intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

9
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non đề xuất năm biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non, bao gồm: Thống nhất kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường giữa trường mầm non và gia đình; Phối hợp tổ chức cho trẻ làm quen với trường mầm non; Cùng nhau xây dựng môi trường tâm lí cho trẻ ở nhà và ở lớp học; Hợp tác tổ chức các hoạt động phù hợp với trẻ; Tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các mối quan hệ với người lớn và bạn bè.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0105 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 4A, pp. 180-193 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn BIỆN PHÁP CHUẨN BỊ CHO TRẺ 24 – 36 THÁNG TUỔI THÍCH ỨNG VỚI TRƯỜNG MẦM NON Trần Thị Kim Liên Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Lần đầu đi học ở trường mầm non là một bước ngoặt quan trọng đối với trẻ em nên cần phải có những biện pháp chuẩn bị phù hợp, giúp trẻ cảm thấy an toàn, dần thiết lập được sự cân bằng và hòa nhập vào trường mầm non. Bài báo đề xuất năm biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non, bao gồm: Thống nhất kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường giữa trường mầm non và gia đình; Phối hợp tổ chức cho trẻ làm quen với trường mầm non; Cùng nhau xây dựng môi trường tâm lí cho trẻ ở nhà và ở lớp học; Hợp tác tổ chức các hoạt động phù hợp với trẻ; Tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các mối quan hệ với người lớn và bạn bè. Các biện pháp được đề xuất theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa trường mầm non và gia đình trẻ trước khi trẻ chính thức đến trường tới khi trẻ thích ứng với trường mầm non. Từ khóa: thích ứng với trường mầm non, biện pháp chuẩn bị, trẻ 24 – 36 tháng tuổi. 1. Mở đầu Một số công trình nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra các biện pháp chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non. Đối với các biện pháp chuẩn bị của gia đình trẻ, các nghiên cứu của Grolnick và Raftery - Helmer (2015) và UNICEF (2009) chỉ ra một số hoạt động thể hiện khía cạnh “gia đình sẵn sàng”. Gia đình cần cho trẻ tham gia vào các hoạt động ở nhà, cung cấp môi trường thuận lợi cho việc học tập (sách, truyện, bài hát…) cho trẻ trước khi trẻ đến trường [1]. Một số biểu hiện của gia đình sẵn sàng là gia đình: Khuyến khích trẻ đọc, hát, vẽ, kể chuyện và chơi các trò chơi; Duy trì mối quan hệ hỗ trợ, tương tác với trẻ để giúp trẻ học hỏi, tự tin và dần dần phát triển tính độc lập cho trẻ; Thể hiện sự cam kết đảm bảo trẻ được nhập học đúng thời gian; Tiếp cận và duy trì mối quan hệ tích cực với nhà trường và cộng đồng vì lợi ích an toàn, an ninh, hòa nhập và an sinh của trẻ [2; tr.39]. Đối với các biện pháp chuẩn bị của trường mầm non, một số nghiên cứu đã cho rằng trường mầm non cần có kế hoạch cụ thể về việc giúp trẻ thích ứng với trường mầm non. Kế hoạch này bao gồm những định hướng cho gia đình và các hoạt động cho trẻ làm quen với trường mầm non [3]. Kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường nên đáp ứng các điểm mạnh, nhu cầu và đặc điểm của từng trẻ em và gia đình. Không có quá trình chuyển đổi hay các hoạt động chuẩn bị cho trẻ đến trường nào có thể được nhân rộng hay thực hiện mà không có sự điều chỉnh cụ thể cho phù hợp với từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Kế hoạch cho trẻ làm quen với trường, lớp mầm non bao gồm một số hoạt động như tạo cơ hội cho trẻ đến thăm trường, thăm nhà của trẻ, tạo các lớp học mở/ngôi nhà xanh được một số nghiên cứu chỉ ra như Pianta và các cộng sự (1999, 2001), Rimm-Kaufman và Pianta (2000), La Paro và cộng sự (2003)... Các giáo Ngày nhận bài: 2/8/2022. Ngày sửa bài: 22/8/2022. Ngày nhận đăng: 10/9/2022. Tác giả liên hệ: Trần Thị Kim Liên. Địa chỉ e-mail: kimlien@hnue.edu.vn 180
  2. Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non viên cho thấy cần cung cấp một ngôi nhà mở (open house) trước và sau đầu năm học [4]. Gia đình có thể đến trường vào các buổi tối để khám phá trường học và lớp học [5],[6]. Rathbun và cộng sự (2001) cũng đã chỉ ra rằng nhà trường cần tổ chức các hội thảo, ngôi nhà mở và sự kiện âm nhạc/nghệ thuật cho gia đình trẻ [7]. Tại Việt Nam, năm 2008, dự án “Mái nhà xanh” được triển khai cho một số trường mầm non công lập trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi đón các trẻ dưới 36 tháng tuổi làm quen với trường mầm non. Bố mẹ hoặc người thân sẽ đưa trẻ đến đây trong nhiều ngày để trẻ dần dần thích ứng với trường mầm non. Một số nghiên cứu khác đã khảo sát trên cha mẹ và giáo viên để tìm hiểu thực trạng chuẩn bị cho trẻ đến trường. Kết quả của nghiên cứu “Thực trạng chuẩn bị tâm lí cho trẻ đến trường mầm non nhìn từ phía giáo viên mầm non” cho thấy, các biện pháp được giáo viên đưa ra đều hướng tới giúp trẻ không xa lạ với trường, lớp mầm non, với cô giáo và động viên khuyến khích trẻ để trẻ dễ dàng thích ứng với trường mầm non. Một trong các biện pháp đó là: Đưa trẻ đến trường mầm non một số lần trước ngày trẻ đến lớp; Đưa trẻ đến trường mầm non chơi và gặp gỡ các cô giáo nếu có thể [8]. Việc thiết lập mối quan hệ với gia đình trẻ còn được thực hiện thông qua việc giáo viên liên lạc sớm với gia đình thông qua danh sách trẻ được nhà trường cung cấp cho giáo viên. Điều này giúp giáo viên có được những thông tin quan trọng về trẻ và gia đình trẻ, định hướng một số thói quen sinh hoạt hằng ngày cho trẻ [9-10]. Giáo viên cần tiếp tục duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình trẻ bằng các hình thức như nói chuyện với cha mẹ sau khi trẻ đến trường, gửi thư về nhà, gửi tờ rơi, gọi điện thoại [10-12]. Một số nghiên cứu chỉ ra biện pháp chuẩn bị môi trường và chuẩn bị cho giáo viên từ phía trường mầm non. Môi trường phù hợp để chuẩn bị cho trẻ đến trường cần: (1) Sử dụng các đồ dùng, đồ chơi phù hợp; (2) Tổ chức các hoạt động phù hợp với trẻ và kích thích tương tác của trẻ với cô và bạn bè. Nghiên cứu của Triebenbacher (1997) và Simonsson (2015) cho thấy, nhà trường chuẩn bị đồ dùng đồ chơi phù hợp, kích thích tương tác với bạn bè trẻ; cho phép trẻ sử dụng vật chuyển tiếp khi đi học lần đầu [13-14]. Bên cạnh đó, giáo viên tổ chức các hoạt động phù hợp với trẻ 24 – 36 tháng tuổi và kích thích tương tác của trẻ với cô và bạn bè. Sven Thyssen (2000) chỉ ra rằng, với nhiều hoạt động hấp dẫn trẻ như hoạt động với đồ vật và hoạt động với bạn bè đồng trang lứa thì việc chia tách chỉ khó khăn với một trong 10 trẻ tham gia nghiên cứu. Với trẻ gặp khó khăn, nếu giáo viên chăm sóc chu đáo, tạo cơ hội cho trẻ khám phá và hỗ trợ trẻ tham gia các hoạt động thì trẻ sẽ khắc phục khó khăn với việc chia tách [15]. