intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đại học tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

20
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đại học tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh" sơ lược về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học, thực trạng ứng dụng CNTT tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học tại đây. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đại học tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh

  1. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY VÀ HỌC ĐẠI HỌC TẠI HỌC VIỆN NGÂN HÀNG - PHÂN VIỆN BẮC NINH Đặng Minh Hiền Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh Tóm tắt: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với xu hướng số hóa đã xuất hiện mạnh mẽ ở các lĩnh vực trong nền kinh tế nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Thực tế cho thấy đã có những bước ngoặt lớn đối với hoạt động dạy và học đại học. Các trường đại học là những chiếc nôi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chính cho thị trường lao động trong thời đại công nghệ số. Nguồn nhân lực này phải đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập, hướng tới nền kinh tế tri thức. Do đó, các trường đại học cần số hóa, cụ thể là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy và học tập. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sơ lược về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học, thực trạng ứng dụng CNTT tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học tại đây. Từ khóa: cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dạy và học đại học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, thực trạng, giải pháp 1. Đặt vấn đề Những năm gần đây, công nghệ thông tin càng phát triển thì việc ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực trở thành một điều tất yếu. Trong dạy và học đại học, CNTT đã được ứng dụng trong công tác quản lý, vào giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục ở các nhà trường đại học còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Các trường cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng, nghiệp vụ giảng dạy, nghiệp vụ quản lý và không nên từ chối những gì có sẵn mà lĩnh vực CNTT mang lại, phải biết cách tận dụng nó, biến nó thành công cụ hiệu quả cho công việc. Đối với giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng, CNTT có tác dụng làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học. Do đó, các trường đại học với vai trò là những chiếc nôi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chính cho thị trường lao động trong thời đại công nghệ số, thì việc ứng dụng CNTT vào dạy và học là điều vô cùng cấp thiết. Mặt khác, các trường đại học đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của CNTT thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực cho ngành CNTT. Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học, các trường đại học đã từng bước số hóa trong hoạt động đào tạo và Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thực tế ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh đã thu được một số thành tựu, nhưng song song với đó là những tồn tại cần khắc phục. Vì vậy, sự thúc đẩy ứng dụng CNTT vào lĩnh vực quản lý, tuyên truyền, chuyên môn, đặc biệt là việc thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học đại học tại Phân viện Bắc Ninh, tiếp tục là những nội dung cần được nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm. 187
  2. 2. Tầm quan trọng của ứng dụng thông tin trong dạy và học đại học Ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học được hiểu là quá trình đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất công nghệ nhằm tăng hiệu quả và chất lượng của giáo dục. Trong môi trường giáo dục đại học, những thiết bị, công nghệ hiện đại đóng vai trò là công cụ hỗ trợ cho việc dạy và học các môn trong nhà trường. Qua thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nói riêng là tất yếu và có vai trò vô cùng quan trọng. Một minh chứng rõ nét về việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đó là việc dạy và học online trên nền tảng Zoom, Meet… khi đại dịch Covid-19 diễn ra, điều này giúp cho việc dạy và học không bị gián đoạn, đồng thời giúp đảm bảo chương trình và tiến độ học tập. Vai trò quan trọng đó được thể hiện ở những mặt sau: Thứ nhất, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy có vai trò thúc đẩy giáo dục