sau khi máy bay của ông bị bắn rơi ven hồ Trúc Bạch năm 1969. Thượng nghị sĩ John Kerry, một luật sư tài năng, cũng đã từng đi lính tại Việt Nam và bị thương. Ngay Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cũng là phóng viên nhật báo của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Phải nói rằng, họ đã đóng góp rất nhiều công sức cho những bước khởi đầu của quan hệ hai nước. Vì sao lại như vậy? Hơn ai hết, McCain hiểu rõ Clinton sẽ gặp nhiều khó khăn trong bình thường hoá, và một mình ông không thể làm được. Trong khi đó, bản thân McCain là nhân vật có tiếng nói, ảnh hưởng trong chính trường Mỹ, đặc biệt trong vấn đề Việt Nam. Vì vậy, ngay khi Bill Clinton lên nắm quyền, nhóm 3 người McCain, Kerry và Pete Peterson đã đến gặp Bill Clinton. Dù ở hai đảng đối lập, McCain nói với Bill 10
  11. Clinton: "Tôi sẽ sát cánh cùng ngài. Ngài cứ tiến về phía trước (trong bình thường hoá quan hệ với Việt Nam), khi ngài quay lại phía sau, ngài sẽ thấy tôi luôn ở phía sau bảo vệ ngài". Mối liên hệ mang tính cá nhân và hết sức đặc biệt giữa từng nghị sĩ này với Việt Nam đã lý giải tại sao ban đầu, John McCain tỏ thái độ thù địch với John Kerry, người đi đầu trong các hoạt động phản chiến và tiến hành chiến dịch vận động tranh cử chống lại ông ở Massachusetts nhưng sau đó tại Thượng viện, cả hai đã cùng hợp tác trong nhiều vấn đề liên quan tới Việt Nam. Chính hai thượng nghị sĩ này đã thành lập một ekip ăn ý vận động cho tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Điều đáng tiếc là, mỗi lần hai bên đạt một bước tiến, Chính phủ Hoa Kỳ lại lùi một bước, đưa ra một đòi hỏi mới, một yêu cầu mới buộc phía Việt Nam phải đáp ứng. Sau này, với sự tham gia của Hạ nghị sĩ Pete Peterson vào ekip và việc bạn học của John McCain tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ trở thành Tổng tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tiến trình này được đẩy nhanh hơn. # Tiểu kết: những người như John McCain, nguyên Thứ trưởng Lê Mai và các cộng sự Việt Nam đã luôn sẵn lòng chìa tay, chủ động "nối nhịp" và "giữ nhịp" cho tiến trình "làm bạn" của hai nước cựu thù. Không có những bước tiến đột biến, nhưng họ đã "đưa tiến trình làm bạn của hai nước giảm xuống còn một nửa" như nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson đã nói.4 2. Phía Việt Nam a. Chuyển biến tư duy sau đổi mới Trước hết, cần nhận thức rằng, lợi ích quốc gia luôn là một yếu tố cần đặt lên hàng đầu trong việc xác định tư tưởng, quán triệt nhận thức và nhất quán trong Đảng, Nhà nước và xã hội. Trên cơ sở đó, trong mỗi giai đoạn nhất định, mỗi nhà nước, chính phủ lại cần có thái độ ứng xử thích hợp để bảo vệ lợi ích này một cách hiệu quả trong những tình hình mới. Ở thời kì trước, lợi ích hướng tới mục tiêu phát triển chưa được chúng ta đặt lên hàng đầu. Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề đó. Thứ nhất, trên thực tế thì mục tiêu 4 http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/02/769015/ 11
  12. đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ luôn là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng của mọi quốc gia. Đây được xem là quyền tối thượng của mọi quốc gia. Để giành được quyền cơ bản này, chúng ta đã phải đoàn kết đấu tranh hàng thế kỉ, đã phải đổ biết bao xương máu. Vì vậy, sau khi giành độc lập năm 1975, chúng ta luôn đặt mục tiêu an ninh lên hàng đầu nhằm bảo vệ thành quả cách mạng mà bao nhiêu thế hệ đã giành được, đó cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vào những năm 1980, tác động của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, công nghệ và quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế ngày càng lớn. Giai đoạn này ở Việt Nam khủng hoảng kinh tế-xã hội nổ ra, lạm phát tăng lên mức phi mã đặc biệt sau hai cuộc tổng điều chỉnh giá-lương-tiền. Đảng và nhà nước nhận thấy rằng, nền sản xuất hiện tại không còn phù hợp và không thể cứ khép kín trong biên giới mỗi quốc gia trong thời đại mà hệ thống thông tin và mạng lưới giao thông cũng mang tính quốc tế, sự giao lưu của con người phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta không thể vì đặt cao mục tiêu an ninh mà khép kín, tự cô lập bản thân đất nước trước xu thế phát triển chung của thời đại bởi lịch sử của toàn thế giới cho thấy mọi mưu toan khép kín đều chỉ làm cho đất nước lạc hậu, thậm chí tàn lụi. Thực tế thì, ở giai đoạn đó, nền kinh tế đất nước chúng ta vẫn còn rất lạc hậu với thế giới, đời sống của nhân dân còn thấp, và xuất phát từ nhu cầu thiết yếu và tự thân, chúng ta đều nhận thức được rằng cần có sự thay đổi lớn về chính sách, và để có sự thay đổi đó, cần có những thay đổi mang tính căn bản trong tư duy, mà trước hết là tư duy về lợi ích quốc gia. Từ đó, trong nhận thức của những người lãnh đạo đất nước giai đoạn này, lợi ích quốc gia cao nhất trong thời kì mới là phát triển kinh tế. Ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tại khoá 41 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Niu-ooc, Ngày 6/10/1986), bộ trưởng Võ Đông Giang đã xác định: “Nước Mỹ có vai trò quan trọng đối với hoà bình, ổn định và hợp tác ở Châu Á Thái Bình Dương...Nhân dân Việt Nam sẵn sàng lật sang trang sử mới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.” Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức thực hiện Đổi Mới, bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Sau đó, trong Nghị quyết 13 của Bộ chính trị (NQ13BCT/5-1988), Đảng khẳng định: “Lợi ích cao nhất 12
  13. của Đảng và nhân dân ta sau khi giải phóng miền Nam, cả nước thống nhất, đi lên CNXH là phải củng cố và giữ vững hoà bình để tập trung xây dựng và phát triển kinh tế”, “Với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công CNXH hơn.”5 Với phương châm “thêm bạn bớt thù”, định hướng đối ngoại của Việt Nam đã có chuyển đổi cơ bản kể từ quyết định lịch sử của Đại hội VI này. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Đại hội VI đã nêu chủ trương: “Chính phủ ta tiếp tục bàn bạc với Hoa Kỳ về vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ vì lợi ích của hoà bình và ổn định Đông Nam Á.”6 Từ năm 1988, chính sách của chúng ta từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận của Hoa Kỳ và tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991 tiếp tục khẳng định chính sách Đổi mới của Việt Nam: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.”7 Là một nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhất trên thế giới, Hoa Kỳ chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đổi mới của Việt Nam nói chung và chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng. Thực tế cho thấy chính sách bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế khó khăn của Việt Nam. Chính vì ý thức được điều này, Đảng và chính phủ ta đã có chủ trương và chính sách đúng đắn nhằm cải thiện tiến tới hoà bình quan hệ với Mỹ. Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam rất cần vốn, công nghệ và thị trường của các nước, đặc biệt là những nước phát triển như Mỹ. Vai trò chủ đạo của Mỹ trong các thiết chế kinh tế, tài chính chủ yếu của thế giới cũng là một nhân tố quan trọng trong tính toán thúc đẩy quan hệ của ta với Mỹ. Quan hệ bình thường với Mỹ sẽ giúp Việt Nam tranh thủ huy động được các nguồn cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới. Hơn nữa, quan hệ với Hoa 5 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. 6 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. 7 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. 13
  14. Kỳ sẽ tạo điều kiện tốt thúc đẩy quan hệ với các đối tác khác, mở đường cho Việt Nam gia nhâp Tổ chức Thương mại thế giới. # Tiểu kết: Có thể thấy rằng, thúc đẩy quan hệ với Mỹ để tiến tới bình thường hoá phục vụ lợi ích của Việt Nam trong thời kì đổi mới cho nên Việt Nam đã có những bước điều chỉnh chính sách linh hoạt nhằm khai thông quan hệ với Hoa Kỳ. Đường lối đối ngoại rộng mở và chính sách của Việt Nam với Mỹ là một trong những nhân tố chủ yếu thúc đẩy tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau hơn hai thập kỷ đối đầu căng thẳng kể từ khi chấm dứt cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam. b. Vấn đề MIA Thời kỳ đó, trở ngại lớn nhất mà Việt Nam đã vượt qua được chính là vấn đề MIA. Lúc đó dư luận Mỹ cho rằng ở Việt Nam vẫn còn người Mỹ còn sống, Việt Nam giam giữ họ để làm con tin và đòi bồi thường. Có lần phía Mỹ nói muốn đi tìm người mất tích ở một địa điểm, nhưng lại không cho biết địa điểm đó ở đâu. Đó là điều rất khó chấp nhận với Việt Nam, nhưng Việt Nam đã chấp nhận. Mỹ yêu cầu Việt Nam cung cấp trực thăng và bay đến một khu rừng ở Thanh Hoá. Mỹ nghĩ ở đó còn đang giữ nhưng người Mỹ còn sống, nhưng thực chất ở đó không có gì cả. Đó là những điều rất khó khăn, liên quan đến vấn đề chủ quyền, an ninh nhưng Việt Nam đã chứng minh rằng không có những chuyện che dấu đó. Đối với nội bộ Việt Nam cũng rất khó khăn. Lúc đó Quốc hội chất vấn tại sao Việt Nam phải làm như vậy, trong khi Việt Nam còn hàng trăm nghìn người mất tích. Bộ Ngoại giao phải trình Quốc hội rằng những bước đi trong quan hệ với Mỹ cũng là theo truyền thống hoà giải, hoà hiếu của dân tộc. Do vậy, Quốc hội đã chấp nhận. Cho đến giờ hợp tác về MIA vẫn tiếp tục và đã đạt được kết quả rất tốt. Nhân dân, Quốc hội, chính quyền Mỹ đã nhiều lần cảm ơn, nói rằng đây là một ví dụ mà sau chiến tranh chưa nước nào trên thế giới làm được, chỉ có Việt Nam và Mỹ giải quyết vấn đề tốt đẹp đến vậy. Đó là một trong những điểm tốt hỗ trợ cho Việt Nam trong quan hệ nói chung và trong quan hệ với Mỹ nói riêng. Chủ trương đúng đắn của nước ta khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, hợp tác nhân đạo giúp phía Mỹ tìm kiếm tin tức về người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam đã tác động tích cực tới chính quyền, quốc hội và nhân dân Mỹ, kể cả một 14
  15. số không nhỏ cựu binh và gia đình những người mất tích, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước cải thiện quan hệ hai nước. # Tiểu kết: Có thể nói, các cuộc thương lượng tìm kiếm MIA như một chất xúc tác, như chiếc cầu nối giúp hai bên bắt đầu hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại và là điều kiện cần để hai nước đi đến bình thường hoá quan hệ. c. Vấn đề Campuchia Cuối tháng 12, Việt Nam đưa quân vào Campuchia, loại Khmer Ðỏ, dựng lên chính quyền Heng Samrin-Hun Sen. Tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc tràn sang đánh phá miền giới Việt Nam nhằm mục đích mà Ðặng Tiểu Bình cho là "dạy cho Việt Nam một bài học." Cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Campuchia đe dọa nền an ninh của các quốc gia khác trong vùng Ðông Nam Á. Hiệp Hội các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) nương vào Trung Quốc, giúp phe kháng chiến Campuchia chống Việt Nam. Mỹ cũng toa dập với Trung Quốc để ngăn chặn Nga Xô ở Á châu, chống lại Việt Nam. Lúc ấy, Mỹ tuyên bố chính sách "ba không"đối với Việt Nam: không buôn bán, không viện trợ, và không bang giao với Việt Nam. Ðây là giai đoạn đoạn tuyệt bang giao, Mỹ và Việt Nam đứng vào thế đối đầu trong cuộc chiến tranh ở Campuchia. Nhưng rồi, một trong những quyết định sáng suốt, đúng đắn và hợp tình hợp lý nhất của Đảng và Nhà nước ta khi đó là quyết định sẽ rút toàn bộ bộ đội tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia trước thời hạn trong năm 1989. Điều này không chỉ phù hợp với tình hình chung của thế giới – Liên Xô cũng rút quân ra khỏi Áp-gha- ni-xtăng – mà còn là điểm mấu chốt tạo điều kiện thuận lợi để đi đến giải quyết dứt điểm “Vấn đề Campuchia” vốn được Mỹ sử dụng như một yếu tố quan trọng nhất đặt điều kiện cho việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Tháng 1/1989, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã ra tuyên bố Việt Nam sẽ rút hết quân đội khỏi Campuchia trong tháng 9/1989 (trước thời hạn) và chúng ta đã thực hiện đúng như tuyên bố. Điều này đã mở đường cho việc đi đến ký kết Hiệp ước quốc tế Paris về hoà bình ở Campuchia ngày 23/10/1991. Việc giải quyết hoà bình vấn đề Campuchia đã giải toả một trong những trở ngại lớn nhất trên con đường bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. “Đối với riêng Việt Nam, chúng tôi hi vọng giải pháp toàn bộ cho vấn đề Campuchia sẽ giải toả những cản trở 15