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Mai Thị Cẩm Nhung (2017) đã chỉ ra hình thức tổ chức “lớp học gia đình” với các hoạt động gần gũi ở trường mầm non cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. “Trong quá trình xây dựng lớp học gia đình, cần tạo cho trẻ không gian gần gũi như ở gia đình; nhờ đó sự tương tác của cô giáo sẽ thay thế tình cảm của mẹ và những người thân của trẻ” [16; tr.145]. Như vậy, các nghiên cứu tập trung vào sự chuẩn bị của gia đình và trường mầm non đã đưa ra một số biện pháp cụ thể của gia đình và trường mầm non trong việc giúp trẻ thích ứng với môi trường mới. Tuy nhiên, nhận thấy các biện pháp chuẩn bị cho trẻ còn chung cho độ tuổi trẻ mầm non. Các nghiên cứu xem xét về biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi tại Việt Nam còn khá ít ỏi, trong khi đây là độ tuổi mà nhiều cha mẹ bắt đầu cho trẻ đến trường mầm non. Mặt khác, kết quả điều tra thực trạng biện pháp của cha mẹ và giáo viên mầm non do tác giả thực hiện cho thấy, gia đình và trường mầm non còn chưa có những biện pháp cụ thể nên gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai lực lượng này trong quá trình chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non [17-18]. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp lí thuyết của một số công trình nghiên cứu về việc chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non. Trên cơ sở đó, nghiên cứu 181
  3. Trần Thị Kim Liên đưa ra các biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non, phù hợp với bối cảnh trường mầm non và gia đình Việt Nam. 2.2. Kết quả nghiên cứu 2.2.1. Khái niệm biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 - 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non là cách làm cụ thể trong việc tổ chức hoạt động phối hợp cùng nhau giữa trường mầm non và gia đình để giúp trẻ thiết lập sự cân bằng và hòa nhập với trường mầm non. Các biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non cần cụ thể, được xác định rõ ràng, có tính đến đặc điểm phát triển của từng trẻ. Gia đình và nhà trường cần quan tâm chăm lo đến việc chuyển đổi môi trường sống, tâm lí, tình cảm của trẻ để qua đó trẻ thiết lập được sự cân bằng với môi trường mới. Các biện pháp này không chỉ đơn lẻ từ phía gia đình trẻ hay từ trường mầm non mà cần có sự phối hợp chặt chẽ các tác động cụ thể từ cả hai lực lượng này. Gia đình cần có những cách làm cụ thể để giúp trẻ có tâm thế sẵn sàng đến trường thông qua các cuộc trò chuyện, thăm trường, thăm lớp học, thiết lập nếp sinh hoạt ở nhà phù hợp với chế độ sinh hoạt ở trường mầm non. Giáo viên cũng cần có những tác động cụ thể để giúp trẻ thích ứng thông qua việc xây dựng môi trường lớp học gần gũi, tạo không gian thân thuộc, tiếp đón trẻ và gia đình trẻ hay tổ chức các hoạt động kích thích trẻ tham gia để xây dựng các mối quan hệ mới trong trường mầm non. Mỗi giai đoạn của quá trình chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non cần đưa ra các biện pháp phù hợp hướng tới đứa trẻ, giúp trẻ có những điều chỉnh để thích ứng với trường mầm non. Đó không chỉ là sự thay đổi về thái độ, cảm xúc của trẻ, thay đổi về hiểu biết với trường, lớp mầm non mới mà còn là thay đổi về hành vi sao cho phù hợp với đặc điểm của trường mầm non. Các biện pháp cũng phải tính đến các đặc điểm cá nhân của trẻ, bối cảnh gia đình và trường mầm non để đạt hiệu quả đề ra. 2.2.2. Nguyên tắc đề xuất biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non Khi đề xuất biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non cần phải đảm bảo tính cá biệt hóa. Các biện pháp phải phù hợp với khả năng, nhu cầu và hứng thú của trẻ 24 – 36 tháng tuổi, phù hợp với đặc điểm riêng biệt, vào kinh nghiệm của mỗi trẻ và gia đình trẻ. Điều này cần được giáo viên khai thác để có những đề xuất phù hợp nhất với các hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời, các biện pháp cần hướng tới việc tăng tốc độ thích ứng của trẻ, giảm các mức độ và tần suất các hành vi không thích ứng với trường mầm non của trẻ. Chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non cũng cần đảm bảo chuẩn bị toàn diện cho trẻ. Đó không chỉ là quá trình chuẩn bị riêng một lĩnh vực nào mà cần có sự kết hợp cả về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – kĩ năng xã hội và cả tâm thế sẵn sàng để trẻ thích ứng với vai trò mới ở trường mầm non. Tính toàn diện thể hiện ở sự chuẩn bị cho trẻ của cả hai lực lượng là gia đình và trường mầm non. Gia đình chuẩn bị nền tảng về thể lực và tinh thần cho trẻ, tạo cơ hội cho trẻ có những nhận thức ban đầu về trường, lớp mầm non, những kĩ năng tự phục vụ ban đầu, làm quen với các môi trường ngoài gia đình với các mối quan hệ xã hội khác nhau. Trường mầm non chuẩn bị kế hoạch tổ chức hoạt động ở các lĩnh vực phát triển giúp trẻ làm quen với vai trò mới ở trường, lớp mầm non. Các biện pháp được đề xuất cần đảm bảo tính hệ thống: đi từ gần đến xa, từ dễ đến khó, từ đơn lẻ đến phối hợp và mở rộng dần phạm vi tác động từ nhà đến trường, dưới sự điều chỉnh của cộng đồng. Tránh đưa ra các yêu cầu khác biệt một cách đột ngột mà trẻ chưa từng trải nghiệm trước đó. Tạo cơ hội được vận dụng những điều chúng đã biết vào hoàn cảnh mới một cách dần dần, phù hợp với đặc điểm của trẻ. Các biện pháp chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non cũng cần thực hiện một cách liên tục, thường xuyên, tránh ngắt quãng để quá 182
  4. Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non trình chuyển tiếp của trẻ được thuận lợi và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường đều cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy trẻ có sự chuyển tiếp từ nhà đến trường thành công. Trường mầm non nói chung và giáo viên nói riêng có trách nhiệm trong việc giúp gia đình trẻ hiểu về tầm quan trọng của việc phối hợp với nhà trường trong việc chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non. Từ đó, gia đình sẵn sàng tham gia vào việc chia sẻ thông tin, thực hiện các hoạt động hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả nhất. Gia đình trẻ chủ động phối hợp với giáo viên qua nhiều hình thức khác nhau để giúp trẻ nhanh chóng thích ứng với cuộc sống ở trường mầm non. Cả gia đình và trường mầm non đều cần có những thay đổi từ từ và nâng dần mức độ để cho trẻ có đủ thời gian để thích ứng. Gia đình nâng dần yêu cầu đối với trẻ ở nhà cho phù hợp với trường mầm non. Mặt khác, nhà trường cũng không giữ nguyên chế độ sinh hoạt hằng ngày mà giảm yêu cầu để tương thích với môi trường gia đình, giúp trẻ làm quen rồi mới nâng dần lên. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình cần được khuyến khích xây dựng ngay từ trước khi trẻ chính thức đến trường và cần được duy trì liên tục trong suốt thời gian trẻ đi học ở trường mầm non. Ngoài ra, gia đình và trường mầm non cần huy động sự hỗ trợ và cung cấp một số nguồn lực cần thiết từ cộng đồng cho việc chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non. 2.2.3. Đề xuất một số biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non 2.2.3.1. Biện pháp 1: Thống nhất kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường giữa trường mầm non và gia đình a/ Mục đích Xây dựng kế hoạch chuẩn bị trước khi trẻ chính thức đến trường là một biện pháp nhằm giúp nhà trường và gia đình có được sự chuẩn bị tốt nhất, rõ ràng và toàn diện các vấn đề nhằm tránh cho trẻ đối diện với những khó khăn, căng thẳng trong lần đầu đi học. b/ Nội dung Kế hoạch chuẩn bị của nhà trường bao gồm phân tích tình hình, xác định mục tiêu, nội dung và phương thức thực hiện. Gia đình tham gia trao đổi và thỏa thuận để đồng thuận các quy định của trường lớp mầm non và các hoạt động chuẩn bị cho trẻ. c/ Cách tiến hành - Về phía trường mầm non: Trường mầm non tiến hành xây dựng kế hoạch trước khi năm học chính thức bắt đầu và triển khai kế hoạch đó cho giáo viên các lớp. Các bước lập kế hoạch chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non bao gồm: Bước 1: Phân tích tình hình: Trường mầm non cần phân tích đặc điểm tình hình của nhà trường nói chung và khối nhà trẻ nói riêng để lên kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường mầm non. Phân tích nguồn lực của nhà trường về số lượng, khả năng của giáo viên và thời gian cần thiết cho việc chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non. Xác định được ai là người thực hiện, chịu trách nhiệm; các hoạt động được thực hiện khi nào, bao lâu, cần chuẩn bị những gì… Thành viên tham gia các hoạt động này thường bao gồm Ban Giám hiệu, các giáo viên khối nhà trẻ và một số giáo viên các khối lớp khác đã có kinh nghiệm làm việc với trẻ nhà trẻ tham gia hỗ trợ. Xác định điểm mạnh và điểm hạn chế trong việc chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non. Bước 2: Xác định mục tiêu: Trường mầm non xác định rõ mục tiêu của kế hoạch chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non, làm cơ sở xác định các nội dung cụ thể. Chẳng hạn, mục tiêu kế hoạch đặt ra là: Trang bị đầy đủ cho trẻ và gia đình trẻ các kiến thức, kĩ năng và sẵn sàng đến trường, nhằm giúp cho quá trình chuyển tiếp từ nhà đến trường mầm non được thuận lợi và thành công. Bước 3: Xác định nội dung: Từ mục tiêu đã xác định, trường mầm non đề ra các nội dung với các hoạt động cụ thể. Ví dụ: thiết lập mối quan hệ với trẻ và gia đình trẻ; liên lạc với gia 183
  5. Trần Thị Kim Liên đình trẻ, cung cấp danh sách lớp học sớm cho giáo viên; cung cấp các thông tin cho gia đình trẻ; hoạt động thăm quan trường lớp mới; khảo sát mức độ thích ứng với trường mầm non của trẻ… Bước 4: Xác định phương thức thực hiện: Với các nội dung xác định ở bước 3, trường mầm non xác định các phương pháp và hình thức thực hiện các hoạt động đó. Giáo viên căn cứ trên kế hoạch của nhà trường với các hoạt động cụ thể để triển khai kế hoạch chuẩn bị cho trẻ thích ứng với trường mầm non. Giáo viên tiến hành liên hệ với gia đình trẻ qua điện thoại được cung cấp trong hồ sơ tuyển sinh hoặc gặp trực tiếp cha mẹ trẻ. Giáo viên có thể sử dụng các kênh thông tin như zalo, facebook… để thiết lập liên hệ với gia đình và trẻ trước khi trẻ chính thức đến trường. Từ các kênh thông tin này, giáo viên có thể làm quen với trẻ và gia đình trẻ qua các video, có được những thông tin hữu ích qua trao đổi với gia đình để lên kế hoạch tổ chức hoạt động phù hợp. - Về phía gia đình trẻ: Gia đình chủ động tìm hiểu các thông tin về trường mầm non và tham khảo kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường từ phía giáo viên và trường mầm non. Trao đổi và cung cấp cho giáo viên của trẻ những thông tin cần thiết để việc liên hệ và hợp tác thuận lợi hơn. Gia đình bàn bạc và đưa ra những ý kiến về các nội dung, hoạt động nào là phù hợp với khả năng và điều kiện của gia đình; những hoạt động nào cần được hỗ trợ hoặc không thực hiện được. Từ đó gia đình và trường mầm non cùng thống nhất các hoạt động chuẩn bị cho trẻ. d/ Điều kiện thực hiện - Kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường có thể được lồng ghép trong kế hoạch năm học, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên… của trường mầm non. Trường mầm non đảm bảo các mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động theo kế hoạch đã xây dựng. - Giáo viên có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin để thuận tiện liên lạc và trao đổi với gia đình trẻ. Sử dụng đa dạng hình thức trao đổi với gia đình trẻ như: trực tiếp, qua tin nhắn, qua văn bản để phù hợp với các gia đình khác nhau. - Giáo viên trong lớp phối hợp với nhau để phân chia công việc và trách nhiệm theo số trẻ trong lớp, thực hiện các video giới thiệu và làm quen với trẻ và gia đình trẻ. 2.2.3.2. Biện pháp 2: Phối hợp tổ chức cho trẻ làm quen với trường mầm non a/ Mục đích Gia đình và nhà trường phối hợp tổ chức cho trẻ làm quen với trường lớp mầm non là biện pháp chuẩn bị quan trọng, giúp trẻ có những hình dung ban đầu về một không gian mới với các đồ dùng, phương tiện, cách bài trí mới, hoạt động và những con người mới. Đây được coi là bước đệm chuyển tiếp từ môi trường gia đình sang môi trường mầm non, giúp trẻ dễ ổn định cảm xúc và sẵn sàng tiếp nhận những sự thay đổi của môi trường. Trẻ sẽ dần làm quen với người chăm sóc mới là giáo viên, bước đầu hình thành mối quan hệ gắn bó mới. b/ Nội dung Gia đình và trường mầm non phối hợp tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen trực tiếp và gián tiếp với trường mầm non. Gia đình thực hiện các chuyến thăm quan trường lớp mầm non mà trẻ sẽ học. Đó là những chuyến thăm giống như một chuyến đi chơi nhỏ của trẻ tại một nơi thú vị, hấp dẫn. Lựa chọn các câu chuyện, bài hát, bài thơ về việc đi học, về cô giáo, về các bạn, về các hoạt động ở trường lớp để cho trẻ làm quen tại gia đình. Qua đó, cha mẹ cùng trẻ nói chuyện về việc trẻ chuẩn bị đi học ở trường mầm non. Đồng thời, cha mẹ rèn luyện cho trẻ một số kĩ năng tự phục vụ trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày tại gia đình. Trên cơ sở tìm hiểu về chế độ sinh hoạt hằng ngày ở trường mầm non, cha mẹ có những điều chỉnh thói quen sinh hoạt ở nhà của trẻ cho phù hợp để trẻ đỡ bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, cha mẹ cho trẻ làm quen dần với việc vắng mặt của mình ngay tại không gian trong gia đình cũng như làm quen với nhiều người khác ngoài gia đình để trẻ dạn dĩ hơn. 184