mở, giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Từ đó, con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy. Chương trình giáo dục mở giúp con người trao đổi và tìm kiếm kiến thức một cách hiệu quả. Học tập và dạy học hiện đại yêu cầu cần phải tiếp cận một vấn đề từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, qua đó người đọc có được cái nhìn phổ quát, có cơ hội đào sâu kiến thức, tìm ra được bản chất cốt yếu, nguyên nhân sâu xa của vấn đề, góp phần nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy. Điều này gián tiếp giúp cho công tác học tập, nghiên cứu đạt hiệu quả cao hơn. Giáo dục mở sẽ đi kèm với tài nguyên học liệu mở - giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào. Tài nguyên học liệu mở là một xu hướng phát triển tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Thứ hai, người dạy và người học dễ dàng thu thập, tổng hợp, lưu trữ được lượng kiến thức phong phú đa dạng và được cập nhật thường xuyên. Theo tác giả Nguyễn Thị Bích Nguyệt: “Với giáo dục truyền thống, sinh viên tiếp nhận kiến thức chủ yếu từ sách vở, giáo trình và ngồi nghe giáo viên giảng bài trên lớp thì hiện nay, nguồn kiến thức đa dạng này được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet, chúng ta có thể tìm thấy hàng nghìn, hàng triệu kết quả tra cứu sau một cú click chuột. Công nghệ giúp truy cập tức thời tới các nguồn tri thức, từ kiến thức phổ thông tới tri thức học thuật đều có thể dễ dàng tìm kiếm và áp dụng trong các quy trình giảng dạy thông qua các hệ thống tra cứu của thư viện, các máy tìm kiếm như: Google Search, Google Scholars, Google Books; các cơ sở dữ liệu học thuật như Scopus; các mạng xã hội học thuật như Academia, Resarch Gates,… Trong giáo dục hiện đại, người dạy là người truyền thụ kiến thức cơ bản, cốt lõi, đóng vai trò là người hướng dẫn người học cách thức khai thác thông tin dồi dào, đa chiều từ internet. Điều này đóng một vai trò to lớn trong quá trình đổi mới giáo dục giúp cá nhân hóa học tập, rèn luyện, nâng cao tinh thần học tập chủ động, học tập đi đôi với thực tiễn, nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo của mình”. Thứ ba, ứng dụng CNTT vào việc dạy và học mang lại sự tiện lợi bởi không gian và thời gian học tập nghiên cứu linh động. Người học có thể tự học ở mọi lúc (bất kể thời gian nào được cho là phù hợp với từng cá nhân), mọi nơi (bất kể nơi nào miễn có kết nối internet với 188
  3. chương trình trực tuyến, hoặc có thể lưu lại để học trên máy tính, điện thoại (khi không có kết nối internet). Ứng dụng công nghệ cho phép tất cả mọi người có thể tham gia thảo luận một vấn đề nào đó (hội thảo, hội nghị, họp,…) mà không cần phải tập trung tại một địa điểm, không phải ở cùng một quốc gia, qua đó góp phần tạo ra một xã hội học tập rộng lớn mà ở đó người học có thể chủ động học tập, trao đổi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm suốt đời. Thứ tư, ứng dụng CNTT vào việc dạy và học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển năng lực cá nhân. Với sự thuận tiện cho việc học ở mọi lúc mọi nơi, ứng dụng công nghệ sẽ tạo cơ hội cho người học có thể lựa chọn những vấn đề mà mình ưa thích, phù hợp với năng khiếu, sở thích, từ đó phát triển theo thế mạnh của từng người. Chính điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tài năng. Chương trình học sẵn có, học liệu mở phong phú khiến cho việc tra cứu dễ dàng, điều này sẽ gián tiếp thúc đẩy các cá nhân chủ động trang bị thêm nhiều những kiến thức mới, lấp đầy những lỗ hổng, kích thích tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Bên cạnh đó, với công nghệ phù hợp, hấp dẫn nên dễ dàng gắn kết người học. Các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet đều là những công cụ mà người học có thể sử dụng ở nhà hay bất cứ đâu, ngay cả trên đường di chuyển. Do đó, người học sẽ thoải mái và tích cực hơn khi dùng các công cụ này để kết nối với bạn học, thầy cô và với nhà trường. Sử dụng công nghệ trong lớp học giúp người học dễ dàng biểu thị mối quan tâm, sự chú ý, những mong đợi và thái độ tích cực với việc học, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học. Thứ năm, CNTT đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. CNTT sẽ được ứng dụng trong quản trị việc đăng ký và cấp mã số các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ; ứng dụng trong quản trị hoạt động nghiên cứu khoa học của chủ thể nghiên cứu khoa học; ứng dụng trong quản trị đầu ra của sản phẩm nghiên cứu khoa học; ứng dụng trong quản trị