  16. cuối cùng trên con đường triển khai chính sách đối ngoại của chúng tôi là bình thường hoá, đa dạng hoá và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước ... trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi”.8 III. Vì sao cơ hội bình thường hoá quan hệ giữa hai nước năm 1977 lại bị bỏ lỡ? Năm 1977, nước Mỹ có chính phủ mới. Jimmy Carter chống chiến tranh Việt Nam. Khi lên cầm quyền, Tổng Thống Carter muốn "hàn gắn vết thương chiến tranh." Ông chỉ định lãnh tụ nghiệp đoàn Leonard Woodcock hướng dẫn một phái đoàn sang thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Viêt Nam trao trả 11 hài cốt lính Mỹ tử trận cho phái đoàn Woodcock. Ðổi lại, Woodcock tuyên bố không còn người Mỹ sống sót nào ở Việt Nam và cho rằng đòi Việt Nam phải "cung cấp trọn vẹn" tin tức về người Mỹ mất tích trong chiến tranh là điều không hợp lý. Mỹ còn tuyên bố sẽ không phủ quyết đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của Việt Nam, nhờ đó đến tháng 7/1997, Việt Nam được thu nhận vào tổ chức quốc tế này. Tuy chính quyền Carter không chịu bồi thường chiến tranh cho Việt Nam, nhưng không loại bỏ khả năng viện trợ cho Việt Nam. Những hành động hòa hoãn này dọn đường cho cuộc thảo luận giữa đại diện hai nước ở Paris vào tháng 5/1977 nhằm đi đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sợ chính quyền Carter nhân nhượng quá đáng, một số chính khách Mỹ lên án chính sách "đổi hài cốt lấy đô-la" (bones for dollars) của Việt Nam; cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện Mỹ đều biểu quyết cấm chính quyền viện trợ cho Việt Nam. Mùa Thu năm 1978, trong phiên họp cuối cùng với đại diện Mỹ, Richard Holbrooke, Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch vẫn bắt đầu bằng cách đòi Mỹ phải viện trợ như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đến khi ông chịu bỏ điều kiện này thì quá muộn. Lúc ấy mâu thuẫn Hoa-Việt đã trở nên căng thẳng và Mỹ đã chọn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, vì thế cắt đứt cuộc thương thuyết Mỹ-Việt.9 # Tiểu kết: Như vậy có thể thấy rằng, vào thời điểm năm 1977, phía Mỹ đã đề nghị bình thường hoá quan hệ với Việt Nam gần như là vô điều kiện nhưng có lẽ “lúc đó 8 Phát biểu của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, trưởng đoàn đại diện CHXHCN Việt Nam tại Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia 23/10/1991. 9 http://www.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.tcl?msg_id=00CRBx 16
  17. tình hình thế giới và khu vực thay đổi tương đối nhanh”10, Việt Nam lại chưa có những thay đổi trong tư duy, cách nhìn nhận cục diện thế giới nói chung và Mỹ nói riêng, chưa hội tụ đủ các nhân tố để có thể tạo nên một thời điểm chín muồi cho việc bình thường hoá quan hệ hai nước. IV. Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ Từ 1-3/8/1987: Tướng Vétxi đặc phái viên của tổng thống Rê-gân đến thăm VN lần thứ nhất, thảo luận các vấn đề nhân đạo hai bên cùng quan tâm. 29-30/9/1989: Đặc phái viên của tổng thống Mỹ Vét-xi đến Hà Nội lần thứ hai bàn về các vấn đề nhân đạo của 2 bên. Ngày 6/8/1990: Đối thoại Việt - Mỹ vòng 1 giữa đại sứ Trịnh Xuân Lãng và Phó trợ lý bộ trưởng Ngoại giao K.Quyn về quan hệ Mỹ -Việt. 29/9/1990: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp bộ trưởng Ngoại Giao Giêm UBây-cơ tại Newyork. 9/4/1991: Phía Mỹ đưa ra lộ trình (roadmapping) bốn bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, lần đầu tiên đưa công khai, chính thức chính sách đối với Việt Nam. 17/11/1991: Mỹ chính thức bỏ việc hạn chế các nhóm du lịch cựu binh, nhà báo, kinh doanh tổ chức đoàn đi VN. 21/11/1991: Thứ trưởng NG Lê Mai và trợ lý bộ trường Ngoại giao Mỹ Ri-trớt Xô- lô-mô đàm phán chính thức lần đầu tiên về bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. 13/4/1992: Chính quyền Mỹ cho phép nối lại đường liên lạc bằng bưu chính Viễn thông Mỹ-Việt. 16/9/1992: Bộ NG Mỹ tuyên bố giúp VN 2 triệu USD cho chương trình giúp đỡ người tị nạn hồi hương. 2/7/1993: Tổng thống Clinton thông báo quyết định giải tỏa quan hệ Việt Nam – IMF và cử đoàn cấp cao vào VN. 13/9/1993: Tổng thống Clinton quyết định nới lỏng cấm vận, cho phép các công ty Mỹ tham gia các dự án phát triển ở VN do các cơ quan tài chính quốc tế tài trợ. 3/2/1994: Tổng Thống Clinton chính thức bãi bỏ cấm vận Việt Nam. 10 Thứ trưởng Lê Văn Bàng trong buổi trả lời phỏng vấn cho phóng viên Báo Lao động về những khó khăn trong tiến trình bình thường hoá quan hệ. 17