  6. Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non Giáo viên xây dựng các khu vực chơi trong môi trường lớp học của mình với các đồ dùng, đồ chơi đa dạng về chất liệu, màu sắc, kích thước nhằm kích thích hứng thú say mê tìm tòi của trẻ. Một số đồ dùng của trẻ ở gia đình có thể là một phần của các góc chơi đó để tạo ra tính kết nối với môi trường gia đình, tạo cảm giác thân thuộc cho trẻ. c/ Cách tiến hành - Về phía gia đình: Hoạt động 1: Cho trẻ thăm quan trường mầm non: Bước 1: Cha mẹ nói chuyện với trẻ về việc sẽ đi thăm quan trường mầm non của trẻ. Bước 2: Thực hiện các chuyến thăm quan trường mầm non Trong chuyến thăm đầu tiên, cha mẹ để trẻ nhìn xung quanh trường mầm non để quyết định xem đâu là trường phù hợp với trẻ. Phản ứng ban đầu của trẻ có thể là một dấu hiệu về phản ứng cơ bản của trẻ với trường mầm non đó. Tạo cho trẻ hứng thú với đồ chơi và các trang thiết bị của trường ngay từ ban đầu, kể cả khi trẻ vẫn bám chặt lấy cha mẹ hoặc từ chối nhìn vào hoặc chạm vào các đồ chơi đó. Chuyến thăm thứ hai cha mẹ bắt đầu để giáo viên tham gia cùng tương tác với trẻ một số hoạt động mà trẻ thích như đọc thơ, kể chuyện, chơi trò chơi với một số đồ vật trẻ yêu thích. Cha mẹ vẫn bên cạnh trẻ để trẻ yên tâm và thoải mái. Trong các chuyến thăm tiếp theo, cha mẹ có thể rời đi một chút trong vài phút và phải nói với trẻ về điều này. Thời gian cha mẹ vắng mặt sẽ ngày càng tăng lên để trẻ có thể xây dựng mối quan hệ gắn bó thứ cấp với giáo viên và thích ứng với việc không có cha mẹ bên cạnh. Cuối cùng, cha mẹ sẽ tạm biệt khi đưa trẻ đến trường và đến đón con sau khi kết thúc một ngày hoạt động. Nếu không thể đến thăm trường trực tiếp, cha mẹ có thể cùng con xem các tranh ảnh và video về trường lớp và giáo viên của trẻ. Cha mẹ nói chuyện với trẻ, chỉ cho trẻ xem các đồ chơi hấp dẫn, xem giáo viên tổ chức hoạt động. Hoạt động 2: Sử dụng bài hát, câu chuyện, bài thơ để cho trẻ bước đầu làm quen với trường mầm non: Bước 1: Cha mẹ lựa chọn các bài thơ, bài hát, câu chuyện về trường, lớp mầm non để đọc và hát cho trẻ nghe mỗi ngày: Việc lựa chọn các phương tiện này tùy thuộc vào sở thích và khả năng của trẻ. Chẳng hạn có trẻ thích nghe đọc các câu chuyện, có trẻ thích đọc thơ, có trẻ thích hát và vận động theo bài hát. Cha mẹ dựa vào các thông tin mà giáo viên và nhà trường chia sẻ để có những gợi ý cho việc lựa chọn này. Bước 2: Cha mẹ cùng trẻ nói chuyện về việc đi học ở trường mầm non: Cha mẹ hoặc anh/chị của trẻ có thể nói chuyện với trẻ về việc đi học vui như thế nào, có những điều gì thú vị, gắn liền với các nội dung của các bài thơ, bài hát, câu chuyện mà trẻ đã biết. Cha mẹ tạo cảm giác thoải mái, tránh tạo áp lực hay dọa nạt trẻ. Hoạt động 3: Tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện tính tự lập trong các hoạt động và trải nghiệm giao tiếp với mọi người Cha mẹ tiến hành rèn luyện nếp sinh hoạt hằng ngày cho trẻ. Cha mẹ tham khảo thông tin từ nhà trường về chế độ sinh hoạt hằng ngày ở trường như thế nào cũng như những yêu cầu mà trẻ cần đạt được ở độ tuổi để có những điều chỉnh phù hợp cho trẻ, bao gồm: thông tin về giờ giấc đưa đón, thực đơn của trẻ, giờ ăn, giờ ngủ, vệ sinh... Từ đó, cha mẹ tiến hành rèn luyện một số kĩ năng sinh hoạt hằng ngày như cho trẻ tập ngồi vào bàn ăn, tự xúc ăn với đa dạng các loại thức ăn khác nhau; tập cho trẻ thói quen ngủ một giấc trưa, tự ngủ được; tập cho trẻ thể hiện khi có nhu cầu đi vệ sinh và tập ngồi bô. Ngoài ra, cha mẹ cho trẻ tham gia vào việc chuẩn bị các đồ dùng cá nhân như: ba lô, quần áo, giày dép, mũ, khẩu trang… Dạy trẻ tập gọi tên và nhận biết các đồ dùng của bản thân mình. Cha mẹ cũng tập cho trẻ các thói quen đi học mỗi ngày phù hợp với gia đình mình như đi bộ đến trường, ngồi xe máy với địu hay ghế trên xe… Các thói quen này sẽ giúp trẻ không cảm 185
  7. Trần Thị Kim Liên thấy bỡ ngỡ khi bắt đầu đến trường chính thức. Cha mẹ cho trẻ làm quen dần với sự vắng mặt của cha mẹ và trải nghiệm giao tiếp với mọi người xung quanh. Ví dụ, cha mẹ cùng trẻ chơi trò trốn tìm, cho trẻ có khoảng thời gian chơi với người khác nhưng phải đảm bảo thông báo với trẻ về sự vắng mặt và thời gian quay trở lại. Bắt đầu bằng những thời gian ngắn như đếm từ 1 đến 10 rồi xuất hiện trở lại, tăng dần thời gian lên như hết một bài hát, … Tạo điều kiện cho trẻ được có nhiều trải nghiệm với những người khác, bao gồm cả người lớn và bạn bè khác ngoài gia đình. Gia đình cho con chơi với hàng xóm, với bạn bè thân quen của gia đình, cho trẻ học cách thiết lập mối quan hệ xã hội đa dạng hơn. - Về phía trường mầm non: Giáo viên chuẩn bị môi trường lớp học gần gũi với môi trường gia đình của trẻ. Giáo viên liên hệ với gia đình để biết được các đồ dùng, đồ chơi yêu thích của trẻ ở nhà là gì. Các đồ dùng này có thể được cha mẹ chia sẻ trong những chuyến thăm trường trước khi trẻ đi học. Ví dụ như, các con búp bê, gấu bông, ô tô đồ chơi, một số cuốn sách truyện trong góc học tập… Giáo viên lên kế hoạch bố trí các khu vực hoạt động sao cho phù hợp với các hoạt động của lớp và quen thuộc với nhiều trẻ trong lớp học của mình. Giáo viên đón trẻ và gia đình trẻ đến thăm trường lớp hoặc xây dựng các video làm quen với trẻ và gia đình trẻ: Chuyến thăm đầu tiên, giáo viên quan sát trẻ nhiều hơn để quyết định thời điểm làm quen với trẻ. Chuyến thăm thứ hai nên dài hơn và trẻ nên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động. Giáo viên có thể xuất hiện bên cạnh và tham gia cùng chơi nếu trẻ cảm thấy thoải mái. Giáo viên tương tác trực tiếp với trẻ qua một số hoạt động như đọc sách, kể chuyện, trò chơi. Liên hệ với cha mẹ để biết trẻ thích các hoạt động nào, không ép buộc trẻ phải cùng tham gia với cô ngay lập tức. Chuyến thăm trường thứ ba và các chuyến thăm tiếp theo, giáo viên nên đóng vai trò nhiều hơn trong các hoạt động của trẻ, giảm dần thời gian trẻ ở cùng cha mẹ. d/ Điều kiện thực hiện - Giáo viên cần phải trao đổi cụ thể và cân nhắc những thông tin và yêu cầu của cha mẹ để tìm ra điểm liên kết giữa hai môi trường, không trường học hóa gia đình và gia đình hóa trường học. - Thời gian cho trẻ làm quen và nói chuyện với trẻ về việc sắp đi học không nên quá xa thời điểm trẻ đi học, chỉ nên khoảng 2 – 3 tuần. Cần có sự thỏa thuận thời gian phù hợp và tránh gián đoạn hoặc khoảng cách giữa các chuyến thăm trường quá lâu sẽ khiến trẻ bị quên. - Không nên ép buộc trẻ phải chơi ngay lập tức với các đồ chơi trong trường hoặc phải xem các video của giáo viên mà để trẻ từ từ làm quen. Các video của giáo viên không quá dài, chỉ khoảng 5 – 7 phút để trẻ không bị chán và gây hại cho mắt của trẻ. - Cần kiên nhẫn rèn luyện các kĩ năng tự phục vụ cho trẻ và thống nhất cách làm giữa giáo viên và gia đình trẻ. Quan tâm động viên, khích lệ và cùng nhau kiểm tra, đánh giá những tiến bộ của trẻ và khuyến khích trẻ làm tốt hơn. 2.2.3.3. Biện pháp 3: Cùng nhau xây dựng môi trường tâm lí an toàn cho trẻ ở nhà và ở lớp học a/ Mục đích Mục đích của biện pháp này là nhằm giúp trẻ cảm thấy an toàn, yên tâm và vui vẻ hơn phải tạm xa người thân yêu của mình và đối diện với nhiều yếu tố mới lạ cùng một lúc. Từ đó, giúp trẻ dần hình thành mối quan hệ gắn bó với giáo viên và bạn bè. b/ Nội dung Gia đình thực hiện các hoạt động đã được thống nhất với giáo viên như đưa đón trẻ trực tiếp và đúng giờ, thông báo cho trẻ về thời gian đón trẻ cũng như thường xuyên nói chuyện cùng trẻ, vỗ về trẻ mỗi khi trẻ đi học để trẻ được bù đắp sự thiếu hụt khi không có cha mẹ bên cạnh trong thời gian cả ngày ở lớp. 186