và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, các trường đại học, làm tốt việc ứng dụng công nghệ trong quản trị hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho người làm công tác nghiên cứu khoa học, qua đó cũng nâng tầm vị thế, khẳng định được thương hiệu, xây dựng được hình ảnh của các cơ sở giáo dục đào tạo. Thứ sáu, CNTT đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng nhanh với công việc trong tương lai. Xu hướng giáo dục và đào tạo ngày nay là đào tạo đi đôi với sử dụng, dạy nghề đi đối với hướng nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến đối với các trường đại học ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc người học được tiếp cận những ứng dụng công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp rèn luyện những kỹ năng thực hành, làm việc trong môi trường công nghệ. Do đó, khi ra trường, họ sẽ sớm hòa nhập với môi trường làm việc mới đòi hỏi những kỹ năng cũng như hiểu biết nhất định về công nghệ. Trên thực tế, không chỉ dừng ở kỹ năng số, người học còn được rèn kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu độc lập, và thành thạo trong phối hợp sử dụng công nghệ nên nhanh chóng đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của thực hiễn thực hành nghề nghiệp. Do đó, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục có tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực có chất lượng cao cho doanh nghiệp, tạo điều kiện mở rộng hợp tác lao động. Việc hợp tác lao động trên thị trường sẽ tạo sự liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - người học, mang lại lợi ích cho tất cả các các bên. Cụ thể: Đối với người học, họ được cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Đối với nhà trường, họ sẽ nâng cao thương hiệu, uy tín và vị thế trên thị trường 189
  4. giáo dục, đồng thời ngày càng thu hút được người học. Đối với doanh nghiệp, mô hình này sẽ giúp họ chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Như vậy, ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập hay nói cách khác việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ là nền tảng để cung ứng được nguồn nhân lực dồi dào có chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường hiện nay. 3. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh là một chi nhánh của Học viện Ngân hàng, có bề dày hơn 60 năm đào tạo cán bộ cho ngành ngân hàng và các ngành khác. Phân viện bắt đầu đào tạo đại học chính quy từ năm 2016 và luôn quan tâm tới vấn đề ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học đại học. Từ đó đến nay, Phân viện đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. 3.1. Thành tựu đạt được Thứ nhất, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đều có trình độ học vấn từ thạc sĩ trở lên và luôn ý thức được việc ứng dụng CNTT trong công việc và giảng dạy nói riêng. Hàng năm, cán bộ và giảng viên thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng của Ngân hàng Nhà nước, của Học viện Ngân hàng và các tổ chức khác. Ví dụ: khóa học tổng hợp và lập báo cáo nâng cao, các mô hình phân tích định lượng, công nghệ và chuỗi khối (block chain) và thị trường tiền ảo và ứng dụng trong thị trường ngân hàng,… Bằng những kiến thức thu thập được qua các khóa đào tạo và quá trình tự nghiên cứu các ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, các giảng viên đã vận dụng vào thiết kế bài giảng để bài giảng hấp dẫn, sinh động hơn, cũng như việc sử dụng phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm” để tăng tính gợi mở và khả năng nghiên cứu của sinh viên. Thứ hai, hệ thống hạ tầng CNTT của Phân viện Bắc Ninh đã đáp ứng nhu cầu người dạy và người học. Hiện nay, hệ thống wifi đã phủ sóng toàn trường, điều này tạo thuận lợi cho việc truy cập internet của giảng viên và sinh viên để tìm kiếm tài liệu, truyền tải thông tin… Các phòng ban, khoa, bộ môn có đầy đủ máy tính, máy in, một số phòng có thêm máy fax, máy photo copy. Tất cả các phòng học được trang bị máy chiếu, âm ly, loa đài, mic và đặc biệt là dây truyền mạng để các giảng viên có thể đồng thời dạy trực tuyến với sự ổn định nhất. Trong giai đoạn 1 của học kỳ 2 năm học 2021 - 2022, các giảng viên đã dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến qua nền tảng Zoom Meeting cho các bạn sinh viên là F0 và F1 phải cách ly, các bài giảng có ghi hình để các bạn xem lại. Ngoài ra, Phân viện có 2 phòng máy để phục vụ học các môn liên quan đến máy tính, phần mềm như các môn tin học, thực hành kế toán máy, thực hành phần mềm giao dịch ngân hàng… Thứ ba, Phân viện Bắc Ninh sử dụng trang web điện tử, hệ thống phần mềm trong đào tào và quản lý. Phân viện có: trang web riêng để đăng tải các thông tin về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển sinh… của Nhà trường; cổng thông tin điện tử để giảng viên và sinh viên theo dõi thông tin về dạy và học; thư viện điện tử với kho tài liệu số phong phú; phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm kế toán;… 190