  18. 11/7/1995: Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 12/7/1995: thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. 8/1995: Việt Nam và Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội. Ngoại trưởng Mỹ W. Christopher lần đầu tiên thăm Việt Nam. C. Đánh giá Việc bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ năm 1995 đã tạo một cơ sở vững chắc, đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia hiện nay, đặc biệt là hợp tác kinh tế với số lượng buôn bán giữa hai nước và đầu tư từ phía Hoa Kỳ sang Việt Nam rất lớn. Sự tăng cường trong mối quan hệ song phương giữa hai nước đã được minh chứng mạnh mẽ kể từ khi Hiệp định kinh tế Việt - Mỹ được ký kết, và quá trình hoàn tất thủ tục để Việt Nam gia nhập WTO. Năm 2007, trong bối cảnh các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ đang tăng cường những hoạt động kinh tế ở Việt Nam thì chuyến viếng thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết là một biểu trưng mới của sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước. Bài học rút ra từ trải nghiệm buộc phải "chiến tranh" với nhiều quốc gia mang quân tới Việt Nam trong thế kỷ XX (Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc và có thể kể thêm cả những đồng minh của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam như Hàn Quốc, Australia, Thái Lan…) và thực tiễn giờ đây tất cả các quốc gia trên, trong đó có Hoa Kỳ đều đã trở thành những nhân tố tích cực vào sự phát triển của Việt Nam, cho thấy những thay đổi sâu sắc của thời đại và cũng thể hiện năng lực hoà giải với quá khứ và hội nhập với tương lai của Việt Nam. Chiến tranh luôn chỉ là khoảnh khắc của lịch sử. Thực tiễn sống động của quan hệ Việt - Mỹ mà chúng ta đã và đang chứng kiến là một bằng chứng để tin tưởng rằng quá khứ là cái không làm lại được nhưng tương lai là cái có thể tạo dựng như mong muốn. Đó là những nhân tố lịch sử giúp chúng ta tin tưởng vào tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. 18
  19. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Mậu Hãn, Đảng cộng sản Việt Nam – Các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. 2. Đỗ Đức Định, Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. 4. Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, tập 2, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998 5. Lê Văn Quang, Quan hệ Việt - Mỹ, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2005. 6. Học viện quan hệ quốc tế, Chính sách đối ngoại CHXHCN Việt Nam (1976- 1996), tài liệu tham khảo của Bộ môn Ngoại giao Việt Nam. 7. Vũ Dương Huân, Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp Đổi mới (1975- 2002), Học viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2002. 8. Học viện quan hệ quốc tế, Khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao, Một số bài viết và nói của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam 1985-1986, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2002. 9. Học viện quan hệ quốc tế, Hỏi đáp về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. 10. Nguyễn Đình Bin (chủ biên), Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002 19
  20. HỌC VIỆN NGOẠI GIAO KHOA CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ VÀ NGOẠI GIAO BỘ MÔN CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI TIỂU LUẬN NGUYÊN NHÂN VIỆT NAM VÀ HOA KỲ BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ NĂM 1995 Sinh viên thực hiện: Vũ Bạch Dương Lớp A33 Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2009 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2