  8. Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non Giáo viên giúp trẻ trở nên tích cực hơn thông qua việc lên kế hoạch tổ chức các hoạt động để trẻ trút bỏ các cảm xúc tiêu cực. Giáo viên nhận diện các cảm xúc này và suy nghĩ thời điểm và cách thức tác động phù hợp với từng trẻ và từng tình huống cụ thể. Đồng thời, để giúp cha mẹ trẻ thích ứng với sự chia cách, giáo viên có những hoạt động hỗ trợ cha mẹ trẻ như trò chuyện, khảo sát ý kiến, cung cấp các thông tin cần thiết về trẻ cho cha mẹ. Gia đình trẻ và giáo viên thường xuyên trao đổi với nhau về biểu hiện của trẻ khi ở lớp và khi về nhà cũng như chia sẻ về cảm xúc và khó khăn mà họ gặp phải. c/ Cách tiến hành - Về phía trường mầm non: Hoạt động 1: Giáo viên hỗ trợ thúc đẩy cảm xúc tích cực và ổn định hơn ở trẻ Bước 1: Giáo viên nhận diện các cảm xúc thường gặp của trẻ khi lần đầu đi học ở trường mầm non Giáo viên cần bình tĩnh khi đối diện với những phản ứng đa dạng của trẻ như níu bám lấy cha mẹ, khóc, ăn vạ dưới sàn, ôm khư khư balo hay dép, ngồi thẫn thờ một mình hoặc ban đầu vui vẻ vào lớp và khám phá đồ chơi mới nhưng khi không thấy cha mẹ thì sợ hãi và gào khóc đòi về… Một số cảm xúc chính mà trẻ sẽ gặp phải khi chuyển tiếp từ nhà đến trường mầm non bao gồm: buồn, sợ hãi, phẫn nộ/tức giận, ghen tị… Bước 2: Lựa chọn một số hoạt động giúp trẻ giải tỏa các cảm xúc tiêu cực. Cụ thể: + Với các cảm xúc buồn: Khi phải chia cách với cha mẹ, trẻ phải trải qua cảm giác mất mát và buồn chán. Trẻ có thể òa khóc khi bị cha mẹ bỏ lại lớp học với cô giáo ở trường mầm non. Nhiều trẻ khóc lóc kéo dài hoặc không khóc nhưng tỏ ra buồn bã, không muốn tham gia bất cứ tương tác nào với giáo viên hay bạn bè. Giáo viên không nên quá nóng vội mà cần hiểu rằng cảm giác này là không tránh khỏi với trẻ lần đầu đi học. Khóc có thể là một cách để giải tỏa căng thẳng. Vượt qua cảm xúc tiêu cực này cũng phụ thuộc rất lớn vào trẻ. Giáo viên giúp đỡ trẻ thoát khỏi cảm giác buồn bã này theo một số cách sau: (1) Dùng từ ngữ để miêu tả cảm xúc thực của trẻ lúc đó và hỏi tại sao trẻ buồn, chẳng hạn như: “Con đang cảm thấy buồn vì con đang mong chờ được bố mẹ đến đón về phải không?”; (2) Giúp đỡ trẻ bằng hành động thực tiễn, chẳng hạn như cho trẻ chơi với đồ chơi yêu thích của trẻ, nghe và vận động theo bài hát yêu thích, chơi các trò chơi vui nhộn... (3) Chú ý nhiều hơn tới trẻ như hỏi trẻ có cần giúp đỡ không hay thường xuyên gọi tên trẻ trong các hoạt động, gần gũi động viên trẻ khi thấy trẻ chỉ ngồi một mình... + Với cảm xúc sợ hãi: Giáo viên cho trẻ biết được cô sẽ luôn ở bên cạnh trẻ và bảo vệ chúng. Giáo viên cũng nên trao đổi với cha mẹ trẻ để tìm hiểu những thứ khiến cho trẻ sợ hãi khác như tiếng ồn, con vật ... để tránh cho trẻ cùng lúc đối diện nhiều tác nhân gây thêm sự sợ hãi cho trẻ. Giáo viên nhận diện các dấu hiệu sợ hãi của trẻ, không được bỏ qua trẻ vì trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Vì thế, giáo viên có thể cố gắng an ủi trẻ, ôm và âu yếm trẻ. Đọc các câu chuyện hoặc đưa trẻ vào một hoạt động yên tĩnh với cô. Một số trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi vẽ tranh. Trẻ càng nhỏ thì thời gian thích ứng càng phải từ từ. + Với các cảm xúc phẫn nộ/tức giận: Đây là một cảm xúc thường thấy ở trẻ khi cảm thấy bị bỏ lại ở một nơi xa lạ. Nếu trẻ thể hiện hành vi hung hăng hay bạo lực, cần đưa trẻ cho một người lớn khác để giúp đỡ. Giáo viên giúp trẻ bằng cách: Nói chuyện với trẻ một cách nhẹ nhàng và kiên quyết với trẻ; Đưa trẻ ra khỏi tình huống nếu cần thiết để bảo vệ các trẻ khác; Nói về cảm xúc hiện tại của trẻ; Đánh lạc hướng trẻ bằng một hoạt động khác. Một số gợi ý các hoạt động để trẻ thoát khỏi cảm xúc này bao gồm: Các hoạt động với bột, đất sét và các vật liệu mềm dẻo khác; Các hoạt động với cát, bút màu; Chơi trống và các dụng cụ gõ; Đọc sách hoặc tạo ra các câu chuyện về trẻ đang lo sợ hoặc phẫn nộ có thể giúp trẻ cảm thấy mình không cô đơn; Các trò chơi với thao tác vai ở góc gia đình… 187
  9. Trần Thị Kim Liên + Với các cảm xúc ghen tị: Ghen tị thường là dấu hiệu của sự bất an và trẻ em khi bất an có thể sẽ sợ hãi vì không còn được yêu quý nữa. Trẻ nhỏ khi đi học lần đầu có thể sẽ ghen tị với anh chị em trong gia đình vì cảm thấy bị bỏ rơi tại trường học hoặc ghen tị với các bạn khác vì được cô giáo quan tâm hơn. Giáo viên có thể giúp đỡ trẻ này bằng cách chú ý nhiều hơn tới trẻ và thêm sự quan tâm tới chúng. Người lớn không nên tức giận hoặc từ chối trẻ bởi lẽ điều này có thể làm cho trẻ cảm thấy mình bị từ chối nhiều hơn. Hoạt động 2: Giáo viên đồng cảm và động viên cha mẹ khi phải chia cách với trẻ Giáo viên lắng nghe cảm xúc của cha mẹ, trấn an cha mẹ rằng trẻ luôn cần họ, và nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của cha mẹ đối với trẻ. Giáo viên có thể cho cha mẹ tham gia vào các hoạt động bằng nhiều cách, kể cả khi trẻ chưa chính thức đi học. Giáo viên giúp cha mẹ cảm thấy rằng họ có thể biết tình hình của con cái họ bất cứ lúc nào thông qua việc hỏi thăm hoặc gửi những điều băn khoăn của họ cho giáo viên. Giáo viên chủ động liên hệ với từng gia đình trẻ ít nhất trong một vài ngày đầu trẻ đi học để lắng nghe ý kiến của gia đình về việc đi học của con họ. Giáo viên dành một khoảng thời gian nói chuyện với cha mẹ vào cuối những ngày đầu tiên trẻ đi học. Chia sẻ thông tin một ngày của trẻ với cha mẹ sẽ giúp họ xua tan được rất nhiều những băn khoăn, lo lắng khi không biết chuyện gì đang xảy ra với con của mình. Giáo viên báo cáo một cách trung thực những biểu hiện của trẻ trong ngày. Giáo viên chia sẻ thông tin liên quan đến nhu cầu thực tế và có ý nghĩa với cha mẹ như trẻ có khóc nhiều không, ăn, ngủ như thế nào... Giáo viên có thể giới thiệu một số người bạn mà trẻ đã làm quen được trong ngày. Với trẻ nhỏ lần đầu đi học, giáo viên có thể có một cuốn sổ ghi chép các thông tin chia sẻ hằng ngày. Giáo viên có thể lập các khảo sát các ý kiến của cha mẹ trước khi trẻ đến trường cho đến khi trẻ thích ứng với trường mầm non để cập nhật được tình hình của trẻ một cách thường