  5. Thứ tư, Phân viện đã thực hiện công tác truyền thông qua internet. Phân viện đã thành lập một ban truyền thông riêng, công tác truyền thông qua trang tin điện tử và công thông tin điện tử đã được chú trọng hơn. Phân viện đã tận dụng trang mạng xã hội như Facebook để quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín và niềm tin đối với xã hội. Cụ thể, Phân viện có một trang Facebook, mỗi phòng ban, khoa, bộ môn, các câu lạc bộ có một trang Facebook riêng để truyền thông. Đặc biệt, mỗi khoa sẽ thành lập một ban truyền thông với sự tham gia của các bạn sinh viên trong khoa và sẽ thay mặt khoa quản lý tài khoản Facebook. Điều này giúp các bạn sinh viên tăng tính chủ động, sáng tạo cũng như khả năng khai thác các ứng dụng qua internet. Những kết quả đạt được trong thời gian qua, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao năng lực giảng viên, sinh viên, nâng cao uy tín của Phân viện Bắc Ninh trong hệ thống các trường đại học; thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo góp phần vào việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động Việt Nam. 3.2. Tồn tại Thứ nhất, trình độ CNTT với khả năng ứng dụng CNTT giữa các cán bộ và giảng viên là không đồng đều. Đội ngũ giảng viên còn mỏng và trẻ, đa số là phụ nữ trong thời kỳ sinh nở và con nhỏ nên việc học hỏi và ứng dụng CNTT còn hạn chế. Thứ hai, tuy cơ sở hạ tầng phục vụ cho ứng dụng CNTT được đầu tư khá cơ bản, nhưng khai thác chưa hiệu quả. Ngoài ra, một số máy tính và máy chiếu còn cũ, tính năng thấp. Đôi khi, việc bổ sung thay thế những thiết bị hư hỏng và cập nhật phần mềm phục vụ công tác dạy và học còn chậm, gián đoạn, hiệu quả chưa cao. Thứ ba, hệ thống phần mềm khai thác chưa tối ưu, cụ thể là: trang tin điện tử trước năm 2016 chỉ đăng một số ít tin tức hoạt động của Phân viện; phần mềm quản lý đào tạo còn nhiều chức năng chưa được cấp quyền gây khó khăn và chậm trễ trong việc tiếp nhận và cập nhật thông tin đào tạo; Thư viện điện tử với kho tài liệu khá phong phú nhưng nhiều bạn sinh viên còn lười truy cập, chưa nhận thức được ý nghĩa của thư viện điện tử. Mặt khác, do chỉ có một (01) cán bộ phụ trách Thư viện nên khối lượng công việc nhiều, điều này dẫn việc tìm hiểu và ứng dụng CNTT còn yếu. Thứ tư, công tác truyền thông còn nhiều hạn chế do các thành viên trong ban truyền thông đều là cán bộ kiêm nhiệm và giáo viên kiêm nhiệm nên chưa thể toàn lực trong công tác truyền thông dẫn đến mức độ lan tỏa chưa cao. Thứ năm, nhiều bạn sinh viên còn thiếu chủ động trong việc tìm hiểu các ứng dụng công nghệ trong học tập và nghiên cứu khoa học. Ví dụ: Khi giảng viên thực hiện bài kiểm tra online qua Google Form, những sinh viên đó gặp rất nhiều khó khăn về việc truy cập, làm bài và nộp bài. Một số bạn sinh viên năm cuối có kỹ năng sử dụng các phầm mềm văn phòng như Word, Excel, Powerpoint rất kém, không đạt chuẩn đầu ra về tin học. 4. Một số giải pháp đưa ra Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh, Nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: 191
  6. Thứ nhất, “Quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong dạy học. Việc này sẽ giúp cho cán bộ, giảng viên trong Phân viện nắm vững quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, thấy được sự phát triển mạnh mẽ của CNTT trên thế giới và trong nước, chỉ ra những tác động tích cực mà việc ứng dụng CNTT có thể mang lại, từ đó sẵn sàng hơn trong việc đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp, phương tiện, tổ chức thực hiện, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá trong hoạt động giáo dục cho phù hợp”. (Nguồn: https://dienbien.edu.vn/news/Tin-tuc-tong-hop/cntt-nckh-tin-chuyen-de- ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-day-hoc-o-cac-nha-truong-pho-thong-hien-nay-2831.html) Việc ứng dụng, phát triển CNTT của Phân viện phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu là Giám đốc. Người lãnh đạo phải thực sự hành động, phải quyết tâm, gương mẫu và đặc biệt phải coi mình là một mắt xích quan trọng của chu trình vận hành ứng dụng CNTT