xuyên, liên tục và đầy đủ. - Về phía gia đình: Cha mẹ cho trẻ đến trường và đón trẻ về nhà đúng giờ. Vào những ngày đầu tiên trẻ đi học, cha mẹ có thể đến đón sớm hơn một chút. Bởi vì với trẻ nhỏ, nhất là khi đến trường lần đầu tiên, trẻ sẽ dễ dàng bị căng thẳng và cảm thấy bị bỏ rơi nếu cha mẹ không đến đón trẻ cùng với các cha mẹ khác hoặc vào thời gian đã hẹn. Tương tự như vậy, nếu cha mẹ luôn luôn cho trẻ đi học muộn, trẻ sẽ hình thành thói quen không tốt. Cha mẹ luôn thể hiện thái độ vui vẻ và tích cực trong những lần đưa và đón trẻ về để trẻ an tâm hơn và tự tin với trải nghiệm mới. Cha mẹ trẻ sắp xếp đưa và đón trẻ trực tiếp, giao trẻ tận tay cho cô giáo của trẻ và thông báo thời gian quay trở lại đón trẻ với cô giáo và với trẻ. Ví dụ: Mẹ sẽ đón con lúc 4 giờ/buổi chiều nhé. Nếu như có sự thay đổi nào, cha mẹ cần phải gọi điện báo trước với giáo viên. Tránh rời đi khi trẻ không để ý vì điều này sẽ khiến trẻ lo lắng, bất an hơn và việc tách khỏi trẻ trong những lần sau sẽ trở nên khó khăn hơn. Cha mẹ thường xuyên trao đổi với cô giáo về các biểu hiện của trẻ như về cảm xúc, việc tương tác với mọi người, các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh như thế nào khi ở nhà. Đồng thời, cha mẹ duy trì tương tác và giao tiếp với trẻ thông qua các hoạt động như chơi tìm vật biến mất, câu đố, vẽ tranh, đọc sách, chơi ngoài trời… Cha mẹ giao tiếp với trẻ nhiều hơn, không nên hỏi quá nhiều về cô giáo hay bạn bè vì có thể trẻ chưa quen, có thể bắt đầu hỏi trẻ về đồ chơi trẻ thích ở lớp. d/ Điều kiện thực hiện - Cha mẹ cần hiểu rõ ý nghĩa các thông tin mà giáo viên chia sẻ về con mình; tôn trọng và luôn lắng nghe giáo viên; đưa ra các ý kiến phản hồi lại với giáo viên khi cần thiết. - Giáo viên cần nhận diện được các cảm xúc của trẻ, hiểu trẻ để có những hỗ trợ kịp thời và phù hợp với đặc điểm của trẻ. Đặc biệt đối với những trẻ không thể hiện những cảm xúc tiêu cực một cách mạnh mẽ, quyết liệt giáo viên vẫn cần quan tâm và giúp trẻ giải tỏa những căng thẳng. 188
  10. Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non - Giáo viên cần đưa ra các thông tin đúng lúc, đúng thời điểm; phù hợp với hoàn cảnh của cha mẹ trẻ; nắm vững thông tin cần truyền tải đến cha mẹ, nên có dẫn chứng cụ thể để cha mẹ hiểu được; hiểu rõ cha mẹ cần biết các thông tin gì là chủ yếu; thông tin đưa ra ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; lựa chọn sử dụng các phương tiện chia sẻ phù hợp với hoàn cảnh của cha mẹ. 2.2.3.4. Biện pháp 4: Hợp tác tổ chức các hoạt động phù hợp với trẻ a/ Mục đích Trẻ thích ứng với trường mầm non không chỉ thể hiện ở việc đến lớp không còn khóc nữa hay bắt đầu làm quen với cô giáo và bạn bè mà còn thể hiện ở việc trẻ có thực sự hòa mình vào các hoạt động ở trường mầm non hay chưa. Biện pháp này giúp thúc đẩy trẻ chủ động tham gia vào các hoạt động, tập trung, hứng thú, tự tin và hoàn thành các sản phẩm hoạt động của mình. Các hoạt động được lặp lại ở gia đình và trường mầm non là một cách làm giúp trẻ cảm thấy sự tiếp nối liên tục và có sự quen thuộc giữa hai môi trường. Mặt khác, sự tham gia của cha mẹ với trẻ cũng giúp gắn kết và an ủi trẻ sau thời gian cả ngày ở trường. b/ Nội dung Trên cơ sở các thông tin được trao đổi từ gia đình về các hoạt động yêu thích của trẻ khi ở nhà, giáo viên lựa chọn và tổ chức các hoạt động với đồ vật phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Khi trẻ say mê tham gia hoạt động, trẻ lại càng mong muốn được đến trường khám phá thêm những điều mới lạ. Cha mẹ dựa trên các hoạt động trên lớp của trẻ được giáo viên cung cấp để lựa chọn các hoạt động mà trẻ yêu thích và cùng trẻ thực hiện tại gia đình như đọc thơ, truyện, hát, vẽ, xếp hình… c/ Cách tiến hành - Về phía trường mầm non: Bước 1: Tìm hiểu thông tin về các hoạt động yêu thích của trẻ tại gia đình Giáo viên tham khảo ý kiến của cha mẹ trẻ về các hoạt động yêu thích của trẻ ở nhà. Chẳng hạn trẻ yêu thích đồ dùng, đồ chơi nào, chơi có tập trung và hứng thú hay không, chơi một mình hay chơi với người lớn, anh chị… Bước 2: Tổ chức các hoạt động phù hợp với trẻ Giáo viên lựa chọn các hoạt động với đồ vật căn cứ vào Chương trình Giáo dục mầm non và dựa trên thông tin từ cha mẹ để dần mở rộng và phát triển các hoạt động với đồ vật hấp dẫn, phong phú, phù hợp với độ tuổi và hứng thú của trẻ. Chẳng hạn, ở nhà trẻ thích vẽ tranh với bút màu, giáo viên nên bắt đầu hoạt động đầu tiên cùng trẻ là vẽ tranh với các đối tượng và màu sắc trẻ yêu thích. Hoặc ở nhà trẻ thích chơi ô tô thì giáo viên cùng trẻ chơi các trò chơi với ô tô, đọc cho trẻ nghe các câu chuyện liên quan… Nhiều trẻ trong giai đoạn này thường gắn bó với một vài đồ vật nhất định. Trẻ có thể cảm thấy an toàn khi có những vật dụng quen thuộc ở nhà được mang đến lớp. Nó giúp tạo ra sự kết nối với gia đình và cha mẹ trẻ và có thể giúp trẻ có cảm giác yên tâm, dễ chịu và dễ ngủ hơn. Đó có thể là con búp bê, gấu bông; cái chăn nhỏ, cái khăn tay… Giáo viên có thể dựa vào các đồ vật quen thuộc này của trẻ để tổ chức hoạt động để trẻ làm quen dần. Sau đó, giáo viên giúp trẻ khám phá dần các đồ vật khác, hấp dẫn và thú vị hơn, kích thích phát triển các giác quan cho trẻ. Chẳng hạn như các hoạt động với bóng, bột, đất nặn, giấy báo, nước, lá cây, đọc sách, các trò chơi với ngón tay, … Trẻ sẽ tích cực hoạt động hơn khi có được sự động viên, khen ngợi và cổ vũ từ giáo viên và bạn bè. Giáo viên có thể sắp xếp các hoạt động theo các nhóm giống các góc chơi của trẻ như góc gia đình, góc tạo hình, góc lắp ghép, góc xâu hạt, góc vận động với vòng, bóng… để đảm bảo rằng mọi trẻ đều có thể tìm thấy một hoạt động phù hợp nào đó. Tổ chức đa dạng các trò chơi như trò chơi nhận biết – phân biệt các đặc điểm của đồ vật (màu sắc, hình dạng, kích thước…), các trò chơi với các nguyên vật liệu tự nhiên, phát triển các giác quan, các trò chơi vận động. 189