trong nội bộ Phân viện. Khi đó, các cán bộ, giảng viên sẽ thấy rõ trách nhiệm của mình phải thực hiện, từ đó tạo thành một phong trào ứng dụng CNTT trong Phân viện. Thứ hai, tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ và giảng viên về ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cán bộ, giảng viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm, tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội. Nếu không có giảng viên thì không thể nói đến quá trình dạy học. Do đó, khâu đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về CNTT là khâu quan trọng quyết định đến thành công của chiến lược phát triển và ứng dụng CNTT. Để làm được việc này, Phân viện cần phải có kế hoạch cụ thể, chính sách đào tạo, kế hoạch sử dụng đội ngũ giảng viên một cách hợp lý, có hiệu quả. Kết quả của việc bồi dưỡng, đào tạo cho giảng viên phải trực tiếp tác động vào kết quả học tập rèn luyện của sinh viên, sự hài lòng của các nhà tuyển dụng cũng như hiệu quả công việc của Phân viện. Hơn nữa, đội ngủ giảng viên của Phân viện còn khá trẻ nên khả năng tiếp thu và vận dụng công nghệ khoa học là tương đối nhanh và hiệu quả. Phân viện nên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học để cán bộ, giảng viên có thêm hiểu biết và kinh nghiệm về công nghệ khoa học liên quan đến công việc của mình. Thay vì các giảng viên chỉ đi thực tế để trải nghiệm và cập nhật kiến thức thực tế thuộc chuyên môn giảng dạy của mình thì các giảng viên nên tham quan, học hỏi tại các cơ sở đào tạo khác về CNTT mà họ ứng dụng trong dạy và học. Thêm nữa, Phân viện nên mời các chuyên gia CNTT về chia sẻ để các cán bộ, giảng viên hiểu và vận dụng được đầy đủ các tính năng của các công nghệ khoa học giúp đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Thứ ba, quản lý và khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT hiệu quả hơn. Cơ sở hạ tầng được coi là nền tảng cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong công tác dạy và học theo hướng đổi mới - số hóa. Vì vậy, Nhà trường cần nầng cấp và khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Phòng Quản trị thiết bị của Phân viện nên xây dựng chặt chẽ hơn các quy định về việc sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Việc trang bị cơ sở vật chất phải có quy trình, kế hoạch, lộ trình từng bước, từng giai đoạn, từng mảng công việc cụ thể theo hướng hiện đại hóa được đến đâu là đảm bảo hoạt động tốt đến đó. Kiểm tra định kỳ và tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa những thiết bị hỏng hóc để không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy và học tập. 192
  7. Phân viện nên tổ chức đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ cốt cán của Phòng Quản trị thiết bị chuyên trách về CNTT có khả năng hiểu biết về tính năng, tác dụng và cách sử dụng, qua đó phổ biến nhân rộng tới tất cả đội ngũ giảng viên trong Trường. Đặc biệt, Ban Giám đốc cần phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đột xuất việc sử dụng và bảo quản, kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, phòng ban, khoa, bộ môn làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình các cá nhân, phòng ban, khoa, bộ môn thực hiện chưa tốt. Thứ tư, tránh sự kiêm nhiệm quá nhiều đối với cán bộ và giảng viên. Phân viện nên thành lập một ban truyền thông chỉ chuyên trách về mảng truyền thông để công việc truyền thông hiệu quả và lan tỏa trên diện rộng cũng như để giảng viên tập trung vào việc dạy và nghiên cứu khoa học theo hướng số hóa. Phòng Đào tạo và Quản lý khoa học của Phân viên nên đề xuất Phòng Đào tạo của Học viện cấp thêm quyền trong phần mềm quản lý đào tạo để tăng sự chủ động trong việc cập nhật thông tin đào tạo, có kế hoạch đào tạo thích hợp. Với xu hướng dạy và học hiện đại, người thày sẽ là người gợi mở vấn đề và sinh viên là người nghiên cứu, giải quyết vấn đề thì Thư viện, đặc biệt là Thư viện điện tử, sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, Ban Giám đốc nên bổ sung thêm nhân lực cho Thư viện để việc khai thác và hỗ trợ người dạy, người học được tốt hơn khi sử dụng tài liệu trên Thư viện và Thư viện điện tử. Thứ năm, nâng cao nhận thức và ý thức của sinh viên về vai trò của ứng dụng CNTT trong học tập. Các bạn sinh viên phải ý thức được mình đang sống trong thời đại số nên việc học tập hiện tại và làm việc sau khi ra trường cũng phải thích ứng với môi trường số hóa này. Các bạn sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn có sự nhạy bén hơn với CNTT, do đó, Nhà