  11. Trần Thị Kim Liên - Về phía gia đình: Bước 1: Tham khảo thông tin các hoạt động của trẻ trên lớp Cha mẹ trao đổi với giáo viên các hoạt động của trẻ trên lớp, đặc biệt là các hoạt động mà trẻ tỏ ra yêu thích. Cha mẹ có thể tham khảo hướng dẫn từ giáo viên của trẻ, đặc biệt là với các hoạt động mà cha mẹ không biết cách thực hiện. Bước 2: Cha mẹ cùng chơi và luyện tập với trẻ các hoạt động ở nhà Cha mẹ dành thời gian luyện tập các hoạt động này trong khoảng thời gian đón trẻ từ trường về nhà hoặc vào buổi tối cùng các thành viên khác trong gia đình. Chẳng hạn, cha mẹ cùng trẻ vừa đi về vừa hát hoặc đọc bài thơ mà giáo viên đã dạy trẻ; cùng chơi các trò chơi mà trẻ được chơi ở trên lớp; kể câu chuyện cho trẻ nghe lại trước giờ đi ngủ… d/ Điều kiện thực hiện - Cha mẹ cần trao đổi thường xuyên với giáo viên để nắm được các nội dung hoạt động của trẻ trên lớp. Khuyến khích trẻ thể hiện, biểu diễn cho cả nhà cùng xem để trẻ tự tin hơn, hào hứng hơn khi đến trường vào hôm sau. Không nên ép buộc trẻ thực hiện lại các hoạt động mà trẻ không thích khi ở trên lớp. - Đối với các vật quen thuộc mà trẻ muốn mang tới lớp, giáo viên nên từ chối các vật dụng không phù hợp và khiến cho trẻ bị phụ thuộc vào chúng. Nếu trẻ nhất quyết muốn mang vào lớp, giáo viên có thể hứa sẽ giữ chúng an toàn và trả lại trẻ vào cuối ngày. - Giáo viên cần trao đổi với cha mẹ để biết được sở thích hoạt động của trẻ ở nhà. Duy trì và kết hợp các hoạt động cũ trong kế hoạch để đảm bảo tính liên tục cho trẻ. - Các đồ dùng, đồ chơi được sắp xếp theo hướng mở để trẻ hứng thú, kích thích trí tò mò của trẻ. 2.2.3.5. Biện pháp 5: Tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các mối quan hệ với người lớn và bạn bè a/ Mục đích Một trong những biểu hiện trẻ thích ứng với trường mầm non chính là khả năng thiết lập các mối quan hệ với người lớn và bạn bè của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái để khám phá môi trường mới. Giáo viên còn là cầu nối để trẻ thiết lập các mối quan hệ khác, mở rộng hơn các mối quan hệ, học cách chia sẻ, tương tác với bạn bè. b/ Nội dung Giáo viên và cha mẹ tôn trọng tốc độ thích ứng của mỗi trẻ, hỗ trợ trẻ làm quen với những người lớn khác và bạn bè theo tốc độ của riêng trẻ. Trên cơ sở những hiểu biết về trẻ, người lớn dần giúp trẻ hòa mình vào các mối quan hệ, chủ động thiết lập thay vì cần sự hỗ trợ hay thụ động tiếp nhận sự tương tác của người khác. c/ Cách tiến hành - Về phía trường mầm non: Hoạt động 1: Thiết lập mối quan hệ với người lớn Bước 1: Tìm hiểu về trải nghiệm của trẻ với người lớn thông qua trao đổi với gia đình trẻ trước khi trẻ đến trường: Giáo viên có thể thông qua trao đổi với cha mẹ trẻ để biết được kinh nghiệm của trẻ trong mối quan hệ với những người lớn khác. Chẳng hạn, trẻ có mối quan hệ như thế nào với những người lớn khác trong gia đình như ông bà, cô bác, người giúp việc; trẻ có trải nghiệm xa cách với cha mẹ chưa; phản ứng của trẻ như thế nào; … Bước 2: Chủ động tương tác với trẻ để thiết lập mối quan hệ gắn bó Giáo viên dựa trên những cơ sở hiểu biết ban đầu về trẻ và qua sự nhạy cảm của mình để dự đoán các phản ứng có thể xảy ra ở trẻ. Thu hút trẻ tham gia vào các tương tác ấm áp, thân thiện và tích cực. Sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể để đáp lại những tín hiệu giao tiếp của trẻ. Chẳng hạn như nhìn trẻ, thủ thỉ, mỉm cười, vẫy tay chào khi bắt đầu làm quen. Hằng 190
  12. Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non ngày, giáo viên đón trẻ bằng nụ cười tươi, ôm trẻ hoặc đập tay vui vẻ vào mỗi buổi sáng. Với những hành động lặp lại nhiều lần, giáo viên quan sát cách trẻ phản ứng để tiếp tục điều chỉnh. Tuy vậy, mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt với những đặc điểm và sự phát triển với tốc độ riêng. Vì thế, mỗi trẻ cũng sẽ có những phản ứng khác nhau khi thiết lập các mối quan hệ mới ngoài gia đình. Giáo viên cần tôn trọng sự khác biệt này của mỗi trẻ, không nên cố gắng yêu cầu trẻ nhanh chóng quen với lớp học; tôn trọng không gian riêng của trẻ. Nếu trẻ muốn đọc câu chuyện một mình, chơi xếp hình một mình, giáo viên có thể ngồi cạnh trẻ hoặc quan sát trẻ ở một khoảng cách nhất định để luôn đảm bảo an toàn cho trẻ. Trẻ cũng cần thời gian để làm quen với giọng nói, cử chỉ, âm thanh của giáo viên và ngược lại, giáo viên cũng cần thời gian để thích ứng với ngôn ngữ của trẻ. Một số trẻ có thể tỏ ra thích thú trong một số ngày đầu khi đi học nhưng sau đó lại phản ứng ngược lại, nhất quyết đòi không đi học nữa. Giáo viên cần quan tâm tới trẻ hơn, hỏi trẻ về cảm xúc của trẻ và giúp đỡ trẻ thiết lập các mối quan hệ mới. Luôn khen ngợi trẻ và cho trẻ biết rằng giáo viên luôn quan tâm đến trẻ và sẵn sàng giúp đỡ trẻ. Bước 3: Tăng cường cho trẻ tiếp xúc với những người lớn khác Thông thường, trẻ sẽ chỉ thiết lập được quan hệ với một giáo viên – người mà trẻ gặp lần đầu tiên khi đến lớp. Vì thế, giáo viên quan tâm tới việc thay đổi vai trò của các giáo viên trong lớp học để trẻ không phụ thuộc vào một giáo viên nào đó. Dần mở rộng các mối quan hệ của trẻ với các giáo viên khác, với các nhân viên trong trường hoặc cha mẹ của các trẻ khác. Khen ngợi trẻ để trẻ cố gắng hòa mình trong các mối quan hệ mới. Hoạt động 2: Thiết lập mối quan hệ với bạn bè Bước 1: Tìm hiểu về trải nghiệm của trẻ với bạn bè thông qua trao đổi với gia đình trẻ trước khi trẻ đến trường Giáo viên tìm hiểu trải nghiệm tương tác với bạn bè của mỗi trẻ để có những định hướng ban đầu cho việc hỗ trợ thiết lập mối quan hệ mới. Những thông tin giáo viên có thể thu thập được qua trao đổi với cha mẹ như: trẻ là con một hay con thứ; trẻ có hay chơi với anh/chị hoặc bạn bè nào không; trẻ thường chơi với các bạn như thế nào? … Bước 2: Tạo cơ hội cho trẻ tham gia cùng nhóm chơi với các bạn Giáo viên khuyến khích trẻ tham gia vào các nhóm chơi ở trong trường, lớp mầm non. Ở độ tuổi này, tuy trẻ chủ yếu vẫn chơi một mình và chơi cạnh bạn nhưng trẻ cũng bắt đầu bộc lộ những tương tác như chia sẻ đồ chơi, thức ăn với bạn bè, dỗ dành bạn… Giáo viên có thể cho trẻ ngồi chơi cùng với nhóm trẻ có nhu cầu, hứng thú với những đồ chơi giống nhau. Đặc biệt, với trẻ 30 – 36 tháng tuổi lần đầu đi học ở trường mầm non, giáo viên động viên trẻ tham gia vào các hoạt động cùng các bạn như trong các trò chơi mô phỏng, phản ánh sinh hoạt hằng ngày. Giáo viên chú ý tới kinh nghiệm của trẻ khi ở nhà để có những hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, với trẻ ở nhà chủ yếu chơi một mình với cha mẹ, giáo viên cần quan sát và dành cho trẻ nhiều thời gian hơn để thiết lập mối quan hệ với các bạn khác. - Về phía gia đình: Cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ thiết lập mối quan hệ với người lớn và bạn bè bằng các bước sau: Bước 1: Mở rộng mối quan hệ cho trẻ từ chính các thành viên trong gia đình trẻ Mối quan hệ xã hội đầu tiên của trẻ được thiết lập trong môi trường gia đình. Trẻ sẽ học các hành vi xã hội từ các thành viên trong gia đình và từ người chăm sóc chính của trẻ. Cha mẹ quan sát và kịp thời nhận ra những nhu cầu mới của trẻ như muốn được ra ngoài chơi, muốn được nói chuyện nhiều hơn… Cha mẹ và những người thân trong gia đình cũng thường xuyên thay phiên nhau hỗ trợ và giao tiếp với trẻ trong các hoạt động trong gia đình, nhất là với các trẻ quá lệ thuộc vào mẹ. Tạo cơ hội cho trẻ tương tác với các thành viên khác trong gia đình bằng nhiều hình thức như tương tác trực tiếp, gián tiếp qua các cuộc gọi điện thoại… Cha mẹ rút dần thời gian ở bên trẻ để giúp trẻ độc lập và tự tin hơn trong mối quan hệ với những người thân 191
  13. Trần Thị Kim Liên trong gia đình. Bước 2: Mở rộng mối quan hệ cho trẻ với người lớn và bạn bè mới ở trường mầm non Khi trẻ đã có trải nghiệm trong các mối quan hệ với những người thân trong gia đình, cha mẹ tiếp tục duy trì việc tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm các mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn. Cho trẻ gặp gỡ các bạn bè mà trẻ thân thiết ở lớp để trẻ dần gắn bó hơn với lớp học. Cha mẹ có thể dành thời gian cho trẻ chơi thêm cùng giáo viên, bạn bè và các cha mẹ khác vào mỗi buổi chiều khi đón trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ sớm thiết lập được các mối quan hệ gắn bó mới, cảm thấy an toàn và hòa nhập trong các mối quan hệ này. d/ Điều kiện thực hiện - Giáo viên cần dựa vào đặc điểm gắn bó của trẻ với người chăm sóc chính của trẻ ở gia đình để có thể có những cách tiếp cận với trẻ phù hợp. - Thể hiện sự tôn trọng và kiên nhẫn cho tới khi trẻ thiết lập được mối quan hệ gắn bó ở trường mầm non. 3. Kết luận Mỗi biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non cần phải được cả gia đình và trường mầm non phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, các biện pháp này được thực hiện từ gia đình trước khi trẻ chính thức đến trường cho tới khi trẻ hoàn toàn thích ứng với trường mầm non. Mặc dù các biện pháp được trình bày riêng biệt nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Biện pháp thống nhất kế hoạch chuẩn bị cho trẻ đến trường giữa trường mầm non và gia đình đóng vai trò chính, chi phối các biện pháp còn lại. Khi gia đình và trường mầm non có sự làm quen và thỏa thuận để đồng nhất kế hoạch chuẩn bị cho trẻ từ trước khi trẻ chính thức đến trường thì việc thực hiện các biện pháp còn lại sẽ trở nên thuận lợi hơn. Trong đó, cha mẹ và giáo viên thường xuyên chia sẻ, trao đổi và điều chỉnh các tác động để hỗ trợ trẻ một cách phù hợp tùy theo đặc điểm riêng của mỗi trẻ và văn hóa của mỗi gia đình. Trường mầm non đóng vai trò chủ đạo trong quá trình chuẩn bị cho trẻ và phối hợp với gia đình thực hiện các biện pháp. Các biện pháp cần tiếp tục được duy trì và thực hiện liên tục giúp trẻ hòa nhập sâu hơn với môi trường mới, hướng tới sự phát triển ổn định cho trẻ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] UNICEF, 2009. Cẩm nang trường học thân thiện. [2] Grolnick, W. S., & Raftery-Helmer, J. N., 2015. Core components of family - school connections: Toward a model of need satisfying partnerships. In Foundational aspects of family-school partnership research (pp. 15-34). Springer, Cham. [3] Glicksman, K., & Hills, T. W., 1981. Easing the Child's Transition Between Home, Child Care Center, and School: A Guide for Early Childhood Educators. New Jersey State Department of Education. [4] Pianta, R., Cox, M., Taylor, L., & Early, D., 1999. Kindergarten teachers’ practices related to the transition to school: Results of a national survey. The Elementary School Journal, 100(1), 71-86 [5] Rimm-Kaufman, S. E., Pianta, R. C., & Cox, M. J., 2000. Teachers’ judgments of problems in the transition to kindergarten. Early childhood research quarterly, 15(2), 147-166. [6] La Paro, K. M., Kraft-Sayre, M., & Pianta, R. C., 2003. Preschool to kindergarten transition activities: Involvement and satisfaction of families and teachers. Journal of Research in Childhood Education, 17(2), 147-158. 192
  14. Biện pháp chuẩn bị cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi thích ứng với trường mầm non [7] Rathbun, A. H., & Hausken, E. G., 2001. How Are Transition-to-Kindergarten Activities Associated with Parent Involvement during Kindergarten? [8] Nguyễn Thị Như Mai. Thực trạng chuẩn bị tâm lí cho trẻ đến trường mầm non – Nhìn từ phía giáo viên mầm non. Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 12/2017, tr5-8. [9] Early, D. M., Pianta, R. C., Taylor, L. C., & Cox, M. J., 2001. Transition practices: Findings from a national survey of kindergarten teachers. Early Childhood Education Journal, 28(3), 199-206. [10] Pianta, R., Cox, M., Taylor, L., & Early, D., 1999. Kindergarten teachers’ practices related to the transition to school: Results of a national survey. The Elementary School Journal, 100(1), 71-86 [11] Daniel, J. E., 1993. Infants to Toddlers: Qualities of Effective Transitions. Young Children, 48(6), 16-21. [12] Rathbun, A. H., & Hausken, E. G., 2001. How Are Transition-to-Kindergarten Activities Associated with Parent Involvement during Kindergarten? [13] Triebenbacher, S. L., 1997. Children's use of transitional objects: Parental attitudes and perceptions. Child psychiatry and human development, 27(4), 221-230. [14] Simonsson, M., 2015. The role of artifacts during transition into the peer group: 1-to 3- year-old children’s perspective on transition between the home and the preschool in Sweden. International Journal of Transitions in Childhood, 8, 14-24. [15] Sven Thyssen, 2000. The Child's Start in Day Care Centre. Early Child Development and Care, 161:1, 33-46, DOI: 10.1080/0030443001610103 [16] Mai Thị Cẩm Nhung, 2016. Hình thức tổ chức “lớp học gia đình” ở trường mầm non cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt, tháng 11. [17] Trần Thị Kim Liên, 2019. Thực trạng nhận thức của giáo viên về chuẩn bị cho trẻ đến trường mầm non. Tạp chí khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 64, tr. 32 - 41. [18] Trần Thị Kim Liên, 2020. Thực trạng hợp tác giữa giáo viên với cha mẹ trong giai đoạn chuyển tiếp từ nhà đến trường mầm non. Tạp chí khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 65, tr. 193 - 201. ABSTRACT Way to prepare for 24-36-month-old children’s adaptation to kindergarten Tran Thi Kim Lien Faculty of Early Childhood Education – Hanoi National University of Education Going to kindergarten for the first time is a significant turning point for children. Therefore, it is necessary to have appropriate preparations to help children establish balance and integrate into kindergarten. Proposing measures to prepare for 24-36-month-old children’s adaptation to kindergarten include: Agree on a plan to prepare for the children between kindergarten and family; Coordinate to organize for children to get acquainted with kindergarten; Working together to create a safe psychological environment for children both at kindergarten and at home; Cooperate in organizing activities suitable for children; Provide opportunities for children to engage in relationships with adults and peers. Five measures include families’ and kindergartens’ preparation both before and when children go to school. Keywords: adaptation to kindergarten, preparing measure, 24-36-month-old children. 193
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2