trường cần phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập, lựa chọn phương pháp học tập phù hợp có hiệu quả, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học có tính lượng hóa và học tập gắn liền với thực hành, thực tiễn. Các bạn sinh viên cần xác định rõ học chuyên nghiệp là để có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực theo học, trưởng thành trong suy nghĩ và tích lũy cho mình những kỹ năng sống để có thể thích nghi và hòa hơp với môi trường làm viêc cạnh tranh khốc liệt trong thời kỳ hội nhập sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên của khoa học công nghệ nên các bạn sinh viên luôn không ngừng cập nhật những kiến thức mới. Sinh viên phải luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, tiếp cận CNTT, và coi đây là hành trang không thể thiếu trong cuộc sống cũng như trong công việc để bước tới thành công. Có rất nhiều kiến thức bổ ích được chia sẻ tại các diễn đàn cũng như hội nhóm về các chuyên ngành. Do đó, các bạn sinh viên cần luôn chủ động tìm hiểu và tham gia các diễn đàn, các nhóm trao đổi về chuyên ngành của mình và các chuyên ngành liên quan khác nhằm nâng cao trình độ, có cơ hội cọ xát thực tế, tăng ưu thế khi xin việc và tăng lợi thế trong công việc. Để học sinh, sinh viên hiện nay nhận thức được về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong học tập thì công tác tuyên truyền, định hướng là rất quan trọng. Khi người học đã có cái nhìn đúng đắn về ứng dụng CNTT trong đời sống nói chung và học tập nói riêng, Phân viện sẽ có thể đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với thời đại mới, với xu hướng phát triển của thế giới, từ đó phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời đại công nghệ số. 193
  8. 5. Kết luận Công tác triển khai và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học đại học thực sự rất cần thiết, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, là bước đệm quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong môi trường giáo dục đại học, CNTT đóng vai trò quan trọng không thể thiếu. Các hoạt động giáo dục, quản lý, truyền thông,… đều cần có ứng dụng công nghệ thông tin, để giúp tăng hiệu quả truyền đạt tối đa. Hơn nữa, khối lượng công việc cũng được giảm tải đảng kể, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức lẫn tài chính cho cả giảng viên và sinh viên. CNTT chính là nền tảng tối ưu để kết nối giảng viên và sinh viên lại gần với nhau, mang đến hiệu quả giáo dục vượt trội trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Không gì có thể phủ nhận tầm quan trọng của CNTT trong công tác giáo dục đại học nói chung và giảng dạy đại học tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh nói riêng. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Mạnh Cường (2003), Đổi mới phương pháp giảng dạy với sự hỗ trợ của máy tính, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 2. Phan Đình Diệu (2001), Chuyên đề 1: Tổng quan về công nghệ thông tin và tác động của nó tới sự phát triển kinh tế - xã hội, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội. 3. Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại: Từ hàn lâm đến đời thường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 4. Nguyễn Kim Dung (2008), Ứng dụng công nghệ thông tin trong chương trình đào tạo, Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 5. Nguyễn Thị Bích Nguyệt, “Vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong dạy và học đại học hiện nay”, Tạp chí Công thương, số 12 tháng 5 năm 2021, truy cập từ webside: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vai-tro-cua-viec-ung-dung-cong-nghe-trong-day-va-hoc- dai-hoc-hien-nay- 82252.htm#:~:text=Th%E1%BB%A9%20nh%E1%BA%A5t%2C%20%E1%BB%A9ng%20 d%E1%BB%A5ng%20c%C3%B4ng,t%E1%BB%91i%20%C6%B0u%20v%E1%BB%81%2 0th%E1%BB%9Di%20gian. 6. Ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành giáo dục, truy cập từ webside: https://2075.com.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-nganh-giao-duc/ 7. Vì sao cần ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, truy cập từ webside: http://cte.vnu.edu.vn/vi-sao-can-ung-dung-cntt-trong-giang-day/ 8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các nhà trường phổ thông hiện nay, truy cập từ webside: https://dienbien.edu.vn/news/Tin-tuc-tong-hop/cntt-nckh-tin-chuyen-de- ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-day-hoc-o-cac-nha-truong-pho-thong-hien-nay- 2831.html 194
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2